Topica: mô hình tăng tốc tập trung vào đào tạo

Thay vì hỗ trợ dàn trải cho nhiều yếu tố của một công ty khởi nghiệp, Topica Founder Institute chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất: các nhà sáng lập.

Topica Founder Institute là một khóa huấn luyện khởi nghiệp toàn cầu, trong đó Việt Nam là một đối tác khu vực. Founder Institute cũng được coi như một khóa tăng tốc khởi nghiệp nhưng đầu ra của chương trình này là đầu vào của các khóa tăng tốc khởi nghiệp khác. Người tham gia khóa huấn luyện khởi nghiệp này là các cá nhân có tinh thần khởi nghiệp và họ sẽ chỉ được tốt nghiệp khi mỗi người “cho ra đời” một công ty.

Khóa huấn luyện khởi nghiệp này, thay vì hỗ trợ cả một công ty, chỉ tập trung “tôi luyện” người sáng lập (founder) bằng những bài tập và các yêu cầu khắt khe mà những người khởi nghiệp sẽ phải đối mặt khi bước ra thị trường. Người sáng lập ra Founder Institute, Adeo Ressi (nổi tiếng ở Silicon Valley với web TheFund.com – nơi các nhà khởi nghiệp đánh giá các quỹ đầu tư) tin rằng, nếu như 90% các công ty khởi nghiệp thất bại thì đó là do họ không nhận được sự đào tạo đúng đắn.

VnPlay là một trong năm công ty khởi nghiệp tốt nghiệp Founder Institute khóa I. Nguyễn Minh Quang, CEO của VnPlay khi đó đang là CEO của Vdec – một công ty phát triển nền tảng nội dung trực tuyến cho người sử dụng di động và internet kể lại: “Cứ thử tưởng tượng, Founder Institute giống như một cối xay, chỉ người đủ tốt mới có thể sống sót”. VnPlay không phải là ý tưởng kinh doanh đầu tiên Quang trình bày trước các huấn luyện viên (trong đó có Adeo Ressi) mà trước đó, anh đã có ba mô hình bị phản bác. Ý tưởng kinh doanh của những người tham gia khóa Founder Institute chỉ được cho phép hiện thực hóa khi sản phẩm và mô hình kinh doanh có tiềm nâng quy mô lên toàn cầu. Nếu không đưa ra kịp ý tưởng phù hợp trước khi kết thúc khóa học thì cá nhân đó không thể tốt nghiệp.

“Còn một khoảng cách rất xa giữa những gì người sáng lập ở Việt Nam đang đạt được với những tiêu chuẩn đòi hỏi để khởi nghiệp thành công trên thế giới. Đó là khoảng cách về thái độ, tư duy, tầm nhìn, khả năng chịu đựng…” – Nguyễn Minh Quang, CEO của VnPlay.

Tham gia dự án Vietnam Silicon Valley, mọi người thường xuyên tới văn phòng làm việc nhưng với Founder Institute, họ chỉ phải tới “trường” ba đến bốn buổi/tuần để nghe các huấn luyện viên chia sẻ. Founder Institute ở Việt Nam có một mạng lưới gồm hơn 60 huấn luyện viên, bao gồm những người đứng đầu các quỹ đầu tư mạo hiểm và những người sáng lập các công ty khởi nghiệp thành công (như Vật giá, VNG…). Trong vòng 15 tuần diễn ra khóa học, có 15 chủ đề (sessions), dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của các huấn luyện viên, ban tổ chức sẽ mời họ tới chia sẻ theo chủ đề cho trước. “Những nội dung đó khá phù hợp với những gì mình cần” – Minh Quang  nói. Còn với VSV, các huấn luyện viên sẽ trao đổi, giải đáp những thắc mắc trực tiếp của các doanh nghiệp đưa ra mà không phụ thuộc vào một chủ đề, nội dung cố định nên với những người mới khởi nghiệp lần đầu tiên, chưa có sản phẩm, họ có thể sẽ không định hình được vấn đề của mình để hỏi.

Tuy không phải tới “trường” hằng ngày nhưng thực hiện bài tập của Founder Institute rất căng thẳng. 15 chủ đề (sessions) mỗi khóa tương đương với 15 thử thách là những bài tập ứng với thực tế khởi nghiệp mà các học viên sẽ phải vượt qua khi bước ra thị trường:  phỏng vấn và quay phim 10 người sáng lập khác, thực hiện 500 khảo sát trong vòng một ngày… Chương trình sẽ loại trực tiếp hàng tuần các học viên không vượt qua thử thách. Những người tham gia Founder Institute đều có công việc toàn thời gian ở công ty, họ phải “tung hứng” giữa nó với những bài tập đầy áp lực ở Founder Institute. Đó là lí do, phần lớn những người tham gia đều “bỏ cuộc”. Khóa I của Founder Institute chỉ có năm người tốt nghiệp trên tổng số 25 người tham gia mặc dù “đầu vào” của Founder Institute không phải là những viên chức bình thường mà hầu hết đã từng khởi nghiệp, có công ty, có sản phẩm và có một vị trí nhất định trên thị trường.

“Thực tế mà tôi thấy, phần lớn những người tham gia hầu hết đều đã có một công ty, có sản phẩm và thậm chí có cả doanh thu nữa. Nhưng tại sao họ lại chịu ‘nhào nặn’ bởi Founder Institute? Đó là bởi còn một khoảng cách rất xa giữa những gì người sáng lập ở Việt Nam đang đạt được với những tiêu chuẩn đòi hỏi để khởi nghiệp thành công trên thế giới. Đó là khoảng cách về thái độ, tư duy, tầm nhìn, khả năng chịu đựng…” – Nguyễn Minh Quang đánh giá. Bây giờ, anh là một trong số những huấn luyện viên của chương trình này.

“Có nhiều người kêu ca rằng, tại sao tôi lại bị “đuổi học” khi đến muộn mười phút, khi chưa trả lời email trong vòng nửa tiếng… Điều đó là không được phép bởi trong khởi nghiệp, có những cơ hội chỉ đến trong vòng 30 phút và họ không có dịp làm lại. Đừng nghĩ rằng, ý tưởng kinh doanh của mình là số một và cho phép mình quên đi những kĩ năng khác” – anh Quang lý giải.

Topica Founder Institute là chương trình khởi nghiệp toàn cầu được thành lập tại Silicon Valley và hiện nay có mặt trên 40 quốc gia. Adeo Ressi, người sáng lập chương trình này trong bài phỏng vấn trên  New York Times cho biết, nội dung chương trình không hề được “địa phương hóa”. Chất lượng đầu ra của Topica Founder Institute dù ở Việt Nam, Nam Phi hay Columbia không có gì khác biệt với ở Silicon Valley. Bên cạnh đó, chương trình đã đảo ngược tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp công nghệ từ 90% thành 10% và hiện nay, những người tốt nghiệp Topica Founder Institutes đã tạo ra 10.000 công việc trên toàn thế giới. 

Ở Việt Nam, hằng năm, Topica Founder Institute tổ chức một khóa học kéo dài bốn tháng ở Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình này đã diễn ra ba khóa học với tỉ lệ số học viên tốt nghiệp chưa đến 30%. Các học viên tốt nghiệp sẽ thuyết trình về công ty khởi nghiệp của mình trước 30-40 nhà đầu tư đến từ trong và ngoài nước trong ngày tốt nghiệp được gọi là Founder Showcase. Topica Founder Institute ở Việt Nam là bệ phóng duy nhất có học viên kêu gọi được vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD. Đó là Appota (Nền tảng phân phối game và các ứng dụng di động) và Yton (mạng xã hội về Y tế, hỗ trợ đặt lịch khám với bác sĩ). Khóa gần đây nhất, có 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đã kêu gọi với tổng số vốn hàng trăm nghìn USD trước khi tốt nghiệp, bao gồm: Antoree (kết nối gia sư với học sinh trong khu vực Đông Nam Á), Morbling (phát triển các game 3D trên nền tảng dành riêng cho di động), Uplevo (cổng cung cấp các mẫu thiết kế để khách hàng tự tạo tờ rơi), Vlance.vn (sàn giao dịch giữa những người làm việc tự do – freelancer).

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)