“Tiểu thư” FDI và kinh tế Việt Nam
Từ xa xưa và nhất là trong một "thế giới phẳng", có một nguồn vốn rất dồi dào, rất hào phóng, rất quan trọng, lại nhạy cảm với thời cuộc, nhạy bén với thị trường, nhưng không ổn định, khó tiên liệu và là niềm mơ ước của nhiều quốc gia, nhiều người, đó chính là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và với những tính “nắng không ưa, mưa không chịu” của mình, FDI rất giống tiểu thư con nhà danh gia vọng tộc.
Nguồn FDI đến từ các Công ty xuyên quốc gia (TNC) của tư nhân và một số ít là của Nhà nước. Các TNC chủ yếu tập trung ở khu vực tam giác Mỹ, EU, Nhật Bản, ba nước đã chiếm 85 trong số 100 TNC hàng đầu thế giới. Những đại công ty này có vốn, có công nghệ, có thương hiệu và có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp thế giới, cho nên thường tìm kiếm những thị trường mới ở ngoài nước để khuếch trương hoạt động đầu tư. Tại APEC CEO Summit 2006, thông tin từ Tổng thư ký Tổ chức về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD): đầu tư ra nước ngoài năm 2005 của TNC đạt 779 tỷ USD; lớn nhất là Hà Lan 119 tỷ USD, kế tiếp Anh, Pháp, Mỹ, Nhật. Nhóm nước đang phát triển cũng đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài, với 133 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn toàn cầu. Trong đó, nhiều TNC của các nước thuộc khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á đang có nguồn dự trữ lớn, cho nên hoạt động đầu tư ra nước ngoài rất sôi động, thể hiện qua 10 tháng năm 2006 đạt 68 tỷ USD. Hồng Kông đầu tư ra nước ngoài 33 tỷ USD, lớn nhất trong các nền kinh tế đang phát triển.
FDI “nàng” đi về đâu?
Cũng số liệu từ UNCTAD (tại APEC CEO Summit 2006), thu hút đầu tư nước ngoài năm 2005 lên tới 916,3 tỷ USD (tăng 29% so với 2004), đồng vốn này chảy vào các nước phát triển 542 tỷ USD, chiếm 59,2%; nước đang phát triển 334 tỷ USD, đạt 36,5%; số còn lại 4,3% rớt vào nhóm nước có nền kinh tế đang chuyển đổi. Những năm gần đây, các nước Đông Á, Đông Nam Á là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư. Khu vực này năm 2005 thu hút được 165 tỷ USD, đạt 18% dòng chảy của FDI thế giới. Riêng Trung Quốc đã chiếm 72 tỷ USD, Hồng Kông 36 tỷ USD; kế là Singapore 20 tỷ USD, Indonesia 5 tỷ USD, Thái Lan và Malaysia cùng đạt gần 4 tỷ USD…; Việt Nam khoảng 2 tỷ USD (tính vốn thực hiện). Nếu không tính Myanma, Lào, Campuchia thì Việt Nam là nước “tiểu thư” FDI tìm đến ít nhất.
Số liệu cho thấy FDI đúng là “tiểu thư”, vì được hình thành từ các TNC ở các nước phát triển và đang phát triển ở mức cao; nhưng hai phần ba nguồn vốn này lại rót ngược về những nước này. Có phải do “môn đăng hộ đối” hay do các TNC nhận ra rằng đầu tư vào các nền kinh tế đang chuyển đổi là quá phiêu lưu, mạo hiểm?
FDI “nàng” có làm sang cho nước bạn?
Nhiều nước trong khu vực nhờ nguồn FDI làm cú hích mà phát triển tăng tốc, trong đó phải kể đến Singapore. Gần như thành nguyên lý, quốc gia nào cũng trở nên giàu có nhờ vào hai nguồn vốn: con người và tài nguyên. Nhưng đất nước sư tử này hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu; cả nước ngọt, lương thực, thực phẩm cũng phải nhập từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước; vì thế, chỉ có thể trông cậy vào con người. Và chính “nguồn vốn” sáng giá này đã như nam châm hấp dẫn các TNC tuôn FDI vào thị trường Singapore. Những thành tựu mà Singapore đã đạt được cho thấy lãnh đạo Nhà nước Singapore đã định hướng đúng về mục tiêu phát triển đất nước: không chọn mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà trở thành một nền kinh tế phục vụ cho các nền kinh tế khác trong khu vực và kết nối khu vực với toàn cầu (khu vực dịch vụ chiếm tới 65% GDP). Từ 9/8/1965 sau khi độc lập đến nay, GDP tính trên đầu người của Singapore liên tục tăng từ khoảng 200 USD/người lên 24.000 USD/người (2005). Singapore là nước chuyển thẳng từ nước kém phát triển lên phát triển và còn là nước đi đầu chuyển đổi từ nền kinh tế mua bán, dịch vụ sang nền kinh tế tri thức.
Không riêng đối với Singapore, FDI là nguồn vốn quan trọng, kỳ vọng của các nước phát triển, đang phát triển và nhất là các nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi, như Việt Nam hiện nay.
“Tiểu thư” FDI đến Việt Nam
Trước khi nước ta tiến hành đổi mới, nguồn vốn FDI không chảy vào Việt Nam. Chỉ sau khi có Luật đầu tư nước ngoài, thì “tiểu thư” FDI mới bắt đầu tìm đến. Dòng chảy của nguồn vốn này vào Việt Nam không ổn định, năm nhiều năm ít, lúc trồi lúc sụt do nhiều yếu tố, trong đó lệ thuộc vào sự quyết tâm đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam là quyết định. Từ cái thuở ban đầu 1987 đến nay đã 20 năm. Suốt thời gian dài đó đã có trên 7.000 dự án được cấp giấy phép, tổng mức vốn đăng ký 70 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt chỉ khoảng trên 50%, chưa kể số dự án bị rút giấy phép hoặc đề nghị rút giấy phép chiếm tỷ lệ khoảng trên 15% số vốn đăng ký. Từ 2001 – 2005 nguồn vốn này phục hồi và tăng trở lại, dù chậm nhưng đều; vốn thực hiện cũng được tăng theo. Năm 2006 là năm có nguồn đăng ký FDI ước tính trên 9 tỷ USD và vốn thực hiện gần 3 tỷ USD.
Có thể nói, suốt hai thập niên vừa qua, nguồn FDI đã góp phần quan trọng vào nền kinh tế, giúp Việt Nam phát triển bền vững thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP cao liên tục, chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất GDP của Việt nam khoảng 200 USD/người, nay (2006) đã là 720 USD/người. Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng từ năm 2006 – 2010, đăng ký FDI tại Việt Nam sẽ tăng đột biến theo chiều thuận lợi, do các yếu tố chủ quan và khách quan: (a) Thành tựu của 20 năm đổi mới, (b) Việt Nam gia nhập WTO, (c) Thành công của APEC 14, (d) Hoa Kỳ trao PNTR cho Việt Nam và, (e) Nguồn FDI trên thế giới đang “đói” thị trường, nhất là các hoạt động sát nhập, mua lại (M&A), liên doanh. Nhưng vốn đăng ký cao là một chuyện, còn làm sao để nguồn vốn này trở thành vốn thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực lại là một chuyện khác.
Từ số liệu của UNCTAD ta thấy chỉ có 4,3% trên tổng số FDI toàn cầu rơi vào nền kinh tế đang chuyển đổi. Tại sao? Các nhà đầu tư TNC chia sẻ: (i) Vì các vị lãnh đạo của các nền kinh tế này nhận thức về FDI chưa thống nhất, chưa đúng tầm, (ii) Hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, khó dự đoán, tìm ẩn nhiều ẩn số rủi ro, (iii) Quản lý nhà nước điều hành chủ yếu dựa trên mối quan hệ và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đất nước. Hệ thống hành chính thiếu công tâm, chưa chuyên nghiệp, (iv) Chất lượng nguồn nhân lực thấp và chậm cải thiện, ý thức tôn trọng pháp luật thấp, kỷ luật lao động kém. Nếu Việt Nam khắc phục được những điểm yếu này nhanh hơn các nước khác cùng nhóm, chắc chắn nguồn FDI sẽ chảy về Việt Nam nhanh, nhiều và bền vững hơn.
“Tiểu thư” FDI nói gì với Việt Nam?
“Tiểu thư” FDI nói rằng: FDI là chỉ số thể hiện sự ổn định về nhiều mặt của một đất nước: chính trị, an ninh (quân sự, thiên tai, dịch bệnh…), kinh tế, xã hội… FDI còn là chỉ số dự báo sự phồn vinh, thịnh vượng của nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam phải tìm mọi cách thu hút FDI ngày càng nhiều về cho đất nước và cho doanh nghiệp của mình. Để “tiểu thư” FDI đến thường xuyên, liên tục tăng cao và tác động tích cực vào kinh tế, thì Việt Nam rất nên có những cuộc “ngoại giao kinh tế” ở cấp nhà nước; giới thiệu, xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư ở cấp doanh nghiệp và tổ chức tiếp thị ở cấp địa phương (Tỉnh – Thành phố)…
Thu hút FDI cần lưu ý, có những dự án mang nguồn lợi trực tiếp cho nhà đầu tư đôi khi nhỏ hơn nguồn lợi gián tiếp cho Việt Nam và doanh nghiệp. Cụ thể như: tạo điều kiện cho nước sở tại mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, thiết lập quan hệ song phương, đa phương, toàn cầu; tạo cơ sở vật chất ban đầu, hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị, tạo nguồn nhân lực trung, cao cấp và tạo công ăn việc làm cho người lao động… Đó là nền tảng ban đầu của một nền kinh tế phát triển bền vững. Kinh nghiệm từ 20 năm thu hút đầu tư cho thấy: có những dự án khu đô thị mới từ nguồn FDI đã là đòn bẩy bật cả vùng đất hoang sơ (dự án Nam Sài Gòn – TP.HCM). Có những dự án như “con chim mồi sáng giá”, làm sang nhiều mặt cho nước sở tại nhờ vào thương hiệu toàn cầu… (Intel, Ford, Honda…) Nhưng cũng có những dự án khai thác khoáng sản (than, bauxit…), tàn phá môi trường, làm ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác, nhất là dịch vụ du lịch. “Tiểu thư” FDI khuyên: Việt Nam cần định hướng cho nguồn FDI chảy vào đâu vừa có lợi nhất cho việc hình thành cơ cấu kinh tế của đất nước và nhà đầu tư cũng có lời. Nên hạn chế đến mức thấp nhất các dự án ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên…; những dự án loại này tài nguyên của đất nước bị sử dụng ví như đem “bức họa giá trị đi gói xôi” vậy.
Năm 2005, nhiều chỉ số điều tra về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam bị tụt nhiều bậc, nhất là do tệ tham nhũng; điều này thật sự làm “tiểu thư” FDI ngần ngại. Theo “tiểu thư” FDI, giai đoạn thu hút sự quan tâm của Việt Nam đã qua, bây giờ là lúc Việt Nam cần phải thể hiện bằng được khả năng “tiêu hóa” và duy trì nguồn FDI một cách nhanh và hiệu quả nhất để giúp kinh tế phát triển tăng tốc và bền vững. Phải bằng mọi cách khai thác tốt vận hội mà Việt Nam đang có, vì một khi lòng tin của các nhà đầu tư bị giảm, muốn tạo dựng lại không hề đơn giản chút nào.
Vì tính chất rất nhạy cảm với môi trường đầu tư mà FDI được ví giống “tiểu thư”. Vì vậy, Việt Nam cần có nhiều “quân tử” để giữ chân nguồn vốn quan trọng này.