Tiếp tục phát triển thương mại toàn cầu

Khi nền kinh tế đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính , những người chỉ trích toàn cầu hóa đang có xu hướng tăng lên, họ cho rằng tự do thương mại là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tồi tệ hiện nay. Và không ít người trong số họ tin rằng toàn cầu hóa thương mại đã đến hồi kết. Nhưng Giáo sư  Thomas Straubhaar  tại Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức) đồng thời là người lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Hamburg (Hamburgischen Weltwirtschaftsinstituts, khẳng định đó là một nhận định sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng - ông cho rằng hơn bao giờ hết, thế giới cần một nền thương mại phát triển hơn nữa chứ không phải thu hẹp lại.

Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay, những người chỉ trích toàn cầu hóa đang có xu hướng tăng lên. Ngay cả những người từ lâu có cảm tình với toàn cầu hóa giờ đây cũng có những băn khoăn, nghi ngại đối với quá trình này. Người ta nói tới những giới hạn của nền kinh tế thế giới và cần phải suy nghĩ lại đối với thị trường nội địa; đồng thời với việc hỗ trợ quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, bất chấp điều đó có gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài hay không. Thậm chí họ còn đòi hỏi một trong những yêu cầu lỗi thời là xây dựng rào chắn bảo hộ về pháp lý – nhằm trước hết chống lại các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực chất đang hình thành một đại liên minh chống lại nền thương mại thế giới. Mục tiêu chung của liên minh này là chấm dứt quá trình toàn cầu hóa đáng nguyền rủa, kết nối lực lượng chống toàn cầu hóa của cánh tả và các lý thuyết gia cánh hữu về sự tự co cụm, tách biệt với xung quanh. Lực lượng này đang tạo nên một khối liên minh ngày càng rộng lớn hơn, nhằm chống lại toàn cầu hóa thị trường và sự cạnh tranh vươn ra ngoài biên giới quốc gia. 
Đây là một nỗ lực chết người.
Nếu thận trọng suy xét thì người ta phải hành động hoàn toàn ngược lại: Thế giới cần tăng cường toàn cầu hóa nhiều hơn chứ không phải thu hẹp lại. Ai cho rằng toàn cầu hóa đã đến hồi kết, kẻ đó đang bị ngộ nhận về một hình ảnh thế giới mang nặng dáng vẻ châu Âu đã bị bão hòa. Ở đây người ta thường trương lên các lý do như đại diện cho quyền lợi của người nghèo. Nhưng trong thực tế họ chỉ quan tâm đến lợi ích quốc gia của mình. 

Cơ hội cho những người nghèo nhất
Ở Đức cũng đang có những tiếng nói đòi kết thúc toàn cầu hóa. Cuộc khủng hoảng thị trường tài chính đang gây hoang mang lo lắng, tạo nên sự bất an và xáo trộn trong dân chúng. Nỗi lo sợ bị mất việc làm ngày càng tăng. Áp lực về một cuộc cạnh tranh toàn cầu đối với một số người chỉ là một sự phiền hà, khó chịu. Nó làm tăng sự lo sợ bị thua thiệt trước các nền kinh tế đang trỗi dậy và bị mất đi mức sống cao mà người ta đã giành được bấy lâu nay.
Những người đã đạt được một mức sống cao, so sánh với các nước khác trên thế giới, lúc này có thể xả hơi và suy ngẫm về một hướng đi mới của nền kinh tế thế giới. Nhưng với phần lớn người dân trên thế giới thì toàn cầu hóa có ý nghĩa quyết định, thậm chí là cơ hội lớn nhất để giúp cải thiện điều kiện sống của họ và để khắc phục tình trạng đói nghèo tràn lan hiện nay.
Dân số thế giới hiện khoảng 6,6 tỷ người và trên một nửa phải sống trong tình trạng nghèo khổ. Nhiều người trong số họ sống với mức mỗi ngày chỉ có 2 USD. Đối với người nghèo và nghèo nhất thì không gì có thể thay thế cho toàn cầu hóa. Nhất là dân số ở những khu vực nghèo khổ đang tiếp tục tăng lên trong khi xã hội châu Âu đang ngày càng bị già hóa và thu nhỏ.
Chỉ hơn 20 năm nữa dân số Trung Quốc sẽ lên tới 1,4 tỷ, không lâu nữa ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh sẽ có 2 tỷ người. Để tạo điều kiện sống tốt đẹp hơn cho số người đông đảo này, không thể không đưa họ tham gia vào sự phân công lao động quốc tế để thụ hưởng những thành tựu của sự phân công lao động. Vì thế chỉ có thể ủng hộ, khuyến khích sự phát triển kinh tế, góp phần giảm đói nghèo hàng loạt trên thế giới.
Khác với quan niệm khá phổ biến rằng: Nghèo đói là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, thực chất đói nghèo thường xảy ra ở các xã hội khép kín. Chính nhờ có toàn cầu hóa và chỉ có thể thông qua toàn cầu hóa mới có thể khắc phục những hậu quả tai hại của tệ lạm dụng quyền lực, tệ tham nhũng và sự hành xử mang nặng đầu óc gia đình chủ nghĩa, kéo bè kết cánh để bảo vệ người dân trước sự chuyên quyền độc đoán và áp bức bóc lột của tầng lớp cầm quyền.

Khủng hoảng kinh tế tác động đến toàn cầu hóa như thế nào?
Tình hình ở một số nước như Bắc Triều Tiên, Cuba, Myanmar, chính quyền Taliban trước đây ở Afghanistan hay một số quốc gia ở châu Phi hiện nay cho thấy người dân ở đây phải trả giá đắt như thế nào cả về kinh tế và xã hội do bị o bế, không được tiếp xúc làm ăn buôn bán với thế giới bên ngoài.  
Tăng trưởng, phát triển diễn ra song hành với toàn cầu hóa và tạo điều kiện để phá vỡ cấu trúc xã hội cũ kĩ – nguồn gốc của lạc hậu về kinh tế và yếu kém của hệ thống chính trị. Đương nhiên khi một xã hội được giải phóng khỏi sự cai trị độc đoán, chuyên quyền, hoặc khi các nền kinh tế phá vỡ ranh giới quốc gia chật hẹp hướng tới tự do và công khai minh bạch thì trước mắt không thể tránh những vấn đề lớn về kinh tế và xã hội. Sự thay đổi cấu trúc thông qua quá trình toàn cầu hóa có cái giá của nó. Đó là cái giá để thích ứng về mặt kinh tế và xã hội.
Mặc dù vậy các nền kinh tế yếu kém, nghèo khổ nhất vẫn có lợi khi đi theo con đường mở cửa thị trường nội địa đầy khó khăn trắc trở này.
Điều này vẫn đúng cả trước và sau cuộc khủng hoảng thị trường tài chính hiện nay.
Vào lúc này mà buộc toàn cầu hóa phải chịu trách nhiệm trước tình trạng đói khổ, bần cùng hàng loạt, thiếu tự do và đè nén, áp bức là không đúng. Làm như vậy là đánh tráo nguyên nhân và kết quả.
Toàn cầu hóa không gây nên tình trạng đói nghèo trên diện rộng ở châu Phi, châu Á hay Mỹ La tinh. Ngược lại nó giúp cho các nước nghèo ở đây nâng cao mức sống bình quân của mình. 

Cuộc khủng hoảng tài chính làm biến đổi quá trình toàn cầu hóa
Những nước bên ngoài Bắc Mỹ và châu Âu trong tương lai sẽ không chấp nhận vai trò là những công xưởng kéo dài. Họ cũng sẽ không còn hài lòng khi chỉ là trụ sở của các hãng con hoặc chỉ là nhà cung cấp cho các tập đoàn phương Tây. Toàn cầu hóa không thể tiếp tục là con đường một chiều.
Điều này chính là hậu quả thực sự của cuộc khủng hoảng tài chính: Trong quá trình toàn cầu hóa này phương Tây sẽ không còn là trung tâm và các châu lục khác bám quanh nó chỉ đóng vai trò chầu rìa. Thay vào đó sẽ hình thành một mạng lưới trải rộng trên toàn thế giới với sự tham gia của các đối tác khác nhau nhưng bình đẳng với nhau để cùng thúc đẩy quá trình phân công lao động trên toàn thế giới.
Những thành viên mới của toàn cầu hóa sẽ tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quá trình sản xuất những sản phẩm cao cấp và cung cấp các dịch vụ đa dạng, phong phú như các quốc gia phương Tây. Về phần mình, các quốc gia này sẽ ngày càng có nhiều trọng lượng hơn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Trước hết họ đi đầu về mặt giá thành và chẳng chóng thì chày, các nước đó thậm chí sẽ đi đầu cả về mặt công nghệ trên thị trường thế giới.
Những nước này sẽ không để cho toàn cầu hóa bị chấm dứt vào lúc này và họ coi đây chỉ là đoạn kết của sự mở đầu. 
          
XUÂN HOÀI dịch (Spiegel 27.5.09)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)