Thiếu nhưng vẫn lãng phí

Một phần ba lượng lương thực và thực phẩm thế giới cuối cùng bị vứt bỏ làm rác thải, ở các nước công nghiệp tỷ lệ này thậm chí lên tới một nửa. May thay, chúng ta có thể phần nào ngăn chặn sự lãng phí to lớn này thông qua nhiều công nghệ mới.

Klaudia Fischer có cảm giác như phải làm việc trong một thế giới đầy nghịch cảnh: cô là nhân viên của một siêu thị ở Berlin (Đức), cô từng nghĩ siêu thị là nơi bán hàng, nhưng trong thực tế phần lớn thời gian làm việc ở siêu thị cô không bán mà vứt hàng. Cô thu gom các loại sản phẩn sữa trước khi hết hạn sử dụng hai ngày để vứt. Còn những loại rau xanh như hành, xà lách, củ cải thì chỉ sau một ngày có mặt trên kệ bán hàng đã bị thu dọn để thải loại, mặc dù chúng hoàn toàn còn sử dụng được.

Tại các nước công nghiệp, khoảng một nửa lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ. Phần lớn bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến cửa hàng trước khi lên bàn ăn: ở Đức cứ hai cây xà lách/củ khoai tây thì có một cây/củ bị vứt bỏ, tỷ lệ này ở bánh mì là một phần năm. Có lò bánh mì dùng bánh cũ kết hợp với than, củi làm chất đốt!

Theo số liệu của Đức, bình quân mỗi người tiêu dùng vứt bỏ khoảng 100 kg lương thực, thực phẩm trong một năm. Còn bình quân mỗi hộ gia đình vứt bỏ lượng thức ăn trị giá 400 Euro trong một năm. Lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm khoảng từ 10 đến 20 triệu tấn – đủ để xếp lên 500.000 chuyến xe tải, nếu xếp hàng xe này nối đuôi nhau thì có chiều dài tương đương quãng đường từ Berlin đến Bắc Kinh. Sự lãng phí kinh khủng này diễn ra trên khắp thế giới: Theo tổ chức Lương nông thế giới (FAO), mỗi năm, khoảng một phần ba lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ, tương đương 1,3 tỷ tấn.

Điều này không chỉ phi lý vì nó diễn ra vào thời điểm dân số thế giới tiếp tục tăng, thức ăn ngày càng khan hiếm và đắt đỏ và khoảng một tỷ người đang phải sống trong tình trạng thiếu, đói. Lương thực, thực phẩm bị quẳng bỏ như rác thải còn gây tác động xấu đến môi trường khí hậu thế giới: ngành nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và làm mất đi một diện tích lớn đất rừng, tất cả các yếu tố này đều dẫn đến hiệu ứng nhà kính.

Chân dung “kẻ hủy diệt”

Đạo diễn điện ảnh Valentin Thurn ở Koeln đã nghiên cứu mức độ lãng phí lương thực, thực phẩm trên thế giới và tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong quá trình tìm hiểu, Thurn đã tiếp xúc với các nhà quản lý siêu thị, thợ làm bánh, thanh chợ bán buôn, bộ trưởng, quan chức EU và nông dân. Những luận cứ quan trọng nhất mà ông và đồng nghiệp Stefan Kreutzberger thu thập được biên soạn thành cuốn sách nhan đề “Những kẻ hủy diệt thực phẩm”, vừa ra mắt tháng 8 vừa qua.

Năm 2009, EU đã phải hủy tiêu chuẩn tiếp thị đối với 26 loại rau, củ, quả. Giờ đây củ cải đỏ được phép có hai rễ, dưa chuột được cong và những củ cà rốt bị chẽ ra vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên đó chỉ là quy định của nhà quản lý còn các siêu thị thì vẫn giữ các quy định cũ.

Theo hai tác giả thì có nhiều nguyên nhân nhưng người tiêu dùng ở các nước công nghiệp là nguyên nhân chính: ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ngày nay hoạt động toàn cầu và coi nhu cầu của các nước công nghiệp là ưu tiên số một.

Khoảng một nửa số khoai tây ở Đức bị loại bỏ ngay trên đồng ruộng chỉ vì củ quá lớn, quá bé hoặc vì bất cứ lý do gì làm cho chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn mà các nhà thu mua đề ra. Ông F.Wilhelm Graefe zu Baringdorf, cựu nghị sỹ Đảng Xanh của EU, nói: “Chúng ta đề ra các tiêu chuẩn mà những tiêu chuẩn đó lại chẳng liên quan gì đến chất lượng thức ăn.” Thí dụ, EU yêu cầu dưa chuột phải thẳng để dễ đóng thùng. Năm 2009, EU đã phải hủy tiêu chuẩn tiếp thị đối với 26 loại rau, củ, quả. Giờ đây củ cải đỏ được phép có hai rễ, dưa chuột được cong và những củ cà rốt bị chẽ ra vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên đó chỉ là quy định của nhà quản lý còn các siêu thị thì vẫn giữ các quy định cũ.

Những quy định về tiêu chuẩn này tác động tới cả thế giới. Người công nhân Cameroon làm việc ở đồn điền trồng chuối phải loại bỏ nhiều nải chuối chỉ vì không đạt tiêu chuẩn của người mua. Chủ đồn điền Hilaire Tsimi Zoa than phiền: “Các siêu thị và các nhà nhập khẩu ở châu Âu ngày càng đề ra nhiều tiêu chuẩn hơn, thí dụ: độ lớn, độ dài quả, thậm chí cả số lượng quả trên một nải chuối.” Chính vì những đòi hỏi khắt khe này mà khoảng 8% sản phẩm đã bị hủy bỏ ngay sau khi thu hoạch, một lượng sản phẩm không nhỏ còn bị hư hỏng và phải thải loại trong quá trình vận chuyển.

Sự điên rồ này còn tiếp diễn khi sản phẩm đến tay nhà buôn, tới các siêu thị, nhà hàng. Tại đây lượng rác thải nhiều như núi. Thí dụ chợ bán buôn Rungis ở Paris hàng ngày cứ tầm sáu giờ sáng thì kết thúc chợ cá, nhiều thùng cá ngừ, sò và tôm bị đổ vì kém phẩm chất; không lâu sau đó, thanh tra chợ Tony Apfelbaum lại ra lệnh hủy 9 tấn cam. Ông này phân trần: “Số lượng này đối với chợ bán buôn Rungis thì đâu có lớn, đôi khi lượng hủy bỏ còn lớn hơn nhiều.”

Trong cuốn sách của mình, Thurn và Kreutzberger cũng đề cập đến những biện pháp ngăn chặn tình trạng lãng phí lương thực thực phẩm hiện nay. Tại các siêu thị xuất hiện các tổ chức ngăn chặn việc vứt bỏ thức ăn phung phí và thu gom những loại thức ăn đó để giúp đỡ người nghèo. Nhiều tổ chức của người tiêu dùng tìm cách gắn kết trực tiếp người nông dân với người tiêu dùng v.v…

Tuy đây chỉ là những bước đi đầu tiên nhưng dù sao những việc làm này cũng giúp người tiêu dùng đánh giá đúng mức việc tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Theo giới nghiên cứu, nếu các nước công nghiệp giảm một nửa lượng thức ăn bị vứt bỏ thì có thể tạo ra hiệu ứng tích cực đối với khí hậu tương đương với việc một nửa số xe ô tô ở các nước này ngừng chạy.

Thời hạn sử dụng gây ngộ nhận

Không phải tất cả những gì ghi trên nhãn mác thực phẩm đều thực sự bổ ích. Thí dụ thời hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm nhiều khi gây ngộ nhận và từ đó làm cho nhiều loại thức ăn bị vứt bỏ oan uổng. Bởi vì thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác không có nghĩa khi hết thời hạn đó thực phẩm bị hư hỏng không thể sử dụng được mà thời hạn này là sự bảo đảm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm nhất định, thí dụ hãng sản xuất sữa chua bảo đảm đến một thời hạn nào đó chất lượng của sữa chua còn tươi nguyên như khi vừa xuất xưởng.
Vì vậy ở đây cơ quan quản lý nhà nước nên ra quy định về việc sử dụng thuật ngữ thích hợp, thí dụ trong tiếng Anh người ta dùng khái niệm “best before” (tốt nhất trước), từ đó giảm được tổn thất.

Nếu các nước công nghiệp giảm một nửa lượng thức ăn bị vứt bỏ thì có thể tạo ra hiệu ứng tích cực đối với khí hậu tương đương với việc một nửa số xe ô tô ở các nước này ngừng chạy.

Tập đoàn siêu thị Jumbo của Hà Lan mới đây có một ý tưởng tuyệt vời: khách hàng nào phát hiện được những sản phẩm mà hạn sử dụng chỉ còn hai ngày còn bầy trên giá thì sẽ được biếu không sản phẩm đó. Sáng kiến này hay ở chỗ làm cho khách hàng không chăm chăm tìm những sản phẩm mà hạn sử dụng còn dài mà lại chú ý vào những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, nhờ đó giảm hẳn số hàng hóa bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng.

Một số cửa hàng thực hiện chính sách bán hạ giá những loại thực phẩm sắp hết hạn, tuy nhiên nhiều nhà buôn không muốn thực hiện biện pháp này vì sợ sẽ làm “loạn”giá.

Các nhà khoa học thuộc Viện Fraunhof của Đức đã nghiên cứu, phát triển một loại màng cảm biến để ở trong bao bì của sản phẩm, loại màng cảm biến này có khả năng phản ứng với những chất hình thành trong quá trình thực phẩm bị phân hủy và màng cảm biến này sẽ chuyển từ mầu vàng sang mầu xanh. Từ đó cả người bán lẫn người mua dễ dàng phát hiện sản phẩm có vấn đề và phải hủy bỏ. Trong khi thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác chỉ là sự ước đoán thì màng cảm biến dựa trên thực trạng của sản phẩm.

Điều này rất có ý nghĩa, nhất là với những loại thực phẩm dễ bị hư hại khi chế độ bảo quản lạnh bị sự cố. Các loại sản phẩm tươi sống như thịt, cá hay các loại sản phẩm sữa thường phải qua một quãng đường dài mới đến tay người tiêu dùng và phải được bảo quản liên tục ở nhiệt độ lạnh thích hợp. 35% các loại sản phẩm nhạy cảm này thường bị vứt bỏ vì chế độ bảo quản lạnh bị trục trặc.

Một viện nghiên cứu của TU Darmstadt đã phát triển một loại cảm biến gắn ở nhãn RFID vô tuyến, cảm biến này phát hiện và cảnh báo kịp thời những trục trặc của chu kỳ làm lạnh.
Chuyên gia thiết kế người Hàn Quốc Jihyun Ryou làm việc ở Amsterdam cũng lưu ý, không phải bất cứ thực phẩm nào cũng cần bảo quản lạnh. Theo Ryou, một số loại rau, quả khi bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 8 độ dễ bị hư hỏng, thí dụ như bí xanh hoặc cà tím. Dưa chuột, cà chua và trứng cũng không nên bảo quản trong tủ lạnh.

Ryou đang viết một cuốn sách đề cập đến kinh nghiệm bảo quản nông sản, thực phẩm của nông dân Hàn Quốc, Hà Lan và Ý. Ông nhận thấy ngày nay người ta có những thói quen rất vô nghĩa, thí dụ như bảo quản trứng trong tủ lạnh. Ông cũng đã hỏi nhiều bà nội trợ vì sao họ lại làm như vậy thì luôn nhận được câu trả lời vì trong tủ lạnh có ngăn để trứng.

Một số biện pháp giảm lãng phí lương thực, thực phẩm khác:

– Cho không thức ăn sắp hết hạn sử dụng: Ở Đức hiện có 870 điểm thu gom thực phẩm có nguy cơ bị vứt bỏ mặc dù chất lượng vẫn bình thường. Số thực phẩm này được phân phát miễn phí hoặc bán với giá tượng trưng cho những người khó khăn.

– Lấy ý kiến về thực đơn tại các bếp tập thể để đáp ứng tốt hơn khẩu vị người ăn, hạn chế đổ bỏ. Theo khảo sát, các bếp tập thể ở nhà trường đổ bỏ từ 24 đến 35%, các bếp ăn của văn phòng, nhà máy – khoảng 20%.

– Chia nhiều loại suất ăn: Nhiều tiệm ăn châu Á chia các suất ăn thành ba loại, lớn, trung bình và nhỏ để khách lựa chọn. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP Mumbai (Ấn Độ) quy định sau 20 giờ giá các suất ăn giảm 50%, khiến số thanh niên đi ăn sau 20 giờ tăng vọt và lượng thức ăn dư thừa phải đổ bỏ giảm rõ rệt.

– Dùng máy đóng gói bao bì cỡ nhỏ: Tập đoàn Bosch Packaging Technology (Đức) đã chế tạo máy đóng gói bao bì cỡ nhỏ, dễ điều khiển, lắp trên xe tải để vào mùa thu hoạch xe cơ động từ làng này sang làng khác, rất hiệu quả đối với các nước đang phát triển nơi tổn thất lương thực lên tới 40% chủ yếu ở khâu bảo quản và chế biến.


Xuân Hoài
dịch theo Wiwo

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)