Tìm kiếm mô hình phát triển mã nguồn mở

Phần mềm mã nguồn mở đang trở thành một xu hướng lớn trên thế giới. Nhờ dỡ bỏ dần các rào cản về bản quyền, dễ dàng can thiệp, được cung cấp miễn phí hoặc với giá rẻ, nó được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo của ngành công nghệ thông tin. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các nước nghèo bởi họ có thể tiếp cận được công nghệ mới với chi phí rất thấp. Vì thế, một số doanh nghiệp, trong đó có VINADES, đã chủ động tìm lối đi cho mình và chập chững bước vào lĩnh vực không còn mới mẻ này với vô số khó khăn, mà cái đầu tiên là tìm kiếm một mô hình để hoạt động.

NukeViet – 5 năm đi tìm mô hình hoạt động

Nguyễn Thế Hùng là một người thuộc về thế hệ đầu 8x, thế hệ đầu tiên sinh ra sau chiến tranh và lớn lên cùng những thay đổi lớn mà công cuộc đổi mới mang lại. Thế hệ của Hùng vốn được biết đến như là những người đã làm nên sự bùng nổ của công nghệ thông tin Việt Nam đầu những năm 2000, với những Vương Vũ Thắng, Phùng Tiến Công, Nguyễn Công Hùng,… Sự bùng nổ này lần đầu tiên biến CNTT ở Việt Nam trở thành địa hạt dành cho tất cả những ai quan tâm đến nó và tiệm cận dần với tính chất cộng đồng, bao gồm cả những dân ngoại đạo như Hùng. Hiện nay, người đang sở hữu tấm bằng kỹ sư xây dựng này đang quản lý công ty mã nguồn mở đầu tiên tại Việt Nam – VINADES, với sản phẩm là hệ quản trị nội dung (CMS) NukeViet.

“Phần mềm mã nguồn mở” (còn được gọi tắt là phần mềm nguồn mở) là phần mềm được tác giả cung cấp mã nguồn kèm theo và người sử dụng không phải trả chi phí bản quyền mua mã nguồn.
“Phần mềm tự do mã nguồn mở” là phần mềm mã nguồn mở có bản quyền tác giả, có giấy phép sử dụng đi kèm với phần mềm, trong đó cho phép người sử dụng được quyền tự do sử dụng, tự do sao chép, tự do phân phối và tự do nghiên cứu, sửa đổi mã nguồn và phân phối lại các phần mềm dẫn xuất đã qua sửa đổi mã nguồn.
(Thông tư 08/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục ngày 1/3/2010)

Ngày nay, nhắc đến các tên tuổi của dòng sản phẩm cùng loại, người ta nghĩ ngay đến Drupal, Joomla hay Wordpress – những mã nguồn mở dùng để tạo website nổi tiếng và luôn chiếm giữ những vị trí cao nhất trong tất cả các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. NukeViet là một sản phẩm thuần Việt, phát hành miễn phí và cũng như hầu hết các CMS mã nguồn mở khác, con đường sáng tạo ra sản phẩm NukeViet cũng đi từ tự phát đến chuyên nghiệp, với một mô hình phát triển khá tương đồng.

Phiên bản đầu tiên của NukeViet được biết đến từ cuối năm 2004 chỉ là bản Việt hóa một CMS mã nguồn mở rất nổi tiếng của nước ngoài khi đó là PHP-Nuke. Tác giả của nó là Nguyễn Anh Tú – một du học sinh Việt Nam tại Nga và được phát hành tại diễn đàn xunguoi.com. Cùng với cộng đồng người Việt trên mạng này, Nguyễn Anh Tú đã tập hợp được một số cộng sự tham gia vào NukeViet Group như một nhóm phát triển và hỗ trợ sản phẩm.

Không lâu sau đó, đầu năm 2005, nhóm này buộc phải ngừng hoạt động do không thể đáp ứng được số lượng yêu cầu hỗ trợ quá lớn từ cộng đồng. Tính chất tự phát ngay lập tức bộc lộ nhược điểm của nó, khi không ai được trả lương để cõng trên lưng trách nhiệm đối với cộng đồng người dùng ngày một đông hơn. Một vài lần trở lại thất bại sau đó đã khiến nhóm này quyết định chuyên nghiệp hóa và thành lập công ty chuyên quản đầu tiên là Ấn Tượng Net. Sự hậu thuẫn về tài chính và nhân lực từ công ty quản lý đã đưa NukeViet tiến thêm một bước nữa với việc phát hành phiên bản 2.0 và ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong cộng đồng các webmaster (nhà phát triển web) ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình quản lý này nhanh chóng tan rã vào cuối năm 2007 do bất đồng giữa các thành viên. NukeViet trở về với mô hình tự phát, hoạt động như một nhóm phát triển tại diễn đàn nukeviet.vn.

Cuối năm 2009, mô hình tự phát tiếp tục đứng trước áp lực phải chuyên nghiệp hóa và công ty quản lý thứ hai ra đời đầu năm 2010 với tên gọi Công ty CP Phát triển Mã nguồn mở Việt Nam. Chia sẻ về quyết định này, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, “Khi quan sát, tham gia nhiều cộng đồng khác về mã nguồn mở thì tôi thấy mã nguồn mở không phát triển được có một trong những lý do là thiếu tính chuyên nghiệp. Anh có thể xây dựng cộng đồng người dùng rất tốt, rất đông đảo, cộng đồng cũng đóng góp trở lại bằng cách báo lỗi hoặc bổ sung tính năng mới cho sản phẩm, nhưng để phát triển và mang lại nguồn lực kinh tế quay trở lại tái đầu tư cho sản phẩm thì không có mô hình gì hiệu quả bằng doanh nghiệp. Không ai đi ký kết hợp đồng với một cộng đồng cả. Đó là lý do mà công ty chuyên quản NukeViet ra đời ”.

Trong 8 tháng kể từ khi ra đời, VINADES đã tập trung gần như hoàn toàn vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, với tham vọng sáng tạo ra CMS mã nguồn mở thuần Việt đầu tiên, tách hoàn toàn ra khỏi nền tảng PHP-Nuke đã lạc hậu. Điều đó đã thành hiện thực vào ngày 20.10.2010, khi VINADES phát hành NukeViet 3.0 phiên bản chính thức và đạt hàng ngàn lượt tải ngay trong 24h đầu tiên. Tháng 11.2011, họ được trao giải Ba (không có giải nhất, nhì) cuộc thi Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hạng mục Sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi. Theo số liệu thống kê được cho đến thời điểm đạt giải, đã có 2.000 website sử dụng NukeViet, chưa kể những website đã loại bỏ nhận diện bản quyền của CMS này trên giao diện.

Cổ đông và cộng đồng: mối quan hệ đặc biệt

Điều đáng nói trong mô hình phát triển của NukeViet là hoạt động nghiên cứu sản phẩm và lấy nền tảng phát triển dựa trên chính sản phẩm của mình. NukeViet 3.0 là sản phẩm mà 100% các dòng code (mã) được viết bởi Nguyễn Anh Tú và nhóm phát triển sản phẩm của VINADES. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh mã nguồn mở khác ở Việt Nam đều không cho ra đời một sản phẩm nào và chỉ hoạt động dựa trên dịch vụ hỗ trợ cài đặt, đào tạo sử dụng các phần mềm mã nguồn mở đã có sẵn của nước ngoài cho các khách hàng ở Việt Nam. Về bản chất, các doanh nghiệp này không làm gia tăng thêm giá trị nào về công nghệ, thừa hưởng tất cả những thành quả của cộng đồng mã nguồn mở khắp nơi trên thế giới nhưng không đóng góp trở lại cho cộng đồng một sản phẩm sáng tạo nào. Chu trình phát triển mã nguồn mở dừng lại ở họ là người dùng cuối.

Việc phát hành một sản phẩn mã nguồn mở và miễn phí cho tất cả người dùng không những ghi tên Việt Nam trong danh sách các lựa chọn của người dùng trên thế giới, mà còn là dấu hiệu cho thấy công nghiệp CNTT Việt Nam đang thoát dần ra khỏi hoạt động gia công cho nước ngoài và chuyển dần sang sáng tạo. Hơn nữa, với một nước nghèo như Việt Nam, việc có một sản phẩm miễn phí và hoàn toàn bằng tiếng Việt là điều kiện khá thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và nhà nước tiếp cận công nghệ cũng như hạn chế đến mức tối đa chi phí cho phần mềm.

Cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong mô hình phát triển NukeViet. Bản thân sản phẩm NukeViet đã xuất phát từ một CMS mã nguồn mở của nước ngoài, miễn phí và được cộng đồng tham gia phát triển. Đi theo định hướng đó ngay từ đầu và cho đến khi tự phát triển CMS riêng của mình, công ty quản lý vẫn giữ nguyên tính chất cộng đồng này. Không thể không nói rằng các doanh nghiệp như VINADES có một mục đích xã hội khá rõ ràng là dùng năng lực của mình để đóng góp những giá trị công nghệ cho cộng đồng, nhưng cũng chính cộng đồng là nơi giúp họ phát hiện ra các điểm yếu của sản phẩm, đồng thời cũng đóng góp ý tưởng và bổ sung tính năng mới cho sản phẩm. Ngoài diễn đàn chính thức nukeviet.vn, nhiều diễn đàn tin học lớn của người Việt Nam đều có các chuyên mục hoặc chủ đề thảo luận về NukeViet. Nhờ vậy, NukeViet có một cơ sở tốt để đánh giá sản phẩm cũng như phát triển sản phẩm sát với nhu cầu của người dùng hơn, đồng thời thông qua cộng đồng để lan tỏa sức ảnh hưởng của sản phẩm.

Thực tế cho thấy các CMS mã nguồn mở hàng đầu đều có một cộng đồng người dùng đông đảo thường xuyên báo lỗi và đóng góp trở lại cho sản phẩm rất nhiều tính năng mới. Tính đến cuối tháng 3.2012, cộng đồng đã đóng góp gần 18.000 ứng dụng mở rộng cho Drupal, 9.000 ứng dụng cho Joomla và thông số này đối với Wordpress là không dưới 19.000.

Điểm mấu chốt còn lại là bài toán kinh doanh của NukeViet. Khi sản phẩm cốt lõi đã được phát hành miễn phí đến tay người dùng, VINADES phải tìm nguồn thu ở các dịch vụ khác. Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, “VINADES định hướng lấy NukeViet là sản phẩm nền tảng để triển khai các phần mềm. Bộ nhân NukeViet được triển khai cho khách hàng có thể được bổ sung thêm các tính năng để trở thành cổng thông tin giáo dục, cổng thông tin nội bộ doanh nghiệp, hệ thống quản trị doanh nghiệp, hệ thống quản lý bán hàng,… Đây là nguồn thu chủ yếu để tái đầu tư cho sản phẩm và mang lại lợi nhuận”.

Theo thông tin công bố trên website của VINADES, các giải pháp của công ty này đã được triển khai cho Sở GD&ĐT Quảng Ninh, Phòng Giáo dục Lạng Giang – Bắc Giang, Hội trí thức và khoa học trẻ Việt Nam,… Một số báo điện tử cũng sử dụng giải pháp NukeViet như Hội người Việt tại liên bang Nga, báo Người Hà Nội,…

Cho đến nay, trải qua 2 năm hoạt động với mô hình doanh nghiệp và liên tục đưa ra những phiên bản mới của sản phẩm, có thể coi NukeViet đã vượt qua được những khó khăn ban đầu để tồn tại như một tổ chức dung hòa giữa lợi ích thương mại và lợi ích cộng đồng. Còn quá sớm để đánh giá liệu với mô hình phát triển mã nguồn mở này có tồn tại lâu dài và thành công hay không, nhưng việc đi theo mã nguồn mở là một quyết định phù hợp với xu hướng hiện đại và đã có những doanh nghiệp khác ở Việt Nam đi theo xu hướng này.

Những tín hiệu từ các  mô hình khác

TomatoCMS từng là một cái tên khá đình đám trong danh mục các CMS mã nguồn mở trên thế giới. Đây là sản phẩm của một nhóm tác giả người Việt Nam, được phát hành lần đầu tiên vào cuối năm 2009. Chọn thị trường thế giới làm mục tiêu phát triển, nhóm đã thu được thành công đáng kể khi được trao giải CMS mã nguồn mở triển vọng của tổ chức Packt Publishing vào năm 2010. Tuy nhiên, từ 31.8.2010, nhóm phát triển trực thuộc công ty TIG này đã ngừng phát hành phiên bản mới và sau đó đóng cửa diễn đàn hỗ trợ người dùng. Từ đó cho đến nay, TomatoCMS đã không còn được nhắc đến và gần như biến mất khỏi thị trường.

Ông Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT):

Không nên đánh đồng phần mềm mã nguồn mở với phần mềm miễn phí. Trên thực tế, nhiều phần mềm dạng này chỉ miễn phí thời gian đầu. Khi đã có một lượng người dùng nhất định, ảnh hưởng nhất định thì một ngày nào đấy họ bắt đầu thu phí ở những dịch vụ nhất định. Một số phần mềm vẫn miễn phí nhưng các kho ứng dụng thêm vào thì lại tính phí.
Giai đoạn miễn phí đó giúp họ thu được rất nhiều kinh nghiệm của những người khác đóng góp vào. Khi họ tung mã nguồn mở miễn phí ra thì người dùng bắt đầu tải về, dùng và thậm chí họ chỉ cần báo chỗ này lỗi chỗ kia chưa được là tốt rồi.
Ở Việt Nam cũng có nhiều cá nhân, nhóm hay là doanh nghiệp sáng tạo mã nguồn mở. Cái này cũng phù hợp với người Việt Nam là nhiều khi họ học tập, làm việc xong cũng có những sản phẩm nhất định, có thể chỉ đóng góp thêm 3%, 5% vào một mã nguồn đã có thôi nhưng như thế cũng có thể thành một sản phẩm tốt. Sau đó họ bắt đầu mang đi bán.

Trái lại, có một doanh nghiệp Việt Nam khác lại thu được thành công rực rỡ khi cung cấp phần mở rộng cho các CMS mã nguồn mở nổi tiếng trên thế giới và được biết đến với tên gọi Joomlart. Thực chất đây là thương hiệu của Công ty CP giải pháp J.O.O.M, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Joomlart cung cấp các giao diện và ứng dụng gia tăng tích hợp vào các CMS như Joomla, Drupal và thu phí cho mỗi lượt khách hàng sử dụng.

Rất ít người biết Joomlart là thương hiệu của người Việt Nam, bởi doanh nghiệp này gần như không xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của Việt Nam, thậm chí trên website của họ (hoàn toàn bằng tiếng Anh) không có thông tin nào liên quan đến Việt Nam và tính chất chuyên nghiệp của doanh nghiệp này khiến cho rất ít người nghĩ rằng người Việt Nam có thể làm được. Sau nhiều năm theo đuổi các sản phẩm gắn với những CMS mã nguồn mở, Joomlart đã trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới trong phân khúc của mình, trở thành một ví dụ sinh động cho các doanh nghiệp CNTT có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm chinh phục thị trường thế giới.

Câu chuyện của NukeViet, TomatoCMS và Joomlart nằm trong số không nhiều những câu chuyện về mã nguồn mở và kinh doanh mã nguồn mở ở Việt Nam. Khi chúng ta chưa có một thị trường mã nguồn mở và bản thân Chính phủ cũng như người dùng còn chưa có nhiều khái niệm về thị trường này thì khó có thể nói rằng mô hình nào là phù hợp và có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Chỉ biết rằng, nếu không sớm có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm CNTT có giá trị cộng đồng, họ có thể không còn tồn tại được trước áp lực của các cuộc khủng hoảng kinh tế và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc vào các phần mềm đóng gói của nước ngoài với chi phí rất cao.

Trên thế giới, các CMS mã nguồn mở được sử dụng phổ biến để xây dựng các website, trong đó Drupal, Joomla, Wordpress,… đều phát hành miễn phí. Người dùng có thể tự do tải các mã nguồn mở này để sử dụng, chỉnh sửa và phát hành lại. Phần lớn các ứng dụng gia tăng cũng được phát hành miễn phí theo phương thức tương tự, tuy nhiên một số ứng dụng gia tăng khác yêu cầu người dùng phải trả tiền để được sử dụng.
Sử dụng các CMS mã nguồn mở để xây dựng website là một xu hướng lớn trên thế giới. Website của Chính phủ Hoa Kỳ, Bỉ; các hãng truyền thông BBC, People; các hãng công nghệ Nokia, AT&T, Symantec hay các trường đại học như Harvard, Stanford, MIT,… đều đi theo xu hướng này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)