Thương hiệu quốc gia

Có thể có những định nghĩa khác nhau về thương hiệu quốc gia, nhưng rút cục đều phải bàn đến “danh tiếng của quốc gia đó” trên thị trường thế giới. Và để có được danh tiếng của quốc gia hay không tùy thuộc vào việc quốc gia đó có những ý tưởng gì mới mẻ, có những phát minh, sáng tạo gì, có những thể chế gì đảm bảo cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.

1. Thể chế

Thể chế, có thể hiểu bao gồm ba yếu tố: Luật pháp, bộ máy nhà nước, phương thức điều hành đất nước. Giá trị phổ biến về thể chế của những nước phát triển thuộc OECD được xem như là những nước có thương hiệu quốc gia tốt nhất (Simon Anholt, Dung, 2008) là dân chủ, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế… Những giá trị này có tính bền vững, dù ở những nước này đã nổ ra hàng chục cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Nhưng thực tế đã cho thấy những cuộc khủng hoảng này không những đã không phá hủy những giá trị bền vững ấy mà còn làm cho những giá trị phổ biến ấy càng ngày càng hoàn thiện hơn. Công trình nghiên cứu của IQbal, Jong Ilyou (2001) đã tiến hành khảo sát 150 quốc gia trong thời kỳ 1960 – 1980 đã cho thấy các nước có chế độ chính trị mở cửa cao đã đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm 2,5 – 3% so với những nước có nền kinh tế thiếu dân chủ và đóng cửa với bên ngoài. North (1990) đã nghiên cứu thực tế ở nền kinh tế dân chủ, đã đi đến kết luận là thể chế dân chủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng; thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả; đảm bảo môi trường kinh tế tự do hơn. Dựa trên những kết quả nghiên cứu này một số tổ chức quốc tế đã đưa ra một số giải pháp tư vấn và hỗ trợ các nước nghèo như: Ưu tiên hàng đầu không phải là cải cách dân chủ ngay tức thì, mà là phải cải cách thể chế hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, phải tiến hành cải cách chính trị theo hướng dân chủ đồng thời với chính sách kinh tế. Nóng vội cải cách chính trị trước sẽ đưa tới thất bại trong chính sách kinh tế, nước Nga dưới thời Elsin làm Tổng thống đã là môt ví dụ.

6 yếu tố bảo đảm cho việc xây dựng thành công thương hiệu quốc gia: đào tạo, trọng dụng và thu hút nhân tài; xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao; thu hút khách du lịch nước ngoài;  phát triển văn hóa dân tộc và hiện đại; thu hút đầu tư và nhân tài nước ngoài.

Những thể chế tiến bộ này đã tạo ra điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đã tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Và chính giá trị của thương hiệu quốc gia đã làm tăng giá trị GDP của quốc gia. Simon Anholt đã thực hiện 1 cuộc khảo sát ở 29 nước ở các châu lục khác nhau, và kết quả mà ông đã đạt được là: Có 18 nước có giá trị thương hiệu quốc gia cao hơn GDP, trong đó Đan Mạch là nước có giá trị thương hiệu quốc gia cao hơn giá trị GDP tới 320%; Ý và Đức – 167%, Hoa Kỳ – 152%; Nhật Bản – 133%; và  10 nước có giá trị thương hiệu quốc gia thấp hơn GDP trong đó: Ba Lan – 18%, Brazil – 30%, Trung Quốc 43% (Simon Anholt, Sự nhận diện mang tính cạnh tranh, 2006, tr. 35).

2. trọng dụng và thu hút nhân tài

Nước Anh đã từng là bá chủ thế giới bằng việc nắm giữ và phát triển các ngành công nghiệp và từ đó làm chủ các thị trường thế giới, tạo dựng nên thương hiệu nước Anh – một quốc gia mà mặt trời không bao giờ lặn.Tiếp theo là Hoa Kỳ đã thay thế nước Anh “lãnh đạo” thế giới bằng việc tạo dựng “hệ thống tài chính toàn cầu” thống trị thế giới.

Thời đại công nghiệp và tài chính đã và đang qua, đang xuất hiện một thời đại mới – “thời đại của các nhân tài”, nghĩa là thời đại mà các nhân tài sẽ giữ vai trò quyết định sự phát triển, quyết định chất lượng của các thương hiệu quốc gia.

Singapore hiện đã nổi lên là một quốc đảo có chính sách bồi dưỡng nhân tài hàng đầu thế giới. Điểm nổi bật nhất của Singapore là chính sách thu hút nhân tài nước ngoài. Lý Quang Diệu đã nói “nhân tài nước ngoài là chìa khóa hướng đến tương lai”. Trong Chính phủ đầu tiên của Singapore chỉ có 2 Bộ trưởng là người Singapore còn lại là người nước ngoài, các nhân tài nước ngoài đến làm việc tại Singapore được lương cao nhất, có điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt nhất. Lương của Bộ trưởng Singapore 1 năm là 1,2 triệu USD, gấp 3 lần lương Tổng thống Mỹ. Lãnh đạo tất cả các cơ quan chính quyền, các trường học, bệnh viện của Singapore đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và tiêu chuẩn trước hết là tài năng, tốt nghiệp ở các trường hàng đầu thế giới. Ông Lý Quang Diệu đã từng nói “Lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân người tài không cho họ vào các cương vị quan trọng” và sẽ dẫn đến tình trạng “mua quan, bán chức”. Singapore đã thành lập một Ủy ban quốc gia về nhân tài để phát triển đất nước.

Một nước có những nhân tài đứng đầu đất nước, đứng đầu các chính quyền địa phương, các công ty chắc chắn đất nước đó sẽ phát triển, sẽ có một tương lai rộng mở và có một thương hiệu quốc gia mạnh. Thương hiệu quốc gia Singapore đã gắn với tên tuổi ông Lý Quang Diệu, thương hiệu quốc gia Hàn Quốc đã gắn với tên tuổi Park Chung Hee.

3. Thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm

Thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm gắn chặt với thương hiệu quốc gia. Chẳng hạn người mua nếu được lựa chọn các sản phẩm điện tử làm tại Nhật Bản chứ không chọn các sản phẩm điện tử làm tại Trung Quốc dù phải trả thêm tiền.

Thương hiệu phải có một quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm bao gồm các khâu:

– Xây dựng và phát triển thương hiệu trong thực tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, hiện đại và cạnh tranh quốc tế.

– Xây dựng hình ảnh của thương hiệu phù hợp với thực tế phát triển của doanh nghiệp và sản phẩm.

– Thực hiện các chương trình truyền thông để quảng bá thương hiệu.

– Xác định giá trị tài sản của thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm của 1 công ty càng tốt thì giá trị của sản phẩm đó càng được tăng cao. Người ta đã tính là nếu không có giá trị tài sản thương hiệu thì giá trị vốn hóa thị trường của Xerox chỉ vào khoảng 481 triệu USD, chứ không thể đạt tới con số 6,5 tỷ USD, nghĩa là nhỏ hơn 31 lần.

Các quốc gia phải có chiến lược chính sách xây dựng và phát triển các thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, và bảo vệ các thương hiệu đó. Chính sách này bao gồm: hỗ trợ tài chính – chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, tuyển chọn nhân tài, mở cửa thị trường bên ngoài… cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, bảo vệ các thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế:

4. Thực tế Việt Nam

Cho đến nay vấn đề thương hiệu quốc gia cũng như thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, được Chính phủ Việt Nam quan tâm đã lấy ngày 20/4 là ngày thương hiệu Việt Nam, năm 2005 đã chọn 30 sản phẩm làm thương hiệu sản phẩm quốc gia. Năm 2008 đã chọn được 30 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm hàng đầu Việt Nam, thỏa mãn được các giá trị “chất lượng – đổi mới, sáng tạo – năng lực lãnh đạo”.

Tuy nhiên để gia tăng danh tiếng thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

– Đổi mới thể chế là khâu đột phá hàng đầu. Đây là giải pháp đã được các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định. Tuy nhiên đổi mới thể chế theo hướng nào và bằng cách nào, vẫn đang là vấn đề chưa được xác định cụ thể. Chương trình 30 cải cách thủ tục hành chính mới chỉ làm được một việc là rà soát bãi bỏ 30% các thủ tục không cần thiết, nhưng sau đó người ta lại thêm văn bản, thêm các thủ tục khác.

– Tình trạng “chạy chức, chạy quyền” vẫn còn khá phổ biến, do vậy các nhân tài ở Việt Nam vẫn chưa được sử dụng.

– Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung vào xuất khẩu tài nguyên, làm gia công lắp ráp, do vậy danh tiếng thấp;

– Các danh lam thắng cảnh của Việt Nam có nhiều, nhưng chưa có chính sách xây dựng thành các thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia, nên chưa thu hút được các du khách quốc tế bằng các quốc gia khác trong khu vực.

– Chưa có các chính sách nhập cư có đủ sức thu hút các nhân tài quốc tế.

– Số lượng FDI vào Việt Nam tương đối khá, nhưng chất lượng thấp; do chính sách của Việt Nam chưa phù hợp.

Kết luận

Để thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam ngày càng có danh tiếng trên thị trường quốc tế, Việt Nam phải đổi mới thể chế theo hướng hiện đại và quốc tế, phải có chính sách trọng dụng và thu hút các nhân tài. Đây là hai yếu tố quyết định. Việt Nam phải nghiên cứu, nhận diện các thương hiệu quốc gia khác trên thế giới để học hỏi, tiếp thu, áp dụng những kinh nghiệm của họ. Đó là con đường phát triển tất yếu, nếu Việt Nam không muốn tụt hậu.

—-

Tài liệu tham khảo:

Simon Anholt: Sự nhận diện mang tính cạnh tranh, Hoàng Phúc dịch năm 2007.
North, Douglass C. (1990): Institution change and Economic Performance, Cambrige Univercity Press.

Acemoglu, Daron (1995): Reward structure and the Allocation of Talent, European Economic Review, 39, 19-33.

Trần Văn Tùng, Vũ Đức Thanh (2011): Thể chế yếu tố quyêt định tăng trưởng kinh tế, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kornai, Janos (2001): Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội tin học Việt Nam.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)