Thỏa thuận tự nguyện: ‘Vũ khí mới’ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng
Chính phủ đưa ra các mục tiêu tiết kiệm năng lượng cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, nhưng có lẽ động lực thực sự để doanh nghiệp theo đuổi các nỗ lực tiết kiệm năng lượng nằm ở các cơ hội kinh doanh. Một thỏa thuận tự nguyện về hiệu quả năng lượng có thể giúp doanh nghiệp đạt được lợi ích này.

Dễ và khó
Khi trò chuyện với Jorgen Hvid—một chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm về hiệu quả năng lượng tại Đan Mạch, người đã đến Việt Nam từ năm 2017 để hợp tác cùng Bộ Công Thương triển khai các chương trình năng lượng, ông đã dùng một hình ảnh khá sinh động để mô tả quá trình tiếp cận hiệu quả năng lượng tại Việt Nam là “quả mọng cành thấp” (low-hanging fruit).
Ẩn dụ này gợi lên một thực tế rằng các công ty Việt Nam mới chỉ làm những giải pháp dễ dàng như thay thế thiết bị chiếu sáng, điều hòa, lắp đặt biến tần để tối ưu công suất máy —tựa như hái những quả mọng ở cành thấp – mà chưa dám vươn tay đến những quả mọng ở cành cao hơn như nâng cấp dây chuyền sản xuất hay đổi mới công nghệ.
“Khi những quả ở cành thấp đã bị hái hết, không còn dư địa để tiết kiệm, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm đến những giải pháp khó hơn. Đó chính xác là những gì đang diễn ra, và các công ty đang gặp bế tắc ở khâu chuyển lên cành cao này – không chỉ là thiếu vốn mà quan trọng hơn là thiếu các chuyên môn và kiến thức cần thiết để phát triển và thực hiện các dự án phức tạp hơn về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng —những dự án đòi hỏi tư duy hệ thống và trình độ kỹ thuật cao hơn”, ông Jorgen đánh giá.
Thứ tự ưu tiên
Công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam. Dù các báo cáo nhận định rằng các ngành như xi măng, thép, gạch, gốm sứ, xây dựng, chuỗi lạnh và hàng tiêu dùng có thể tiết kiệm từ 20-30% năng lượng, nhiều doanh nghiệp chủ chốt vẫn chưa đầu tư đầy đủ vào các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt với những lĩnh vực ngành nghề mà chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm thấp.
“Nhiệt là một ví dụ điển hình. Rất nhiều nhiệt bị lãng phí trong khi chúng có thể được thu hồi một phần. Các công ty đang sử dụng nồi hơi và lò gas từ 300°C trở lên đều có thể cân nhắc đến việc thu hồi nhiệt từ quy trình này để bổ sung cho quy trình khác. Chúng tôi thấy rằng cho đến nay vẫn chưa có nhiều sự chú ý về vấn đề này ở Việt Nam và nhiều dự án mà chúng tôi nhận được đề xuất đều liên quan đến hướng tiếp cận này theo nhiều cách khác nhau”, ông Jorgen chia sẻ.

Trong những năm qua, số lượng kiểm toán năng lượng được thực hiện trong các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Các cuộc kiểm toán cung cấp cho doanh nghiệp báo cáo chi tiết về mô hình tiêu thụ năng lượng, các khu vực sử dụng nhiều năng lượng và đề xuất các biện pháp tiết kiệm hiệu quả.
Các báo cáo này còn phân loại các biện pháp tiết kiệm năng lượng theo mức độ đầu tư: từ không tốn hoặc tốn rất ít chi phí đến mức đầu tư cao hoặc rất cao. Ngoài ra, chúng còn cung cấp phân tích tài chính ở mức độ nhất định với một số giải pháp để giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư nhanh chóng, ví dụ: thời gian hoàn vốn, giá trị đầu tư, tỷ suất hoàn vốn v.v
Tuy nhiên, số lượng kiểm toán năng lượng được thực hiện có thể không tương xứng với số biện pháp tiết kiệm năng lượng thực sự được các doanh nghiệp áp dụng. Do đó, nó chưa đen lại hiệu quả như kỳ vọng cho doanh nghiệp, vì phần lớn những kiểm toán này chỉ tập trung vào những giải pháp đơn giản, dễ làm hơn hơn là các giải pháp có tác động lớn và mang lại hiệu quả bền vững lâu dài.
Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng không phải là ưu tiên hàng đầu. Các nhà điều hành doanh nghiệp có nhiều mối quan tâm khác cao hơn như mở rộng kinh doanh, tạo ra sản phẩm tiếp theo, đầu tư vào các lĩnh vực mới, v.v. Do đó, việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng thường bị xếp cuối trong danh sách ưu tiên. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp công nghiệp cũng không có đội ngũ kỹ thuật đủ năng lực chuyên môn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng lớn.

Nhưng câu chuyện có thể được lật lại theo một góc nhìn khác, ông Jorgen nhận xét. “Chúng ta thực sự cần xem xét các dự án hiệu quả năng lượng giống như một khoản đầu tư để tối ưu hóa dây chuyền công nghệ. Tại đó, hiệu quả năng lượng giống như “quả anh đào” trên chiếc bánh – hoặc đơn giản hơn, nó là một phần của chiếc bánh—khi đầu tư, bạn muốn có sản phẩm tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, hao hụt ít hơn, và tất nhiên, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.”
Rõ ràng, tích hợp hiệu quả năng lượng vào sự phát triển tổng thể mới là điều doanh nghiệp thực sự quan tâm. Doanh nghiệp không muốn coi đây là một yếu tố tách biệt. Khi đối mặt với bất kỳ thay đổi nào—dù là điều chỉnh kỹ thuật vận hành hay đổi mới công nghệ— doanh nghiệp luôn cân nhắc: Điều này có phù hợp với các ưu tiên tổng thể của công ty không? Chúng ta sẽ thực hiện sự thay đổi đó như thế nào? Liệu nó có giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc rút ngắn thời gian sản xuất hay không?
Nếu lợi ích là giảm được chi phí năng lượng, nhưng phải dừng dây chuyền sản xuất trong một tuần, thì lợi ích này cũng không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu các công nghệ giúp họ tiến vào một thị trường mới bằng cách chứng minh sản phẩm được tạo ra với lượng phát thải carbon thấp, thì giá trị của việc đó lớn hơn rất nhiều so với chỉ cải thiện hiệu suất đơn thuần. Vậy nên, hiệu quả năng lượng cần mang lại lợi ích kinh tế thiết thực để có thể vươn lên vị trí ưu tiên cao hơn trong danh sách quan tâm của doanh nghiệp.
Động lực để thay đổi
Làng gốm Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) là minh chứng cho sự chuyển đổi của doanh nghiệp nhỏ. Tám năm trước, hơn 400 hộ sản xuất vẫn dùng lò than lạc hậu, gây chất lượng sản phẩm kém, công suất thấp. Dù biết đến lò gas LPG, họ vẫn rất e ngại đầu tư. Bước ngoặt đến khi dự án LCEE, do Bộ Công Thương và Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, cam kết bảo lãnh tín dụng và cung cấp chuyên gia hướng dẫn. Đổi lại, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu kỹ thuật mà dự án đặt ra.
Kết quả, sau khi chuyển sang công nghệ mới, năng lượng tiêu thụ của các lò gốm đã giảm 50%, phát thải CO2 giảm 90%, và rút ngắn thời gian nung từ 10 ngày xuống còn hai. Khi dự án kết thúc, tỷ lệ hộ dùng lò LNG tăng từ hơn 7% ban đầu lên 37% vào năm 2015 và đạt 95% hiện nay.
“Chúng tôi ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp nhỏ, dù không có tài khoản hay lịch sử vay ngân hàng, vẫn tìm cách xoay sở tiền để đầu tư vào các lò gas tương tự. Ưu tiên hàng đầu của họ là năng suất, nhưng có lẽ một phần sự thay đổi cũng vì các lợi ích cộng đồng, khi người dân hiểu rằng các xưởng đốt than cũ đặt ngay trong làng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em mình. Vì vậy, động lực của họ không chỉ dựa trên yếu tố lợi ích kinh doanh mà còn vì môi trường trong lành hơn cho toàn bộ ngôi làng”, ông Jorgen chia sẻ.

Nhưng với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong ngành thép, xi măng, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Họ chủ yếu tập trung vào kinh doanh, ít quan tâm đến các yếu tố khác. Áp lực lớn nhất và cũng là động lực mạnh mẽ nhất đối với các doanh nghiệp này đến từ thị trường, đặc biệt là các yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế. Ngành dệt may đang gánh sức ép khổng lồ này, và ngành thủy sản cũng không tránh khỏi. Xuất khẩu nhiều đồng nghĩa với việc họ phải “chạy đua” cắt giảm dấu chân carbon, nếu không muốn bị chặn cửa vào các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, chính phủ đang thắt chặt các quy định về bảo vệ môi trường, phát thải carbon và nhiều vấn đề liên quan khác. Vì vậy, họ thấy rằng nếu có thể hành động trước khi phải đối mặt với trừng phạt thì sẽ tốt hơn.
“Cách hiệu quả nhất để làm điều đó là tiết kiệm năng lượng. Năng lượng bền vững không chỉ dừng lại ở việc lắp pin mặt trời hay thay thay đèn huỳnh quang bằng đèn LED, mà quan trọng hơn là tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, từ đó giảm khí thải ra môi trường”, ông Jorgen nhận xét.
Tiếp cận kỹ thuật
Quay lại vấn đề “quả mọng cành cao” mà ông Jorgen đề cập ban đầu, đó chính xác là những gì mà các doanh nghiệp lớn đang phải hướng tới. Hiện tại, hơn 3000 cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở Việt Nam đang phải nỗ lực đáp ứng mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng 2% mỗi năm, và cải thiện 8-10% trong giai đoạn 2025-2030.
Trong những năm đầu ở Việt Nam, ông Jorgen nhận ra rằng mọi người thường nói rằng rất khó để có được nguồn tài trợ cho các dự án hiệu quả năng lượng, nên nhóm của ông bắt đầu bằng việc xây dựng các cơ chế tài chính cho loại hình này. Dự án LCEE ở Kim Lan là một ví dụ. Tuy nhiên, khi càng làm việc sâu với các doanh nghiệp sản xuất đang muốn hái các “quả mọng cành cao”, ông càng thấy rằng vấn đề thực sự không nằm ở việc tiếp cận nguồn tài trợ mà là thiếu chuyên môn và kiến thức về cách phát triển các dự án hiệu quả năng lượng tốt.
“Các doanh nghiệp không thể triển khai công nghệ mới do thiếu chuyên gia hỗ trợ. Ngân hàng cũng không cấp vốn vì cho rằng các dự án chưa đủ tốt hoặc chưa được phân tích, đánh giá đầy đủ. Vì vậy, trong nhiều năm, chúng tôi không chỉ xây dựng cơ chế tài chính mà còn phát triển các hướng dẫn kỹ thuật mà các dự án cần tuân thủ. Điều này hóa ra lại rất hiệu quả, bởi rào cản không nằm ở việc doanh nghiệp không muốn làm, mà là họ không biết bắt đầu từ đâu.” ông Jorgen chia sẻ.
“Việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi, vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa đảm bảo tính thực tiễn, là một thách thức thực sự. Để đạt được mức tiết kiệm lớn, cần có hiểu biết sâu về công nghệ, ngành nghề và cả chính doanh nghiệp đó. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà còn là thách thức chung trên toàn thế giới.” ông nói thêm.

Để tháo gỡ nút thắt này, Việt Nam đang học hỏi mô hình thỏa thuận tự nguyện (VAS) của Đan Mạch. Về cơ bản, đây là một cơ chế hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cam kết đạt mức tiết kiệm năng lượng nhất định, đổi lại để nhận các hỗ trợ kỹ thuật miễn phí hoặc ưu đãi từ nhà nước. Chương trình này đã được thực hiện tại Đan Mạch trong nhiều thập kỷ, giúp quốc gia này giảm mức tiêu thụ năng lượng đáng kể trong khi vẫn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và khí hậu bền vững.
Từ năm 2023, Bộ Công Thương đã thiết kế một chương trình VAS cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp. Khoảng 100 doanh nghiệp lớn nhỏ đã bày tỏ nguyện vọng tham gia, trong đó khoảng 15% được lựa chọn để nhận hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu nhằm triển khai thành công các dự án nâng cao hiệu quả năng lượng. Chương trình sẽ được vận hành thí điểm đến hết năm 2025, tuy nhiên, một số báo cáo sơ bộ đã cho thấy tiềm năng “cực kỳ khả quan”, ông Jorgen tiết lộ.
Vì tiết kiệm năng lượng bắt đầu từ việc kiểm toán năng lượng, nên chương trình VAS đã xây dựng những hướng dẫn kiểm toán năng lượng rất cụ thể, dành riêng cho 10 ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng là phân bón, bia và nước giải khát, gạch và gốm sứ, xi măng, giấy, cơ khí, điện, thủy sản, thép, dệt may.

“Mỗi ngành đều có những công nghệ đặc thù và cần có cách tiếp cận riêng. Do vậy, chúng tôi hướng dẫn các đối tác của mình – các công ty kiểm toán năng lượng — một phương pháp tiếp cận mới, toàn diện hơn. Chúng tôi hướng dẫn họ các công cụ mới, như lập sơ đồ năng lượng, đánh giá tình trạng sử dụng năng lượng từ hệ thống lõi đến các dịch vụ năng lượng, để đưa ra bức tranh tổng thể và các điểm có thể cải thiện để đạt hiệu quả tiêu thụ năng lượng cao nhất. Chúng tôi cũng khuyến khích họ đặt ra các câu hỏi “không theo khuôn khổ” (think outsite the box), chẳng hạn, có thật sự cần sử dụng đến năm tấn than cho mỗi đơn vị sản xuất không? Và còn nhiều câu hỏi tương tự. Đây đều là những vấn đề rất cụ thể, vì vậy chúng tôi hướng dẫn họ một cách tiếp cận tổng quát—làm thế nào để thực hiện đúng cách,” ông Jorgen cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng dù Việt Nam có nhu cầu lớn về kiểm toán năng lượng, nhưng số nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn rất hạn chế. Mỗi năm, các trường đại học kỹ thuật đào tạo 2.000–3.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành điện và kỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, sau vài năm, nhiều người rời bỏ lĩnh vực này, và số chuyên gia có đủ năng lực đảm nhiệm vai trò cấp cao thậm chí còn hiếm hơn.
Ngoài ra, nhu cầu lao động phụ thuộc vào từng lĩnh vực và công nghệ cụ thể. Các ngành sử dụng nồi hơi và thiết bị phổ biến cần lực lượng lao động lớn nhưng có thể đào tạo rộng rãi, trong khi các ngành ứng dụng công nghệ đặc thù chỉ cần ít chuyên gia nhưng lại yêu cầu tay nghề rất cao, lên tới 10-20 năm kinh nghiệm.
“Khi năng lực của các chuyên gia và chất lượng kiểm toán năng lượng tăng lên, các báo cáo tiền khả thi và khả thi sẽ chất lượng hơn, giúp hình thành các dự án hoàn chỉnh có khả năng vay vốn. Việc nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật đòi hỏi đầu tư đáng kể và không thể học trong 1-2 tuần”, Jorgen nói. Ông cho rằng việc kết hợp thỏa thuận tự nguyện với các hỗ trợ kỹ thuật chất lượng cao là công cụ mạnh mẽ để thay đổi lĩnh vực hiệu quả năng lượng trong công nghiệp hiện nay.

Những chính sách mới
Tại Việt Nam, các chính sách về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp chủ yếu dựa vào quy định và yêu cầu tuân thủ. Dù có ích, nhưng cách tiếp cận này chỉ đạt hiệu quả nhất định do sự đa dạng trong sản phẩm và quy trình sản xuất. Ngay cả trong một số ngành công nghiệp cụ thể, ví dụ như ngành nhựa, việc áp dụng một tiêu chuẩn chung cho toàn ngành cũng trở nên khó khăn. Thách thức chính không chỉ nằm ở nhận thức hay động lực của doanh nghiệp, mà chủ yếu do họ thiếu công cụ và hỗ trợ kỹ thuật để xác định cũng như triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp. Cho đến nay, các chính sách vẫn chưa giải quyết hết được các vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang nỗ lực sửa đổi một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với những nội dung đánh chú ý liên quan đến việc đưa các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, trong đó có đề xuất một Quỹ tài chính cho hiệu quả năng lượng và các thỏa thuận tự nguyện. Quỹ này sẽ tập hợp các nguồn lực cần thiết không chỉ để hỗ trợ kỹ thuật – như chương trình VAS đang làm hiện nay – mà có thể cấp vốn đầu tư khi cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.Tuy nhiên, kết quả của các hội nghị tham vấn Luật sửa đổi và góp ý rộng rãi trên các kênh thông tin chính thống cho thấy nhìn chung các bên liên quan chính đều đang có thái độ ủng hộ tích cực với việc này. Dự thảo sẽ được trình lên Quốc hội vào kỳ họp tháng Năm năm nay và nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến lớn, mở ra xu hướng mới trong chính sách thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp và cả nền kinh tế.
Bài đăng KH&PT số 1335 (số 11/2025)