Toàn cầu hoá và những khó khăn của phương Tây
Nhìn bề ngoài, chúng ta không thấy có nhiều mối liên hệ giữa các cuộc bạo loạn ở London và những biến động gần đây của thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy vậy, sự liên quan giữa hai hiện tượng trên vẫn tồn tại - và đó là một điều đáng lo ngại. Cả hai hiện tượng này đều phản ánh các thách thức của toàn cầu hóa.
Việc hình thành một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp là một trong bước tiến lớn nhất của cộng đồng quốc tế trong 65 năm qua. Tuy nhiên, hiện tượng phá sản hàng loạt và các đợt bạo động triền miên lại là bằng chứng cho thấy những áp lực mà hệ thống này đang phải gánh chịu là không nhỏ.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các phe từng tham chiến đã cam kết dàn xếp các thỏa thuận mới nhằm đảm bảo rằng họ sẽ không bao giờ theo đuổi các chính sách triệt tiêu dân tộc của những năm 1930. Để ngăn chặn những cuộc chiến thương mại do Đạo luật thuế quan Smoot Hawley năm 1930 của Hoa Kỳ gây ra, các nước đã kí một Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch – làm nền tảng cho sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới. Do lo ngại các biện pháp phá giá trả đũa xảy ra như thời kỳ trước chiến tranh, các nước châu Âu lục địa đã tiến xa hơn một bước khi tiến hành thành lập Liên minh châu Âu, và hiện nay đã hoàn tất công cuộc tạo ra đồng tiền chung của họ.
Chúng ta không thể trông chờ sự hoàn hảo tồn tại trong một hệ thống thị trường toàn cầu hình thành trên cơ sở đồng thuận của chính phủ mỗi quốc gia bởi kết cục không thể tránh khỏi khi tiến hành thỏa hiệp là sẽ có người thắng kẻ thua. |
Toàn cầu hóa đã mang lại những thành công vượt bậc về cả hai phương diện: thúc đẩy sự phồn vinh thịnh vượng và hòa bình trên toàn thế giới. Phương thức giải quyết tranh chấp, bất đồng thông qua đàm phán đã được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới ưu tiên sử dụng. Tình hình chính trị tương đối ổn định đã hình thành một môi trường kinh doanh minh bạch và dễ nắm bắt hơn. Trong khi đó, việc gỡ bỏ dần các rào cản thương mại cũng đã cho phép các công ty có cơ hội được cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là một mức sống cao chưa từng có trong lịch sử đã được xác lập và được xem là yếu tố thúc đẩy các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong suốt 20 năm qua cũng như các nền kinh tế mới nổi khác tham gia vào thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng có mặt trái của nó. Điều này được phản ánh bằng sự mất cân bằng nghiêm trọng trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta không thể trông chờ sự hoàn hảo tồn tại trong một hệ thống thị trường toàn cầu hình thành trên cơ sở đồng thuận của chính phủ mỗi quốc gia bởi kết cục không thể tránh khỏi khi tiến hành thỏa hiệp là sẽ có người thắng kẻ thua.
…những đối tượng khác phải bán sức lao động của mình trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu. Họ phải gánh chịu mức sống ngày càng đi xuống hoặc bị loại bỏ do không cạnh tranh nổi với mức lương thị trường của người lao động làm việc tại nước ngoài hay là người nhập cư. |
Sự mất cân bằng rõ ràng nhất là bức tranh tương phản giữa thặng dư thương mại khổng lồ của các nước như Trung Quốc, Đức và một số nước châu Á khác với thâm hụt ngân sách tương ứng của Mỹ, Anh và một số quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Việc tái khởi động biện pháp dự trữ tiền tệ của các nước có thặng dư thương mại đã khiến chi phí vay nợ của các nước thâm hụt ngân sách tăng cao và dẫn đến tình trạng tích tụ nợ và bong bóng tài sản. Chính hiện tượng bong bóng tài sản này là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay trên thị trường, và tình hình sẽ ngày càng trầm trọng khi các nước thâm hụt ngân sách không có khả năng giảm giá trị các khoản nợ do tỷ giá hối đoái và giá của tiền tệ là không đổi.
Mặc dù toàn cầu hóa đã làm giảm bớt sự bất bình đẳng giữa các quốc gia nhưng hiện tượng mất cân bằng lại tạo ra sự bất bình đẳng lớn trong xã hội của từng quốc gia riêng lẻ. Những đối tượng có trong tay tiền vốn hoặc khả năng vượt trội có thể đạt được thành công lớn và thu về lợi nhuận cao trong khi những đối tượng khác phải bán sức lao động của mình trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu. Họ phải gánh chịu mức sống ngày càng đi xuống hoặc bị loại bỏ do không cạnh tranh nổi với mức lương thị trường của người lao động làm việc tại nước ngoài hay là người nhập cư.
Trong thời kỳ khủng hoảng, chính phủ các nước đã đối phó với tình trạng bất bình đẳng này bằng cách đánh thuế thu nhập vào tầng lớp trung lưu để chi trả cho các hoạt động phúc lợi xã hội hướng đến tầng lớp người dân nghèo khổ đang tăng lên nhanh chóng và bị đẩy ra ngoài vòng quay của nền kinh tế toàn cầu. “Các tầng lớp trung lưu phải chấp nhận điều này bởi vì ngân hàng trung ương đã tạo ra nguồn vốn nhằm giúp tầng lớp trung lưu nghèo khó có được các khoản vay tiêu dùng, vực lại niềm hi vọng cho họ và tránh các cuộc bạo động của tầng lớp này”, Ông Albert Edwards thành viên của tổ chức tài chính Societe Generale nói.
Tuy nhiên, hiện tại, tầng lớp trung lưu đang trở nên khốn đốn bởi những khoản nợ và nỗi lo sợ mất việc làm. Họ không còn khả năng chi trả các hóa đơn phúc lợi xã hội. Kèm theo đó, sự suy giảm kinh tế càng ảnh hưởng tiêu cực tới tầng lớp thu nhập thấp. Ngay cả khi các cuộc bạo loạn ở Anh không có động cơ hay màu sắc chính trị, chúng ta vẫn dễ dàng phủ nhận yếu tố kinh tế – xã hội trong các cuộc bạo loạn này; một số người dân London hoàn toàn bị bất ngờ bởi các vụ việc xảy ra trong những ngày qua.
Chúng ta cần hiểu, nếu nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng này mang tính toàn cầu, thì cách giải quyết cũng phải mang tính toàn cầu. Việc đổi mới cơ chế tiền tệ là vô cùng cần thiết nhất là đối với Trung Quốc. Nước này nên cho phép thả nổi đồng Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ phục hồi. Các nước thặng dư thương mại cần áp dụng các biện pháp giảm tỷ lệ tiết kiệm cao như hiện nay và khuyến khích tiêu dùng, bao gồm cả việc hình thành hệ thống an sinh xã hội. Điều quan trọng nhất là các nền kinh tế mới nổi phải gỡ bỏ rào cản đầu tư để dòng vốn có thể chảy vào các hoạt động sinh lợi thay vì nằm yên trong các tài sản tài chính.
…nếu nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng này mang tính toàn cầu, thì cách giải quyết cũng phải mang tính toàn cầu. |
Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp nêu trên dường như vẫn chỉ là viễn cảnh xa vời. Đã một năm trôi qua kể từ khi G20 cam kết giải quyết vấn đề này, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế là cách thức đo lường sự mất cân bằng như thế nào còn chưa được thống nhất chứ chưa nói đến việc giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, các nước thặng dư thương mại cũng có những kiểm soát về mặt chính trị. Sẽ thật khôi hài nếu chúng ta nghĩ Trung Quốc, khi chứng kiến những xáo trộn tại London và 800 triệu người phải sống trong nghèo đói, vẫn sẵn lòng áp dụng chính sách tiền tệ có thể làm nên sự bất ổn tại chính đất nước họ. Và Đức, lẽ dĩ nhiên họ không muốn chất thêm gánh nặng cho các đối tượng phải đóng thuế cao nhằm giải cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu.
G20 buộc phải hành động – hành động nhanh và dứt khoát. Bạo động tại Anh và sự suy thoái của thị trường chứng khoán là lời cảnh báo rằng chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tượng mất cân bằng toàn cầu lâu hơn được nữa. Áp lực về kinh tế và xã hội đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có và phải thực hiện các biện pháp chính trị. Mặc dù chúng ta đang đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu nhưng những thành tựu quan trọng đạt được sau thời kỳ chiến tranh vẫn phải được duy trì. Tình hình thương mại dường như vẫn đang ổn thỏa. Nhưng điều nguy hiểm là ngày càng có nhiều những áp lực chính trị đòi hỏi gia tăng rào cản thương mại. Trong bối cảnh ấy, sự quay trở về đường lối chính trị dân tộc cực đoan những năm 1930 sẽ thực sự là một thảm họa.
Trần Thư dịch