Tình báo công nghiệp: “mỹ nhân kế cũng hay được áp dụng”

Klaus-Dieter Matschke có lẽ là nhà điều tra tư nhân nổi tiếng nhất của nước Đức. Trong trả lời phỏng vấn của wiwo, ông đề cập đến nhiều vụ gián điệp công nghiệp và bản thân ông đã tham gia hoạt động này như thế nào.

Klaus-Dieter Matschke, lãnh đạo hãng tư vấn doanh nghiệp KDM Sicherheitsconsulting ở Frankfurt.

Thưa ông Matschke, ông đã có nhiều năm làm việc cho cơ quan an ninh Đức và tham gia xây dựng cơ quan bảo vệ hiến pháp ở bang Sachsen-Anhalt. Hiện tại ông làm việc cho doanh nghiệp KDM,  tư vấn về  an ninh cho các doanh nghiệp hạng trung. Các doanh nghiệp này cần gì đối với kinh nghiệm và kiến thức của ông về công tác tình báo?

Chúng tôi tiếp cận vấn đề của khách hàng hoàn toàn khác với cách tiếp cận như của các nhà điều tra bên cơ quan cảnh sát. Đối với tình báo công nghiệp, chúng tôi có thể áp dụng nhiều phương pháp hết sức phong phú so với bên cảnh sát. Vì thế các doanh nghiệp bậc trung rất hay đến với chúng tôi khi mà bên cảnh sát không thể giúp họ xử lý cặn kẽ các vấn đề.

Các doanh nghiệp hạng trung thường yêu cầu ông hỗ trợ, tư vấn về những vấn đề gì?

Một ví dụ điển hình, rất hay xảy ra, doanh nghiệp hạng trung phát hiện tại một quầy ở hội chợ sản phẩm của họ nhưng mang tên nhãn mác khác. Tất nhiên nhà doanh nghiệp đó muốn biết sản phẩm đó ở đâu ra, ai là nhà sản xuất và tại sao thông tin về sản phẩm lại  lọt vào tay bên thứ ba.

Vậy điều đó đã diễn ra như thế nào?

Rất hay xảy ra trường hợp nhân viên của chính doanh nghiệp đó tham gia vào việc tuồn thông tin ra ngoài. Không ít trường hợp các nhân viên làm việc lâu năm trong doanh nghiệp cho rằng bản thân họ cũng có thể làm ra được sản phẩm đó, thậm chí có thể còn tốt hơn. Nhân đó xin thôi việc để độc lập tác chiến. Sự khởi đầu của một doanh nghiệp mới thường dựa vào know-how của doanh nghiệp cũ. Trong lĩnh vực chế tạo máy thường là các bản vẽ thiết kế, đối với các xí nghiệp dược là các công thức pha chế, chúng được dùng để làm cơ sở sản xuất hàng giả.

Ông có thể nêu một số vụ cụ thể khi nhân viên trở thành thủ phạm?

Điều này thì nhiều vô kể. Một số nhân viên của một doanh nghiệp chế tạo máy hoạt động hết sức trắng trợn, chúng tôi đã tham gia xử lý vụ này. Chủ hãng không giải thích được nguyên nhân chi phí mua hàng quá cao, ông ta đã yêu cầu chúng tôi trợ giúp. Chúng tôi phát hiện một số công nhân của doanh nghiệp này làm việc rất chăm chỉ, thậm chí họ làm việc cả trong ngày cuối tuần, lắp đặt máy móc và hết giờ làm việc thì chở máy đi giao hàng cho khách. Có điều bản thân doanh nghiệp không thu được một đồng nào. Có nghĩa là một số lao động của doanh nghiệp đã thành lập một dạng doanh nghiệp trong doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nhưng tiền thu được lại cho vào quỹ riêng. Đây cũng là một dạng gián điệp công nghiệp đặc biệt và tinh vi. Đây là một hành vi gian lận mà ít nhà doanh nghiệp lường tới.

Ông làm thế nào để phát hiện bọn tội phạm?

Điều này thì mỗi vụ một kiểu. Đôi khi tội phạm cũng khá ngờ nghệch do đó không khó khăn để điều tra. Tại một tập đoàn dược phẩm, chúng tôi tiến hành điều tra trong nội bộ doanh nghiệp vì nghi có tham nhũng. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp một nhân viên mới bán một chiếc xe VW cũ và tậu một xe Porsche mới toanh, cũng thời gian đó anh ta vừa xây xong một toà biệt thự. Điều đó làm tôi tự hỏi, anh ta lấy tiền từ đâu. Vì vậy tôi giả danh là người bán máy đóng gói thuốc viên và qua đó lần ra  được bí mật về sự giàu có của nhân viên này: anh ta yêu cầu dành cho mình một khoản hoa hồng trước khi ký hợp đồng mua máy móc thiết bị, qua đó nhân viên này kiếm được bạc triệu.

Nếu mọi việc vẫn trong vùng xám – chưa rõ ràng, thì công cuộc điều tra của các vị có thể tiến sâu đến đâu?

Trong trường hợp này các bằng chứng phải rõ ràng và có tính thuyết phục và mọi biện pháp của chúng tôi luôn có sự thống nhất với Hội đồng xí nghiệp. Ở đây có nguyên tắc mọi điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ và kết quả điều tra của chúng tôi phải thật sự chắc chắn khi nêu ra trước thẩm phán .

Gần đây tên tuổi ông được đề cập trong một vụ liên quan đến một chỉ điểm người Thuỵ Sỹ, ông đã cung cấp thông tin về các thanh tra thuế người Đức cho người đó. Đó không phải là vùng xám hay sao?

Cấn phải có sự giải thích về câu chuyện này. Một nhà thầu phụ và một nhân viên của tôi đã trả lời một câu hỏi của một người đàn ông từ Thụy Sỹ và đã có cuộc gặp gỡ với người này ở Freiburg. Ông ta tự giới thiệu là cựu nhân viên cảnh sát  đang tìm một đối tác của phía Đức để cùng thẩm tra về một số hãng và vụ việc. Sau này tôi cũng có tìm hiểu về người đàn ông này. Chúng tôi có tiến hành một số vụ việc với ông ta và ông ta có thanh toán đầy đủ.

Ông ta cũng tiến hành thẩm tra nghiêm chỉnh một số vụ việc ở Thuỵ Sỹ theo yêu cầu của chúng tôi. Sau đó ông ta giao nhiệm vụ cho nhà thầu phụ của tôi thẩm tra địa chỉ của một số nhân vật nhất định. Nhà thầu phụ thu thập thông tin và giao cho anh ta và chúng tôi đưa tất cả vào hoá đơn thanh toán. Tại sao ông ta tìm những người này, tôi cũng không biết. Và tôi cũng hoàn toàn không biết ông ta là nhân viên cơ quan  tình báo. Như đã nói ông ta luôn kể với tôi  là cựu cảnh sát. Giờ đây tôi nghĩ cơ quan tình báo Thuỵ Sỹ cho anh ta liên hệ với chúng tôi vì chúng tôi có tiếng tốt về các  cuộc thẩm tra của mình.

Phần đông các doanh nghiệp Đức lo ngại về tình trạng know-how bị thất thoát sang Trung quốc hoặc Nga. Nhưng thế còn nguy cơ các doanh nghiệp Đức theo dõi, rình rập lẫn nhau như thế nào?

Không phải chỉ có người Trung quốc, người Nga hay người Mỹ mới làm gián điệp. Mọi doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đều tạo nên sự ghen tị, đố kỵ và trở thành nạn nhân của hoạt động gián điệp, điều này có thể do các cơ quan tình báo nước ngoài tiến hành nhưng cũng có thể các doanh nghiệp Đức khác xúc tiến. Mục tiêu của hoạt động gián điệp này là lấy được bí quyết mà không phải chi phí cho công tác nghiên cứu như đối thủ cạnh tranh, gây áp lực đối với đối thủ cạnh thông qua các tài liệu gây tranh cãi hoặc để tìm ra được những cái đầu có giá trị của doanh nghiệp đối thủ trong nghiên cứu và phát triển  để từ đó tìm cách lôi kéo họ làm việc cho mình.

Người ta sẽ làm gì nếu việc tuyển mộ, lôi kéo không thành?

Không ít trường hợp là gây sức ép, tống tiền. Đối với những nhân vật mà người ta đặc biệt quan tâm người ta sẽ tìm cách tạo ra những tình huống khó xử để tạo ra sức ép đối với họ. Để làm việc đó có thể dùng  mỹ nhân kế. Ví dụ biến người đó thành tình nhân của nữ thư ký để thông qua nhân vật này tiếp cận được thông tin mà mình quan tâm.

Trong số các nhà điều tra tư nhân ông được đánh giá là nhân vật hàng đầu. Trong những năm qua điều gì đã thay đổi trong lĩnh vực công tác của ông?

Tất nhiên công nghệ đã tiến bộ nhảy vọt trong mấy năm gần đây. Thiết bị công nghệ ngày càng nhỏ gọn và tinh xảo hơn. Cách đây 30 năm máy nghe trộm có kích cỡ như một cái hộp, giờ bé tí xíu và rất dễ lắp đặt và rất khó phát hiện. Hồi xưa có thể nghe lén tối đa trong vòng bán kính 200 mét. Ngày nay không còn hạn chế nữa. Tuy nhiên các biện pháp chống nghe trộm cũng tinh vi hơn xưa nhiều.

Nguyễn  Hoài dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/unternehmen/dienstleister/industriespionage-oft-wird-mit-weiblichen-lockvoegeln-spioniert/21255112.html

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)