Thông điệp từ Paul Krugman qua hai buổi tọa đàm ở Việt Nam
Giáo sư kinh tế Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, đã có chuyến viếng thăm Việt Nam khoảng 48 tiếng đồng hồ, từ tối 20/5 đến trưa ngày 22/5/2009, trong chuyến hành trình 18 ngày vòng quanh thế giới.
Ngày 21/5, ông chủ trì cuộc Hội thảo quốc tế tìm kiếm giải pháp và cơ hội trong khó khăn và khủng hoảng tại TP. HCM, do Trường Doanh nhân PACE tổ chức. Ngay sau đó, ông bay ra Hà Nội để sáng sớm hôm sau, từ 7 giờ 30 sáng, dự cuộc tọa đàm “Kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính: Khuyến nghị chiến lược phát triển cho Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức, do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì. Nhìn chung, thời gian để ông diễn thuyết khi ở TP. HCM không nhiều (cả ngày), nhưng trước thành phần tham dự đa dạng các quan chức, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, doanh nhân, dường như ông đã khẳng định được những thế mạnh nhất, như vấn đề khủng hoảng kinh tế và thương mại quốc tế. Các câu hỏi liên quan đến thực tế Việt Nam đều làm ông bối rối, vì ông phải thú thực rằng, ông không biết gì nhiều về Việt Nam. Nửa buổi sáng buổi tọa đàm ở Hà Nội, thành phần chỉ gồm khoảng 30 nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế, và do chỉ ở dạng đối thoại mở, không có diễn văn, chỉ chứa đựng hàm lượng thông tin khá cô đọng, phản ánh được khá rõ quan điểm của Krugman.
Trong bài viết này tôi xin tóm lược những gì đã thu nhận được các thông điệp từ Krugman qua 2 sự kiện trên mà tôi có may mắn được tham dự.
Tình hình thế giới nói chung
Theo nhận định của Krugman thì cuộc khủng hoảng hiện nay có rất nhiều điểm giống với cuộc Đại khủng hoảng 1929 – 1933 nếu nhìn qua diễn biến của các thống kê vĩ mô như quỹ đạo đi xuống của tổng sản lượng công nghiệp, sự thu hẹp của thương mại toàn cầu, v.v… Do đó, ông tỏ ra lo lắng về thời gian của khủng hoảng vì theo cách so sánh trên, hiện nay thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của khủng hoảng, và vẫn đang tiếp tục hướng về đáy, mặc dù tốc độ đi xuống đang ngày càng chậm hơn (đến gần đáy hơn). Ông cũng lo ngại rằng hướng đi của khủng hoảng sẽ theo kiểu xuống nhanh phục hồi chậm (như logo của hãng đồ thể thao Nike), hay bi quan hơn là hình chữ L (như trường hợp suy thoái của Nhật Bản từ đầu thập niên 1990 tới nay).
Krugman lý luận rằng sự phục hồi sẽ tới chậm vì trước khủng hoảng, hàng hoá lâu bền đã được sản xuất ra quá mức cần thiết (đặc biệt trường hợp lượng nhà dân dụng được xây mới ở Mỹ), do đó, trong thời gian tới, sẽ không có nhiều nhu cầu mới trong lĩnh vực quan trọng này. Thêm vào đó, tiêu dùng của dân chúng sẽ không còn dễ dãi và tăng nhanh như trước nữa, vì sau khủng hoảng, người dân có khuynh hướng thận trọng hơn trước môi trường đầy bất trắc, mà kết quả là sẽ ưu tiên để dành hơn là tiêu pha.
Bài học lớn cho thế giới là bài học đã được Krugman cảnh báo lặp đi lặp lại từ lâu, là tinh thần mất cảnh giác với nguy cơ khủng hoảng. Những cuộc khủng hoảng ở Mỹ La tinh thập niên 1980, rồi khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối thập niên 1990, là những lời cảnh báo cho cuộc khủng hoảng lớn ngày hôm nay, nhưng đã bị phớt lờ vì sự chủ quan không chỉ trong giới cầm quyền mà cả giới học thuật, những người luôn chủ quan cho rằng các cuộc khủng hoảng lớn đã bị chế ngự ở các nước phát triển, trung tâm văn minh và kinh tế thế giới. Khủng hoảng chỉ có thể xảy ra ở vùng rìa, ở những nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng “sổi” và hàm chứa đầy méo mó về thể chế và tư tưởng.
Giờ đây cuộc khủng hoảng đã nổ ra ngay tại nước Mỹ, và những bài học truyền thống từ cuộc Đại khủng hoảng vẫn còn nguyên giá trị, như là việc tăng cường giám sát tài chính, quy định chặt chẽ tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các thể chế tài chính, và không nên ảo tưởng rằng những sáng tạo tài chính mới có thể làm giảm rủi ro hệ thống.
Về chính sách kích cầu hiện nay ở các nước châu Âu và Mỹ, Krugman cho rằng, trước tình hình không có gì lạc quan về sự phục hồi của hai thành phần tổng cầu quan trọng như đã đề cập ở trên, Nhà nước cần can thiệp mạnh hơn nữa, và quy mô các gói kích thích hiện còn quá nhỏ. Krugman cho rằng chỉ có gói kích cầu ở Trung Quốc hiện nay là đáng kể, còn tất cả các gói kích cầu khác đều chưa đủ. Và vì nguy cơ suy thoái còn dài, nên thậm chí tình trạng giảm phát sẽ còn là một mối đe dọa.
Cho nên, cần mạnh tay kích cầu mà không sợ lạm phát. Cần lưu ý một chút ở đây, là có vẻ như cái mà Krugman gọi là “tất cả các gói kích cầu khác” thực chất là châu Âu và đặc biệt là ông muốn hướng tới Mỹ. Nhưng dường như báo chí Việt Nam đã hiểu rằng Việt Nam cũng nằm trong số đó, và ngay sau buổi tọa đàm ở TP. Hồ Chí Minh, một số báo đã chạy những hàng tít lớn cần tăng gấp đôi gói kích cầu như thể đó là lời khuyên của ông dành cho Việt Nam. Đây là một hiểu lầm mà khi Krugman biết thêm một chút về Việt Nam, hẳn ông sẽ hối tiếc.
Krugman cũng lưu ý phải có sự phối kết hợp chính sách kích thích giữa các nước, vì khi một nước kích cầu ồ ạt, họ cũng đồng thời kích cầu cho phần còn lại của thế giới thông qua nhập khẩu. Trong khi đó nợ quốc gia tăng thì chỉ mình nước đó gánh chịu. Vì vậy, nên có sự thảo luận chặt chẽ về kế hoạch chính sách giữa các nền kinh tế lớn.
Lập luận về ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, ông cho rằng kênh lan truyền chủ yếu thông qua sự suy giảm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự sản xuất thừa các sản phẩm hàng lâu bền, những nước xuất khẩu hàng tư bản truyền thống như Nhật hay Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, trong khi các nước xuất khẩu hàng tiêu dùng trước mắt và lương thực thực phẩm sẽ ít bị tổn thương hơn. Krugman giữ quan điểm rằng giá lương thực sẽ tăng lên trong dài hạn vì cầu dài hạn của ngành này vẫn tăng.
Khi được hỏi liệu mô hình phát triển hiện nay của các cường quốc có cần phải xem xét lại hay không, Krugman khẳng định rằng đây không phải là cuộc khủng hoảng về mô hình phát triển, mà chỉ là do sự thiếu thận trọng trong quản lý cấu trúc tài chính và những mất cân đối toàn cầu. Tuy nhiên, Krugman thừa nhận rằng mô hình phát triển dựa trên thị trường tự do cao độ của Mỹ, so với nền kinh tế thị trường có hướng xã hội ở châu Âu, sẽ tạo nên những cái giá đắt cho con người trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng. Lý do là vì sự sa thải nhân công diễn ra quá dễ dãi ở Mỹ trong khi hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội lại không được tốt như ở châu Âu. Hậu quả lên con người sẽ là lâu dài, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc và đồng nhân dân tệ
Trung Quốc là mối quan tâm lớn hiện nay của cả các nước lớn và các nước nhỏ, và Paul Krugman dành khá nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nước này.
Như trên đã nói, ông cho rằng gói kích cầu của Trung Quốc là đủ lớn và sẽ có tác dụng hữu hiệu, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế nước này đã bắt đầu phục hồi như các tuyên bố của giới lãnh đạo nước này. Ông cho rằng tuyên bố như thế là quá sớm, vì chưa có các dấu hiệu thực tế từ nền kinh tế ủng hộ cho nhận định đó. Krugman cũng lưu ý rằng gói kích cầu được tuyên bố là rất lớn, nhưng có thể được giải ngân lâu hơn một năm, nên cần phải nhìn vào thực tế đó nữa.
Trước mối quan tâm mà theo lời ông, đã gặp ở khắp nơi trong chuyến đi lần này, là sau cuộc khủng hoảng này, đồng Nhân dân tệ (NDT) có thể thay thế đồng USD của Mỹ hay không, Krugman khẳng định rằng điều ấy là không thể. Hình như để khán giả bớt cụt hứng, ông thêm rằng việc thay thế không phải là không thể xảy ra, nhưng nếu có, thì ông sẽ không được chứng kiến trong cuộc đời mình. Có hai lý do căn bản. Thứ nhất, đồng NDT chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, do đó chưa thể đóng vai trò như đồng tiền trung gian trong các giao dịch quốc tế. Thứ hai, mặc dù việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên hàng đầu thế giới chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nếu quy đổi theo mức thị trường, thì còn mất nhiều chục năm nữa quy mô nền kinh tế nước này mới bằng được Mỹ. Vào thời điểm hiện nay, đồng NDT còn thua xa đồng Yên, chưa kể là đồng Euro và USD. Thêm vào đó, ngay khi đã hội đủ hai yếu tố căn bản trên, đồng NDT vẫn không dễ dàng truất ngôi đồng USD. Vì như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, ngay từ năm 1880 đồng USD đã rất mạnh, nhưng phải đến năm 1935 nó mới có thể thay thế được đồng Bảng Anh.
Krugman thừa nhận rằng trong dài hạn, Đông Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế thế giới. Với sức mạnh của mình, Trung Quốc sẽ trỗi dậy như một nền kinh tế quan trọng bậc nhất, cho nên, sự gia tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực cũng đều mang lại kết quả tích cực. Dường như Krugman nhấn mạnh quan điểm này để ủng hộ cho sự thúc đẩy thương mại giữa các nước lớn, trọng tâm là Mỹ, với Trung Quốc, thay vì nhìn nhận tiến trình một cách hoài nghi và quan ngại. Là một người ủng hộ thương mại tự do, hẳn ông không muốn có một cuộc chiến thương mại giữa các đại cường.
Những khuyến nghị cho Việt Nam
Khi được hỏi ba việc quan trọng nhất Việt Nam cần làm để lo liệu hậu khủng hoảng, Paul Krugman đưa ra các khuyến nghị như sau: 1) Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ cập; 2) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; 3) Nâng cao kiểm soát và lành mạnh hoá hệ thống tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đây là những việc cần làm tốt để duy trì tăng trưởng tốt, và cũng để tránh đất nước sa vào cái bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.
Krugman cũng tiếp tục ủng hộ mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu. Chỉ thông qua mô hình này, các ngành sản xuất trong nước mới có thể tiếp cận các thị trường to lớn trên thế giới. Chỉ dựa vào thị trường trong nước là không đủ. Ngay cả khi các mặt hàng hiện nay còn ở dạng thâm dụng lao động thì cũng cần kiên nhẫn và dịch chuyển dần dần lên các mặt hàng có công nghệ cao hơn, như trường hợp Hàn Quốc của những năm 1960. Ông nhấn mạnh rằng không nên quá sốt ruột mà ép thúc đẩy tăng trưởng quá nhanh, vì có thể sẽ mắc phải những sai lầm vì đầu tư quá nhiều vào một ngành nào đó.
Với tư cách một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, Krugman cho rằng Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế vì giá lương thực có thể sẽ tăng lên trong dài hạn do nhu cầu tiêu thụ lương thực ở dạng ngũ cốc lẫn thịt đều tăng, trong khi muốn tăng sản lượng thịt thì lại cần dùng ngũ cốc. Do đó, nhìn chung cầu về sản phẩm ngũ cốc sẽ giữ khuynh hướng tăng trong dài hạn, trong khi cung là hữu hạn nên rốt cuộc giá sẽ tăng.
Là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế quốc tế, Krugman tỏ ra đặc biệt thận trọng với sự tự do hóa thị trường vốn, và không do dự khi đưa ra lời khuyên rằng Việt Nam không nên vội vàng với quá trình này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự di chuyển mạnh, dù ra hay vào, của các luồng vốn nước ngoài đều kéo theo những xáo động kinh tế lớn. Điều này càng đặc biệt thấy rõ ở các nền kinh tế mà GDP đầu người còn thấp hơn 10.000 USD. Ông cho rằng việc tự do hoá thị trường vốn cần được củng cố trước hết bằng sự trưởng thành và lớn mạnh của hệ thống ngân hàng tài chính trong nước.
Một vấn đề nữa cũng được thảo luận, liên quan đến ảnh hưởng của chính sách phá giá tiền tệ. Krugman vẫn trung thành với quan điểm đã nêu lên từ cách đây hơn 30 năm trong một bài nghiên cứu viết cùng Lance Taylor, rằng các nước có nợ nước ngoài lớn và thâm hụt thương mại cao sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực vì phá giá thay vì những ảnh hưởng tích cực như trong các phân tích kinh tế thông thường. Ông còn lưu ý rằng, so với 30 năm trước, thì giờ đây ảnh hưởng có vẻ còn mạnh hơn vì các nền kinh tế đang phát triển hiện có nợ nước ngoài lớn hơn trước đây.
Một số mốc trong sự nghiệp học thuật của Paul Krugman: 1953: sinh trong một gia đình gốc Do Thái ở Long Island, New York, Mỹ. 1974: tốt nghiệp đại học Yale 1977: nhận bằng Tiến sỹ kinh tế từ MIT. 1982-93: thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Reagan. 1991: nhận Huân chương John Bates Clark của Hiệp hội Kinh tế Mỹ. 2000: về dạy ở ĐH Princeton sau nhiều năm giảng dạy ở các đại học hàng đầu (Yale, MIT, UC Berkeley, LSE, Stanford) 2008: nhận giải Tưởng nhớ Nobel Kinh tế học vì những đóng góp làm nền tảng cho “Lý thuyết thương mại mới”. Các tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam: Kinh tế học quốc tế: Lý thuyết và chính sách, (1996) (viết chung với Maurice Obstfeld), Sự trở lại của Kinh tế học suy thoái và cuộc khủng hoảng năm 2008 (2009), Nền tảng của Kinh tế học (sắp xuất bản), (đồng tác giả với Robin Wells và Martha Olney). |