Thị trường năng lượng nguyên tử thế giới và tham vọng của Nga

Hiện nay, các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Nga được coi là những quốc gia dẫn đầu trên thị trường năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, kết quả điều tra do các chuyên gia độc lập tiến hành cho thấy, các hãng của Pháp và Mỹ - những hãng cung cấp dịch vụ về xây dựng các tổ hợp hạt nhân – đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn về công nghệ. Trong bối cảnh đó, khả năng cạnh tranh của các công ty Nga trên thị trường nguyên tử ngày càng được nâng cao.


EPR 1600 của Pháp lỡ hẹn

Ví dụ, hãng Areva (Pháp) đang gặp khó khăn liên quan tới những vấn đề nảy sinh khi thực hiện dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân (tức nhà máy điện nguyên tử) thế hệ thứ 3 mang tên EPR-1600 tại Phần Lan. Giới chuyên gia khoa học và các thành viên Chính phủ ở Phần Lan đều cho rằng việc hoàn thiện quá trình xây dựng lò phản ứng thế hệ 3 tại nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto (Phần Lan) do Areva đảm nhận sẽ phải chậm lại cho tới cuối năm 2012 hoặc tới đầu năm 2013. Đánh giá này dựa trên thực tế là công việc xây dựng và lắp ráp luôn bị trì hoãn và bị Trung tâm Nguyên tử và An toàn phóng xạ (SRUK) của Phần Lan chỉ trích. Trung tâm này đòi hỏi phía Pháp phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn mà Phần Lan đòi hỏi.

Theo hợp đồng trị giá 3 tỷ Euro ký kết từ năm 2005, thì sau bốn năm, Areva phải xây dựng xong lò phản ứng hạt nhân theo hình thức “chìa khóa trao tay” cho phía Phần Lan. Do tiến độ thi công không được thực hiện đúng như kế hoạch, nên bên đặt hàng bị thiệt hại khoảng 2,4 tỷ Euro, và do vậy phí tổn xây dựng lò phản ứng EPR 1600 đối với Areva có thể bị đẩy lên tới 7,1 tỷ Euro.

Tháng 11/2009, các cơ quan điều hành trong lĩnh vực an toàn nguyên tử như ASN của Pháp, STUK của Phần Lan, HSE của Vương quốc Anh đã cùng soạn thảo báo cáo trong đó nêu quan điểm của mình về độ tin cậy của lò phản ứng loại EPR.

Chẳng hạn, chuyên gia của các cơ quan nói trên đã tiến hành phân tích sự tương thích giữa hệ thống an toàn của lò phản ứng EPR với những yêu cầu đặt ra và sự phối hợp hoạt động giữa hệ thống an toàn với hệ thống điều hành. Các chuyên gia đã đi tới kết luận giống nhau rằng ngay từ đầu, cấu trúc của lò EPR đã không được thiết kế dựa trên nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa các hệ thống nói trên và giữa những hệ thống này có mối liên hệ phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới độ an toàn của lò phản ứng.

Họ đã gặp gỡ đại diện bên thi công công trình – Areva – và đại diện bên cấp giấy phép xây dựng – tổ hợp EDF, yêu cầu phải có những thay đổi cần thiết trong thiết kế. Các hãng của Pháp đã đồng ý xem xét lại thiết kế và sau đó ASN, STUK và HSE phải kiểm tra độ an toàn của lò phản ứng một lần nữa. Như vậy, thời gian để lò phản ứng đi vào hoạt động có thể sẽ kéo dài thêm. Sự cố này khiến cho cổ phiếu của Areva bị tụt giảm 5%.

Cần nhấn mạnh thêm rằng lò phản ứng hạt nhân EPR không cung cấp hệ thống an toàn kép (hệ thống an toàn cơ học phụ trợ cho hệ thống an toàn điện tử) ngay từ đầu nên hệ thống này đã không được đưa vào thiết kế. Lý do là Areva đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí xây dựng lên hàng đầu. Hãng cho rằng thiết kế hệ thống an toàn kép sẽ làm cho thiết kế thêm phức tạp và chi phí sẽ đội lên.

AP-1000 của Mỹ Vẫn nằm trên giấy

Cuối tháng 11/2009, một thanh tra viên về thiết bị nguyên tử người Anh đã đưa ra bản báo cáo chỉ trích gay gắt dự án lò phản ứng hạt nhân loại AP-1000 của Mỹ. Cơ quan giám sát nguyên tử của Trung Quốc không cấp giấy phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân loại AP-1000 cho tới khi nào những khiếm khuyết chưa được loại trừ và những đòi hỏi cho loại lò này chưa được đáp ứng. Trước đó, Ủy ban điều hành hạt nhân của Mỹ (NRC) đã yêu cầu hãng Westinghouse hoặc là thay đổi thiết kế của lớp bọc bảo vệ, hoặc phải chứng minh độ tin cậy của lớp bọc này và khả năng chống chọi của lớp bọc trước hiện tượng thiên tai như bão, lốc xoáy.

Cho tới nay, loại lò phản ứng AP-1000 mà Mỹ quảng cáo ra thị trường nước ngoài vẫn chỉ nằm trên giấy, và đã 30 năm nay hãng Westinghouse chưa trực tiếp thực hiện việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nguyên tử nào. Hơn nữa, việc thiếu vắng các chuyên viên chuyên ngành và kinh nghiệm xây dựng là những khiếm khuyết rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường các nước thứ ba, có thể dẫn tới tăng giá thành một cách đáng kể ngay trong quá trình thực hiện dự án.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng những tổ hợp hạt nhân mới nhất do Mỹ xây dựng có thể đi vào hoạt động vào giữa những năm 2010. Nhưng do một số nguyên nhân khác, thời điểm này có thể dịch chuyển tới những năm 2020. Nhiều chuyên gia độc lập nhận định rằng các công ty của Nhật Bản dựa vào công nghệ hạt nhân của Mỹ, đang biến thành những con tin của tình trạng này.

Tham vọng của Nga

Phát biểu tại một cuộc họp về phát triển năng lượng hạt nhân tại Nga vào tháng 3/2010, Thủ tướng Nga V.Putin khẳng định, Nga có nhiều khả năng kiểm soát khoảng 25% thị trường xây dựng và phát triển nhà máy điện hạt nhân thế giới. Cũng theo Thủ tướng Putin, cổ phần của Rosatom – tập đoàn Nhà nước về điện hạt nhân – trên thị trường làm giàu uranium thế giới nay đã lên đến 40%. Tập đoàn cũng chiếm 17% thị trường cung cấp nhiên liệu hạt nhân.

Thủ tướng Putin khẳng định Chính phủ Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các công ty của nước này trên thị trường quốc tế. “Tôi muốn nói đến các khoản vay xuất khẩu đặc biệt. Chúng tôi cũng sẽ tăng thêm vốn của các công ty, giúp cho việc thắng thầu quốc tế dễ dàng hơn.”
Số lượng bạn hàng nước ngoài đã và đang sử dụng dịch vụ của Nga trong lĩnh vực điện nguyên tử cũng mỗi ngày một tăng thêm. Bên cạnh việc các công ty Nga tham gia vào gói thầu xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Argentina, trong chuyến thăm Venezuela hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nga V.Putin và Tổng thống H.Chavez đã thảo luận vấn đề xây dựng nhà máy hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ông Chavez tuyên bố Nga sẽ giúp Venezuela trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên lãnh thổ nước này.

Ngày 24/3 vừa qua, Công ty Xây dựng hạt nhân Atomstroyexport thuộc Tập đoàn Nguyên tử Rosatom của Nga đã ký thỏa thuận với đối tác Trung Quốc để xây dựng thêm hai lò phản ứng công suất 1.000 MW cho nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở tỉnh Giang Tô thuộc miền Đông Trung Quốc. Tại nhà máy điện hạt nhân Điền Loan đã có hai lò phản ứng hạt nhân công suất 1.000 MW, cũng do Nga giúp xây dựng, được đưa vào hoạt động từ năm 2007.

Hiện Nga đang cạnh tranh với các nước phương Tây và Nhật Bản giành thị phần trên thị trường năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh có kế hoạch tăng số lượng nhà máy điện hạt nhân nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá. Atomstroyexport là công ty đầu tiên xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới. Theo các chuyên gia của Atomstroyexport, nhà máy điện hạt nhân Điền Loan là nhà máy an toàn nhất trong số các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
    Theo Atomic-energy.ru

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)