Tổ tiên loài người có thể đã đi thẳng đứng trên cây
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances của các nhà khoa học từ Đại học London, Đại học Kent và Đại học Duke (Mỹ), con người đi thẳng đứng bằng hai chân có thể đã tiến hóa trên cây chứ không phải trên mặt đất như trước đây chúng ta vẫn nghĩ.
Nghiên cứu này khám phá hành vi của loài tinh tinh hoang dã – họ hàng gần nhất còn sống của con người – từ Thung lung Issa ở phía tây Tanzania, Đông Phi.
Được gọi là “khảm xavan” – một khu vực pha trộn giữa vùng đất trống trải, khô hạn, ít cây và những mảng rừng rậm – môi trường sống của loài tinh tinh này rất giống với môi trường của tổ tiên loài người sớm nhất. Vì thế, nó được chọn là nơi tìm hiểu xem liệu sự trống trải của loại cảnh quan này có khuyến khích loài người đi bằng hai chân hay không.
Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét liệu môi trường sống khảm xavan có làm tăng thời gian sống trên mặt đất của tinh tinh Issa và so sánh hành vi của chúng với các nghiên cứu khác về những họ hàng chỉ sống trong rừng tại khu vực khác của châu Phi.
Nhìn chung, nghiên cứu phát hiện thấy tinh tinh Issa dành nhiều thời gian trên cây như những con tinh tinh khác sống trong rừng rậm rạp, dù môi trường sống của chúng trống trải hơn, và không sống nhiều trên mặt đất như mong đợi.
Hơn nữa, tuy các nhà nghiên cứu dự đoán tinh tinh Issa đi thẳng đứng nhiều hơn ở thảm thực vật xavan trống trải (tại đây chúng không thể dễ dàng di chuyển qua các tán cây) nhưng hơn 85% việc đi bằng hai chân vẫn diễn ra trên cây.
Những phát hiện này mâu thuẫn với các lý thuyết phổ biến rằng chính môi trường xavan khô cằn, trống trải đã khuyến khích những họ hàng người tiền sử của chúng ta đi thẳng. Thay vào đó, chúng đề xuất rằng họ có thể đã phát triển đi bằng hai chân quanh cây cối.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Alex Piel (Khoa Nhân chủng học tại Đại học London) nói, ban đầu họ phỏng đoán rằng vì ở Issa có ít cây hơn các khu rừng nhiệt đới điển hình mà đa số loài tinh tinh sống, đồng thời bởi nhiều động lực truyền thống của việc đi hai chân liên quan tới việc ở trên mặt đất, nên họ sẽ nhìn thấy nhiều trường hợp tinh tinh đi bằng hai chân hơn ở đây. “Song, điều này không xảy ra”.
“Nghiên cứu này cho thấy trên thực tế, tình trạng rừng mất dần cuối thời kỳ Miocen-Pliocen khoảng năm triệu năm trước và môi trường sống xavan trống trải không phải chất xúc tác cho sự tiến hóa đi bằng hai chân. Thay vào đó, cây cối vẫn là yếu tố thiết yếu cho sự tiến hóa – việc tìm kiếm những cây ra quả nhiều khả năng là một động lực cho đặc điểm này.”
Để thiết lập cơ sở cho những phát hiện của mình, các nhà nghiên cứu ghi chép hơn 13.700 quan sát tức thời về hành vi tư thế của 13 con tinh tinh trưởng thành (sáu con cái và bảy con đực), gồm 2.850 quan sát về các sự kiện vận động đơn lẻ (ví dụ như leo trèo, đi bộ, đu bám, v.v.), trong hơn 15 tháng nghiên cứu. Sau đó, họ sử dụng mối quan hệ giữa hành vi trên mặt đất/trên cây và hệ thực vật (rừng rậm so với rừng thưa tán cây) để điều tra các mô hình liên quan. Tương tự, họ ghi lại từng trường hợp đi bằng hai chân và liệu nó có liên hệ với tình trạng ở trên mặt đất hoặc trên cây hay không.
Các tác giả lưu ý việc đi bằng hai chân là một đặc điểm then chốt của con người khi so sánh với các loài vượn lớn khác đi bằng bốn chi. Song, dù đã tiến hành nghiên cứu như vậy, lý do vì sao trong số các loài vượn khác, con người lại là loài đầu tiên bắt đầu tiên đi bằng hai chân vẫn là một bí ẩn.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Fiona Stewart (Khoa Nhân chủng học tại Đại học London) nói, “Cho đến nay, nhiều giả thuyết về sự tiến hóa đi bằng hai chân có cùng ý kiến là hominin (tổ tiên loài người) đã xuống khỏi cây và đi thẳng đứng trên mặt đất, đặc biệt ở trong những môi trường sống trống trải, khô cằn hơn, thiếu cây cối. Các dữ liệu của chúng tôi không hề ủng hộ điều đó”
“Điều chúng tôi cần tập trung lúc này là xem xét bằng cách nào và vì sao những con tinh tinh này lại dành nhiều thời gian trên cây như vậy – để xâu chuỗi lại câu đố tiến hóa phức tạp.”
Phương Anh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2022-12-early-humans-upright-trees.html