Thụy Điển hầu như không còn thanh toán tiền mặt
Có lẽ không có nước nào trên thế giới tiến xa như Thụy Điển trong việc xóa bỏ sử dụng tiền xu và tiền giấy. Phải chăng đây là một mô hình tương lai để các nước khác học tập?
Buồng vệ sinh kỹ thuật số ở Thụy Điển. Ảnh: AFP
Không có giấy bạc mệnh giá thấp để cho người vô gia cư? Không có vấn đề gì. Tại quầy của ông Johan ở Malmö, Thụy Điển người ta vẫn có thể chuyển tiền. Người bán báo đứng bên lề đường này chỉ cho một bà khách tấm biển ghi số tài khoản của ông ta, bà khách lấy chiếc điện thoại thông minh ra, mở ứng dụng thanh toán bằng, nhập dãy số và chuyển khoản tiền 60 Kron cho Johan – và nhận tờ báo Fakum mới ra lò. Tất cả chỉ tốn một vài giây. Người vô gia cư luôn có một máy đọc thẻ di động bên mình. Nhiều người không giữ tiền mặt trong túi nữa.
Năm 1661, Thụy Điển là nhà nước đầu tiên ở châu Âu in tiền giấy. Hơn 350 năm sau, Thụy Điển có thể là quốc gia đầu tiên xoá sổ tiền giấy. Theo Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, hiện chỉ có khoảng 19% các giao dịch thanh toán diễn ra bằng tiền mặt; trong khi đó ở Đức năm 2017 con số này vẫn còn ở mức 74 %. Trong vài tháng qua, 10 người Thụy Điển thì có 4 người hầu như không dùng tiền mặt để thanh toán.
Xe Bus ở Thụy Điển: ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: AFP
Nhiều xe bus, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và cả bảo tàng ABBA từ vài năm nay không còn nhận tiền mặt. Ngày càng có nhiều cửa hàng, tiệm ăn, cây xăng treo biển “Chúng tôi không nhận tiền mặt”. Hàng trăm chi nhánh ngân hàng không còn chi trả tiền mặt và tiền xu. Tại nhiều nhà thờ có những “máy quyên góp” có đầu đọc thẻ để quyên tiền ủng hộ.
Tiền mặt gây tốn kém cho ngân hàng
Bà Cecilia Skingsley, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cho rằng “Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục tiếp diễn thì đến năm 2030 những đồng bạc cuối cùng sẽ được giao trả lại cho ngân hàng nhà nước”. Sở dĩ xu hướng này tiến triển khá mạnh vì từ lâu nhà nước đã giao cho các ngân hàng tư nhân lớn chịu trách nhiệm về hạ tầng cơ sở thanh toán. Các tổ chức tín dụng quản lý hệ thống mạng lưới ATM đang ngày càng thu hẹp. Các ngân hàng này còn phát triển cả hệ thống thanh toán trên di động, được gần 2/3 người dân Thụy Điển sử dụng ít nhất mỗi tuần một lần.
Theo Tino Sanandaji, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Stockholm thì “nhiều ngân hàng tư nhân muốn chấm dứt giao dịch bằng tiền mặt”. Đối với các ngân hàng thì giao dịch bằng tiền mặt khá tốn kém. Họ phải kiểm đếm tiền, xếp cọc tiền giấy, đóng cuộn lại tiền xu để vận chuyển xuống các chi nhánh. Tại đây người ta phải để tiền vào máy ATM, phải có quầy thu tiền và phải cất giữ tiền. Đặc biệt ở miền bắc Thụy Điển dân cư thưa thớt đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên và lợi nhuận thì chẳng là bao.
Chi phí này lớn như thế nào? Có thể thấy qua phân tích của Morgan Stanley đối với ngân hàng Bank of America, Hoa Kỳ. Ngân hàng này phải chi khoảng 5 tỷ USD cho việc vận chuyển, cất giữ và quản lý tiền mỗi năm, chiếm gần 1/10 tổng chi phí của ngân hàng.
Không dùng tiền mặt giúp giảm được tội phạm?
Khi thanh toán bằng thẻ hoặc bằng điện thoại di động, nhà cung cấp dịch vụ tài chính còn kiếm được tiền thông qua thu phí. Đối với hệ thống thanh toán tự động, cho đến nay chỉ có các thương nhân/người bán phải trả tiền. “Nhưng khi tiền mặt biến mất và các ngân hàng trở thành độc quyền, thì họ sẽ buộc người tiêu dùng trả tiền”, ông Sanandaji nhận định. Thêm vào đó, các ngân hàng đã được nắm giữ miễn phí những dữ liệu khách hàng có giá trị. Tuy nhiên, chẳng mấy người Thuỵ Điển quan tâm đến việc này, bởi nhiều người Thụy Điển thành thạo về công nghệ và dân Thụy Điển có lòng tin vào nhà nước, thậm chí cả ngân hàng và hệ thống tài chính. Hiện nay, cũng chỉ có khoảng 2% dân Thụy Điển cất giữ tiền tại nhà trên mức 100.000 Kronen (~9500 Euro).
Björn Ulvaeus người sáng lập ban nhạc ABBA là nhân vật nổi tiếng nhất ủng hộ mục tiêu “Xã hội không tiền mặt” kể từ khi con trai ông bị cướp tiền. Ulvaeus, người đã từng viết lời bài hát “Money, Money, Money” tin chắc rằng: không có tiền mặt đồng nghĩa với giảm tội ác. Cướp ngân hàng là một nghề bị tàn lụi ở Thụy Điển, kể từ khi một loạt chi nhánh ngân hàng không còn dùng tiền mặt. Năm 2008 theo báo cáo ở Thụy Điển có 110 vụ cướp, đến năm 2016 chỉ còn vỏn vẹn có 5 vụ.
Hơn nữa, khi chấm dứt giao dịch bằng tiền mặt thì nạn rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố cũng sẽ không dễ dàng thực hiện.
Nhiều ưu điểm
Trớ trêu thay, “chúng tôi đã thấy tội phạm về thẻ tín dụng gia tăng mạnh. Trên mạng Darknet đã xuất hiện thẻ giả hoặc thẻ bị lấy cắp được bán với giá khoảng 30 Euro”, ông Björn Eriksson, nguyên thành viên của hội đồng cảnh sát quốc gia của Thụy Điển lại nói.
Vị thủ trưởng lâu năm của Sở Cảnh sát hiện đã 73 tuổi, ông thường dùng thẻ để thanh toán nhưng ông tin rằng: “Bỏ hoàn toàn tiền mặt là một sai lầm nghiêm trọng.” Vì lẽ đó, ông đã thành lập phong trào Kontantupproret (“Nổi dậy vì tiền mặt”) một phong trào đấu tranh đòi duy trì tiền giấy và tiền xu.
Tiền mặt không còn là vua
Theo ông Eriksson, “Chúng ta không thể để một nhóm đông người nằm lại ở phía sau. Họ là những người cao tuổi gặp khó khăn khi sử dụng các hệ thống này, họ là dân tị nạn và những người ở vùng sâu vùng xa không có kết nối Internet – làm vậy có nghĩa là gạt những người này ra bên lề.”
Tỷ lệ người Thụy Điển mua bán bằng tiền mặt
Tệ hơn, Thụy Điển ngày càng trở nên lệ thuộc vào công nghệ – và từ đó dễ bị tổn thương. “Khi hoàn toàn không dùng tiền mặt và xẩy ra một chuyện gì đó trong hệ thống số hoá, thì chúng ta phải làm thế nào?”
Chỉ cần bị mất điện trong chốc lát hay xảy ra lỗi về công nghệ thông tin cũng có thể gây ra vấn đề. Và điều nghiêm trọng hơn nữa là khi xảy ra các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở do nhà nước kiểm soát. “Khi có kẻ làm tê liệt hệ thống thanh toán thì hỗ loạn sẽ xảy ra.”
Tiền mặt có những cái lợi của nó: không dễ thu hồi tiền mặt, bất kể ai cũng có thể thanh toán bằng tiền mặt mà không lo bị kiểm soát, không buộc phải có tài khoản ở ngân hàng. Khi trả tiền người ta nhìn thấy tiền biến khỏi ví, chứ không có cái cảm giác nhanh như khi dùng thẻ hay ứng dụng. Và tiền mặt cũng đại diện cho đòi hỏi của công dân đối với Ngân hàng Trung ương. Ngược lại người nạp tiền vào thẻ sẽ chỉ nợ ngân hàng thương mại khoản tiền đó.
Phương án khác: có thể là một loại tiền điện tử của Thụy Điển
Eriksson đã thuyết phục được nhiều người ủng hộ mình. Tổ chức hưu trí PRO đã thu thập được 140.000 chữ ký để cứu tiền mặt.
Thậm chí vị thống đốc ngân hàng Stefan Ingves cũng chia sẻ sự quan tâm “Nếu nguồn cung điện bị sụp đổ thì chúng ta không thể tiến hành thanh toán bằng điện tử “, ông Ingves nói. “Để đề phòng trước mọi sự cố, chúng ta vẫn cần duy trì tiền mặt vì việc giao dịch vẫn diễn ra bình thường khi mất điện.”
Nhà nước không được từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với hệ thống thanh toán. Ngân hàng Trung ương Reichsbank giờ đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải có sự cam kết về mặt pháp lý đối với việc thu, chi tiền mặt.
Trong khi đó, về phần mình Ngân hàng Trung ương đang cân nhắc việc khởi động dự án thí điểm về đồng tiền điện tử của Thụy Điển, đồng E-Krona. Người ta có thể nạp tiền điện tử vào thẻ và dễ dàng dùng thẻ này để thanh toán một cách nhanh chóng.
Nguyễn Hoài lược dịch
Nguồn: http://www.spiegel.de/wirtschaft/soziales/schweden-das-land-in-dem-das-bargeld-zunehmend-abgeschafft-wird-a-1231216.html