Thu hồi dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam

Chiều ngày 7/11, UBND TP.HCM đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho công ty TNHH TA Associates Việt Nam thực hiện dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm 15,9ha tại phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM.

Theo kết luận này, TP.HCM đã tạo điều kiện cho TA Associates Việt Nam thực hiện dự án trên trong khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng công ty vẫn kéo dài thời gian, không thực hiện cam kết đầu tư ban đầu, đồng thời đưa ra những kiến nghị không phù hợp với cam kết.

Ba năm không nhúc nhích

Công ty TNHH TA Associates Việt Nam (sau đây gọi tắt là công ty TA) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm vào tháng 6/2008. Chủ đầu tư tuyên bố sẽ đầu tư 1,2 tỉ USD, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra doanh số 6,5 tỉ USD hàng năm và dự kiến tạo việc làm cho 70.000 người.

Tuy nhiên, sau ba năm khởi công, theo những gì mà chúng tôi ghi nhận vào chiều ngày 8/11, thì khu đất này toàn cỏ lác mọc lút đầu người. Chủ đầu tư chỉ san lấp được một khoảnh đất duy nhất để lấy mặt bằng làm nơi tổ chức lễ động thổ. Theo năm tháng, mặt bằng này hiện nay cũng không còn dấu tích bởi sự hoang hoá. Một người dân sống gần dự án cho biết, ngoài lễ động thổ hồi tháng 6/2008 thì đến nay không thấy chủ đầu tư có động tĩnh xây dựng dự án gì.

Điều đáng nói là, năm 2009, dự án này đã bị ban quản lý Thủ Thiêm (BQLTT) đề nghị UBND TP.HCM thu hồi. Lý do, thời điểm ấy là sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng doanh nghiệp vẫn chưa triển khai dự án. Không những thế, công ty TA đã có một số đề nghị không đúng với cam kết khi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ví dụ, công ty TA đề nghị tăng diện tích sàn khu nhà ở từ 10% (tương đương 65.000m2) lên 26% tổng diện tích sàn. Đặc biệt, khu nhà ở có thể được chào bán cho tất cả mọi người. Khu nhà ở này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng lẻ, cho phép sử dụng đất ở và khu nhà ở được thuê trong 70 năm, cộng với điều khoản tự động gia hạn thuê thêm 70 năm khi kết thúc mỗi thời hạn thuê.

Công ty TA còn đề nghị chia dự án ra thành hai khu vực chính: khu công viên phần mềm và khu nhà ở. Ngoài việc đề nghị điều chỉnh khu nhà ở, công ty còn đề nghị thay đổi tỷ lệ xây dựng khu văn phòng xuống 59%, thay vì 75% như giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, khu thương mại 15%…

Bên cạnh đó, công ty TA cũng đề nghị chỉ muốn thuê một phần diện tích nằm cạnh đại lộ Võ Văn Kiệt và sẽ trả trước 30% tiền thuê đất cho phần diện tích mới, 70% còn lại sẽ trả dần trong vòng ba năm (phương án ban đầu của UBND TP.HCM là thuê toàn bộ diện tích đất và trả 100% tiền sử dụng đất).

Tất nhiên, những đề nghị này của công ty TA đã bị UBND TP.HCM từ chối.

Muốn giữ mà giữ không nổi!

Tuy nhiên, thời điểm ấy, nhằm giữ chân nhà đầu tư, UBND TP.HCM có văn bản đưa ra các phương án cho nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó, nếu công ty TA thuê 100% diện tích đất như ban đầu (15,9ha), nhà đầu tư sẽ trả trước 60% tiền thuê đất, 40% còn lại trả theo tiến độ cam kết trong vòng ba năm. Còn nếu điều chỉnh quy mô dự án, thành phố vẫn chấp nhận, nhưng phần đất sau điều chỉnh sẽ theo sự bố trí của UBND TP.HCM…

Văn bản khi ấy nêu rõ, trong vòng 20 ngày, kể từ thời điểm ra văn bản (26/3/2010), công ty TA phải có văn bản trả lời chính thức UBND TP.HCM. Đồng thời, công ty TA phải nộp tiền phạt trên tổng số diện tích thuê do chậm thanh toán tiền thuê đất cùng thời điểm nộp 60% tiền thuê đất theo cam kết mới…

Theo BQLTT, kể từ thời điểm này, mặc dù đại diện chủ đầu tư và BQLTT có làm việc trực tiếp với nhau nhiều lần nhưng không tìm được tiếng nói chung. Phía chủ đầu tư không đồng ý với khoản tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất. BQLTT không chấp thuận cho nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất…

Để đẩy nhanh tiến độ, tháng 8/2011, BQLTT đã có văn bản gửi chủ đầu tư, với nội dung, trường hợp nhà đầu tư vẫn muốn tiếp tục dự án, thành phố sẽ thuê tư vấn để định giá đất. Giá thẩm định của tư vấn sẽ được chuyển qua sở Tài chính xem xét và UBND TP.HCM phê duyệt. Trên cơ sở giá mới này, hai bên sẽ thương lượng (theo quy định, đối với trường hợp nhà đầu tư chưa được giao đất thì giá đất sẽ được thẩm định lại theo sát giá thị trường để hai bên xem xét và ký hợp đồng thuê đất). Tuy nhiên, một thời gian dài sau, TA vẫn không có văn bản phản hồi.

Trao đổi qua điện thoại, chiều ngày 8/11, đại diện chủ dự án cho biết, cho đến chiều cùng ngày, phía tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cũng như công ty thành viên góp vốn thực hiện dự án chưa nhận được bất cứ văn bản thu hồi nào của UBND TP.HCM như báo chí thông tin, do vậy chưa thể có ý kiến bình luận gì. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, dự án bị thu hồi là điều đương nhiên vì dự án chậm triển khai đã lâu.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)