Trải nghiệm đa quốc gia và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam

Những nhà khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, họ là ai và khác thế nào với những nhà khởi nghiệp truyền thống**? Đây là câu hỏi mà nhóm nghiên cứu chúng tôi từ Viện ISB – Đại học Kinh tế HCM và Đại học King’s College London (Anh Quốc) đã và đang cố gắng trả lời. Dựa trên phân tích sơ khởi 143 doanh nhân, chúng tôi nhận thấy nhóm công nghệ có nhiều khả năng đã trải nghiệm đa quốc gia hơn hẳn, và phần đông trong số họ có xuất phát điểm sự nghiệp tại Mỹ.

Phạm Kim Hùng (phải), CEO của công ty Base vừa có thương vụ sáp nhập với FPT đình đám từng học ở Đại học Stanford, Mỹ. Ảnh: Chungta.vn

Hồi phục chất xám?

Nếu như chảy máu chất xám (sang phương Tây) là một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam vào những năm 2000, thì có vẻ như trong giai đoạn 2010, chúng ta bắt đầu thấy đây đó hành trình trở về lập nghiệp, bao gồm tự khởi nghiệp, của du học sinh và chuyên gia người Việt [1, 2, 3]. Hiện tượng này thường được gọi là brain gain, ở đây chúng tôi tạm dịch là hồi phục chất xám. Hồi phục chất xám không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn ở các nước châu Á khác, đơn cử như Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc [4], và thậm chí ở cả một số nước phương Tây như Canada [5]. Đã có nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa hồi phục chất xám ở những nước này và sự phát triển của họ trong các lĩnh vực công nghệ cao, như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) [6], và qua đó là phát triển cả nền kinh tế [7]. Năng lực công nghệ của du học sinh và chuyên gia hồi hương chính là kết quả của quá trình tích lũy một lượng vốn con người (kiến thức, kĩ năng, thái độ) và vốn xã hội (mối quan hệ), mà đặc trưng trong đó là sự giao thoa giữa quê hương và những đất nước phát triển họ đã đến. Ví dụ, những nhà khởi nghiệp công nghệ tại Ấn Độ, Đài Loan và Trung Quốc sang Mỹ học và làm việc, rồi từ đó hiểu được các công nghệ, mô hình kinh doanh mới (như thương mại điện tử), cách gọi vốn đầu tư mạo hiểm, và họ xây dựng được thái độ, cách tư duy luôn đặt tốc độ tăng trưởng lên trên hết. Khi trở về, họ áp dụng tất cả vốn tích lũy này, cộng với mối quan hệ sẵn có, để tạo ra các giải pháp sáng tạo cho nhu cầu của quê hương [4, 8].

Tuy nhiên, ta cũng cần lưu ý rằng nguồn lực hồi phục chất xám chỉ là điều kiện đủ để phát triển nền kinh tế công nghệ cao. Để nguồn lực này có thể đóng góp, các quốc gia phải có sẵn những điều kiện cần, bao gồm môi trường kinh tế và hạ tầng phù hợp, các chính sách thu hút nhân tài, và thậm chí cần có các doanh nghiệp công nghệ của chính doanh nhân trong nước đi tiên phong [4]. Theo quan sát của chúng tôi, Việt Nam đang phát triển những điều kiện cần này; ví dụ, Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014 mở rộng điều kiện kinh doanh khi cho phép công dân tự do kinh doanh những gì luật không cấm thay vì chỉ kinh doanh những gì được cho phép, ngoài ra ta có Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, và trong nước đã tồn tại các doanh nghiệp ICT lâu đời như CMC và FPT. Vì những điều kiện trên, chưa kể yếu tố ngoại cảnh là môi trường kinh tế ảm đạm tại phương Tây sau khủng hoảng 2008, nên việc du học sinh và chuyên gia hồi hương trong giai đoạn 2010 để tìm cơ hội cũng là điều hợp lý.

Nhận thấy tầm quan trọng của hồi phục chất xám và sự xuất hiện của nó tại Việt Nam, chúng tôi quyết định nghiên cứu về hiện tượng này, và vấn đề đầu tiên chúng tôi quan tâm chính là những nhà khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong giai đoạn 2010 là ai, đặc điểm vốn con người và vốn xã hội của họ thế nào, bao nhiêu trong số họ thuộc làn sóng hồi phục chất xám và bao nhiêu chưa từng du học hay làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà khởi nghiệp công nghệ khác thế nào so với những nhà khởi nghiệp truyền thống.

Bài viết này trình bày ngắn gọn kết quả nghiên cứu sơ khởi của chúng tôi+, bao gồm tham khảo các nghiên cứu trên thế giới về vốn con người và vốn xã hội trong khởi nghiệp, và phân tích 67 doanh nhân công nghệ và 76 doanh nhân truyền thống tại Việt Nam.

Nền tảng cá nhân của khởi nghiệp

Hòa Phát là một trong số những điển hình của doanh nghiệp truyền thống. Tổng giám đốc Hòa Phát, Trần Đình Long (bìa phải) là người hoàn toàn học tập ở trong nước. Trong ảnh là chuyến khảo sát thị trường của Hòa Phát vào những năm đầu khởi nghiệp (khi Hòa Phát còn mang tên là Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng). Ảnh: Vietnambiz.vn

Vốn con người (kiến thức, kĩ năng, thái độ) và vốn xã hội (mối quan hệ) từ lâu đã được giới nghiên cứu quan tâm vì chúng là nền tảng để từng cá nhân khởi nghiệp và rộng hơn là đổi mới sáng tạo [9,10]. Với nhà khởi nghiệp công nghệ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng vốn con người của họ đến chủ yếu từ việc đi du học ở các nước có công nghệ và môi trường đầu tư mạo hiểm phát triển, đặc biệt là Mỹ [4,8]. Như đã nhắc đến ở phần trước, nguồn vốn này cụ thể bao gồm kiến thức về công nghệ, mô hình kinh doanh, đầu tư mạo hiểm, kĩ năng gọi vốn đầu tư mạo hiểm, tuyển dụng nhân tài, và thái độ dám mạo hiểm, luôn đặt tốc độ tăng trưởng làm đầu. Bên cạnh đó, thời gian học và làm việc ở các nước phát triển còn tạo điều kiện để các doanh nhân (tương lai) tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với các quỹ đầu tư mạo hiểm, và điều này rất quan trọng vì phần lớn giới đầu tư mạo hiểm có tầm nhìn và phạm vi hoạt động đa quốc gia, nên họ rất nhạy bén về thông tin doanh nghiệp và doanh nhân. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra giới đầu tư mạo hiểm thường dựa vào mạng lưới quan hệ của họ để chọn đối tượng đầu tư [11], và hơn nữa họ có vẻ chuộng khi đối tượng có kinh nghiệm học tập ở các nước phát triển, từ trình độ đại học trở lên [12].

Còn với nhà khởi nghiệp truyền thống, vốn con người của họ đến rất nhiều từ kinh nghiệm đi làm lâu năm ở ngay tại đất nước mà họ kinh doanh. Nguồn vốn này bao gồm hiểu biết về đất đai, xây dựng, máy móc sản xuất, tín dụng và ngân hàng, hay kĩ năng làm việc với cơ quan quản lí nhà nước [13]. Tùy tính chất ngành nghề, họ còn phải xây dựng mối quan hệ với chính trị gia và cán bộ nhà nước cấp cao [14] – không nhất thiết bằng hành động hay với mục đính tư lợi phi pháp.

Riêng về bối cảnh Việt Nam, mặc dù đã xuất hiện nhiều nghiên cứu thuộc các chủ đề khởi nghiệp (ví dụ [15,16,17]), nhưng chúng tôi ít tìm thấy nghiên cứu tập trung vào vốn con người và vốn xã hội của nhà khởi nghiệp. Nếu có [18][19] thì cũng thiên về về khởi nghiệp truyền thống++. Tuy nhiên, khi nhìn sang truyền thông tại Việt Nam, chúng tôi dễ dàng thấy rằng vốn con người và vốn xã hội của nhà khởi nghiệp đã và đang được bàn tán sôi nổi. Ví dụ điển hình là loạt bài về các doanh nhân trở về từ Đông Âu [20], những bài tiểu sử ông chủ Hòa Phát [21], FPT [22], hay một bài về thực trạng kinh doanh bằng quan hệ [23] – ở đây chúng ta còn chưa đề cập đến các sự kiện truyền thông, giao lưu của chính các nhà khởi nghiệp. Mặc dù không thể đưa ra kết luận khoa học từ mỗi nội dung truyền thông đơn lẻ, chúng tôi đánh giá nếu tổng hợp chúng lại và có sự sàng lọc thông qua đối chiếu, thì chúng lại trở thành dữ liệu nghiên cứu quý giá để ít nhất các nhà khoa học có một cái nhìn bao quát về Việt Nam, trước khi đào sâu vào một vấn đề cụ thể như vốn con người và vốn xã hội.

Mẫu và dữ liệu nghiên cứu

Dựa vào các nghiên cứu trước đây trên thế giới, chúng tôi đưa ra một vài giả thuyết về vốn con người và vốn xã hội của nhà khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, nhưng có hai giả thuyết chúng tôi tập trung vào thử nghiệm trước tiên do tính khả thi trong việc lấy dữ liệu. Ở giả thuyết thứ nhất, những nhà khởi nghiệp công nghệ sẽ có nhiều kinh nghiệm đa quốc gia hơn, đặc biệt là phương Tây, trước khi họ khởi nghiệp, còn những nhà khởi nghiệp truyền thống sẽ có ít kinh nghiệm đa quốc gia hơn, và nếu có thì họ sẽ tập trung vào khối Liên Xô. Ở giả thuyết thứ hai, quá trình học tập của nhà khởi nghiệp công nghệ sẽ diễn ra ở Mỹ nhiều hơn nhà khởi nghiệp truyền thống.

Để thử nghiệm hai giả thuyết trên, chúng tôi đã xây dựng một hệ thống biến đo phù hợp để tìm dữ liệu tương ứng và phân tích hồi qui#. Ví dụ một số biến đo của chúng tôi gồm du học (có hoặc không), nơi du học, ngành học (phân loại theo UNESCO), số năm du học, trình độ học vấn, công việc nước ngoài (có hoặc không), nơi làm việc, vị trí công việc. Chúng tôi cũng thu thập thông tin cá nhân như giới tính, năm sinh, công ty đã khởi nghiệp thành công, quê quán.

Mẫu nghiên cứu của chúng tôi gồm những nhà khởi nghiệp công nghệ và truyền thống thành công, tính tới thời điểm tháng 4/2020. Thành công ở đây chúng tôi định nghĩa là họ đã gọi vốn được ít nhất 100 nghìn USD cho doanh nghiệp công nghệ, hoặc doanh nghiệp truyền thống của họ có giá trị vốn hóa 21 triệu USD. Dựa vào hai tiêu chí này, chúng tôi tra cứu cơ sở dữ liệu của CrunchBase cho doanh nghiệp công nghệ và investing.com cho doanh nghiệp truyền thống, nhờ đó lập ra danh sách 110 doanh nghiệp công nghệ và 314 doanh nghiệp truyền thống thành công. Lưu ý một chút ở đây, với doanh nghiệp truyền thống, chúng tôi chọn các doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán vì thông tin minh bạch hơn. Lí do lựa chọn mốc 21 triệu USD là vì dựa vào dữ liệu investing.com, đây là giá trị vốn hóa cao nhất mà vẫn đảm bảo danh sách doanh nghiệp của chúng tôi sẽ bao gồm được tất cả các ngành nghề tại Việt Nam.

Sau khi làm sạch dữ liệu, chúng tôi còn lại với 49 doanh nghiệp công nghệ va 69 doanh nghiệp truyền thống. Do có doanh nghiệp có nhiều đồng sáng lập, nên con số doanh nhân chúng tôi có được là 67 cho nhóm công nghệ và 76 cho nhóm truyền thống.

Kết quả và ý nghĩa

Kết quả phân tích của chúng tôi xác nhận cả hai giả thuyết. Với giả thuyết thứ nhất, tính toán của chúng tôi dự đoán khả năng có kinh nghiệm đa quốc gia của nhóm công nghệ cao hơn 15 lần so với nhóm truyền thống. Cụ thể trong dữ liệu của chúng tôi, nhóm công nghệ 55% có kinh nghiệm tại Mỹ, 32% tại châu Âu và 11% tại Úc, New Zealand. Còn nhóm truyền thống thì có rất ít kinh nghiệm đa quốc gia, và nếu có thì phần nhiều từ khối Liên Xô. Với giả thuyết thứ hai, khả năng nhóm công nghệ từng du học tại Mỹ cao hơn 35 lần so với nhóm truyền thống. Hơn nữa, nhóm công nghệ khi đi du học Mỹ thì phần đông ở trình độ cử nhân, bao gồm cử nhân ở những trường top đầu như Yale, Stanford, UCBerkeley và UCLA. Số lượng học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) không những hiếm, mà những trường họ học cũng có thứ hạng thấp hơn như Griggs và Golden Gate – điều này không có nghĩa là họ học trường kém chất lượng. Còn những nhà khởi nghiệp công nghệ học trong nước thì chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM, tập trung vào các trường lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tự Nhiên thuộc ĐH Quốc Gia TP.HCM; những doanh nhân này cũng ít có kinh nghiệm làm việc nước ngoài.

Vậy kết quả này có ý nghĩa thế nào? Do chúng tôi chỉ mới thử nghiệm hai giả thuyết khá đơn giản trên một mẫu nhỏ, nên chưa nói lên được nhiều về vốn con người và vốn xã hội của nhà khởi nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, kết quả phân tích đã cho thấy rõ sự khác nhau về kinh nghiệm đa quốc gia và quá trình giáo dục giữa nhà khởi nghiệp công nghệ và truyền thống. Vì vậy, chúng tôi cho rằng để phát triển nền kinh tế một cách tối ưu nhất, nước ta cần có chủ trương, chính sách và hành động cụ thể để tạo điều kiện và khuyến khích cho từng nhóm vừa tận dụng kinh nghiệm và học vấn của mình trong kinh doanh, vừa tiếp cận trao đổi ý tưởng với nhóm còn lại và với xã hội – hay nói cách khác, giúp họ không những tạo ra giá trị đặc trưng mà còn lan tỏa và kế thừa nó.    

Có hai điều cuối chúng tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, nghiên cứu của chúng tôi hiện chỉ dừng lại ở mô tả tình hình và dự đoán về xuất phát điểm của một nhà khởi nghiệp, chứ không xác lập nhân quả. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị không nên dùng kết quả ở đây làm tiêu chí đánh giá doanh nhân, cho dù họ khởi nghiệp công nghệ hay truyền thống; ví dụ, không nên nhìn một doanh nhân học trong nước và kết luận rằng họ thiếu năng lực gọi vốn đầu tư mạo hiểm. Thứ hai, kết quả phải được đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, vì xu hướng ngành nghề khởi nghiệp và cơ hội tích lũy kinh nghiệm đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi mức độ phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật trong nước, và tình hình địa chính trị giữa nước ta và quốc tế. Cho nên, sự so sánh giữa các nhà khởi nghiệp công nghệ và truyền thống chỉ là tương đối, do họ đã trưởng thành và lập nghiệp trong những điều kiện quá khác nhau.

Tác giả là Tiến sĩ, đang làm việc tại Viện ISB-Đại học Kinh tế HCM

** Chúng tôi định nghĩa doanh nghiệp truyền thống là doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất chính (a) cần cơ sở hạ tầng, tài chính, nhân công dồi dào, và (b) không chứa hàm lượng cao về công nghệ thông tin. Còn doanh nghiệp công nghệ thì hoạt động chủ yếu dựa vào công nghệ thông tin và cần ít sự đầu tư về đất đai, nhà xưởng, nhân công.

+Bài viết này dựa trên một báo cáo chúng tôi đăng trên tạp chí khoa học Technology in Society với tựa đề ‘Transnational experience and high-performing entrepreneurs in emerging economies: Evidence from Vietnam’.

++Đáng lưu ý, đã có nghiên cứu về môi trường khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam [24].

#Để tránh hàn lâm hóa bài viết, chúng tôi xin không mô tả chi tiết biến đo và phương pháp đo. Phương pháp nghiên cứu đầy đủ có thể được tìm thấy trong báo cáo khoa học của chúng tôi.

Trích nguồn

[1] Phóng sự VTC14. 16 nhà vô định Olympia đi du học chỉ 1 người về nước. https://www.youtube.com/watch?v=iFF0HPdUzJ4

[2] Phóng sự FBNC Vietnam. Du học sinh: Về Việt Nam hay làm việc ở nước ngoài? https://www.youtube.com/watch?v=DsTHCazUpAo

[3] Phóng sự VTV1. Bí kíp lập nghiệp thành công của du học sinh. https://vtv.vn/cuoc-song-thuong-ngay/bi-kip-lap-nghiep-thanh-cong-cua-du-hoc-sinh-2016070717383607.htm

[4] Kenney, M., Breznitz, D., & Murphree, M. (2013). Coming back home after the sun rises: Returnee entrepreneurs and growth of high tech industries. Research Policy, 42(2), pp.391-407.

[5] Wu, Y. (2018). Canada’s brain gain – the reverse migration of tech talent is happening. The Globe and Mail, available online at https://www.theglobeandmail.com/business/commentary/article-canadas-brain-gain-the-reverse-migration-of-tech-talent-is/

[6] Chacko, E. (2007). From brain drain to brain gain: reverse migration to Bangalore and Hyderabad, India’s globalizing high tech cities. GeoJournal, 68, pp.131-140.

[7] Samet, K. (2014). Brain Gain, Technology Transfer and Economic Growth: Case of Tunisia. International Journal of Economics and Finance, 6(9), pp.57-72.

[8] Batjargal, B. (2007). Internet entrepreneurship: social capital, human capital, and performance of Internet ventures in China. Research Policy, 36(5), pp.605-618.

[9] Delmar, F., & Davidsson, P. (2000). Where do they come from? Prevalence and characteristics of nascent entrepreneurs. Entrepreneurship and Regional Development, 12 (1), pp.1-23.

[10] Davidsson, P., Hunter, E., & Klofsten, M. (2006). Institutional forces: the invisible hand that shapes venture ideas. International Small Business Journal, 24(2), pp.115-131.

[11] Hochberg, Y., Ljungqvist, A., & Lu, Y. (2007). Whom You Know Matters: Venture Capital Networks and Investment Performance. Journal of Finance, 62(1), pp.251-301.

[12] Tinkler, J.E., Whittington, K.B., Ku, M.C., & Davis, A.R. (2015). Gender and venture capital decision-making: The effects of technical background and social capital on entrepreneurial evaluations. Social Science Research, 51, pp.1-16.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)