Thử nghiệm thành công tử cung nhân tạo cho động vật sinh non

Những con cừu sinh non tương đương với thai nhi 23 tuần tuổi đã sống sót và phát triển bình thường nhờ một thiết bị giống như tử cung.


Chú cừu được sinh ra tương đương với thai nhi 23 tuần tuổi phát triển bình thường trong tử cung nhân tạo.

Tử cung nhân tạo trong suốt, có hình như một chiếc túi, được thiết kế nhằm hỗ trợ trẻ sinh non, lần đầu đã chứng minh được hiệu quả đối với động vật.

Alan Flake, bác sĩ phẫu thuật thai nhi tại Bệnh viện Trẻ em Philadelphia (CHOP), tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng hệ thống này có thể đóng vai trò như một cầu nối khẩn cấp giữa tử cung của người mẹ với thế giới bên ngoài cho những đứa trẻ bị sinh non trong khoảng từ 23 đến 28 tuần tuổi.

“Nếu chúng ta có thể hỗ trợ sự phát triển và trưởng thành của các cơ quan trong chỉ vài tuần, chúng ta có thể cải thiện một cách ngoạn mục kết quả của những trẻ bị sinh thiếu tháng quá nhiều”, ông nói.

Nhóm nghiên cứu đang thảo luận với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và dự đoán trẻ sinh non sẽ bắt đầu được nuôi thử nghiệm lâm sàng trong hệ thống này sau ba năm nữa.

Trong những thập kỷ qua, tiến bộ y học đã giúp trẻ sinh non ở 23 tuần tuổi cũng có cơ hội sống sót, nhưng tỉ lệ trẻ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về sức khoẻ vẫn còn cao.

Trong nghiên cứu, được công bố trên Nature Communications, sáu con cừu non được đặt trong tử cung nhân tạo ngay sau khi sinh mổ lấy thai tương đương thai 23 tuần tuổi ở người. Trong vòng vài phút sau sinh, cừu non được đưa vào túi sinh học gắn kín, nối với một thiết bị trao đổi khí nhờ dây rốn của chúng, cho phép máu được bổ sung ô-xi và các dưỡng chất.

Trong túi sinh học, những con cừu được bao trọn bởi chất dịch màng ối thay thế có chứa dinh dưỡng và các chất hóa học được thiết kế để kích thích sự phát triển. Trong khi “trôi nổi” bên trong chiếc túi trong suốt này – trong một số trường hợp là đến bốn tuần – những con cừu cho thấy chúng phát triển bình thường, biến đổi từ bào thai màu hồng, không có lông thành những con cừu non, có lông xốp trắng.

Các xét nghiệm cũng chứng tỏ chức năng phổi của chúng tương ứng với các kiểm soát đối chứng theo tuổi và con cừu già dặn nhất, bây giờ đã hơn một năm tuổi, có biểu hiện hoàn toàn bình thường.

Emily Partridge, bác sĩ nhi tại CHOP và là đồng tác giả nghiên cứu, mô tả cảnh tượng cừu non lớn lên trong tử cung nhân tạo “hết sức tuyệt vời”, nhưng các tác giả thừa nhận rằng công chúng có thể nghi ngại công nghệ này.

“Tôi không muốn điều này được hình dung giống như cho em bé vào túi và treo trên tường,” Flake nói. “Đây không phải là cách thiết bị này sẽ làm việc hoặc trông như vậy.”

Tử cung nhân tạo phiên bản dành cho con người trông sẽ giống như một lồng kính chứa đầy chất lỏng, với nắp đậy và phần bên trong tối màu, và đứa trẻ sẽ được theo dõi bằng các camera. Flake cho rằng thiết kế như vậy dù lạ lẫm nhưng sẽ giúp các bậc cha mẹ bớt đau đớn hơn nhiều khi phải chứng kiến đứa con yếu ớt của mình phải trải qua nhiều bước can thiệp, bao gồm đặt nội khí quản, thông khí và phẫu thuật theo cách chăm sóc hiện nay.

 Các tác giả cũng bác bỏ viễn cảnh toàn bộ thai kì được thực hiện trong tử cung nhân tạo như tiểu thuyết Brave New World của Aldous Huxley đã mô tả. “Thực tế là hiện tại không có công nghệ nào [như vậy] sắp ra đời cả. Không có gì ngoài người mẹ có thể hỗ trợ giai đoạn [ban đầu] đó cả”, bác sĩ Flake khẳng định.

Thai nhi 23 tuần tuổi mới vừa vượt qua nửa chặng đường phát triển của một thai kỳ bình thường. Cơ hội sống sót của trẻ sinh non ở tuần thứ 22 gần như bằng không. Ở thai nhi 23 tuần tuổi thì tỷ lệ này là 15%, 24 tuần là 55% và 25 tuần là khoảng 80%.

Nhàn Vũ dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2017/apr/25/artificial-womb-for-premature-babies-successful-in-animal-trials-biobag

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)