Trí tuệ nhân tạo sẽ mang tới nguy cơ thất nghiệp?
Những cỗ máy biết học hỏi, phán đoán và hành động đang dần phổ biến trong xã hội, điều đó dẫn tới những ý kiến cho rằng lao động trong nhiều ngành nghề sẽ có nguy cơ thất nghiệp do trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI). Để thảo luận về ảnh hưởng của AI tới môi trường kinh tế xã hội, Tuần kinh tế Đức đã phỏng vấn GS Luciano Floridi, nhà nghiên cứu về triết học và đạo đức thông tin (ethics of information) ở Đại học Oxford.
GS Luciano Floridi
Thưa GS. Floridi, liệu rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm chúng ta mất việc làm?
Đúng thế, trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn tới nguy cơ đó! Nhưng xin hãy nghĩ đến những người đang phải làm cái công việc mà họ không hề yêu thích, ví dụ như việc rửa bát. Nếu trí tuệ nhân tạo đảm nhận được các loại công việc như thế thì quá tuyệt vời chứ sao. Tôi có buồn phiền khi máy rửa bát tranh việc của tôi không? Tất nhiên là không rồi!
Vậy thì những nghề nào sẽ bị đe dọa nhiều nhất?
Mọi loại công việc thường ngày! Có thể là công việc liên quan tới kỹ thuật số, tra cứu thông tin, xây dựng Homepage hay đánh giá sản phẩm… Có những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng cho dù từ trước đến nay được đánh gía là an toàn triệt để. Một số thử nghiệm cho thấy trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện khối u ung thư chính xác hơn so với các chuyên gia ung thư giàu kinh nghiệm. Trong khi đó có thuật toán (Algorithm) có thể viết những bài về thể thao đến mức độ người ta không phân biệt nổi với những bài viết của nhà báo.
Có nghĩa là điều này sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người?
Đúng vậy. Nhưng điều này sẽ trở thành vấn đề cho từng cá nhân chứ không bao giờ là vấn đề của toàn xã hội. Trong xã hội cũng sẽ xuất hiện những việc làm mới mà cho đến nay chúng ta chưa thể mường tượng ra được.
Thưa giáo sư, tại sao chúng ta lại sợ tiến bộ kỹ thuật đến như vậy?
Đó là nỗi sợ nhân học ẩn giấu trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta luôn lo lắng trước những điều xa lạ, những điều không rõ ràng và bất thường. Chúng ta phải vượt qua những nỗi lo lắng đó và hành xử như những người trưởng thành. Vấn đề là chúng ta đã xây dựng xã hội hiện nay như thế nào. Đến nay, của cải trong xã hội chỉ tập trung vào một nhóm những người giàu có. Chúng ta đã không thành công trong việc xây dựng một xã hội mà ở đó sự thịnh vượng được phân chia một cách minh bạch, bình đẳng.
Có nghĩa là giáo sư cho rằng nếu chúng ta có một hệ thống kinh tế khác thì chúng ta sẽ không quá hoài nghi đối với trí tuệ nhân tạo?
Tôi nghĩ như vậy. Nhiều người không có lợi lộc gì từ tiến bộ kỹ thuật vì quá nhiều tiền tích tụ ở một nhóm người. Đây cũng là một vấn đề kinh tế và chính trị, bởi vì một khối lượng lớn của cải nằm trong tay một nhúm người đồng nghĩa với sức nặng về chính trị và sẽ gây tổn thương cho nền dân chủ.
Nhà vật lý Stephen Hawking và Eric Horvitz, giám đốc nghiên cứu của Microsoft cũng đã cảnh báo về nguy cơ của trí tuệ nhân tạo.
Khi mà hai nhân vật nổi tiếng cảnh báo về nguy cơ trí tuệ nhân tạo sẽ thống trị thế giới, thì đương nhiên nó sẽ thành chuyện. Tôi thì cho rằng con người và máy móc vẫn khác xa nhau: một cái máy tính sẽ luôn chơi cờ giỏi hơn tôi nhưng khi có báo cháy thì tôi sẽ chạy vọt ra ngoài còn cái máy tính thì không.
Nhưng chúng ta có thể lập trình cho nó về điều này.
Tất nhiên, nhưng chúng chỉ là những cỗ máy, có nhiệm vụ trong một thời gian nhất định với một nguồn tài nguyên nhất định để thực hiện một nhiệm vụ được giao.
Giáo sư đang nghĩ đến điều gì?
Chúng ta phải thiết kế trí tuệ nhân tạo làm sao để con người luôn ở vị trí trung tâm. Churchill đã từng nói rằng “chúng ta định hình ngôi nhà của mình, sau đó các ngôi nhà sẽ định hình chúng ta”; tôi thấy cũng có nguy cơ tương tự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo này. Do đó, phải coi con người là mục tiêu, tuyệt đối không bao giờ được xử lý con người như là một phương tiện hay là một nguồn tài nguyên.
Giáo sư là thành viên Hội đồng tư vấn của Google về quyền được lãng quên. Ông đánh giá vai trò của các ông lớn công nghệ như thế nào trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay?
Ngoài Google, tôi nghĩ tới Amazon, Apple và Facebook. Khi mạng Internet trở thành một điều không thể thiếu được trong cuộc sống thường ngày, các ông lớn này đã lấp đầy chỗ trống quyền lực mà chính sách của nhà nước đã quên lãng (giới chính trị không hiểu được rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một sự biến đổi xã hội). Giờ đây quyền lực thông tin này nằm trong tay một số ít tập đoàn tư nhân và họ tác động vào mọi điều đang diễn ra trên thế giới. Ví dụ, tổng thống Thổ nhĩ kỳ xuất hiện lần đầu tiên sau cuộc đảo chính thất bại trên ứng dụng FaceTime của điện thoại iPhone.
Xung quanh thuật toán tìm kiếm mà Google đề xuất, có ý kiến cho rằng các thuật toán sẽ làm thay đổi cách tìm kiếm nhân tài, GS nghĩ sao?
Người ta có thể dùng các thuật toán một cách có ý nghĩa khi cần lọc ra 100 người trong một tổng đài (callcenter). Nhưng khi đứng trước một hồ sơ công việc phức tạp hơn thì việc chỉ sử dụng thuật toán đó sẽ không thích hợp.Tài năng cũng như sự thông minh, tình bạn hay sự thông thái, là những ý tưởng chúng ta hiểu nhưng không thể định nghĩa thật rành rọt nói chi đến đo lường hoặc tự động hóa được.
Vậy còn nhận định rằng thuật toán sẽ thống trị thế giới?
Sự thật là hiện nay các thuật toán có thể tác động rất nhiều đến đời sống của chúng ta. Nó có thể đề xuất bạn nên đi trượt tuyết vì biết rằng chúng ta yêu thích môn thể thao này, tức là nó củng cố những mong muốn và nhu cầu của chúng ta. Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi môn thể thao trên núi này và không còn nghĩ gì đến việc ra bãi biển để nghỉ ngơi. Về điểm này tôi thấy hơi bi quan, chúng ta không nên làm như vậy. Nhưng ở đây vấn đề lại không phải do trí tuệ nhân tạo mà liên quan đến sự lười biếng và ngu ngốc của con người.
Xin cảm ơn giáo sư!
Xuân Hoài lược dịch từ Tuần kinh tế Đức.