Tìm thấy hàng trăm ấn bản “Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên” của Newton

Cùng với câu chuyện về những cuốn sách bị thất lạc hoặc bị đánh cắp cũng như công việc của những thám tử cẩn trọng trong khắp các lục địa, một nhà sử học Caltech và cựu học trò của ông đã tìm ra hàng trăm ấn bản chưa được biết về cuốn sách khoa học nổi bật của Isaac Newton “Philosophiae Naturalis Principia Mathematica” (Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), hay còn gọi tắt là Các nguyên lý.

Cuộc kiểm kê mới này góp phần làm tăng lên gấp đôi số lượng các ấn bản đã biết trong lần xuất bản đầu tiên (năm 1687). Cuộc kiểm kê gần nhất cuốn sách này thực hiện vào năm 1953 cho thấy có 187 cuốn, còn cuộc điều tra của các nhà khoa học Caltech là 386 bản. Theo các nhà khoa học, vẫn còn tồn tại những bản chưa được biết trong các bộ sưu tập của tư nhân và cả các tổ chức nhà nước.

“Chúng tôi cảm thấy mình như thám tử Sherlock Holmes”, Mordechai (Moti) Feingold, giáo sư lịch sử và nhân văn Kate Van Nuys Page tại Caltech nói khi đề cập đến việc ông và học trò là Andrej Svorenčík (MS ’08) ở trường đại học Mannheim, Đức, đã dành hơn một thập kỷ để truy tìm các ấn bản in lần đầu của cuốn sách Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên trên khắp thế giới. Feingold và Svorenčík đều là đồng tác giả bài báo về cuộc điều tra xuất bản trên tạp chí Annals of Science “A preliminary census of copies of the first edition of Newton’s Principia (1687).

Bằng việc phân tích các dấu tích của những chủ sở hữu để lại và những dòng ghi chú nguệch ngoạc ở mép một vài cuốn, thêm vào vài bức thư và tài liệu có liên quan khác, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng là Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên, từng được cho là chỉ dành cho số ít những chuyên gia toán học có chọn lọc nhưng trên thực tế lại được đọc một cách rộng rãi và phổ biến.

“Một trong những điều mà chúng tôi phát hiện ra là sự lan truyền của cuốn sách này và những ý tưởng của nó rộng rãi và mở hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ. Và nó sẽ có những gợi ý về công trình tương lai mà chúng tôi và những người khác sẽ làm về chủ đề này”, Feingold nói.

Trong Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên, Newton giới thiệu các quy luật của chuyển động và vạn vật hấp dẫn, “hợp nhất các hiện tượng hấp dẫn được mô tả trước đây trên Trái đất với những gì diễn ra trên các hành tinh bằng một định luật”, Svorenčík cho biết.

“Vào thế kỷ 18, các ý tưởng của Newton đã chiếu rọi ánh sáng vào khoa học”, Feingold bổ sung. “Con người trong những lĩnh vực khác nhau đều hi vọng sẽ làm thấy một quy luật tương tự đủ khả năng kết nối, hợp nhất các lĩnh vực tương ứng của mình lại với nhau. Ảnh hưởng của Newton, giống như Charles Darwin và Albert Einstein, có tác động vô cùng lớn tới nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, và đó là những gì khiến ông trở thành một hình mẫu phi thường của thế kỷ 18 và hơn thế nữa”.

Những nguyên lý dưới bức màn sắt

Svorenčík cho rằng dự án này đã được bắt đầu từ một công trình anh viết trong một khóa học về lịch sử khoa học do Feingold giảng dạy. Là người gốc Slovakia, Svorenčík đã từng viết một bài báo về sự xuất hiện của cuốn Các nguyên lý khắp Trung Âu. “Tôi quan tâm đến việc liệu các ấn bản của cuốn sách này có thể được truy dấu ở quê hương tôi không. Đợt kiểm kê thực hiện vào những năm 1950 không bao hàm các ấn bản ở Slovakia, Czech, Ba Lan hay Hungary. Việc này không thể thực hiện được do ảnh hưởng của tình hình chính trị thời đó, việc đi lại đê truy dấu các ấn bản hết sức khó khăn”.

Svorenčík rất ngạc nhiên khi tìm thấy nhiều ấn bản Các nguyên lý hơn Feingold chờ đợi. Mùa hè sau khóa học, Feingold đề nghị cùng với Svorenčík thực hiện ngay dự án, tìm kiếm một cách có hệ thống những ấn bản đầu tiên của Các nguyên lý. Công việc thám tử của họ diễn ra khắp toàn cầu và tìm ra 200 ấn bản chưa từng biết đến trước đây từ 27 quốc gia, bao gồm 35 bản ở Trung Âu. Feingold và Svorenčík thậm chí còn thấy những bản bị thất lạc hoặc bị đánh cắp, ví dụ một bản từ một người bán sách ở Italy hóa ra từng bị “thuổng” từ một thư viện của Đức nửa thế kỷ trước.

Ấn bản “Các nguyên lý” mà Caltech lưu giữ là một phần của bộ sưu tập của Kho lưu trữ và các bộ sưu tập của trường. Vào thế kỷ 19, nó thuộc về nhà toán học và triết học tự nhiên Pháp Jean-Jacques d’Ortous de Mairan, chữ ký của ông nằm ở rìa trái trang ghi tên sách. Nguồn: Caltech Archives

“Chúng tôi liên hệ với Bảo tàng Đức nhưng họ quá chậm trễ trong việc quyết định mua lại cuốn sách, vì vậy nó đành quay lại thị trường sách”, Feingold đề cập đến trường hợp ấn bản này.

Những thông tin quan trọng

Theo các nhà sử học, hiện nay các ấn bản của đợt xuất bản đầu tiên Các nguyên lý được bán với giá khoảng 300.000 đến 3.000.000 USD, tuy thuộc vào việc giao dịch diễn ra qua các nhà đấu giá như Christie’s, Sotheby’s hay chợ đen. Họ ước tính, có khoảng 600 hoặc có thể là 750 ấn bản trong đợt xuất bản đầu tiên của cuốn sách vào năm 1687.

Nhân vật quan trọng đứng sau đợt xuất bản cuốn sách này là Edmond Halley, nhà khoa học Anh nổi tiếng đã thực hiện nhiều khám phá về hệ mặt trời, bao gồm cả chu kỳ sao chổi mà sau này người ta gọi là sao chổi Halley. Feingold giải thích, trước khi Các nguyên lý được viết ra, Halley đã hỏi Newton về một số tính toán liên quan đến các quỹ đạo hình elip của các vật thể trong hệ mặt trời của chúng ta. Khi Halley thấy các phép tính, “ông như bị kích thích, ông vội vã trở lại Cambridge và thúc đẩy Newton viết cuốn sách này”, Feingold nói. Trên thực tế, Halley đã đầu tư vào đợt xuất bản đầu tiên của cuốn sách này.

Không lâu sau đợt xuất bản này, cuốn sách đã được ghi nhận là công trình của một thiên tài. “Bởi vì Halley đã chuẩn bị cho những gì sẽ tới”, Feingold nói, “nên đã có một sự ghi nhận rộng rãi về việc Các nguyên lý là một kiệt tác”. Sau đó, một “câu chuyện bí ẩn” về Newton bắt đầu xuất hiện, theo lời Feingold, được minh họa bằng một câu chuyện hai sinh viên đi dạo ở Cambridge và thấy Newton trên đường. Một người nói ‘đó là con người đã viết lên cuốn sách mà không ai ngoài ông ta hiểu được’.

Ý tưởng Các nguyên lý khó hiểu và ít được đọc được đưa vào nghiên cứu mới. Không chỉ cho thấy một thị trường lớn hơn trước đây người ta từng nghĩ, nghiên cứu này còn chứng minh cuốn sách được nhiều người đọc rộng rãi hơn.

“Khi nhìn vào chính các ấn bản của cuốn sách, anh có thể thấy những ghi chú nhỏ hoặc lời bình, những thứ giúp anh hình thành manh mối về cách sách được đọc. Trạng thái của bút tích, bìa sách, sự hư hại, sự khác biệt của in ấn… cũng nói lên rất nhiều điều”, Svorenčík nói. Anh đã tìm thấy 10% số sách trong đợt kiểm kê mới này. Khi tham gia các hội nghị ở những quốc gia khác nhau, anh thường dành thời gian tới các thư viện địa phương. Ngay cả khi cuộc tìm hiểu về cuốn sách này kết thúc, các nhà sử học vẫn có thể truy cấp những người chủ sở hữu thông qua các bản ghi chép ở thư viện và những búc thư, tài liệu khác và tìm hiểu về cách các ấn bản được lưu truyền.

“Thật khó để chứng tỏ cách con người gắn kết với một cuốn sách hơn là chỉ sở hữu nó một cách đơn giản nhưng chúng tôi có thể nhìn vào những dòng chữ ghi chú bên lề và cách cuốn sách được lan truyền”,  Feingold giải thích. “Anh có thể ước đoán là mỗi ấn bản có rất nhiều người người đọc. Nó không giống như ngày nay, khi anh có thể mua một cuốn sách và là người duy nhất đọc nó. Sau đó chúng ta có thể nhin vào một cuộc trao đổi những ý tưởng giữa người chia sẻ các ấn bản. Anh bắt đầu đặt các miếng ghép lại với nhau và giải quyết bài toán”.

Svorenčík và Feingold hi vọng cuộc kiểm kê của mình sẽ đem lại nhiều thông tin về những ấn bản đang tồn tại khác trong những cá nhân, những người buôn sách, người môi giới và thư viện. Việc tiếp tục mạch nghiên cứu này trong tương lai, các nhà sử học lập kế hoạch sẽ đào sâu thêm hiểu biết của chúng ta về cách Các nguyên lý định hình khoa học thế kỷ 18.

Tô Vân dịch

Nguồnhttps://phys.org/news/2020-11-hundreds-newton-principia-census.html

Tác giả

(Visited 149 times, 1 visits today)