Tìm lời giải thích cho cuộc chiến ở Irắc

Cách đây 3 năm, Mỹ đơn phương tiến hành chiến tranh Irắc, bất chấp Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng như làn sóng phản đối dữ dội của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ. Sau 3 năm, tình hình Irắc gần như không có gì biến chuyển, nếu không nói là ngày một xấu đi, đặc biệt là sau khi Tổng thống thất trận Sadam Hudsen bị hành quyết cách đây không lâu. Irắc giờ đây thật sự đã trở thành tâm điểm của thế giới. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 2007 đã có hẳn một hội nghị bàn tròn dành cho Irắc, với mong muốn bàn cách làm thế nào để đưa đất nước được thiên nhiên ưu đãi nhất hành tinh này thoát khỏi khủng hoảng, bạo lực và chiến tranh. Còn ở Mỹ, người ta bắt đầu nhắc tới Irắc như là một Việt Nam thứ hai... Trong bối cảnh đó, kế hoạch tiếp tục gửi quân sang Irắc của Tổng thống Bush mới đây thực sự đã gây sốc đối với người dân Mỹ và làm sửng sốt cộng đồng quốc tế. Điều gì đã khiến Nhà Trắng quyết tâm theo đuổi chiến tranh Irắc như vậy? Liệu sau Irắc Mỹ có tiếp tục tiến hành chiến tranh với nước nào khác nữa không (Iran, Bắc Triều Tiên...)? Bài viết nhỏ này thử đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Cuộc chiến vì dầu lửa?
Khi Mỹ phát động chiến tranh Irắc, ai cũng nghĩ đây là một cuộc chiến vì dầu lửa. Đầu năm 2003, giá dầu thế giới tăng cao, biến động thất thường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Nếu nắm được trữ lượng dầu khổng lồ của Irắc, Mỹ sẽ có cơ hội hóa giải bài toán nhiên liệu đau đầu. Nhưng hình như không phải? Bởi, đâu cần đến chiến tranh, Mỹ vẫn có thể toàn quyền điều phối lượng dầu mà Irắc bán ra thị trường thế giới thông qua các cơ chế phong tỏa kinh tế của Liên Hiệp Quốc. Mỹ có thể thay đổi những cơ chế này bất cứ lúc nào, qua đó hoàn toàn có thể kiểm soát được giá dầu thế giới. Hơn nữa, thật sự Mỹ đâu có muốn dầu giảm giá, mà ngược lại thì đúng hơn. Ở các nước phát triển, giá dầu cao trong chừng mực cũng có cái lợi. Nhiên liệu tăng giá sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận, đời sống sẽ đắt đỏ hơn, vô hình trung sẽ “lên dây cót” kéo căng nền kinh tế đang ì ạch, thúc đẩy cạnh tranh, tạo động lực phát triển (đó là chưa kể gia đình Tổng thống Bush và phần lớn giới lãnh đạo Nhà trắng (ít hoặc nhiều đều có mối quan hệ trực tiếp đến công nghiệp dầu mỏ) chắc chắn không muốn dầu giảm giá).
Vậy, nếu không phải vì dầu thì vì cái gì?

Lời tuyên bố cho một đế chế mới?
Phát động chiến tranh, Mỹ bất chấp luật pháp Quốc tế, bỏ qua Liên Hiệp Quốc, thậm chí phớt lờ cả khối đồng minh NATO. Dường như Mỹ muốn cho toàn thế giới biết, đã đến lúc nhân loại phải chấp nhận một thực tế, nước Mỹ có thể làm được tất cả. Và để bảo đảm quyền lợi cho đất nước mình, Mỹ có thể sử dụng cây gậy vũ lực bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Nhớ lại bối cảnh cách đây 3 năm, lúc đó chúng ta có cảm giác như nước Mỹ tiến hành cuộc chiến với quyết tâm khẳng định vị trí độc tôn của mình trên trường quốc tế.
Nghe cũng có lý. Nhưng chưa thật thuyết phục. Bởi đã biết bao lần Mỹ đơn phương phá bỏ các hiệp ước và luật pháp quốc tế. Và không cần chiến tranh thì ai cũng biết, từ khi Liên Xô tan rã, Mỹ là siêu cường quốc duy nhất trên thế giới.

Thế thì nguyên nhân chính nằm ở đâu?

Trong bài viết Tầng công nghệ và chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam (Tia Sáng Số 1/2007), chúng tôi đã đề cập đến vấn đề chu kỳ biến động của giá nhiên liệu như là chiếc hàn thử biểu báo hiệu quá trình chuyển giao tầng công nghệ trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới.
Rõ ràng, ngày hôm nay, nền kinh tế thế giới đang đứng trước bậc thềm của chu kỳ chuyển giao công nghệ mới. Vào những lúc giao thời như thế, thường xảy ra hiện tượng “đổi ngôi” trên bầu trời kinh tế thế giới. Các nước dẫn đầu về tổng thu nhập GDP (như Mỹ) sẽ gặp phải những khó khăn lớn gắn liền với sự mất giá tài sản cũng như khả năng phát triển sản xuất trên cơ sở công nghệ cũ. Ngược lại, các nước kém phát triển hơn, nhưng không phải chịu gánh nặng của tầng công nghệ cũ, nếu biết đầu tư đúng hướng vào tầng  công nghệ mới, sẽ có cơ hội phát triển, nhanh chóng trở thành trung tâm mới của kinh tế toàn cầu. Sự thăng hoa của kinh tế Nhật Bản sau thế chiến hai và sự thành công của các con Rồng châu Á gần đây là một ví dụ điển hình. Và dĩ nhiên, nước Mỹ không hề muốn tên tuổi của mình nằm trong số những ngôi sao phải chuyển ngôi. Cần phải hành động, và có vẻ như chiến tranh Irắc là một phần trong kịch bản giúp Mỹ chiếm lĩnh ưu thế trong chu kỳ phát triển mới của kinh tế thế giới? Nếu đúng, thì đó là kịch bản nào đây?

Kịch bản tạo cầu cho đồng đôla
Lâu nay, chúng ta vẫn quen nghĩ – kinh tế Mỹ là số 1. Mấy chục năm tăng trưởng liên tục, đặc biệt là sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ nghiễm nhiên trở thành siêu cường duy nhất. Ảnh hưởng của Mỹ tỏa khắp nơi, theo với đó là sự gắn chặt nền kinh tế đại đa số các quốc gia vào đồng đô la Mỹ. Thực ra, không phải đến bây giờ, mà từ năm 1944, theo hiệp ước Breton-Wood, song song với vàng, đồng đôla đã trở thành phương tiện thanh toán quốc tế. Lúc đó, đồng đôla còn có thể qui đổi được ra vàng, nhưng đến năm 1972, khi Mỹ từ chối thực hiện Hiệp ước này, đồng tiền màu xanh đầy uy lực không còn gì bảo đảm nữa, ngoài chính sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Mỹ. Và Chính phủ Mỹ đã không uổng công thuyết phục thế giới – như vậy là quá đủ! Suốt mấy chục năm qua, các nước “mê mải” trong những mối lo riêng, thả lỏng cho đồng đôla tung hoành trên thị trường quốc tế. Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) nghiễm nhiên trở thành Ngân hàng Trung ương chung của nhân loại, nắm giữ độc quyền phát hành tiền tệ quốc tế mà không phải chịu một trách nhiệm gì, càng không bị ai kiểm soát.
Chúng ta biết, nắm độc quyền phát hành tiền, nhà nước nắm trong tay công cụ tín dụng vô giá để tăng nguồn thu và phát triển kinh tế. Đối với Mỹ nguồn lợi này mang tính toàn cầu, bởi 80% lượng tiền đôla lưu hành trên thế giới được hình thành dưới dạng các khoản nợ của chính phủ Mỹ. Có nghĩa, tất cả chúng ta, những ai sử dụng đồng đôla, vô hình trung đều tự nguyện cho Mỹ vay tiền không lấy lãi. Do vậy, đứng về mặt tài chính mà nói, Mỹ có thể kéo dài chiến tranh bao lâu cũng được, bởi phí tổn đã có tất cả những người dùng đô la chi trả.
Tuy nhiên, đổi lại, ngày hôm nay, người Mỹ phải đương đầu với một tình trạng vô cùng nan giải. 30 năm in tiền liên tục đã tạo nên “tháp tài chính đôla chổng ngược” mang tính toàn cầu, trong đó, nguồn dự trữ tài chính quốc gia Mỹ chỉ chiếm 4% lượng đô la lưu hành. Chính vì vậy, sự ổn định của đồng tiền này hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của nó trên thị trường. Nếu vì một lý do gì, xảy ra hiện tượng từ chối sử dụng đồng đôla ở trên diện rộng thì hệ thống tài chính này sẽ sụp đổ. Ngay lập tức người ta sẽ nhận ra, Mỹ là con nợ khổng lồ với món nợ hơn 30 nghìn tỷ đô la, trong đó có 5 nghìn tỷ là nợ trực tiếp của chính phủ Mỹ. Sự phá sản của đồng tiền này sẽ khởi đầu cho cuộc khủng khoảng kinh tế – tài chính thế giới sâu rộng.
Mải mê lôi kéo kinh tế thế giới vào vòng quay sử dụng đồng đôla, giờ đây Mỹ không thể dừng lại được nữa. Để bảo đảm sự ổn định của đồng tiền, cần phải liên tục tạo cầu cho nó thông qua việc cấu trúc lại các khoản vay cũ và tạo môi trường sản sinh các khoản vay mới. Làm được việc này ngày càng khó, vì nó đòi hỏi giá trị của số lượng cầu phải vượt trội hơn hẳn so với giá trị các khoản vay của Mỹ.
Trong bối cảnh chuyển giao tầng công nghệ như hiện nay, bài toán càng trở nên phức tạp, bởi nhu cầu vay vốn giảm xuống rất nhiều. Việc thụt giảm lợi nhuận đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống, tạo ra một khối lượng lớn tiền đôla dư thừa chưa biết đầu tư vào đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ dồn vào nền kinh tế Mỹ. Nếu giá dầu tăng cao, trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ thu hút lượng tiền tự do này, giảm mối nguy cho nền kinh tế. Đồng thời, biến động giá nhiên liệu cũng là hồi còi thôi thúc các nền kinh tế thực hiện cải cách, đầu tư phát triển tầng công nghệ mới, có nghĩa là làm tăng nhu cầu vốn vay.
Nếu ngay lúc này, tầng công nghệ mới đã hình thành, thì Mỹ không còn gì phải lo. Nhưng khốn nỗi, tầng công nghệ mới chỉ có thể ổn định ít nhất sau 15-20 năm nữa. Trong thời gian giao thời này, bằng mọi giá Mỹ phải giữ và tăng cầu cho đồng đôla, để chờ đợi. Bằng không, 20 năm sau, khi thế giới chuyển sang chu kỳ phát triển mới, đồng đôla không còn là đồng tiền tệ quốc tế nữa, thì Mỹ cũng đánh mất luôn vị trí số 1 của mình. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến Mỹ cứ tiếp tục leo thang gây bầu không khí căng thẳng trên thế giới suốt thời gian qua?
Tiến hành chiến tranh ở Nam Tư, Mỹ phá vỡ sự ổn định kinh tế và chính trị ở châu Âu, tạo lỗ thủng khổng lồ trong ngân sách EU, khiến cho kế hoạch mở rộng phạm vi sử dụng đồng euro đứng sững lại. Dưới áp lực kinh tế, chính trị của Mỹ, các nước châu Âu vẫn phải giữ phần lớn ngoại tệ dự trữ bằng đôla.
Với lá cờ chống khủng bố quốc tế Mỹ đã làm đông cứng một số lượng tài khoản lớn bằng đôla của các tổ chức và cá nhân trong thế giới A rập giàu có.
Mỹ cũng đang tìm mọi cách ngăn cản các quốc gia châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế mới với hệ thống tiền tệ riêng, không dính dáng đến đồng đô la.
Như vậy, có thể thấy chiến tranh Irắc lần này là nấc thang tiếp theo trong chuỗi hoạt động nhằm tạo sự căng thẳng trên trường quốc tế, phần nối tiếp của kịch bản tạo cầu cho đồng đô la của Mỹ. Tất nhiên, Mỹ sẽ không dừng lại ở Irắc. Chừng nào đồng đôla vẫn còn nguy cơ giảm cầu, thì chừng đó thế giới vẫn còn căng thẳng. Trước mắt là vấn đề hạt nhân của Nam Triều Tiên và Iran.
Có thể thấy rằng, Nhà trắng đã hành động rất lô-gíc. Dưới mối đe doạ sụp đổ của Tháp tài chính đôla toàn cầu, để tránh sự phá sản cho chính mình, Mỹ luôn luôn tạo những làn sóng căng thẳng trên trường quốc tế. Với họ, bất cứ quốc gia nào không tin tưởng vào độ bền vững của đồng đôla, có ý định không sử dụng nó hoặc hạn chế sự ảnh hưởng của nó trên thị trường tài chính nước mình, đều là mối đe dọa an ninh Mỹ. Cho nên Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới, với bất kỳ quốc gia nào có ý định ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của đồng tiền này.
Tất nhiên, kịch bản này hoàn toàn không phù hợp với quyền lợi của các nước biết tôn trọng chủ quyền và độc lập. Hơn nữa, thực trạng của đồng đôla ngày càng vượt xa tầm kiểm soát của Chính phủ Mỹ. Không có gì làm bảo đảm, vào một ngày đẹp trời Tháp tiền tệ đôla sẽ không sụp đổ. Cho nên, đã đến lúc các quốc gia trong phạm vi ảnh hưởng của đồng tiền này cần có sự phân tích, nhìn nhận nghiêm túc về chiến lược phát triển tài chính – tiền tệ lâu dài của đất nước mình.

CHÚ THÍCH ẢNH: “Chiến tranh Irắc là phần nối tiếp của kịch bản tạo cầu cho đôla của Mỹ”.


Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)