Thúc đẩy nghiên cứu phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris
Tại phiên điều trần công khai do Văn phòng Nghị viện Pháp về Đánh giá các lựa chọn khoa học và công nghệ (OPECST) tổ chức hôm 23/5, các nhà khoa học đã giải thích cách thức có thể hỗ trợ chính phủ trong việc khôi phục nhà thờ bị cháy một phần vào ngày 15 tháng 4.
Điện thờ Nhà thờ Đức Bà sau vụ hỏa hoạn tháng Tư.
“Rốt cuộc thì thảm họa này có thể là cơ hội đặc biệt cho nghiên cứu, bởi vì chúng tôi sẽ được tiếp cận những vật liệu mà thông thường không có cơ hội chạm đến”, Martine Regert, Phó Giám đốc khoa học Viện Sinh thái và Môi trường, Cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS) tại Paris cho hay.
“Sẽ có các hoạt động, thao tác khoa học khác nhau ở đây: hỗ trợ quá trình phục dựng nhà thờ, cung cấp cho chúng ta kiến thức sâu hơn về chính nhà thờ này, trong khi sẽ có một vài hoạt động khoa học khác giúp đem lại thông tin về đặc điểm của một số vật liệu”, Aline Magnien, Giám đốc Phòng thí nghiệm Phục hồi các di tích lịch sử ở Champs-sur-Marne, Pháp giải thích.
Từ phía Hiệp hội khoa học, ban đầu có sáu nhà khoa học mong muốn giúp đỡ [cho quá trình phục dựng], nay đã có hơn 200 thành viên thuộc nhiều ngành khác nhau từ lịch sử nghệ thuật, địa vật lý, khảo cổ học, cơ học, thậm chí có cả một số nhà khoa học nước ngoài tham gia. Trên trang web của Hiệp hội, các thành viên đăng tóm tắt về các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như mô hình 3D của nhà thờ và các vụ cháy lịch sử tại các nhà thờ khác thời kỳ Trung cổ.
Về phía các cơ quan quản lý, vào ngày 20 tháng 5, CNRS tuyên bố thành lập một đội đặc nhiệm Notre Dame, do Regert và Dillmann lãnh đạo. Cùng với cảnh sát có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ cháy, bà Regert cho biết lực lượng đặc nhiệm này hiện đang giúp xác định cách thu thập và phân loại vật liệu từ nhà thờ để không bị mất những thông tin khoa học bằng cách sử dụng các công nghệ như quang trắc (photogrammetry) và máy bay không người lái. Lực lượng đặc nhiệm cũng đang bắt đầu kiểm kê các kiến thức và dữ liệu hiện có về nhà thờ tại CNRS và tại các tổ chức khác, một số trong đó chưa được công bố và hiện đang phân tán trên nhiều định dạng và phương tiện truyền thông khác nhau.
Bà Regert nhấn mạnh: “Vai trò của chúng tôi là thu thập mọi thứ để không phải bắt đầu từ số không”. Về lâu dài, dự án nhằm xác định các chủ đề ưu tiên và phối hợp các nghiên cứu trên một loạt các ngành học để tránh trùng lặp. Regert nói thêm rằng nỗ lực này sẽ cần tiền bạc và nhân lực.
Ông Loïc Bertrand, một trong những điều phối viên của mạng lưới nghiên cứu của khu vực Ile-de-France về di sản và các vật liệu cổ cho biết mạng lưới sẽ cùng với CNRS và Bộ Văn hóa, đưa ra lời kêu gọi đặc biệt cho các dự án nghiên cứu khu vực. Ông Bertrand cũng đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm IPANEMA dành riêng cho nghiên cứu công nghệ cao về vật liệu di sản tại Gif-sur-Yvette, Pháp. Ông nói thêm, máy gia tốc Synchrotron SOLEIL của Pháp đã tạo điều kiện về thời gian sử dụng các chùm tia cho những nghiên cứu liên quan đến Nhà thờ Đức Bà. Các nghiên cứu này có thể giúp hiểu được ảnh hưởng của ô nhiễm khí quyển, nấm và vi khuẩn đối với các vật liệu như kim loại, gốm sứ, gỗ và vật liệu composite.
Phiên điều trần OPECST diễn ra vài ngày trước khi Thượng viện kiểm tra dự thảo về việc khôi phục nhà thờ Đức Bà đang gây tranh cãi; dự thảo mà theo đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết hoàn thành khôi phục trong vòng 5 năm. Dự thảo muốn thành lập một quỹ quốc gia để thu thập các khoản quyên góp với mức giảm thuế đặc biệt cao. Dự thảo này cũng dự kiến thành lập một cơ quan công để giám sát việc phục dựng và cho phép chính phủ bỏ qua các quy định về mua sắm công, quy hoạch thành phố và bảo vệ môi trường để thực hiện phục dựng. Các ý kiến phản đối cho rằng Tổng thống Macron đã tự cho mình đứng ngoài thể chế và thúc giục ông cho tiến hành phục dựng với tốc độ hợp lý, trong phạm vi các quy tắc và khuôn khổ hiện có.□
Hoàng Nam lược dịch
(Visited 10 times, 1 visits today)