Tôn vinh hay trấn lột

Những giải thưởng cổ vũ hư danh đã thành một thứ bệnh dịch lan nhanh làm khổ doanh nghiệp. Mới đầu, ta nghĩ, do bệnh thành tích, muốn kiếm danh hiệu giả và có cầu thì có cung. Nhưng khi chuyện tôn vinh trấn lột này thành dịch, thì mới hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp.

Sáng nay nghe mấy câu đối thoại trên máy bay. “Hà hà, đồng chí đã bị lộ nhé. Xin lỗi thống thiết trên web mà chẳng sửa đổi. Té ra không có thì giờ khắc phục vụ bể đường ống lần thứ 9 vì em còn bận… đi nhận công trình mới”. “Không, em là Cúp vàng chất lượng xây dựng nữa đó anh ơi. Nói chung, cái báo Tuổi Trẻ này tổng hợp đủ, em đã bị lộ đủ thứ nhé”.

Hỏi ra hai người nói chuyện đều là chủ doanh nghiệp. Anh lắc đầu, tiền tôn vinh chính là một thứ hụi chết nhũng nhiễu dã man. Rồi chúng tôi cười kha kha: thiệt “đắng lòng” tuần nào cũng lãnh đủ 4, 5 tờ trát buộc phải… tôn vinh.

Tuần qua, gặp chị đại diện công ty mì Miliket. Chị kể: “Tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố tôi vừa kêu: lãnh đạo phải giải cứu chứ chúng tôi cứ bị buộc đóng tiền tôn vinh hoài, từ chối thì mích lòng mà nhận đóng thì đội chi phí là chắc”.

Phải được đọc những thư email họ gửi doạ nạt, phủ dụ doanh nghiệp, thậm chí sỉ nhục xúc phạm doanh nghiệp “sao anh là tổng giám đốc mà keo kiệt thế, không biết tình hình cạnh tranh sắp tới ai mất ai còn biết không?” mới hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp. Đó là hành động vô văn hoá hay ỷ thế chống lưng mà ức hiếp doanh nghiệp?

Những giải thưởng cổ vũ hư danh đã thành một thứ bệnh dịch lan nhanh làm khổ doanh nghiệp. Mới đầu, ta nghĩ, do bệnh thành tích, muốn kiếm danh hiệu giả và có cầu thì có cung. Nhưng khi chuyện tôn vinh trấn lột này thành dịch, thì mới hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp. Nó đã thành “công nghệ mần ăn” của một số người chuyên kinh doanh danh hiệu. Xuất phát điểm là một công ty truyền thông hay tư vấn, tổ chức sự kiện, họ gợi ý cho các tổ chức có tên càng đáng nể càng tốt, rằng họ có nhiều danh hiệu đẹp và hấp dẫn ngất trời có thể cấp cho doanh nghiệp. Sức hút là danh hiệu, là những cuộc trao giải trực tiếp truyền hình và cả những cuộc giao lưu, tặng hoa của các nguyên thủ (?) mà họ “bán” tên từng vị với giá không hề nhân nhượng. Họ không bán danh hiệu trên danh nghĩa, nhưng giải thưởng, danh hiệu được trao chẳng có tiêu chí gì, chỉ có một tiêu chí là “khổ chủ” chịu đóng tiền, dưới hình thức tài trợ truyền thông.

Thưa ra, chỉ có một số ít doanh nghiệp chuộng hư danh thích mua danh hiệu còn đa số thì chỉ muốn yên thân. Mỗi năm có bao nhiêu cuộc tôn vinh dỏm, gây tốn kém của xã hội và doanh nghiệp bao nhiêu tiền? Điều đáng phẫn nộ không chỉ là thói trấn lột trắng trợn mà chính sự thiệt hại, không thiệt đơn mà thiệt kép của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Thay vì đầu tư tìm hiểu thị trường, người tiêu dùng, nâng cao năng lực đội ngũ thì để tiền ếm bùa danh hiệu, chỉ gặt được kết quả dỏm, chỉ thua thiệt trong cuộc cạnh tranh hội nhập sắp tới. Cuộc suy giảm kinh tế đòi cân nhắc từng đồng chi phí, vậy mà phải bỏ tiền mua sự yên thân. Cách đây vài năm, một phó chủ tịch TP.HCM đã thẳng thắn phê phán tệ nạn này tại một cuộc hội nghị ngành công thương, nhưng xem ra trên nhiều “mặt trận”, tệ nạn này vẫn hoành hành.

Cũng đã có những quy định về cấp danh hiệu, giải thưởng… nhưng những kẻ kinh doanh bất chính vẫn lách được. Nên tới nay, kẻ làm ăn lôi thôi vẫn núp sau những tấm bình phong danh hiệu (như kiểu Cúp vàng chất lượng xây dựng của CT Vinaconex, 9 lần làm bể ống nước sạch Sông Đà – Hà Nội, đang được giao công trình mới) và những kẻ làm ăn đàng hoàng thì vẫn phải lao đao để “né” trò ép uổng “tôn vinh trấn lột”. Trong nhiều nỗi khổ của doanh nghiệp hiện nay, không thể không kể nỗi khổ này.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)