TPP – những chuẩn mực mới của thế kỷ 21

Vượt xa nội dung những hiệp định thương mại thường thấy, hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra viễn cảnh xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn với những chuẩn mực mới của thế kỷ 21.

TS Phạm Duy Nghĩa – giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, trưởng khoa luật đại học Kinh tế TP.HCM, chủ biên cuốn TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam vừa ấn hành trả lời phỏng vấn về những thách thức đang đặt ra trước cơ hội này.

Ông có hy vọng TPP sẽ là lực đẩy buộc Việt Nam giải quyết những điểm yếu của điều hành kinh tế vĩ mô?

Không thể khẳng định tham gia TPP là chúng ta có ngay liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém trong điều hành vĩ mô. TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài. Sau sáu năm gia nhập WTO, mặc dù đã có những đổi thay về thể chế đáng kể, nhưng chất lượng thể chế vẫn là một rào cản cho phát triển: tính minh bạch kém, ưu ái đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước một cách bất bình đẳng, đầu tư công kém hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền chưa cao. Quyền sở hữu còn dang dở, bởi sự bảo hộ khách quan và hiệu quả của Nhà nước đối với các sở hữu và khế ước dường như thiếu vắng…

Bỏ nhiều công sức nghiên cứu về các nút thắt trong thể chế đã cản trở phát triển kinh tế, ông nhận diện thế nào về những yếu kém trong quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp nhà nước?

Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước ở Việt Nam được cho là thấp, chất lượng chính sách và năng lực điều hành kém cải thiện, mức độ thực thi pháp luật tuân thủ chế độ pháp quyền chưa ổn định, thậm chí được đánh giá thấp trong khu vực, tính công khai minh bạch của chính sách kém được cải thiện…

Ngược lại, nếu so sánh với người láng giềng khổng lồ phương Bắc, hơn một thập kỷ tham gia WTO, nền kinh tế Trung Hoa đổi thay đáng kinh ngạc, mở ra một kỷ nguyên “thuê ngoài thể chế” để hiện đại hoá quốc gia. Đòn bẩy chiến lược WTO đã thúc ép cải cách thể chế hiệu quả. Người Trung Hoa từ năm 2006 đã áp dụng các tiêu chí quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện đại của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từ đó cải cách 170 tập đoàn quốc hữu của họ khá thành công, rất nhiều tập đoàn trở thành những “tay chơi toàn cầu”. Ngược lại, Việt Nam đã không sử dụng được WTO để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước cũng như quản trị quốc gia. Quan sát các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, hầu hết đều gặp trục trặc, không thể linh hoạt, năng động, sáng tạo như doanh nghiệp tư nhân. Dùng tài sản quốc gia để đầu tư kinh doanh mà không kiểm soát được là một rủi ro rất lớn cho nền kinh tế, cho toàn dân, cướp đi cơ hội và để lại gánh nợ cho các thế hệ con cháu. Với Vinashin và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác ở Việt Nam, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ, ưu ái, nguồn vốn được rót vào như một đặc ân, trên thực tế đã giúp các tập đoàn này né tránh sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước cũng chưa minh bạch. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, người ta thường thấy Chính phủ can thiệp bằng biện pháp hành chính để cứu sự đổ vỡ của các tập đoàn này, với chi phí trải rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và cho thế hệ mai sau.

Để có một doanh nghiệp nhà nước mạnh, phải tôn trọng sức ép cạnh tranh, tôn trọng tính hiệu quả, quy trình quản lý minh bạch. Hiện nay, khối tài sản quốc gia vào các doanh nghiệp nhà nước thực tế là rất lớn. Con số 1.300 doanh nghiệp nhà nước được công bố mới chỉ bao gồm những doanh nghiệp 100% vốn của Chính phủ, các bộ. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác có một phần vốn của Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các đoàn thể, tổ chức xã hội có vốn từ ngân sách. Con số này lớn hơn nhiều, có thể vượt qua hàng chục ngàn doanh nghiệp được đầu tư từ ngân sách quốc gia. Phần lớn hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp nhà nước rất thấp, lượng công việc tạo ra cũng rất thấp so với số lượng công việc tạo ra từ khối dân doanh.

Việt Nam đang đứng trước sức ép cần công khai và kiểm soát chặt chẽ hơn khối lượng tài sản rất lớn đầu tư vào khu vực doanh nghiệp có liên quan đến ngân sách quốc gia, một khái niệm rộng hơn doanh nghiệp nhà nước. Do lẫn một số chức năng, phải gánh trách nhiệm thực thi một phần chính sách Nhà nước giao nên đôi khi doanh nghiệp nhà nước kinh doanh với hiệu quả không cao. Vì thế, phải minh bạch giữa kinh doanh và những gì thuộc về chính sách, những nguồn lực, khối tài sản được sử dụng thế nào? Vấn đề thứ hai, phải minh định ai là ông chủ của doanh nghiệp nhà nước: uỷ ban, Chính phủ, hay bộ? Nhưng bộ làm sao quản lý? Thực tế phải uỷ quyền cho một số cán bộ, công chức đại diện… Quyền sở hữu chồng chéo, được thực thi phân tán lại thiếu kiểm soát đã làm cho khối tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước bị hao hụt trầm trọng. TPP không phải bài thuốc, mà chỉ tạo thêm sức ép. Hơn lúc nào hết, cần minh định rõ ai thực hiện các quyền sở hữu cụ thể nào trong doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán, đánh giá đo lường với mục tiêu đề ra, kiểm soát gắt gao doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn, tựa như các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán phải có trách nhiệm minh bạch quản trị với các cổ đông.

TPP được ký kết sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam?

Nội dung TPP chưa được đàm phán xong, các cam kết chưa được công bố, song thông tin về nội dung đàm phán thu lượm từ nhiều nguồn khác nhau tiết lộ những sức ép rất lớn đang đặt ra cho Việt Nam: xoá bỏ hầu hết thuế quan, mở cửa thị trường, thắt chặt những chuẩn mực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, các tiêu chuẩn kỹ thuật, và cam kết xây dựng chính quyền minh bạch… hướng tới xoá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hoá, dịch vụ và tư bản được lưu thông trong nội khối ngày một dễ dàng, nhà đầu tư an tâm hơn trong một môi trường thể chế ổn định… Trong đó, yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ được nâng cao, với những chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do. Rồi còn những thể lệ để kiểm soát đầu tư công, đòi hỏi công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm của chính quyền; quyền tự do lao động, bảo vệ giới thợ… Các thể chế đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mang tính phổ cập toàn cầu chính là lợi điểm tạo sức ép cải cách thể chế từ bên ngoài giúp phá vỡ sức ỳ chống trả dai dẳng từ những thói quen cũ.

Gia nhập cuộc chơi TPP sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh?

Những cam kết từ TPP hy vọng sẽ kích thích sự tìm hiểu của doanh nghiệp và công chức Việt Nam. Khác với đàm phán gia nhập WTO, quá trình đàm phán TPP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có tiếng nói. Nỗ lực để kịp thời ra mắt cuốn sách TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam, chúng tôi mong muốn thông điệp “gia nhập cuộc chơi TPP, hằng hà sa số doanh nghiệp tư nhân năng động mới là chìa khoá cho phát triển” sẽ lan toả tới toàn xã hội. Nếu cứ để doanh nghiệp nhà nước né tránh sức ép cạnh tranh, được ưu ái nhiều độc quyền kinh doanh, cơ hội tiệm cận đất đai và tín dụng từ nguồn lực của Nhà nước, sẽ xuất hiện những nhóm thế lực kiểm soát tài nguyên kinh tế của quốc gia. Quốc gia nào cũng có doanh nghiệp nhà nước, nhưng thường chỉ kinh doanh những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc không có động cơ để đầu tư. Hy vọng với TPP, các thể chế sẽ được cải cách để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài.

TPP buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, hiểu những luật chơi khi thị trường mở rộng đáng kể, nhất là thị trường Hoa Kỳ, khi thuế suất được cam kết giảm, sẽ tạo cơ hội cho những ngành như da giày, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, linh kiện lắp ráp. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa cho các nước nội khối TPP, những ngành từng được bảo hộ cao ở Việt Nam như lắp ráp ôtô chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi, sản phẩm nông nghiệp của họ tiên tiến hơn, chất lượng tốt hơn, khi thuế quan giảm sản phẩm nội địa của nước ta sẽ bị thách thức.

TPP hy vọng cũng sẽ dẫn đến tái phân bổ về đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài. Những sản phẩm dệt may Việt Nam vừa có cơ hội, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức nếu không chứng minh được quy tắc, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hoá. Kéo theo luồng đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, chuyển dịch đầu tư hy vọng Việt Nam có thêm giá trị gia tăng, sử dụng đầu tư nước ngoài như những cú hích. Ngành lắp ráp xe máy hình như đã là một ví dụ thành công khi tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cao. Nếu Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài có trọng điểm trong khi doanh nghiệp tư nhân, các ngành công nghệ phụ trợ phát triển, FDI sẽ có hiệu ứng lan toả. Còn nếu FDI chỉ để sử dụng nguồn lao động rẻ thì… coi như là mở cửa dâng hiến thị trường, chúng ta góp lao động của các thế hệ công nhân trẻ tuổi và tài nguyên cũng như môi trường sống của quốc gia để làm giàu cho tư bản nước ngoài.

TPP có là cơ hội để mỗi người lao động hiểu và giành lấy quyền chính đáng của mình?

Khi đặt bút ký TPP, Việt Nam cần xem xét thực tiễn pháp luật có điểm nào lệch so với những cam kết từ TPP hay không? Nếu không nghiêm túc làm như vậy, tôi e rằng thực tiễn pháp lý nước ta có thể là nguyên cớ dẫn tới những vụ khiếu kiện tiềm ẩn sau này. TPP như chúng tôi tìm hiểu không có nội dung đáng kể nào cam kết về nhân quyền hay tự do dân chủ, song có nhiều cam kết về tiêu chuẩn và việc bảo vệ quyền lợi giới thợ, ví dụ quyền thành lập hội đoàn. Hiến pháp Việt Nam đều ghi quyền tự do lập hội. Tuy nhiên, những cuộc đình công của công nhân Việt Nam vừa qua đều xuất phát từ những vấn đề rất căn bản như bị quỵt tiền lương, lao động phải làm việc quá sức, bị giới chủ hành hung… Quyền của giới thợ bắt đầu từ quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của mình. Nếu bị khinh bỉ, ngược đãi, đánh đập, công nhân phải có quyền chống lại các hành vi đó để bảo vệ nhân phẩm của mình. Nếu bị kiện vì pháp luật quốc nội không bảo vệ quyền của giới thợ, sau khi được tài phán bởi một thiết chế tựa như trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các quốc gia nội khối TPP, các quốc gia khác sẽ giành quyền rút lại những ưu đãi thuế quan trước đó. Đừng vội mơ dễ dãi hưởng thuế suất 0% như một bữa tiệc mà không phải trả tiền, qua một đêm thuế suất có thể vọt trở lại 30% như cũ bởi vô số các biện pháp bảo hộ mậu dịch tiềm ẩn được che đậy khéo léo dưới các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động hay môi trường.

Vấn đề thứ hai là các tổ chức công đoàn của Việt Nam chưa đủ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích công nhân. Miếng cơm manh áo của cán bộ công đoàn có khi còn lệ thuộc vào giới chủ, nên rất khó khăn khi chống lại sức ép của giới chủ.

Thực hiện: Kim Yến

TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là một hiệp định – thoả thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thoả thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào tháng 6.2005.

Việt Nam tuyên bố tham gia TPP từ ngày 13.11.2010. Hiện 12 nước thành viên TPP (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam) đang tiếp tục bàn thảo nhằm đạt sự thống nhất rộng rãi vào tháng 10 và sẽ ký hiệp định vào cuối năm nay.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)