Triều Tiên hợp tác với Hàn Quốc giải quyết bệnh lao và sốt rét

Thỏa thuận hợp tác này diễn ra sau khi Quỹ phi lợi nhuận toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét chấm dứt các khoản viện trợ cho Triều Tiên vào ngày 30 tháng Sáu.


Chính phủ Triều Tiên đã tỏ ra lo ngại về tác động của việc dừng viện trợ bởi trong tám năm qua Quỹ Toàn cầu tại Triều Tiên đã hỗ trợ điều trị hơn 194.000 trường hợp mắc bệnh lao và phân phối gần 2,3 triệu màn tẩm hóa chất (nhằm chống sốt rét). Quỹ Toàn cầu là một trong số ít các nguồn viện trợ cho điều trị bệnh sốt rét và lao ở Triều Tiên. Mất sự hỗ trợ tài chính này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực kiểm soát bệnh ở quốc gia này.

Tình hình mắc bệnh lao ở Triều Tiên rất đáng báo động. Nước này nằm trong top 30 quốc gia có tỉ lệ bệnh lao cao nhất thế giới của WHO và là nước có tỷ lệ nhiễm lao cao nhất trong những nước bên ngoài vùng cận Sahara châu Phi. Trong năm 2014, WHO ước tính rằng 5.000 người Triều Tiên đã chết vì bệnh lao. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn do Triều Tiên có tỷ lệ lao kháng nhiều loại thuốc (MDR-TB) tăng cao do điều kiện điều trị bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Đối với bệnh sốt rét, trước đây, Triều Tiên đã kiểm soát một cách hiệu quả bệnh sốt rét trong những năm 1970, nhưng lại bùng phát vào cuối những năm 1990, cùng lúc với sự sụp đổ kinh tế của đất nước. Số ca nhiễm đạt đỉnh vào năm 2013 ở mức gần 24.000 ca, giảm xuống còn khoảng 5.000 vào năm 2016. Mặc dù có sự sụt giảm tỉ lệ sốt rét, WHO ước tính gần 40% dân số Triều Tiên sống ở những vùng có nguy cơ nhiễm sốt rét.

Việc ngừng viện trợ có rủi ro tạo ra các cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo. Mối đe dọa từ bệnh sốt rét và lao ở Triều Tiên cũng là mối lo ngại đối với các nước láng giềng, vì muỗi và trực khuẩn có thể lây lan xuyên biên giới quốc gia.

Theo thỏa thuận này, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thiết lập một hệ thống phản ứng chung để chống lại các bệnh truyền nhiễm này. Một chương trình thí điểm sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Hai quốc gia sẽ trao đổi thông tin về các bệnh truyền nhiễm thông qua một văn phòng liên lạc ở Kaesong, phía Bắc biên giới.

Thỏa thuận này là một phần của cam kết mở rộng hợp tác y tế công cộng, được đưa ra trong một tuyên bố mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết ở Bình Nhưỡng vào ngày 19 tháng 9.

Thỏa thuận này được đánh giá là một bước đi kịp thời và cần thiết đầu tiên trong việc lập kế hoạch tự do đi lại giữa Hàn Quốc, hoặc thậm chí là tiến tới tái thống nhất, Shin Hee Young, một bác sĩ ung thư nhi khoa và giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul nhận xét. Ông đã làm việc với các bệnh viện Triều Tiên từ năm 2003.

Tuy nhiên, ông lưu ý, các mô hình bệnh tật ở hai nước khác nhau rõ rệt. Các bệnh do vi khuẩn, chẳng hạn như bệnh lao, sốt thấp khớp và ban đỏ lan tràn ở Triều Tiên nhưng lại ít phổ biến hơn ở Hàn Quốc, nên các bác sĩ nhi khoa Hàn Quốc có ít kinh nghiệm ứng phó các bệnh này, Shin nói. “Nếu những người bệnh đi qua biên giới mà không có bất kỳ  biện pháp kiểm soát nào sẽ dẫn tới lây lan bệnh lao ở Hàn Quốc”, ông nói.

Ngược lại, nếu giới hạn biên giới được dỡ bỏ, các virus truyền nhiễm, phổ biến hơn ở Hàn Quốc, như cúm, sẽ bắt đầu ảnh hưởng mạnh đến Bắc Triều Tiên, nơi người dân có miễn dịch thấp và bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng.□

Hoàng Nam tổng hợp

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/news/monkey-cage/wp/2018/04/12/north-korea-has-a-big-tuberculosis-problem-its-about-to-get-worse/?utm_term=.286b13cae06b
https://www.nature.com/articles/d41586-018-07393-y

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)