Tìm một chiếc áo lớn hơn

Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài là để được ưu đãi hơn về thuế, để nhà đầu tư hưởng các quyền lợi thỏa đáng hơn, để đỡ phải thực hiện các thủ tục phức tạp từ thành lập công ty cho đến báo cáo hằng tháng với các cơ quan hữu quan… Tuy nhiên, lí do thực sự là gì ?


Để trả lời câu hỏi này, Tia Sáng đã có trao đổi với hai người trong cuộc: Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập startup Umbala, với sản phẩm là ứng dụng di động cho phép người dùng quay, sửa và chia sẻ các video ngắn, nhắm tới thị trường Mỹ đầu tiên rồi mở rộng ra toàn cầu và Lê Phước Phúc, sáng lập startup Wiindi, một trang thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội về thời trang dự định tiếp cận thị trường Việt Nam trước rồi mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Umbala và Wiindi là hai trong số nhiều công ty đang có toàn bộ nhân viên làm việc và hoạt động tại Việt Nam nhưng lại có tư cách pháp nhân ở một nước khác: Umbala có trụ sở ở Mountain View, Mỹ và Wiindi có trụ sở ở Singapore. 


Dưới đây là ba lí do chính khiến họ thành lập công ty ở nước ngoài:

Thông tin rõ ràng, minh bạch hơn

Nhiều người cho rằng thành lập công ty ở nước ngoài là để…trốn thuế. “Có một sự thật mà ai cũng có thể nhìn ra được đó chính là thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ cao hơn Việt Nam nhiều, nếu nói thành lập công ty ở nước ngoài để trốn thuế là không thoả đáng” – Anh Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Họ lựa chọn nước ngoài để thành lập công ty không phải vì được ưu đãi thuế mà để… tiết kiệm thời gian làm các thủ tục hành chính. Nhìn từ góc độ là chủ doanh nghiệp tại Mỹ như anh Thảo, hay chủ doanh nghiệp tại Singapore như anh Phúc, cả hai đều chia sẻ quan điểm “quy trình thực hiện các giấy tờ hành chính [ở các nước này] rất rõ ràng, minh bạch và công khai, chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng làm thủ tục, khai báo, nộp đơn hay chờ xét duyệt vấn đề nào đó qua hệ thống cổng thông tin điện tử của chính phủ là xong”. Với một công ty khởi nghiệp, họ chỉ muốn dành phần lớn thời gian để xây dựng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường và kinh doanh, “không ai muốn bị mất quá nhiều thời gian vào những thủ tục hành chính, một lần đi nộp giấy tờ cũng có thể mất đến cả buổi sáng” – anh Phúc cho biết.


Hiện nay, đây có thể được nhìn nhận như là một vấn đề nhức nhối đối với bất kỳ ai đang kinh doanh trong nước. Để thử nghiệm, chính bản thân người viết bài đã thử tìm hiểu về việc xin cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội trên công cụ tìm kiếm, kết quả được dẫn về website của Bộ Thông tin Truyền thông và sau đó thì website của Bộ thông báo rằng “nội dung không tồn tại”. Hệ thống nhà nước điện tử hiện đại nhất hiện nay có thể “tạm trao” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đã tiên phong đưa vào hoạt động hệ thống đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hay chỉnh sửa thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử, thế nhưng cũng chỉ mới có thể phục vụ tốt nhất ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Hay Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã làm rất tốt hệ thống kê khai thuế trực tuyến giúp người khai thuế dễ dàng nộp thông tin báo cáo định kỳ – nhưng hệ thống này cũng chỉ dành cho người biết về nghiệp vụ kế toán.


Các thông tin khác hỗ trợ chủ doanh nghiệp đều nằm rải rác, mù mờ và khó lòng theo dõi được sự mới mẻ, mang tính cập nhật thời sự từ nhà nước.

Nhiều cơ hội tiếp cận nhà đầu tư hơn

Khi công ty khởi nghiệp còn quá non trẻ và mới mẻ thì việc tìm kiếm nhà đầu tư là một trong những công việc cần thiết và được ưu tiên nhất. Thế nhưng, nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ – thẳng thắn mà nhìn nhận – không thực sự mặn mà với các công ty của Việt Nam. Thứ nhất, những nhóm khởi nghiệp trong nước chưa thực sự thể hiện được tiềm năng phát triển, chưa có những sản phẩm nổi bật hấp dẫn người dùng nước ngoài. Thứ hai, việc bỏ ra một số tiền đầu tư rất nhỏ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ (50.000 – 200.000 USD), không đáng để các nhà đầu tư mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho sự phức tạp của giấy tờ hành chính, quy trình pháp lý ở Việt Nam (chẳng hạn, có một số ngành nghề mà nhà đầu tư không được phép nắm trên 50% cổ phần, chưa có thông tư hướng dẫn về việc bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp đầu tư dưới 50% cổ phần, bán lại cổ phần của doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa cũng phải chịu một mức thuế như nhau, thoái vốn bằng cách chờ doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thì rất lâu hoặc không khả thi).

Vì thế, lẽ dĩ nhiên, nếu thành lập công ty ở nước ngoài, startup có nhiều cơ hội được đầu tư hơn. Được chương trình tăng tốc hỗ trợ khởi nghiệp JFDI Asia có trụ sở chính tại Singapore đầu tư vào sản phẩm Wiindi ngay khi chưa có công ty, anh Phúc đã được JFDI Asia hỗ trợ mở công ty tại Singapore. Số tiền đầu tư vào công ty Wiindi không thực sự lớn, chỉ khoảng 25.000 đô-la Singapore và trong đó chỉ có khoảng 10.000 đô-la Singapore tiền mặt. Thế nhưng, từ khi có pháp nhân công ty tại Singapore, sản phẩm Wiindi được tiếp cận số lượng nhà đầu tư lớn và tiếng tăm hơn so với thời kì ở trong nước. Cũng khá dễ hiểu một điều khi Singapore là một trong năm thị trường tài chính lớn nhất thế giới và đây thực sự là một cổng đầu tư của toàn Đông Nam Á.


Thương hiệu để làm tiếp thị sản phẩm và tuyển dụng

“[Trước kia] khi tôi nói sản phẩm này là một sản phẩm khởi nghiệp từ Việt Nam, nhiều người còn hỏi ngược lại tôi rằng Việt Nam là ở đâu? Tôi đã rất sốc. Đến khi mày mò con đường đến Mỹ để thành lập công ty vẫn với sản phẩm ấy, rồi khi tham gia những sự kiện lớn tại đây và cho mọi người biết rằng đó là một sản phẩm tại Mountain View, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ. Mountain View hay những cái tên khác gắn liền với Silicon Valley, đều là những minh chứng cho những nỗ lực của các công ty khởi nghiệp. Ai ở đây cũng phải giỏi cả, vì chỉ có phải giỏi đến rất giỏi thì công ty khởi nghiệp mới tồn tại được. Chưa kể đến là trong quá trình tiếp thị và quảng bá sản phẩm, phần lớn người dùng họ vẫn có cảm giác thích những sản phẩm đến từ Mỹ hơn tất thảy. Minh chứng là Facebook, Google, Uber,… tất cả đến từ Mỹ!” – Anh Thảo chia sẻ.

Ngoài lợi thế quảng bá vì “thương hiệu ngoại phủ ngoài sản phẩm nội”, anh Thảo cho biết công ty có văn phòng ở nước ngoài còn có lợi thế trong việc tuyển dụng. “Anh nhận được hồ sơ ứng tuyển của các ứng viên trên khắp thế giới, thậm chí, có những người có thành tích rất “khủng”. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Silicon Valley mang đến cho người ta những ước mơ đổi đời khi làm việc trong các công ty khởi nghiệp, ngoài lương – ở một mức rất vừa phải, họ thường thích làm việc vì cổ phần hơn. Điều này là không thể có tại Việt Nam khi hầu hết bạn trẻ hiện nay đi làm, chỉ muốn hỏi về lương trước khi biết mình có thể đóng góp gì cho công ty hay có những nỗ lực đóng góp để cả công ty phát triển.”


Có thể thấy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, ngoài việc thay đổi chính sách, pháp luật (công việc luôn đòi hỏi thời gian) thì điều có thể làm được ngay là minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục, giấy phép bằng cách công khai cụ thể, rõ ràng các bước mà doanh nghiệp cần thực hiện lên trang web của các bộ, ngành liên quan và cho phép thực hiện hoàn toàn trên internet để tiết kiệm thời gian. Nếu không, thì dù tinh thần khởi nghiệp trong nước có sục sôi thì Việt Nam vẫn là một cái áo “chật chội”, hạn chế nhiều cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)