Thử nghiệm các chiến lược chăm sóc bệnh nhân trầm cảm ở Việt Nam
Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Tâm thần (CIMH) thuộc Đại học Thành phố New York (CUNY) và ĐH Y tế Công cộng Hà Nội đã khởi động một nghiên cứu đột phá xem xét các chiến lược chăm sóc bệnh nhân trầm cảm tại 36 trạm y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Phú Thọ.
Trong bối cảnh số người mắc trầm cảm tại Việt Nam tăng lên sau khi trải qua giai đoạn đại dịch, các cơ sở y tế ngày càng có nhu cầu tìm kiếm những liệu pháp chăm sóc phù hợp với nguồn lực để giảm thiểu các tổn thương tâm thần trong cộng đồng.
Vì lý do đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Thành phố New York (CUNY) gồm GS Victoria Ngô, nghiên cứu sinh Vũ Toàn Thịnh và Giám đốc Dự án CIMH Vũ Anh Quân đã phối hợp với các nhà khoa học tại ĐH Y tế Công cộng Hà Nội để phát triển một dự án trị liệu tâm lý cho hơn 1.200 bệnh nhân trầm cảm trên địa bàn Bắc Giang và Phú Thọ. Họ đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí BMC Public Health. Đây được xem là một trong những dự án tiên phong trong việc đánh giá các chiến lược điều trị trầm cảm trong các cơ sở chăm sóc ban đầu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm đối chứng, trong đó họ chỉ định ngẫu nhiên các trạm y tế vào một trong ba hình thức triển khai: (1) Triển khai Thông thường (UI), bao gồm các hội thảo đào tạo và bộ công cụ; (2) Tăng cường Giám sát (ES), bao gồm hình thức UI kết hợp với giám sát hai tuần một lần/mỗi tháng; và (3) Phối hợp đào tạo có sự tham gia của cộng đồng (CELC), bao gồm tất cả các thành phần của ES, kết hợp với các buổi tập huấn cộng đồng hai tháng một lần tại khu vực, trong đó nhóm nghiên cứu thực hiện các chiến lược tập huấn tại các địa điểm và cải thiện chất lượng liên tục để đạt được kết quả thực hiện tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu sau đó sẽ tính toán hiệu quả thực hiện dựa trên các tiêu chí Phạm vi tiếp cận, Hiệu quả, Áp dụng, Chất lượng triển khai và Khả năng duy trì.
Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát ban đầu 1.296 bệnh nhân trầm cảm đang nhận dịch vụ chăm sóc tại trung tâm y tế, sau đó họ tiếp tục theo dõi sau sáu tháng để đánh giá kết quả sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (ví dụ: mức độ nghiêm trọng của trầm cảm và lo âu, chức năng sức khỏe, chất lượng cuộc sống). Ngoài ra, 180 nhân viên trạm y tế và 180 người không phải là nhân viên trạm y tế sẽ hoàn thành các bài đánh giá và khảo sát trước và sau mỗi buổi tập huấn.
Thử nghiệm cho thấy tầm quan trọng của sự tham gia từ người dân trong khu vực, tích hợp các buổi tập huấn với sự tham gia của cộng đồng. Cách tiếp cận này giúp phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả, tích hợp liền mạch trong các cơ sở chăm sóc ban đầu, đặc biệt tại những khu vực còn hạn chế về nguồn lực.
“Bằng cách đánh giá các chiến lược triển khai trong các cơ sở chăm sóc ban đầu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chúng tôi đặt mục tiêu mở đường cho việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nâng cao và cải thiện kết quả của bệnh nhân trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực,” GS. Victoria Ngô giải thích.
Dự án là một phần trong số các nỗ lực của CIMH nhằm thúc đẩy nghiên cứu sức khỏe tâm thần và giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu. Dự án gợi mở những thông tin có giá trị về khả năng phối hợp giữa sự tham gia của cộng đồng, các chiến lược cải thiện chất lượng và khả năng tương thích văn hóa, tạo tiền đề cho các sáng kiến chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính chuyển đổi trên toàn thế giới.
Kết quả của nghiên cứu này có thể là cơ sở để đề xuất khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, từ đó giúp mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Thành công của nghiên cứu có thể khuyến khích những nỗ lực tương tự trên toàn thế giới nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần và thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc chất lượng, dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. □
Anh Thư dịch
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2023-08-strategies-depression-task-sharing-vietnam.html