Thử thách tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên

Vừa qua, khóa tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của dự án Vietnam Silicon Valley (VSV) đã kết thúc  với 9 công ty khởi nghiệp công nghệ trình bày sản phẩm của mình trước hơn 60 nhà đầu tư. Bản thân là một công ty khởi nghiệp, VSV còn một chặng đường dài cần điều chỉnh ở phía trước.  

Một người giúp chín người

Cùng chung mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đa số những người sáng lập VSV trước đây chưa có nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như chưa tham gia các mô hình accelerator (khóa tăng tốc khởi nghiệp) trên thế giới – đơn cử như CEO của VSV là bà Thạch Lê Anh với nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn đầu tư, kinh doanh và thiết lập, quản lý các mối quan hệ với các cơ quan chính phủ và các công ty nước ngoài nhưng đây là lần đầu bà bước chân vào lĩnh vực hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.

“VSV thực chất có thể coi là một startup (doanh nghiệp khởi nghiệp)” – Hoàng Trung, người sáng lập Lozi, một trong những doanh nghiệp tham gia vào dự án VSV nói. Cách làm trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu hiện nay của VSV là thử áp dụng kinh nghiệm từ các mô hình sẵn có từ những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Đức Hải, người sáng lập LoanVi – một trong những doanh nghiệp tham gia VSV cho biết, anh là một trong những người hỗ trợ CEO của dự án trong những ngày đầu tiên thành lập VSV bằng việc chia sẻ về các mô hình accelerator mà anh có dịp trải nghiệm khi còn học ở Mỹ.

Do còn đang trong quá trình thử nghiệm nên Khóa thứ nhất của VSV chỉ hỗ trợ vỏn vẹn 9 công ty, dự án khởi nghiệp, chọn ra từ hơn 100 hồ sơ đăng kí. Những người tham gia ứng tuyển không nhất thiết phải có sản phẩm hay thành lập công ty từ trước mà có thể đăng kí với chỉ với một ý tưởng kinh doanh. Sau khi được lựa chọn, 9 doanh nghiệp khởi nghiệp được VSV hỗ trợ những điều kiện tối thiểu để hoạt động. Giống như đa số những mô hình khóa tăng tốc khởi nghiệp khác trên thế giới, VSV đều cung cấp một không gian làm việc chung (co-working space) tại 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội; 10000 USD cho mỗi công ty (đổi lại bằng 5-10% cổ phần mỗi doanh nghiệp), các huấn luyện viên đến chia sẻ kinh nghiệm về luật, marketing, tài chính…mỗi tuần một buổi. Tuy nhiên, trong giai đoạn bước đầu hiện nay, mạng lưới huấn luyện viên của VSV khá khiêm tốn với 21 người, trong đó, chỉ có 6 người từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Với nguồn lực hỗ trợ như vậy từ VSV, các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được những kết quả nhất định trong tiến trình cụ thể hóa những ý tưởng, kế hoạch của họ. VnPlay là một trong 9 công ty khởi nghiệp tham gia vào khóa đầu của VSV, có dự định cung cấp nền tảng để phân phối nội dung các kênh truyền hình có bản quyền, giúp khán giả có thể xem các chương trình TV trên máy tính và các thiết bị di động. “Trước đây, VnPlay có đầy đủ ý tưởng, mô hình kinh doanh, khái niệm sản phẩm, chúng tôi chỉ thiếu một cơ hội để tập hợp tất cả những điều trên thành một sản phẩm VnPlay như bây giờ”, theo lời Nguyễn Minh Quang, CEO của công ty. Với 4 tháng ở VSV, nhóm đã có những thứ cơ bản họ mong muốn cho sản phẩm của mình: một ứng dụng xem TV và mobile, một website dễ nhìn để mọi người có thể xem trên máy tính để bàn, một công cụ đủ hiệu quả để một đối tác có thể phân phối dễ dàng nội dung truyền hình.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng hiểu rằng VSV chỉ mới đang ở giai đoạn thử nghiệm bước đầu, việc tham gia vào VSV chưa thể ngay lập tức giúp họ đổi mới về tư duy, định hướng trong việc phát triển sản phẩm, hay học hỏi được nhiều từ những doanh nghiệp cùng tham dự. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu họ hướng tới khi tham gia vào VSV là những cơ hội thuyết trình, kết nối với các nhà đầu tư trong ngày Hội đầu tư – Demo Day và cũng là ngày tốt nghiệp của khóa này. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đều đã có sản phẩm hoàn thiện.

Thử thách gọi vốn từ nhà đầu tư

Cơ hội kết nối với các nhà đầu tư là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia vào VSV, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có sản phẩm, ví dụ như Lozi, với sản phẩm là mạng xã hội chuyên chia sẻ dịa điểm ăn uống được hình thành dựa trên thói quen chụp và chia sẻ ảnh đồ ăn của cộng đồng. CEO Hoàng Trung của Lozi tự tin khẳng định: “công ty tôi đã có sản phẩm, đã có người dùng và việc tham gia vào VSV giúp cho chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người mà bình thường khó có thể gặp”.

Trong môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam, một accelerator thay vì đầu tư dàn trải nhiều nội dung, chỉ nên chuyên sâu và tập trung từng phân khúc trong hệ sinh thái: hoặc chỉ hướng dẫn (mentoring) hoặc chỉ cung cấp không gian làm việc chung (co-working space) hoặc hỗ trợ nguồn vốn ban đầu (seed fund)…và những dự án, công ty khởi nghiệp tham gia cuối cùng phải có sản phẩm hoàn thiện với mô hình kinh doanh khả thi, tạo đà để có thể nhân rộng tiếp và hoạt động bền vững.

Trần Mạnh Công, đồng sáng lập Topica Founder Institute Việt Nam

Ngoài ra,có doanh nghiệp muốn tập trung vào việc xây dựng sản phẩm, nhường công tác kết nối đầu tư lại cho VSV. Phạm Hùng, CEO của Tech Elite, cho biết sự hỗ trợ của VSV cho phép doanh nghiệp của anh không phải phân tán năng lực tìm kiếm nhà đầu tư, mà chỉ cần toàn tâm tập trung vào hoàn thiện sản phẩm trong vòng 4 tháng để chuẩn bị cho buổi Demo Day với hơn 60 nhà đầu tư tham dự do VSV tổ chức.

Việc tìm được nhà đầu tư thích hợp là điều rất quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi họ là những người sẽ sát cánh lâu dài cùng doanh nghiệp sau khi sự hỗ trợ từ VSV chấm dứt, mang đến nguồn vốn và những kinh nghiệm cần thiết để triển khai sản phẩm ra thị trường trên quy mô rộng hơn. Chính vì vậy, “thương mại hóa công nghệ” là mục tiêu của dự án Vietnam Silicon Valley và việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam là một trong những điều mà những người sáng lập dự án đang tập trung.

Tuy nhiên, đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Được biết sau buổi Demo Day, VnPlay, Tech Elite và Lozi cùng một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư, nhưng Nguyễn Minh Quang, CEO của VnPlay cho rằng “trung bình một thỏa thuận từ lúc tiếp xúc tới lúc hoàn thành tại Việt Nam là 3-6 tháng, có khi còn lâu hơn”, vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong sự kiện khó có thể được đầu tư ngay.

Đức Hải, CEO của LoanVi, là người sáng lập startup.vn, công ty tổ chức sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp, được bà Thạch Lê Anh giới thiệu là người đã kết nối nhiều nhà đầu tư đến dự buổi Demo Day không tỏ ra lạc quan về cơ hội được đầu tư: “Hiện nay, vốn đầu tư cho doanh nhân công nghệ gần như là không có. Trong một hai năm nay, chỉ còn mỗi quỹ Cyber Agent hoạt động cầm chừng. Các nhà đầu tư thiên thần cũng hạn chế do họ không hiểu nhiều về công nghệ và lợi nhuận thu về không là bao. Người ta vẫn chưa thấy được những bài học thành công của những nhà đầu tư thiên thần về công nghệ”.

CEO Nguyễn Minh Quang của VnPlay thì nhìn nhận rằng, việc kêu gọi vốn đầu tư ở Việt Nam là rất khó do quy mô công ty nhỏ, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch và nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp trong việc chuyển tiền. Cùng quan điểm với Minh Quang, Trương Thanh Thủy, người từng là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia vào 500Startups – một trong những khóa tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng nhất thế giới cho biết: “Rào cản lớn nhất để xây dựng một accelerator tại Việt Nam là hành lang pháp lý để các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các công ty công nghệ một cách dễ dàng”.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)