Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của đại học: Bí quyết thành công của Hoa Kỳ

Quá trình thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thị trường ở Hoa Kỳ được thực hiện thông qua văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO) hoặc văn phòng cấp phép công nghệ (TLO). Các văn phòng được đặt tại các trường đại học hoặc các vùng sản xuất trên khắp cả nước.


Đại học California, Los Angeles (UCLA) là trường đứng đầu nước Mỹ về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, còn vượt cả Stanford, MIT và Canergie Mellon. Trong ảnh là một góc phòng thí nghiệm để ươm tạo công nghệ (incubator lab) của đại học này. Nguồn ảnh: báo Los Angeles Times.

Vai trò của các TTO

Quá trình thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thị trường ở Hoa Kỳ được thực hiện thông qua văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO) hoặc văn phòng cấp phép công nghệ (TLO). Các văn phòng được đặt tại các trường đại học hoặc các vùng sản xuất trên khắp cả nước. Đối với các trường và cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp thì điều này thể hiện rất rõ thông qua mạng lưới TLO được đặt tại trung tâm khuyến nông ở tất cả vùng sản xuất trọng điểm trong các tiểu bang. Các tổ chức này tham gia ngay từ đầu quy trình thương mại hóa, sau khi nhà khoa học công bố công trình nghiên cứu hoặc phát minh của mình.

Bước đầu tiên, TTO sẽ xem xét tiềm năng thương mại hoá sản phẩm KHCN. TTO sẽ thảo luận với nhà khoa học để cân nhắc tiềm năng thương mại hoá của phát minh và sẽ quyết định có nên nộp đơn xin bằng sáng chế cho phát minh hay không? Tìm nguồn kinh phí đăng ký sáng chế ở đâu? Thời gian đăng ký sáng chế nhanh hay chậm? Phát minh này sẽ mang lại hiệu quả hay khả năng sử dụng và khai thác ra sao?


Hình 1. Sơ đồ quá trình thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ tại các (TTO) của Hoa kỳ (van Norman và Eisenkot, 2017).

Có ba trường hợp xảy ra (Hình 1): (1) Nếu sản phẩm KHCN không mang lại giá trị thương mại nhưng có tiềm năng để phục vụ cộng đồng thì sẽ được chuyển giao phi độc quyền (non-exclusively transferred) thông qua một văn bản chuyển giao gọn nhẹ gọi là MTA – materials transfer agreements cho nhiều viện, trường khác để tham khảo hoặc nghiên cứu. Một ví dụ mang tính lịch sử là công nghệ cắt gene của hai nhà khoa học Cohen và Boyer đem về cho hai trường đại học sở hữu nó là Đại học California và Đại học Stanford 250 triệu USD doanh thu từ năm 1981 – 1997 chỉ nhờ vào chuyển giao phi độc quyền (phí chuyển giao mỗi lần là 10.000 USD).

(2) Nếu phát minh sáng chế đã có một hợp đồng tài trợ thương mại hay hợp đồng tài trợ nghiên cứu (gọi là SRA – sponsored research arrangement) từ trước đó thì chính doanh nghiệp, tổ chức tài trợ sẽ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu đó nhanh chóng.

(3) Trong trường hợp, sáng chế, phát minh chưa từng được doanh nghiệp tài trợ nhưng về lâu dài có “giá trị tiềm năng thương mại”, TTO sẽ xây dựng dự án để thu hút nguồn vốn. TTO sẽ định hướng phát triển các sản phẩm KHCN theo hướng phù hợp với ý đồ tài trợ của các nguồn quỹ hoặc tiếp cận các quỹ, nhà đầu tư thiên thần, các cơ sở khởi nghiệp để phát triển đổi mới công nghệ.
Yêu cầu của các TTO là phải hiểu rất rõ ưu thế nghiên cứu và phát minh trong trường đại học của mình, phát triển mạng lưới quan hệ và hiểu các vấn để của khối tư nhân. Hơn nữa, các nhà khoa học, nhà sáng chế cũng biết những phát minh tương tự từng được công ty, tổ chức nào thương mại hóa để gợi ý cho chính TTO tìm hiểu. TTO và nhà khoa học bắt tay quảng bá phát minh, sáng chế ngay khi đơn xin cấp sáng chế hoặc sở hữu trí tuệ được chấp thuận để sớm có được tài trợ hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ. Chi phí và nguồn lực quảng bá và tìm hiểu thị trường là do TTO bỏ ra.

Tại Hoa Kỳ có thể dễ dàng tìm được thông tin về số lượng bằng sáng chế của các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các văn phòng TTO/TLO. Mỗi văn phòng này đều tự xây dựng cho mình một ngân hàng công nghệ riêng để quản lý “vốn trí tuệ” của trường đại học.

TTO/TLO thường xuyên cập nhật và xuất bản danh mục các sản phẩm KHCN hiện có của trường để phát cho doanh nghiệp. Họ cũng tổ chức các hội chợ, hội thảo giới thiệu về công nghệ mới và mời các tổ chức tư nhân đến tham quan phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu của trường. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp đặt hàng ngược lại các nhà khoa học. Khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp, TTO sẽ dựa vào các công nghệ liên quan trong ngân hàng dữ liệu của mình để tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài trường xây dựng dự án. Sản phẩm đầu ra thường là kết quả của sự liên kết nhiều nhóm nghiên cứu bao gồm nhiều lĩnh vực trải rộng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn. Chẳng hạn, một doanh nghiệp đến đặt hàng TTO của Đại học bang Florida làm ra một chậu cây có điều kiện thoáng khí tương tự như trồng ngoài đất, nhưng không bị rò rỉ nước hay phân bón ra ngoài. Dựa vào ngân hàng công nghệ của mình, TTO sẽ tập hợp những nhà khoa học về vật liệu, hóa học, nông nghiệp…có các nghiên cứu, phát minh, sáng chế liên quan cùng làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Kinh phí nghiên cứu sẽ do doanh nghiệp tài trợ toàn bộ ngay từ đầu, vì họ biết chắc chắn rằng mình sẽ có sản phẩm đúng hạn và như ý.

Thương mại hoá sản phẩm – một chỉ số xếp hạng các trường đại học

Số lượng các bằng sáng chế tăng nhanh chóng qua thời gian (Bảng 1) cho thấy vai trò quan trọng của việc hình thành các bằng sáng chế trong quá trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Mỹ nhận ra rằng, chỉ số về số lượng công bố khoa học hay số lượng bằng sáng chế là chưa đủ để đánh giá hiệu quả và sự cạnh tranh trong nghiên cứu KHCN của các trường đại học.


Bảng 1. Xếp hạng các đại học Hoa Kỳ về số lượng các bằng sáng chế giai đoạn 1969-2012. Nguồn: van Norman và Eisenkot, 2017.

Chính vì vậy, Hoa Kỳ đã xây dựng bộ chỉ số chuyển giao và thương mại hoá (The University Technology Transfer and Commercialization Index) được thu thập và đánh giá bởi Hiệp hội quản lý công nghệ các trường đại học (Association of University Technology Managers) (Ross DeVol và cs. 2017), tập trung vào việc đánh giá chất lượng công nghệ đã được nghiên cứu, chuyển giao và hiệu quả xã hội mà nó mang lại. Khi đó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN của một trường đại học hay các cơ sở nghiên cứu tại Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc vào sự thành công của TTO/TLO trong việc quản lý tài sản trí tuệ, kiến thức về IP, việc cấp phép, nắm vững luật trong các hợp đồng; hiểu biết về quản lý và thực tiễn kinh doanh; các mối liên hệ với thị trường và đầu tư bên ngoài.

Trong đó, bốn nhóm chỉ số được xây dựng bao gồm: số lượng các bằng sáng chế được cấp, các hợp đồng li-xăng tạo ra, kinh phí thu được từ các hợp đồng li-xăng và nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành. Cách làm này giúp Chính phủ Hoa Kỳ có đầy đủ các thông tin về lợi nhuận kinh tế cũng như hiệu quả xã hội của các nguồn đầu tư cho KHCN đem lại, qua đó có kế hoạch hỗ trợ và đầu tư hiệu quả hơn cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Việc đánh giá Chỉ số chuyển giao và thương mại hoá công nghệ và xếp hạng các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu được thực hiện theo chu kỳ bốn năm.

Kết quả đánh giá các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu theo bộ Chỉ số chuyển giao và thương mại hoá cho thấy xếp hạng KHCN không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư hay quy mô và uy tín của đại học hay cơ cở nghiên cứu mà phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động KHCN. Mỗi trường đại học và các cơ sở nghiên cứu muốn có vị trí cao trong bảng xếp hạng về hiệu quả hoạt động KHCN thì phải xây dựng chiến lược để nâng cao vị thế KHCN của mình (Ross DeVol và cs. 2017). Dưới đây là một số ví dụ về chiến lược phát triển KHCN của các trường ĐH và các cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ, trong đó có nhiều đại học nhỏ nhưng lại có hoạt động chuyển giao và thương mại hoá công nghệ hiệu quả như Đại học Uhtah năm 2006 xếp hạng 14, năm 2015 đã vượt lên đứng đầu bảng xếp hạng. ĐH Utah đã nâng cao vị thế và uy tín của mình thông qua việc xây dựng được chiến lược phát triển đại học dựa vào thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học. Vị trí thứ hai là ĐH Columbia được đánh giá cao do tạo ra doanh thu lớn từ các hợp đồng chuyển giao KHCN. Vị trí thứ ba là Đại học Florida với sự thành công mang lại do đa dạng hoá sản phẩm khoa học công nghệ có tiềm năng thương mại. Vị trí thứ tư là đại học rất nhỏ bé Brigham Young đã nâng cao vị thế của mình thông qua việc tập trung vào hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp và hiệu quả trong việc đầu tư cho KHCN. Đại học nổi tiếng Standford xếp hạng thứ 5 tập trung vào tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển thị trường chứng khoán và quản trị kinh doanh.

Bộ chỉ số xếp hạng này có thể được coi như một công cụ quản lý minh bạch, hiệu quả của chính phủ trong việc quản lý KHCN, đồng thời khích lệ các trường và cơ sở nghiên cứu đánh giá đúng vai trò của thương mại hoá công nghệ. Bên cạnh đó, nó cũng đòi hỏi các viện trường phải tự nâng cao năng lực trong quản lý việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu và công tác thống kê, báo cáo về hoạt động này. Chính phủ và nhà quản lý nhờ vậy mà nắm rõ hiệu quả tạo ra việc làm, tạo ra doanh nghiệp khởi nghiệp và hiệu quả xã hội từ đầu tư KHCN… Nhà nước cũng lấy đó làm cơ sở để xác định quyền đối với sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra từ kinh phí đầu tư từ ngân sách (Bảng 2).


Bảng 2. Quyền của Chính phủ đối với các sản phẩm KHCN tạo ra từ kinh phí đầu tư của nhà nước.

Gợi ý cho Việt Nam

Kinh nghiệm của Mỹ đưa ra hai gợi ý quan trọng cho Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại hóa từ viện trường đến doanh nghiệp.

1) Cần xây dựng và hướng dẫn các tổ chức TTO/TLO tại trường đại học và các cơ sở nghiên cứu thực hiện quy trình chuyển giao và thương mại hoá công nghệ một cách bài bản và chuyên nghiệp nhằm khai thác hiệu quả cả ba dạng sản phẩm KHCN tạo ra từ chương trình nghiên cứu. Đồng thời, mỗi TTO/TLO này cũng cần phải tự thiết lập ngân hàng công nghệ và tham gia ngân hàng công nghệ mở trên thế giới. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc quản lý đề tài, nghiên cứu của các trường mà còn tránh các nghiên cứu trùng lặp, tham khảo và biết được trên thế giới đã có những công nghệ gì, công nghệ nào của trường có tiềm năng và nên đăng ký sở hữu trí tuệ. Một số tổ chức phát triển trên thế giới đã thành lập ngân hàng công nghệ toàn cầu cho các nước kém phát triển (chẳng hạn như Liên Hợp Quốc http://unohrlls.org/technologybank/), cho phép truy cập mở, tập trung vào các phát minh trong lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ (doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học, viện nghiên cứu công cộng, vv) đang tham gia vào mạng lưới này nhằm khai thác và tận dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm giải quyết những thách thức toàn cầu.

2) Xây dựng bộ chỉ số phát triển thương mại hoá sản phẩm KHCN (Key performance indicators) để đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Bộ chỉ số sẽ giúp chính phủ và nhà quản lý có căn cứ quyết định, xây dựng kế hoạch hỗ trợ hoặc tiếp tục đầu tư KHCN cho các cơ sở nghiên cứu, phục vụ quản lý hoạt động KHCN minh bạch và hiệu quả. Mặt khác, việc xây dựng bộ chỉ số và xếp hạng các đơn vị sẽ khích lệ các trường và cơ sở nghiên cứu luôn đổi mới tổ chức và thực hiện nhiệm vụ KHCN phù hợp với nhu cầu thực tế, nâng cao tính cạnh tranh và vị thế KHCN của mình.

Ngoài ra, để bộ chỉ số cũng như các trung tâm TLO/TLO có thể đi vào hoạt động thực chất, điều quan trọng là phải tăng cường đào tạo nhận thức về thương mại hoá cho các nhà khoa học và thế hệ tương lại trong hệ thống giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu. Tại Hoa Kỳ cũng như ở một số nước phát triển khác, không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các nhà khoa học, sinh viên đều được giáo dục sâu sắc về thái độ thương mại hoá sản phẩm trí tuệ thông qua các chương trình gắn kết thị trường…. Vì vậy bản thân những người làm khoa học, sinh viên tốt nghiệp, người nông dân là những nhà nghiên cứu thị trường. Qua các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức các nhà khoa học sẽ năng động hơn, vận động tốt hơn việc định hướng nghiên cứu gắn với thị trường.
———
* Bài viết với sự đóng góp của Phạm Đức Nghiệm và John Barnett, Đại học Emporia State, Hoa Kỳ.
Tài liệu tham khảo
1. Ross DeVol, Joe Lee và Minoli Ratnatunga (2017). Khái niệm và mô hình thương mại hoá công nghệ tại Hoa kỳ: Trường đại học chuyển giao công nghệ hiệu quả nhất. Báo cáo của Viện nghiên cứu Mickens.
2. Bayh-Dole Act. Pub Law No. 96-517, amended by Pub Law No 97-256 at 35 U.S.C. Ch 18. Available at: https://www.gpo.gov/fdsys/pkg/STATUTE-94/pdf/ STATUTE-94-Pg3015.pdf. Accessed March 23, 2017.
3. McDevitt FL, Mendez-Hinds J, Winwood D, et al. More than money: the exponential impact of academic technology transfer. Technol Innov 2014;16:75–84.
4. Valdivia WD. University start-ups: critical for improving technology transfer. The Brookings Institution. November 20, 2013. Available at: https://www.brookings.edu/research/university- start-ups-critical-for-improving-technology-transfer/ Accessed February 10, 2017.
5. Thursby JG, Thursby MC. Intellectual property. University licensing and the Bayh-Dole Act. Science 2003;301:1052.
6. Winickoff D. Private assets, public mission: the politics of technology transfer and the new American university. Jurimetrics 2013;54:1–42.
7. Council on Governmental Relations (COGR). Rights and responsibilities for technical data and computer software under federal awards. October 2009. Available at: http://www.cogr.edu/rights- and-responsibilities-technical-data-and-computer- software-under-federal-awards. Accessed February 11, 2017.
8. Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2016), Báo cáo tổng kết hằng năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ về Kế hoạch tiếp cận công cộng: Tăng khả năng tiếp cận thị trường với kết quả nghiên cứu khoa học do Federally tài trợ.
9. Cục Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, (2017). Báo cáo kế hoạch chiến lược phát triển năm 2017-2019 về “Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp”.

 

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)