Trẻ sơ sinh có thể đón nhận nhịp phách của âm nhạc
Các bé sơ sinh có thể đón nhận được nhịp phách trong âm nhạc, một nghiên cứu mới xác nhận.
Nghiên cứu này do các nhà khoa học ở trường đại học Amsterdam và Trung tâm nghiên cứu Khoa học tự nhiên HUN-REN (TTK) ở Hungary, chứng tỏ năng lực ghi nhận một nhịp phách không chỉ đơn giản nhờ năng lực học hỏi theo kiểu thống kê của trẻ sơ sinh mà sự cảm nhận nhịp trên thực tế là một cơ chế nhận thức riêng biệt hoạt động từ lúc mới sinh ra.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Cognition 1.
“Vẫn có nhiều điều chúng ta chưa biết về cách trẻ sơ sinh đón nhận, ghi nhớ và xử lý âm nhạc”, theo nhận xét của Henkjan Honing, giáo sư nhận thức âm nhạc của UvA. “Nhưng vào năm 2009, chúng tôi nhận ra những chỉ dấu rõ ràng là chỉ cần vài ngày sau khi chào đời, trẻ em đã có năng lực nghe một nhịp điệu âm nhạc đều đặn – nhịp – một đặc điểm được coi như là thiết yếu đối với việc sáng tác và đánh giá âm nhạc”.
Bởi vì nghiên cứu trước của Honing và đồng nghiệp vẫn không thể tái thực hiện được và vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, nhóm nghiên cứu ở UvA và TTK đã hợp lực thêm một lần nữa- thời điểm này họ sử dụng một mô thức mới. Trong một thực nghiệm trên 27 trẻ sơ sinh, các nhà nghiên cứu đã điều khiển thời gian của nhịp trống để xem là liệu các bé có phân biệt được giữa việc học hỏi các trật tự âm thanh trong một nhịp trống hay không (học thống kê) và hình thành sự ghi nhận một nhịp không (dẫn nhập nhịp).
Điều khiển thời gian
Trẻ sơ sinh được nghe hai phiên bản của một nhịp điệu trống thông qua tai nghe. Ở phiên bản đầu, thời gian là đẳng thời (đẳng thời là khoảng thời gian phân tách hai khối bất kỳ bằng khoảng đơn vị hoặc bội số của khoảng đơn vị). Do đó, khoảng cách giữa các âm thanh luôn luôn bằng nhau. Điều đó cho phép bạn nghẹ một nhịp phách trong giai điệu. Trong phiên bản thứ hai, mẫu hình trống tương tự như thời gian mang tính ngẫu nhiên. Và kết quả là, tuy không thể nhận thức được nhịp nhưng có thể học được chuỗi âm thanh. Điều đó cho phép các nhà nghiên cứu phân biệt được giữa nhận thức nhịp với học theo kiểu thống kê.
Bởi vì không thể quan sát các phản hồi hành vi ở trẻ sơ sinh, nghiên cứu đã áp dụng các đo đạc sóng não (EEG) khi chúng đang ngủ. Với cách này, các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy những phản hồi não của trẻ. Các phản hồi đó cho thấy trẻ sơ sinh cũng nghe thấy nhịp khi quãng ngắt nghỉ giữa các nhịp luôn tương đồng với nhau. Nhưng khi các nhà nghiên cứu luôn chơi theo cùng mẫu hình tại các quãng nghỉ không đều, trẻ sơ sinh không nghe thấy nhịp.
Không phải là kỹ năng tầm thường
“Sự khác biệt quan trọng này xác nhận khả năng nghe nhịp là bẩm sinh và không đơn giản là kết quả của chuỗi âm thanh học được”, István Winkler, giáo sư Viện Khoa học thần kinh nhận thức và Tâm lý tại TTK.
“Phát hiện của chúng tôi đề xuất đây là một kỹ năng của trẻ sơ sinh và làm rõ tầm quan trọng của các bài hát đối với sự phát triển thính giác của trẻ nhỏ. Những thông tin này có vai trò quan trọng, giúp chúng ta thêm hiểu biết về nhận thức của trẻ và vai trò của các kỹ năng âm nhạc chúng có thể có trong giai đoạn phát triển đầu tiên”.
Honing cho biết thêm, “phần lớn con người có thể dễ dàng bắt nhịp trong âm nhạc và đánh giá xem liệu âm nhạc mình đang nghe là nhanh hơn hay chậm hơn – đó dường như là một kỹ năng phi logic. Tuy nhiên, khi đón nhận được tính chu kỳ trong âm nhạc, chúng ta có thể nhảy hoặc chơi nhạc cùng với nhau, đó không phải là một hiện tượng tầm thường. Trên thực tế, việc nhận thức nhịp có thể được coi như một đặc điểm cơ bản của con người và đóng vai trò quan trọng trong tiến hóa về năng lực của chúng ta với âm nhạc”.
Thanh Hương tổng hợp
Nguồn: https://neurosciencenews.com/music-cognition-neurodevelopment-25263/#:~:text=Brain%20wave%20responses%20confirmed%20that,for%20beat%20perception%20in%20humans.
https://medicalxpress.com/news/2023-11-newborn-babies-music.html
————————————–
1. https://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S0010027723003049