Thế giới thần tiên của Hans Christian Andersen
Những người yêu những câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch H.C. Andersen giờ có thể tới bảo tàng Hans Christian Andersen ở Odense và trải nghiệm các câu chuyện trong thế giới thực.
Bước vào vũ trụ thần tiên của H.C. Anderson House tại Odense. Nguồn DW
Cô bé bán diêm, Nàng công chúa và hạt đậu, Chú lính chì dũng cảm, Nàng tiên cá: đó chỉ là một vài trong số những câu chuyện thần tiên nổi tiếng của Hans Christian Andersen. Về tổng thể, ông đã sáng tác khoảng 160 câu chuyện, được xuất bản thành tám tập từ năm 1835 đến năm 1848, và được dịch ra 120 thứ tiếng.
Nhiều câu chuyện của ông đã được chuyển thể thành kịch, phim hoặc thành các vở kịch hát, thậm chí thành phim hoạt hình như Nàng tiên cá. Những chuyện kể thần tiên của Andersen ngày nay đã trở thành một phần của văn học thế giới.
Nhà văn Andersen. Nguồn DW
Andersen đã lấy cảm hứng từ các chuyện cổ tích và thần thoại Scandinavia, Đức, Hy Lạp, từ thời cổ xưa đến Trung cổ. Những câu chuyện ngụ ngôn, những chuyện tình cờ có thật và cả những hiện tượng tự nhiên đã kích hoạt trí tưởng tượng của ông. Bằng nghệ thuật bậc thầy, ông đã hòa trộn những chất liệu khác nhau và những tác động khác nhau để sáng tạo ra các câu chuyện thần tiên mà chúng ta biết ngày nay. Nhưng người kể chuyện sinh ra trong một căn hộ nghèo vào năm 1805 này không chỉ viết những câu chuyện hư ảo mà còn sáng tác cả thơ, kịch, tiểu thuyết, dẫn chuyện tại các buổi biểu diễn nghệ thuật… Rất ít người biết điều đó.
Andersen yêu thích du lịch, ông đi rất nhiều, hầu như toàn bộ nước Đức để thăm thú bạn bè và những người bảo trợ của mình là Friederike và Friedrich Anton Serre. Đức là nơi đem lại danh tiếng cho Andersen thậm chí trước khi người Đan Mạch biết đến tài năng của ông – ít nhất là trong thời kỳ của ông. Khi Andersen qua đời của tuổi 70 tại Copenhagen, ông đã là một nhà văn nổi tiếng ở tầm quốc tế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ông tạ tgees, ngôi nhà nơi ông chào đời đã trở thành điểm hành hương của người yêu những câu chuyện ông kể. Vào ngày 30/6/2021, một bảo tàng đã được mở ở Odense, thành phố quê hương ông: Nhà H.C. Andersen hay là “H.C. Andersen Hus” theo tiếng Đan Mạch.
Ngôi nhà nơi ông chào đời ở Odense. Nguồn DW
Mục tiêu của kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma và cộng sự của ông là không chỉ truyền đạt thông tin về Andersen mà như những gì ông đã kể, theo thông cáo báo chí. Thế giới bên ngoài bảo tàng và bên trong bảo tàng tự nó đã liên thông với nhau. Từ bên ngoài bảo tàng dưới lòng đất, nơi có một hồ nước trong lành trên nóc, du khách có thể ngắm bầu trời xanh giống như nàng tiên cá nhỏ bé từ câu chuyện cùng tên.
Được các kiến trúc sư cảnh quan thiết kế, “Khu vườn kỳ diệu” đặt trong lòng không gian thành phố Odense và được coi như một không gian công cộng của thành phố này. Những cái cây rực rỡ sắc màu, phong phú về chủng loại và ngát hương thơm tạo ra “sự đối lập giữa hài hòa và hỗn độn”. Những khu vực ngập nước với ánh sáng đan xen với những cái cây tán rộng hoặc hàng cây xanh lúp xúp được xén tỉa gọn gàng để hình thành những góc bất thình lình hiện ra trước mắt. Tại đây, cái tuyệt đẹp tồn tại cạnh cái kỳ lạ – giống như cảnh tượng trong những câu chuyện thần tiên của Andersen.
12 nghệ sĩ quốc tế đã tạo ra những công trình nội thất dành riêng cho bảo tàng. Tác giả Đan Mạch Kum Fupz Aakeson và đồng nghiệp người Mĩ của cô là Daniel Handler, nghệ sĩ có biệt danh là Lemony Snicket, đã cùng sáng tạo những trải nghiệm âm thanh khác biệt trong bảo tàng, nhà soạn nhạc Louise Alenius đã diễn dịch nội dung các câu chuyện thành âm nhạc, Chim họa mi, Nữ hoàng tuyết, Chú vịt xấu xí, và Nàng tiên cá.
Được truyền cảm hứng từ con chim én trong câu chuyện Cô bé tí hon, Veronica Hodges đã tạo ra một tác phẩm sắp đặt bằng giấy kỳ thú. Một nghệ sĩ sắp đặt khác người Brazil Henrique Oliveira đặt một cái cây sắp đặt cỡ lớn ở Odense, lấy cảm hứng từ Cái hộp kỳ diệu. Anh và đạo diễn phim ngắn Timothy David Orme đã cùng kết hợp để sáng tạo ra một cuộc chuyến phiêu lưu vào thế giới kỳ ảo của Andersen.
Bên trong bảo tàng có nhiều hình ảnh liên quan đến các câu chuyện của Andersen. Nguồn: DW
Bảo tàng này có khu vực dành riêng cho trẻ em, trong đó có một xưởng điêu khắc mang tên “Ville Vau”, nơi trẻ em có thể sáng tạo và tham gia vào hoạt động của xưởng. Nơi này có những mô típ từ các câu chuyện thần tiên của Hans Christian Andersen rất gần gũi với trẻ em.
Hans Christian Andersen có lẽ không bao giờ nghĩ rằng bản thân mình chỉ là một người kể chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Những chi tiết mang hàm ý châm biếm xã hội hoặc trào phúng trong các câu chuyện của ông vốn được ông chủ ý dành cho những người đọc lớn tuổi, đã được nhấn mạnh như những chi tiết kỳ ảo và thần thoại.
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://www.dw.com/en/the-fairy-tale-world-of-hans-christian-andersen/a-58109449