TPP – một cách để lách qua bế tắc tại Doha?
Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, chỉ vài tháng nữa thôi, thế giới sẽ có một khu vực mậu dịch khổng lồ mới có tầm ảnh hướng rộng lớn, từ cách đấu thầu dự án công ở Australia cho đến quy định về loại chỉ mà thợ may Việt Nam sẽ dùng.
Nhưng cụ thể ra thì Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là gì? Với một số người, đó là “tiêu chuẩn vàng” cho các hiệp định thương mại. Họ lập luận rằng câu lạc bộ thương mại tự do thuần túy gồm 12 nước thành viên do Hoa Kỳ dẫn đầu có thể thúc đẩy khởi động lại hoạt động đàm phán đa phương vốn đã bị bế tắc kể từ vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Những lo ngại từ bên ngoài
Có những ý kiến phản đối quy kết TPP là “một sự giành giật quyền lực của các tập đoàn khổng lồ” gây đe dọa an ninh lương thực, khả năng tiếp cận thuốc men và cả chủ quyền các quốc gia. Một số ý kiến khác coi dự án này không có ý nghĩa thương mại, hoặc cùng lắm là một động thái của Hoa Kỳ trong việc can thiệp trở lại vào châu Á, được ngụy trang bằng lớp áo thương mại tự do. Ở Trung Quốc, truyền thông nhà nước nghi ngờ rằng hiệp ước này có nhiều mục tiêu mập mờ hơn là thiết lập liên minh mậu dịch và cáo buộc Hoa Kỳ tập hợp các nước Thái Bình Dương chống lại lợi ích của Bắc Kinh.
TPP có sự khởi đầu khá khiêm tốn. Vốn là một hiệp ước thương mại do Brunei, New Zealand và Singapore đề xuất, TPP bắt đầu được nâng tầm vào năm 2008 với sự quan tâm từ Hoa Kỳ. Kể từ đó đến nay, TPP đã mở rộng và có 12 thành viên, thêm Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Peru và Vietnam. Đáng chú ý nhất là năm nay, Nhật Bản – vốn được coi là nước rất chậm chạp trong tiến trình tự do thương mại – gây bất ngờ khi cũng tham gia đàm phán. Đây là một sự tăng cường khá quan trọng cho hiệp định, nâng tổng giá trị sản phẩm quốc nội của các quốc gia tham gia đàm phán lên thành hai phần năm tổng mức sản xuất của thế giới và một phần ba kim ngạch mậu dịch toàn cầu.
Ngày 12/09 vừa rồi, khi các nhà đàm phán cấp cao họp ở Washington về TPP, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng nước này “rất nỗ lực để hiệp ước thành hiện thực.” Ông nói thêm rằng hiệp ước sẽ giúp mở cửa các thị trường “kém thân thiện nhất, nhiều trở ngại nhất về luật pháp và thường đóng cửa nhất” đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Washington đã chính thức tuyên bố rằng TPP có thể được ký kết trong năm nay. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán sẽ kéo dài sang năm sau. “Nước nào cũng có một hoặc nhiều vấn đề phải giải quyết,” đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman thừa nhận. Chưa một “chương” nào trong số 29 “chương” của hiệp định cực kỳ phức tạp này được hoàn thành, và những vấn đề gai góc nhất lại được để dành đến cuối.
Mục tiêu được công bố của TPP là phát triển thương mại bằng cách giải quyết các vấn đề như chi tiêu công, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Nó cũng hướng tới nâng cấp các hiệp định thương mại qua việc đối phó với các yếu tố phát triển thời hậu WTO, bao gồm thương mại điện tử và điện toán đám mây, cũng như giải quyết các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Những người ủng hộ TPP cho rằng nó sẽ giúp dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan và củng cố các chuẩn mực quốc tế, đồng thời buộc các quốc gia như Nhật Bản và Việt Nam từ bỏ áp dụng những chính sách thiên vị lợi ích riêng trong nước. Những người chỉ trích thì cho rằng hiệp ước sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia để làm lợi cho các tập đoàn lớn. Nhóm chống đối cũng phàn nàn rằng các cuộc đàm phán diễn ra một cách bí mật thiếu tính công khai dân chủ.
Một số nhà hoạt động cho các tổ chức cộng đồng phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ dành cho TPP cái nhìn ngờ vực. Mitch Jones, giám đốc chương trình tài nguyên cộng đồng của Food & Water Watch, một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, lập luận rằng TPP cũng giống như các hiệp định thương mại tự do khác, sẽ chẳng giúp nâng mức lương trung bình của Hoa Kỳ, vốn chẳng tăng mấy trong suốt 40 năm qua. Chưa kể nó còn buộc Hoa Kỳ phải nhập khẩu nhiều mặt hàng chưa chắc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của nước này, bao gồm cả thủy sản Việt Nam.
Phe ủng hộ TPP thì lo ngại rằng các nguyên tắc cơ bản của nó sẽ bị loại bỏ dần trong quá trình đàm phán giờ đã bước sang vòng thứ 19, nhất là khi giữa các quốc gia có sự khác biệt lớn về thể chế chính trị. “Đối tượng thành viên hẹp [so với WTO] không loại bỏ được sự đa dạng và trên hết là trong những cuộc đàm phán cấp cao như thế này, bạn sẽ chỉ làm mọi chuyện rắc rối hơn,” Jayant Menon, chuyên gia về hội nhập kinh tế ở Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói. “Thật khó để lạc quan về hiệu quả của cuộc đàm phán này.”
Những vấn đề nội tại cần tháo gỡ
Đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Froman nhấn mạnh rằng TPP cần phải vượt lên trên các hiệp định bình thường khác. “Chúng ta hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn cao và các nguyên tắc bền vững. Và nếu không đạt được các mục tiêu ấy thì tốt nhất là không ký kết,” ông nói.
Đây chính là vấn đề căn bản. Có rất nhiều xung đột lợi ích đến mức khó mà biết được làm sao để có đồng thuận về “các tiêu chuẩn cao” mà ông Froman nói đến. Sau đây là danh sách những vấn đề nhiều khả năng còn gây tranh cãi:
TPP theo đuổi việc bảo vệ sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn so với nhiều người mong muốn. Các quốc gia nghèo sợ rằng các quy định mới sẽ làm họ khó mua được thuốc phổ thông giá rẻ, và có thể khiến người dân các nước này không tiếp cận được các loại thuốc quan trọng. Rộng hơn, quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ được cho là sẽ lấy của nước nghèo chia cho nước giàu vì nước nghèo thường hấp thụ tiến bộ công nghệ qua sao chép. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách quá hà khắc, theo những người phản đối, là một thắng lợi của chủ nghĩa bảo hộ chứ không phải của thương mại tự do.
Đối với Washington, TPP giúp họ đạt được một số mục tiêu quan trọng. Một trong số đó là nâng cấp các quy định của WTO, vốn không thay đổi kể từ năm 1994. Một mục tiêu khác nằm trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ, đó là tránh bị gạt ra khỏi một khu vực quan trọng nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, đồng thời cũng là nơi đang có sự tăng cường các hiệp ước thương mại gây cạnh tranh với quyền lợi của Mỹ. Mục tiêu thứ ba là tìm ra một cách khác lách qua bế tắc của vòng đàm phán Doha, bằng cách bỏ qua một bên những quốc gia mà cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Zoellick gọi là “các nước bất hợp tác”, và đẩy mạnh thương mại tự do cùng “các nước có thể hợp tác”. Nếu cùng với TPP, Hoa Kỳ cũng đạt được hiệp ước tự do thương mại mà họ đang theo đuổi với châu Âu, thì nước này sẽ ký được các thỏa thuận tự do thương mại với một nhóm quốc gia đóng góp tới hai phần ba GDP của thế giới. Nói cách khác, TPP có thể nằm trong một chiến thuật lớn nhằm sử dụng những phương cách khác để đạt được những mục tiêu tương tự với vòng đàm phán Doha, tuy chỉ hơi kém tham vọng hơn một chút. |
Hiệp định chú trọng việc giám sát vai trò của các doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp này không tiếp tục được nhận những biệt đãi thiếu công bằng trong các hoạt động đăng ký kinh doanh, đấu thầu, và vay vốn nhà nước. Đây được coi là một đòn tấn công vào chủ nghĩa tư bản nhà nước ở các quốc gia như Trung Quốc. Tuy nhiên, thật khó mà biết các quy định này sẽ có ý nghĩa thế nào khi được áp dụng ở Việt Nam, nơi một số doanh nghiệp Nhà nước được biệt đãi với các dự án lớn, và trở thành mỏ tiền phục vụ lợi ích cá nhân một số quan chức [như một số vụ án tham nhũng lớn đã bị phanh phui]. Cả Nhật Bản, nơi mà Bưu điện thuộc quyền kiểm soát của chính phủ, và Hoa Kỳ, nơi có Fannie Mae và Freddie Mac, cũng chưa đáp ứng được một số quy định nghiêm ngặt của TPP. Temasek, một quỹ đầu tư Nhà nước của Singapore, được cho là có quan ngại rằng các điều luật mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của một số công ty mà họ đầu tư vào. Chính sách bumiputra của Malaysia, vốn ưu tiên tuyển người Malaysia vào làm các dự án thầu của Nhà nước, cũng có thể sẽ không phù hợp với TPP.
TPP kêu gọi giải quyết những tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính quyền bằng cách, về lý thuyết, cho phép các công ty kiện chính phủ nếu họ thấy mình bị đối xử bất công. Australia phản bác rằng điều này sẽ làm suy yếu chủ quyền các nước để làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia. Các nhà hoạt động chống lại việc khai thác năng lượng hóa thạch nói rằng một cơ chế như vậy có thể giúp các công ty dầu khí kiện chính quyền địa phương vì áp đặt điều kiện bảo vệ môi trường quá khắt khe. Canada thì quan ngại rằng các công ty thuốc lá có thể lợi dụng các quy định này để lôi chính phủ ra tòa vì đã ban hành luật cấm thuốc lá. Ở Malaysia, thủ lĩnh đối lập Anwar Ibrahim, mô tả TPP là một nỗ lực của Hoa Kỳ “nhằm áp đặt mô hình kinh tế Mỹ” lên các quốc gia không mong muốn [theo mô hình ấy].
Cũng như trong mọi cuộc đàm phán về thương mại, mỗi quốc gia đều theo đuổi những ngoại lệ dành cho các ngành công nghiệp nhạy cảm. Nhật Bản được chấp nhận cho tham gia đàm phán với điều kiện họ phải bỏ cơ chế bảo hộ nông nghiệp đã tồn tại quá lâu của mình. Thế nhưng khi các nhà thương thuyết Nhật Bản xuất hiện và phát biểu ở Brunei hồi tháng Bảy, họ vẫn yêu cầu giữ ngoại lệ cho năm sản phẩm nông nghiệp “thiêng liêng”, gồm gạo, lúa mì, thịt bò, sản phẩm từ sữa và đường. Nhật Bản không phải nước duy nhất, Canada (và cả Hoa Kỳ) cũng muốn bảo hộ ngành sữa của mình khi họ đối mặt với nguy cơ cạnh tranh mạnh mẽ từ New Zealand. Việt Nam thì muốn có ưu đãi ngoại lệ cho ngành may của mình, đó là được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong khi vẫn tiếp tục dùng nguyên liệu nhập từ các nước ngoài TPP, mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Ở Mỹ, ngành sản xuất đường cũng gây ảnh hưởng mạnh khá mạnh. “Có rất nhiều lĩnh vực mà nước Mỹ muốn mọi người phải thay đổi, nhưng bản thân nước Mỹ lại chẳng muốn mình phải thay đổi gì nhiều,” Jeff Schott từ Viện Peterson nói.
Thật khó mà hình dung được là cả 12 nước sẽ đồng thuận về một nghị trình phức tạp, đến mức một số nhà bình luận đã phải tìm cách lý giải khác về TPP. Một số gọi đó là một câu lạc bộ địa chính trị với vỏ bọc thương mại tự do và nhấn mạnh việc Trung Quốc không tham gia. Đến tận gần đây, nhiều bài xã luận trên các báo chính thống Trung Quốc vẫn thường xuyên chỉ trích TPP và mô tả nó như là một âm mưu nhằm ngăn không cho nước này trỗi dậy. Tuy nhiên, sang vài tháng trở lại đây, thái độ của Bắc Kinh lại mềm hẳn. Thậm chí có nhận định cho rằng Trung Quốc cũng đang tìm cách tham gia.
Dù vậy, việc Trung Quốc vắng mặt vẫn rất đáng chú ý. Vali Nasr, hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, nói rằng Hoa Kỳ, thông qua đối thoại thương mại tự do song phương với châu Âu, “đang cố gắng chia cắt quốc gia mà Washington coi như đối thủ chính của mình trước hai khu vực đóng góp phần lớn nhất vào tổn sản phẩm quốc nội của thế giới.” Những người ủng hộ TPP thì mô tả cái gọi là âm mưu loại trừ Trung Quốc là phi lô-gíc. Họ lập luận rằng chẳng có nước nào lại muốn hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Nhưng ít nhất thì cũng nên nhìn TPP như là một phần của một nỗ lực lớn hơn. Mireya Solís từ Viện Brookings gọi TPP là một cách “tiếp cận trọng điểm” mà qua đó, một nhóm các công ty thương mại tiên phong tìm kiếm một cộng đồng quan trọng và sau đó buộc các quốc gia khác phải tham gia. Từ khi đàm phán TPP bắt đầu khởi sắc, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm.
Tuy nhiên, kết quả đạt được có thể sẽ vẫn bị hạn chế. Roberto Azevêdo, giám đốc WTO, đánh giá các hiệp định thương mại ưu đãi giữa một nhóm nhỏ các quốc gia sẽ không thể so sánh với hiệp định đa phương toàn diện mà Doha từng theo đuổi. “Không có hiệp định nào trong số này có thể xử lý được các vấn đề cơ bản liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ mà chúng ta đang gặp phải,” ông nói. “Nhiều thách thức lớn hơn ở quy mô toàn cầu sẽ không được giải quyết.”
WTO vật lộn để duy trì vai trò của mình
Trong khi Hoa Kỳ và 11 đối tác đàm phán đang cố gắng chốt lại TPP và đàm phán thương mại Âu-Mỹ đang tiến triển thì WTO đang phải nỗ lực để duy trì vai trò của mình.
“Trên thế giới người ta đang cho rằng chúng ta đã quên mất cách đàm phán. Cho rằng chúng ta kém hiệu quả. Cho rằng chúng ta đã tê liệt,” ông Azevêdo thẳng thừng nói trước đại diện 159 thành viên WTO khi mở đầu bài phát biểu ra mắt hồi tháng 9.
“Chúng ta cần gửi đến thế giới một thông điệp rõ ràng và minh bạch rằng WTO có thể tạo ra các hiệp định thương mại đa phương.”
Mục tiêu đầu tiên của ông tân tổng thư ký là định đoạt hiệp định ba điểm “Doha Lite” ở hội nghị cấp Bộ trưởng tổ chức hai năm một lần tại Bali. Ba vấn đề được tách riêng để đàm phán hồi năm 2011 – bao gồm: giảm thủ tục hành chính ở các cửa khẩu, an ninh nông nghiệp và lương thực, và phát triển – đã được tách khỏi vòng đàm phán Doha năm đó vì trên lý thuyết, dường như đó là ba vấn đề phù hợp nhất để có thể đạt đến thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán mà ông Azevêdo tìm cách khôi phục lại, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng ông đã bắt đầu thảo luận một cách thận trọng về những việc kế tiếp sau [hội nghị ở] Bali.
“Chưa có ai từng nói sẽ phải làm gì với vòng đàm phán Doha. Và tôi nghĩ đây là trọng tâm chúng ta cần phải tập trung vào,” ông nói.
Điều đó có nghĩa là bàn bạc xem có vấn đề gì mới phải đưa vào nghị trình thời kỳ vòng đàm phán Doha, thời mà Google và Facebook còn chưa chiếm được quyền lực tối cao, và cân nhắc kỹ về những nội dung khác trong nghị trình sẵn có.
Ông Azevêdo thừa nhận là ở Washington và nhiều thủ đô khác trong những ngày này, các nhà đàm phán thương mại đang phải tập trung vào việc ký kết các hiệp định khu vực hoặc đa phương bên ngoài khuôn khổ WTO hơn là bên trong WTO.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng điều đó có thể thay đổi.
“Khi chúng ta bắt đầu làm mọi thứ… tôi nghĩ họ sẽ lại bắt đầu nhìn vào WTO,” ông nói.
Hoàng Minh lược dịch
Theo bài viết Trans-Pacific Partnership: Ocean’s Twelve của David Pilling and Shawn Donnan:
http://www.ft.com/intl/cms/s/0/8c253c5c-2056-11e3-b8c6-00144feab7de.html?siteedition=intl&siteedition= intl#axzz2ffslnY7W