Thúc đẩy liên kết sản xuất là yếu tố “sống còn” để xuất khẩu nông sản

Khi các thị trường lớn vốn đã rất “khó tính” như Mỹ, EU đòi hỏi kiểm soát nông sản ngày càng khắt khe trên toàn chuỗi giá trị thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bỏ “thói quen” thương mại kiểu “ngẫu nhiên, tình cờ” và thay đổi thực hành liên kết sản xuất. Đồng thời nhà nước và các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ, đào tạo để doanh nghiệp “làm quen” với các tiêu chuẩn mới trong xuất khẩu nông sản.


Toàn cảnh Hội thảo.

Đó là những nội dung chính được trao đổi tại hội thảo “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tạp chí Tia Sáng, tuần báo Thế giới tiếp thị, dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 23/5 tại Hà Nội.

Kiểm soát “từ nguồn” ngày càng gắt gao

Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA) có hiệu lực trong tháng 9 tới đây sẽ trở thành rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp nông sản Việt Nam phải “đối mặt” từ trước tới nay để bước chân vào thị trường Mỹ.  Đây được coi là đợt “quét dọn” lớn nhất trong việc thiết lập lại các luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Mỹ trong 70 năm qua với trọng tâm chuyển từ “ứng phó” sang “phòng ngừa”. Nghĩa là, thay vì chỉ kiểm soát chất lượng ATTP ở cảng nhập khẩu tại Mỹ, thì FDA sẽ giám sát trên toàn chuỗi và có tần suất kiểm tra bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất xuất khẩu vào Mỹ, theo ông Herb Cochran, Cố vấn chương trình thuận lợi hoá thương mại của Mỹ tại Việt Nam.

Đứng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe như vậy, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều “lúng túng”. Ví dụ như Vineco, một doanh nghiệp được cho là có quy mô sản xuất nông nghiệp sạch vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay với 16 vùng chuyên canh và mô hình liên kết với 1.000 hộ nông dân nhưng vẫn rất “vất vả” để có thể kiểm soát được chất lượng nông sản “từ nguồn”. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giám đốc kỹ thuật của Vineco cho biết, mặc dù công ty đã có một quy trình hướng dẫn nông hộ sản xuất sạch và duy trì chế độ kiểm soát chặt chẽ sản phẩm đầu ra (theo chuẩn Vietgap để quản lý dư lượng kim loại nặng, thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), vi khuẩn…) nhưng tỉ lệ nông hộ vi phạm các tiêu chuẩn ATTP vẫn cao (30 – 40% số mẫu nông sản  vẫn nhiễm thuốc BVTV hoặc vi khuẩn). Điều đó đẩy doanh nghiệp vào “thế khó” cân đối được sản lượng như dự kiến ra thị trường. Về phía người dân, họ dễ dàng phá bỏ liên kết sản xuất sạch với doanh nghiệp bởi trong thực hành sản xuất họ rất dễ dàng tiếp cận với các loại thuốc BVTV, thậm chí các loại thuốc cấm, sản xuất có nhiều rủi ro và bằng mọi giá phải giữ sản lượng để đảm bảo nguồn thu nhập duy nhất của nông hộ…

Nhìn chung, doanh nghiệp Việt khó có khả năng giải quyết những thách thức đó để “xâm nhập” vào các thị trường khó tính, một bằng chứng rõ ràng là “có những cảnh báo từ năm 2009 về nông sản Việt Nam vẫn còn tồn tại trên web của FDA”, theo ông Đào Đức Huấn, Giám đốc trung tâm phát triển nông thôn, IPSARD, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt phải làm gì?

Trước những thay đổi lớn trong yêu cầu ATTP, chuyển từ kiểm tra chất lượng ở cảng sang các biện pháp phòng ngừa – bắt buộc phải kiểm soát thực hành sản xuất triệt để, theo ông Đào Đức Huấn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi thực hành sản xuất và thương mại của mình. Thứ nhất, doanh nghiệp phải bỏ “thói quen” làm thương mại theo kiểu “ngẫu nhiên, tình cờ”. Ví dụ, trước đây thường tập trung sản xuất rồi sau đó tìm kiếm đối tác để xuất hàng. Còn bây giờ, quan hệ kinh doanh phải được thiết lập trước từ một tới ba năm để cùng xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về ATTP. Thứ hai, doanh nghiệp không thể chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với “đầu ra” của nông sản, mà còn phải đáp ứng cả các yêu cầu về thực hành sản xuất trong toàn chuỗi giá trị nên cần phải thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ. Thứ ba, cân đối lại chi phí sản xuất để giảm giá thành bởi vì việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị sẽ rất “tốn kém”. Bối cảnh mới này không chỉ đặt ra “thách thức” cho các doanh nghiệp, mà còn yêu cầu khả năng quản lý của nhà nước và sự hỗ trợ từ phía các hiệp hội ngành nghề rất lớn.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC), bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội cho biết, Hội đã “cập nhật tình hình” và đưa ra Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập như một giải pháp hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm Việt. Cụ thể, khi doanh nghiệp đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí này, đồng nghĩa với việc họ đã “cam kết” thực hiện các bộ tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm soát chất lượng sản xuất trên toàn chuỗi giá trị (cụ thể theo từng thang điểm, hạng sao của Bộ tiêu chí). HDNHVNCLC có trách nhiệm đánh giá xếp hạng doanh nghiệp và có báo động khi họ có vi phạm về tiêu chuẩn. Bộ tiêu chí này không có gì quá “cao siêu” nhưng sẽ tạo ra tính chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp trong thực hiện các chuẩn quốc tế về ATTP. Bước đầu đã có 44 doanh nghiệp đã được công nhận đạt chuẩn này, sau đó HDNHVNCLC sẽ tiếp tục đào tạo và đưa họ đi giới thiệu mặt hàng ở một số nước, bắt đầu ở châu Á, sau đó tới châu Âu.

Việc các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra những bộ tiêu chí giám sát cho sản xuất này sẽ giúp Nhà nước “nhẹ gánh” trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, theo bà Vũ Kim Hạnh. Và điều này phù hợp với “xu hướng” quốc tế khi có nhiều mô hình các công ty tư nhân, tổ chức dân sự  có thể kiểm tra, theo dõi và chứng nhận các cơ sở sản xuất có phù hợp với các hướng dẫn thực hành vệ sinh tốt được ban hành bởi Nhà nước hay chưa. Các mô hình tư nhân này đều phải thể hiện tính liêm chính, khả năng đánh giá của mình để giữ uy tín và “thu hút” khách hàng đến đánh giá.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)