The Coffee House và ước mơ của ông chủ trẻ
Năm 2018, Nguyễn Hải Ninh mới 31 tuổi nhưng đã đồng sở hữu một tài sản khá hấp dẫn: hơn 80 cửa hàng mang thương hiệu The Coffee House (tên đầy đủ là công ty trà cà phê Việt Nam) sau hơn 3 năm khởi sự mô hình này.
Tháng 1/2018, The Coffee House chính thức mua lại 33ha cà phê cùng với xưởng chế biến và kho trữ lạnh của Cầu Đất Farm. Ninh nói rằng, đây là bước khởi sự của hành trình mới “Từ trang trại đến ly cà phê”.
Hiện thời, chức danh của Ninh tại The Coffee House là giám đốc điều hành. Nói chuyện với Thế Giới Tiếp Thị, Ninh thú nhận: “Ban đầu không hiểu nhiều, biết nhiều về cà phê vì tôi không phải là “dân cà phê” nhưng khi đầu tư và điều hành hệ thống The Coffee House, có thêm chút hiểu biết về cà phê Việt Nam, tôi càng hứng thú với loài cây đặc biệt này. Nói thì có vẻ quá lời nhưng thật lòng là muốn làm nhiều hơn cho cà phê Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn với thị trường thế giới”.
Gần ba năm trước, với chút tham vọng bán cho khách hàng những ly cà phê “sạch – nguyên chất”, The Coffee House cùng với đối tác là Cầu Đất Farm hỗ trợ các nông hộ vùng Cầu Đất (Đà Lạt) kỹ thuật canh tác với lời cam kết thu mua cà phê nguyên liệu với mức giá cao hơn 10 – 20% thị trường. “Nhờ vậy mà nông dân yên tâm để sản xuất những hạt cà phê sạch. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm kiếm nguồn hàng từ những nhà thu mua có tên tuổi và uy tín ở Buôn Ma Thuột. Nhưng quả thật, chưa yên tâm lắm về chất lượng của ly cà phê nếu như chưa làm chủ hạt cà phê”, Ninh tâm sự. Theo lời ông chủ trẻ này, hiện The Coffee House đã có mặt tại nhiều đô thị lớn, ngoài Sài Gòn, còn có mặt tại Hà Nội và Đà Nẵng. Hiện tỷ lệ khách uống cà phê tại chuỗi này ước chừng 40%.
Tháng 1/2018, The Coffee House chính thức mua lại 33ha cà phê cùng với xưởng chế biến và kho trữ lạnh của Cầu Đất Farm. Ninh nói rằng, đây là bước khởi sự của hành trình mới “Từ trang trại đến ly cà phê”. Năm 2018, với quy mô mở thêm 80 cửa hàng, The Coffee House sẽ tiêu thụ 300 tấn cà phê nhân. Như vậy, với trang trại 33ha cà phê có sản lượng dự tính ước chừng 150 – 180 tấn nhân/năm, phần thiếu hụt còn lại, theo lời Ninh, tiếp tục hợp tác với các nông hộ để đáp ứng nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn. Nói về trang trại cà phê mới, ông Ninh cho biết, trong năm 2018, The Coffee House sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất tại trang trại này với những nguyên tắc nghiêm ngặt trong canh tác và sơ chế: chăm sóc theo quy trình sản xuất sạch, hái bằng tay với tỷ lệ trái chín trên 95%, sơ chế “sạch và ngay” sau khi hái…
Chưa tính đến việc mở thêm quy mô trang trại, với trang trại tại Cầu Đất không chỉ tự lo nguyên liệu mà The Coffee House còn sử dụng vào những mục đích khác: sản xuất theo quy trình hiện đại để nâng cao giá trị hạt cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam, bảo tồn giống Typica, Yellow Catuai cổ của địa phương, các giống cà phê nhập khẩu từ Costa Rica, thử nghiệm các phương pháp sơ chế từ các quốc gia cà phê nổi tiếng trên thế giới.
Nhưng giấc mơ của Ninh và The Coffee House không dừng lại ở thị trường nội địa. Ninh nói: “Về sản lượng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng hàng nhất nhì trên thế giới nhưng khi nói đến cà phê chất lượng cao, khách hàng thế giới chỉ nghĩ đến Kenya, Ethiopia… Hiếm nghe ai nhắc đến tên Việt Nam”.
Mục tiêu trong tương lai của The Coffee House là sẽ đem cà phê Việt Nam ra nước ngoài với tâm thế mới. “Chúng tôi vẫn đang tập tễnh học, thử và sai. Những việc mà The Coffee House đang làm hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng để nhiều người vững tin đầu tư vào làm hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Nhưng những việc cụ thể như mở rộng vùng liên kết, xuất khẩu bằng nhân hay bột, với tên tuổi nào…, ông Ninh nói rằng đang tính nhưng có thể đó là “bí mật” trong chiến lược kinh doanh mà ông chủ trẻ của The Coffee House chưa tiện nói vào lúc này. Bởi thị trường cà phê nội địa hay xuất khẩu đang là “chiến trường khốc liệt với máu và nước mắt”…
bài, ảnh Song Minh (theo TGTT)
Nguồn: Thegioihoinhap