Thu nhập của lao động khu vực nhà nước cao hay thấp?

Tổng cục thống kê mới công bố thu nhập bình quân hằng tháng của lao động khu vực nhà nước (năm 2006) là 1829,9 ngàn đồng/tháng. Nhiều người kêu thu nhập như thế là quá thấp. Tất nhiên so con số tuyệt đối với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật thì hẳn là thấp, song so sánh như vậy là không ổn, là khập khiễng và méo mó. Phải so với những người lao động khác ở trong nước. Hãy xem thực hư thế nào?

Xem xét kỹ hơn thì thấy hơn một nửa số lao động đó là trong lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, khai khoáng… Số người này không có thu nhập từ ngân sách mà từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nên thực ra các tổ chức này phải tự lo theo cơ chế thị trường và nếu có so sánh thì nên so với khu vực tư nhân tương ứng mới có ý nghĩa. Nếu thu nhập của họ thấp hơn thu nhập của lao động tương tự trong khu vực tư nhân (và thu nhập chính thức của họ chắc là thấp hơn thu nhập của người tương tự ở khu vực tư nhân), thì điều đó có thể có những ý nghĩa gì? Nó có thể chứng tỏ sự yếu kém của khu vực kinh tế quốc doanh (hay sự bóc lột nhiều hơn của chủ sử dụng lao động!?) và chỉ riêng vì lý do này (và nhiều lý do chính đáng khác) nên cải tổ triệt để khu vực này theo hướng tư nhân hóa. Liệt họ vào đây cũng có cái lý vì họ thuộc khu vực nhà nước, song có thể gây ra lẫn lộn giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động nhà nước.

Trong phân tích tiếp theo chúng ta loại họ ra và chỉ xem xét phần công chức, viên chức nhà nước.

Gần hai triệu người có thu nhập chủ yếu từ ngân sách: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (464,7 ngàn người; 1300,9 ngàn đồng), giáo dục đào tạo (1115,1 ngàn người; 1543,8 ngàn đồng), y tế (229,1 ngàn người; 1555,5 ngàn đồng), thể thao văn hóa (44,4 ngàn người; 1601,1 ngàn đồng), đảng, đoàn thể và hiệp hội (109,8 ngàn người; 1252,6 ngàn đồng). Chính vì thế khi tính trung bình và phân tích lĩnh vực nào thấp, lĩnh vực nào cao, hơn nhau bao nhiêu lần, sẽ mất ý nghĩa khi gộp chung như vậy. Có lẽ nên tách bạch ra sẽ đỡ gây nhầm lẫn hơn.

Nếu tách lĩnh vực kinh doanh ra thì thu nhập trung bình của người lao động nhà nước là 1472,7 ngàn đồng một tháng (17,67 triệu đồng/năm). GDP năm 2006 ước tính 973790 tỷ đồng với dân số 84.155,8 ngàn người, nên GDP đầu người là 11,57 triệu đồng. Như thế thu nhập bình quân của người lao động nhà nước là 1,53 lần GDP đầu người. Nói cách khác tính theo GDP đầu người thì tỷ lệ này chưa chắc đã thấp. Hãy so sánh thu nhập trung bình của người lao động trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam (bằng 1,6 lần GDP đầu người) với lương giáo viên tiểu học (năm 2001) nêu trong báo cáo của OECD (xem hình dưới).

Tính bằng GDP đầu người thì thu nhập trung bình của người lao động trong ngành giáo dục của chúng ta cao hơn lương giáo tiểu học của hơn 20 nước trong số 33 nước được khảo sát. Song lại là một so sánh khập khiễng, bạn đọc có thể nói, vì so thu nhập bình quân với lương bình quân của giáo viên tiểu học, so số liệu năm 2006 với số liệu 2001. Đúng vậy, nhưng có lẽ vẫn có thể, vì số giáo viên tiểu học chiếm số đông, và theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, thì lương giáo viên tiểu học năm 2005 là 1,4 triệu đồng/tháng (1,4 GDP đầu người) cũng không phải loại thấp khi so với các nước đó. Về thu nhập của lao động trong ngành y tế có lẽ cũng có bức tranh tương tự khi so sánh quốc tế. Do số người làm trong hai lĩnh vực này là hơn 1,5 triệu trong số gần 2 triệu lao động trong khu vực nhà nước, nên có lẽ có cơ sở để kết luận rằng thu nhập của lao động trong khu vực nhà nước ở Việt Nam, khi tính theo GDP đầu người, không phải là thấp.

Tất nhiên xét về con số tuyệt đối, thu nhập của người lao động của chúng ta còn thấp và đi so sánh con số tuyệt đối là so sánh rất khập khiễng. Chỉ có cách duy nhất để cải thiện con số tuyệt đối nếu có tăng trưởng kinh tế liên tục. Không có tăng trưởng kinh tế, GDP đầu người không cao thì khó có thể đòi thu nhập cao cho bất cứ ai, nói chi đến cho các “đầy tớ”. Có hai vấn đề nổi cộm khi xem xét thu nhập của công chức nhà nước. Một là, thu nhập thực so với thu nhập chính thức (theo sổ sách) là bao nhiêu? Và sự phân bổ rất không đều của thu nhập (thu nhập thực của một số ít [hay nhiều] quan chức cao hơn mức trung bình rất nhiều, và tuyệt đại bộ phận chỉ có lương và thu nhập thấp) là một khuyến khích rất mạnh để người ta chạy chức, chạy quyền, làm băng hoại đạo đức và gây bất bình xã hội. Muốn cải cách lương một cách có cơ sở, chí ít phải nghiêm túc nghiên cứu hai vấn đề ấy.

Hỏi 100 công chức chắc phải có 99 người trả lời “chẳng ai sống bằng lương cả”. Chúng ta thường nghe “đồng lương chết đói nhưng quan chức nào cũng sống đường hoàng”. Lý giải làm sao cho việc tuy lương thấp nhưng số người xin vào làm ở các cơ quan nhà nước vẫn đông. Bổng lộc nhiều hơn lương. Đấy là những thực tế, song đã có ai thử nghiên cứu, đo lường xem tỷ lệ của mức thu nhập thực và thu nhập chính thống là bao nhiêu, phân bổ theo lĩnh vực, cấp bậc, và địa phương ra sao?

Tôi đã trò chuyện với một quan chức tài chính ở một tỉnh. Theo ông này, chi ngân sách thường xuyên gồm 2 phần: phần cứng (nhất thiết phải chi như lương, điện nước, v.v.) chiếm khoảng 65-70%; phần chi cũng được không chi cũng chẳng sao (30-35% còn lại). Trong phần sau thường có đến 60% là chi không đúng (phải hợp thức hóa) và một phần là để bồi dưỡng thêm cho nhân viên cơ quan. Như thế khoảng 18-21% chi thường xuyên là có vấn đề, trong đó một phần để tăng thu nhập thêm cho nhân viên là hợp đạo lý song không hợp lệ, một phần có thể thất thoát. Nếu chia cho nhân viên, không rõ tỷ lệ phân phối ra sao. Nhưng chắc phần thu nhập “hợp đạo lý” đáng nhưng phải “hợp thức hóa” này không lớn vì lương chiếm phần lớn của con số 65-70% trên, may ra có thể thêm 10-15%.

Cũng theo quan chức tài chính đó, thất thoát trong các khoản đầu tư lớn cỡ 20-25% còn các khoản chi nhỏ (sửa chữa, duy tu) tỷ lệ có thể lên tới 50%. Các khoản tham nhũng “được hợp thức hóa” trong chi phí đầu tư này góp phần tăng GDP đồng thời là khoản thu nhập bất chính của một số quan chức. Nếu tỷ lệ trên là đúng (nhiều đại biểu quốc hội cho là tỷ lệ đến 30%) và hãy tính tỷ lệ 20% của tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước (185,1 ngàn tỷ đồng), thì con số thất thoát là khoảng 37 ngàn tỷ đồng. Nếu chia đều cho gần 2 triệu người hưởng lương từ ngân sách thì mỗi người được thêm 19 triệu đồng một năm (cao hơn mức thu nhập chính thức được công bố). Nạn ăn tiền của các ứng viên muốn vào cơ quan nhà nước không phải hiếm. Con em nông dân dù có học chính quy, học giỏi cũng chẳng sao len chân vào các cơ quan nhà nước, trừ khi bán hết nhà cửa để lấy tiền chạy (có khi hàng chục triệu). Trưởng phó phòng muốn lên chức phải chi vài chục triệu là bình thường.

Nếu tính thu nhập thực như vậy thì có lẽ sẽ thấy thu nhập trung bình của người lao động khu vực nhà nước ở ta có lẽ vào loại cao nhất thế giới (tôi đoán chắc như vậy và ước mong các tổ chức nghiên cứu bác bỏ phán đoán của tôi), tính theo GDP đầu người và cả bằng con số tuyệt đối trong trường hợp của các quan to. Vấn đề chính ở đây là sự phân bổ rất không đồng đều, tuyệt đại bộ phận công chức chủ yếu dựa vào lương và phụ cấp, một tỷ lệ nhỏ lại chiếm phần lớn, gây ra chênh lệch thu nhập rất lớn. Chính đây là một khuyến khích rất mạnh để người ta cố “đầu tư” chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế.
Nếu giảm được tham nhũng, giảm các khoản thất thoát, rà soát lại các khoản hợp đạo lý nhưng không hợp lệ và hợp pháp hóa chúng, thì chắc chắn việc cải cách lương không gây thêm gánh nặng cho ngân sách, mà lại lành mạnh hóa được hoạt động nhà nước, nâng cao lòng tin của dân vào bộ máy nhà nước, giảm bất công trong chính bộ máy nhà nước, giải toả được nhiều bức xúc xã hội.

Nguyễn Quang A

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)