Thương mại và dịch vụ điện tử ở Mỹ phát triển đến đâu?

Ở Mỹ chưa hẳn 100% dân chúng đều sử dụng dịch vụ mua bán và mọi thứ qua mạng như người ta vẫn hình dung. Nhưng nước Mỹ đang tiến dần đến con đường đó.

Kỹ nghệ ngân hàng. Nếu có cơ hội tới thăm một chi nhánh của Citibank, một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ (một trong những ngân hàng Mỹ đầu tiên đã có trụ sở và chi nhánh hoạt động tại Việt Nam), ta sẽ thấy hệ thống vận hành của trung tâm này phản ánh rõ rệt những thay đổi và tiến bộ của công nghệ tin học trong ngân hàng Mỹ trong vòng mười năm qua.

Điển hình là khu xử lý séc cá nhân của các tư nhân và hộ gia đình. Mặc dù quy trình vận hành như nhau, các séc gửi tới ngân hàng đều phải được phân loại theo các hãng (khách hàng của ngân hàng), sau đó ghi lại số tiền, số tài khoản, ngày tháng thanh toán để chuyển sang cân đối tài khoản, nhưng khu xử lý séc được chia thành ba hệ thống khác nhau sử dụng các công nghệ khác nhau.

Hệ thống thứ nhất hoàn toàn tự động hóa, các tờ séc chạy qua một hệ thống vận hành phức tạp để được phân loại, sau đó quét bằng một máy quét kỹ thuật số chất lượng cao và tự động nhập các số liệu cần thiết, người điều hành chỉ can thiệp và nhập số liệu bằng tay khi máy không thể nào đọc được chữ viết rắc rối trên séc. Tỷ lệ can thiệp chỉ là 1 phần nghìn, để điều hành toàn bộ hệ thống chỉ cần duy nhất một người.

Bộ phận thứ hai cũng có hệ thống phân loại và đọc số liệu nhưng kỹ thuật thấp hơn, đòi hỏi khoảng 10 lao động điều khiển 10 chiếc máy quét và tỷ lệ can thiệp cao hơn, tới 1/25. Một hệ thống thứ ba cũng gồm máy quét và máy vi tính, nhung do chất lượng thấp, hiện công ty đã ngừng không sử dụng đến, chỉ có khi nào số lượng séc quá lớn mới đem ra vận  hành để giảm tải.

Số lượng séc xử lý tại một trung tâm của Citibank lên tới trung bình khoảng vài triệu trong một tuần, cho thấy dân chúng Mỹ vẫn còn phần nào ưa chuộng cách thanh toán truyền thống là nhận hóa đơn theo đường bưu điện, viết một tờ séc và gửi bưu điện để thanh toán. Trong số các khách tham quan  Citibank cùng với tác giả (các sinh viên Mỹ theo học ngành quản trị kinh doanh), một phần hai cho biết vẫn ưa sử dụng thanh toán bằng séc, trong khi đó số còn lại hoàn toàn thanh toán các hóa đơn qua mạng. Anh thanh niên điều hành hệ thống đọc và nhập số liệu từ séc, người Mỹ gốc Việt, cười khi thấy chúng tôi nói chuyện là vẫn sử dụng séc. Anh cho biết trong một năm anh có lẽ chỉ dùng đúng một tờ séc, còn lại hoàn toàn thanh toán qua mạng. Các khách tham quan cũng cho biết họ bị gia đình và bạn bè cười là cổ hủ, xong họ vẫn ưa thanh toán bằng séc vì cảm thấy chưa thích nghi được với thanh toán qua mạng, một phần vì cảm thấy không đủ an toàn, một phần vì khó thay đổi thói quen lâu đời từ xưa tới nay là sử dụng séc. Theo dự đoán của các nhân viên Citibank mà chúng tôi được gặp, trong vòng chậm nhất là mười năm nữa, mọi người sẽ hoàn toàn quen với thanh toán qua mạng, lúc đó công việc thanh khoản của ngành ngân hàng sẽ đơn giản hóa hơn rất nhiều so với bây giờ.
Dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng. Các trường quản trị kinh doanh hàng đầu đã đưa vào chương trình giảng dạy

 
Quảng cáo trên Internet năm 2006 sẽ lên tới 15,6 tỷ USD.

chiến lược kinh doanh một nghiên cứu tình huống về cuộc cạnh tranh giữa hai hãng bán sách nổi tiếng là Amazon, bán hàng qua mạng, và Barnes and Noble, một hãng bán lẻ có chuỗi các cửa hàng sách ở khắp các nơi trên nước Mỹ trong những năm cuối 1990. Amazon phát triển mạnh đe dọa sự tồn tại của Barnes and Noble, khiến hãng này cũng phải tìm cách để cạnh tranh hiệu quả hơn bằng cách cũng đưa sách lên bán trên mạng, đồng thời biến các hiệu sách hiện có thành những địa điểm thật hấp dẫn, có cà-phê ngon, ánh sáng vừa mắt, và những ghế bành êm ái để thu hút các khách hàng vào đọc và mua sách.

Đối với người tiêu dùng, cuộc cạnh tranh này chỉ có lợi. Hai hãng đều phải có những khoản giảm giá đặc biệt để thu hút khách hàng, và mỗi hãng phục vụ nhu cầu mua sách theo một kiểu cách riêng. Nếu bạn cần một quyển sách cho việc học tập và không gấp  lắm, bạn sẽ vào Amazon. Nhưng nếu bạn cần ngay một quyển sách nào đó bạn vẫn muốn đến thử xem liệu hiệu sách Barnes and Noble gần nhà có sách đó hay không. Hoặc giả dụ nhân dịp Giáng Sinh và năm mới, nếu bạn thích mua sách tặng người thân và bạn bè, bạn hẳn phải muốn ghé Barnes and Noble nhiều hơn vì nhân viên ở đó có thể giúp bạn chọn sách và bọc gói.

Các hãng bán lẻ quần áo và đồ dùng cá nhân cũng dần dần đưa hết các loại hàng họ có lên trang web và khuyến khích mua hàng trên mạng bằng cách miễn phí vận chuyển nếu đơn đặt hàng trị giá lớn hơn một số tiền nhất định (trung bình khoảng 30 đôla, tùy theo quy định của từng hãng). Những người tiêu dùng Mỹ cho biết mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2006 này, họ tăng cường mua hàng qua mạng nhiều gấp đôi so với năm ngoái nhờ khoản miễn phí vận chuyển này. Nhìn chung người tiêu dùng vẫn thích được thử các loại quần áo trước khi mua, điển hình là khu thử quần áo tại các hiệu Macy, Ross…, vẫn chật cứng người, song các hãng bán lẻ của Mỹ đều cho phép người mua hàng qua mạng trả lại đồ trong vòng 1 tháng, nên kết quả là doanh số bán hàng qua mạng không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.

Dịch vụ tuyển nhân sự. Monster là hãng đi đầu ở Mỹ về lĩnh vực này, ra đời vào năm 1994. Monster, có nghĩa là Con quái vật khổng lồ, đã làm thay đổi cách người Mỹ tìm kiếm và xin việc. Monster được tất cả những ai còn đang trên thị trường lao động trên toàn nước Mỹ biết đến nhờ những chiến dịch quảng cáo hấp dẫn, nhấn mạnh khả năng mở rộng các cơ hội việc làm mong muốn nhờ thông tin phong phú về nhu cầu tuyển dụng của các hãng trên toàn nước Mỹ. Monster kiếm được lợi nhuận béo bở nhờ vị trí đi tiên phong bằng cách thu tiền đăng các thông báo tuyển dụng cho các hãng lớn nhỏ ở Mỹ, và cho phép người tìm việc tiếp cận miễn phí các quảng cáo này. Công việc cầu nối này trước kia là của các tờ báo và các trang niên giám điện thoại, hiện đã mất gần hết thị phần vào tay các trang web việc làm như Monster, Career Builder (Xây dựng sự nghiệp), HotJobs (Việc cần người gấp).

Theo bước Monster, hiện trên toàn  nước Mỹ có tới hàng trăm trang web tương tự, có cái theo mô hình tổng hợp mọi loại hình công việc, có cái chuyên biệt hóa chỉ đăng việc làm của một số ngành nhất định. Các trang web có thể được điều hành bởi những công ty cung cấp cả dịch vụ chọn lựa hồ sơ và tuyển người đi kèm, lại có các công ty khác, để thu hút thêm nhiều khách hàng, tập trung nghiên cứu thị trường lao động và tư vấn miễn phí cho người tìm việc cũng như các hãng muốn thuê tuyển nhân công…

Nhìn lại sự phát triển ngày càng lớn mạnh của mọi loại hình dịch vụ và thương mại online, có thể thấy điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển này trước hết nhờ hệ thống ngân hàng phát triển, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin phát triển. Ngày nay hầu hết các gia đình Mỹ đều nối mạng truy cập Internet tốc độ cao thay vì sử dụng kết nối qua đường điện thoại có tốc độ rất chậm. Giá Internet tốc độ cao ngày càng rẻ, nếu năm 2004 giá cho một đường kết nối như vậy là 40 đôla một tháng, thì đến 2005 giá chỉ còn là 20 đôla một tháng.

Internet Marketing cũng đã được thành một môn học chính thức tại các trường quản trị kinh doanh trong hai năm gần đây. Theo nhận định của các chuyên gia Marketing của các hãng tiêu dùng của Mỹ, phương tiện quảng cáo chiếm ưu thế hàng đầu hiện nay mà các nhà sản xuất bỏ tiền vào nhiều nhất là Internet, thay vì vô tuyến truyền hình như trong những thập kỷ trước, vì người tiêu dùng đã có một thiết bị và dịch vụ là TiVo, có khả năng thu các chương trình truyền hình chọn lọc và bỏ qua quảng cáo. Theo Advertising Age, tạp chí chuyên đề về quảng cáo ở Mỹ, chi tiêu của các hãng cho quảng cáo trên Internet trong năm 2006 này sẽ lên tới 15,6 tỷ đô-la.

Như dự báo, thương mại và dịch vụ điện tử không chỉ là trào lưu của Mỹ, mà sẽ trở thành trào lưu của toàn thế giới. Theo lời một doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Độ, anh này quyết định từ bỏ việc kinh doanh môi giới hàng dệt may từ Ấn Độ và Trung Quốc sang Mỹ trong vòng 6 năm nay của mình vì vị trí của những người môi giới kinh doanh như anh ngày càng hạ thấp, các công ty bán lẻ ở Mỹ có thể dễ dàng tìm thấy các mặt hàng cần mua từ các công ty sản xuất ở Ấn Độ và Trung Quốc thông qua một vài lần tìm kiếm trên Internet.

Nhìn lại Việt Nam, hiện nay các website việc làm của Việt Nam khá phát triển, với website đi tiên phong là vietnamworks.com do tập đoàn IDG của Mỹ đầu tư. Trang web chợ điện tử www.chodientu.com cũng đã ra đời. Tuy vậy cũng chưa rõ bao giờ dân Việt Nam mình sẽ ngồi nhà để đặt mua cà hay mắm tôm đóng hộp thay vì chạy ra chợ như bây giờ? Liệu có cần thiết chuyển mình nhanh chóng theo hướng như vậy không đối với các nhà sản xuất kinh doanh Việt Nam sẽ lại là một đề tài khác.

Thanh Phương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)