Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường công nghiệp sinh thái

Trong 5 năm 2011-2015, Trung Quốc (TQ) sẽ đầu tư 540 tỷ Euro cho ngành công nghiệp năng lượng tái sinh với tham vọng chiếm lĩnh thị trường công nghiệp sinh thái của Mỹ và châu Âu.

Phong cảnh ở phía Bắc thành phố Bao Đầu (Baotou) không có gì hấp dẫn. Đây là một thành phố công nghiệp trần trụi hầu như không có cây xanh, nằm ở vùng Nội Mông cách Bắc Kinh khoảng 650 km về phía Tây Bắc. Càng đi sâu lên phía Bắc phong cảnh càng buồn tẻ, hiu quạnh với nhiều đồi trọc, đường xá đầy bụi và gió rét căm căm. Vùng thảo nguyên mạn Bắc TQ là một khu vực đầy hấp dẫn đối với những nhà sản xuất điện gió. Như nhà máy điện gió Zhangze ở tỉnh Sơn Tây (Shanxi) hiện có 33 turbine với công suất lên tới 50 Megawatt (MW), đủ để cung cấp điện cho khoảng 40.000 hộ gia đình. Nhà quản lý Guo Juyang cho hay “Tới đây công suất sẽ được nâng lên 200 Megawatt.” 

Trong tương lai sẽ còn có nhiều tháp điện gió tiếp theo được xây dựng.

Không tiếc tiền cho năng lượng tái tạo
Chính phủ TQ rất tích cực hỗ trợ ngành năng lượng điện gió. Thí dụ nhà sản xuất không phải trả tiền thuê đất và đang có kế hoạch cung cấp điện sạch trên diện rộng trong cả nước. Bắc Kinh muốn từ nay đến năm 2020 đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo: nâng sản lượng điện nguyên tử từ 9 lên 86 Gigawatt (GW), thủy điện từ 196 lên 300 GW, năng lượng gió từ 16 lên 150 GW, điện Mặt trời từ dưới 1 lên 20 GW. Nhà nước TQ chủ trương trong 10 năm tới giảm tỷ trọng của các nhà máy điện chạy than từ 74% xuống còn 61%. Để làm được điều này, trong kế hoạch năm năm tới, có hiệu lực từ năm 2011, chính quyền Bắc Kinh phải đầu tư trên 540 tỷ Euro cho năng lượng tái sinh. 

Sự vươn lên mạnh mẽ của năng lượng xanh ở TQ thu hút hàng loạt nhà đầu tư. Riêng trong quý II năm 2010, các ngân hàng quốc tế, hãng bảo hiểm, quỹ hưu trí đã đầu tư 11,5 tỷ USD vào các nhà máy điện sinh thái và các cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học ở TQ. Đây là lần đầu tiên khoản đầu tư này nhiều hơn khoản đầu tư trong cùng một thời gian vào thị trường xanh hàng đầu thế giới là Mỹ và châu Âu. 

Sau khi TQ giành vị trí số một thế giới về công nghiệp sản xuất năng lượng Mặt trời, Chính phủ TQ lại muốn đưa ngành công nghiệp gió lên vị trí hàng đầu. Đến nay, các doanh nghiệp điện gió Mỹ và châu Âu vẫn còn dẫn trước một bước. Mặt khác TQ muốn kìm hãm mức độ tàn phá môi trường ghê gớm hiện nay.

Tấn công các “ông lớn”
Nhưng điều tốt lành đối với người dân TQ lại là quả đắng đối với các nhà sản xuất thiết bị điện Mặt trời và điện gió của Đức, họ đang bị đối thủ cạnh tranh TQ dồn tới chân tường. Các hãng chế tạo thiết bị điện gió TQ như Goldwind, Sinovel hay các hãng chuyên sản xuất thiết bị điện Mặt trời như Suntech, Yingli và JA hiện đã đứng trong hàng ngũ các ông lớn. Nhờ nhận được các đơn hàng cỡ tiền tỷ từ thị trường nội địa nên các doanh nghiệp TQ càng có sức cạnh tranh lớn hơn và họ có thể tấn công vào sân nhà của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hội đồng năng lượng gió (Global Wind Energy Council) nói: “Chỉ trong ít năm TQ đã trở thành thị trường lớn nhất về năng lượng gió và đã vượt nước Đức.” 

Với mong muốn kiếm được những đơn đặt hàng cỡ lớn, nhiều hãng chế tạo quạt gió cỡ lớn như hãng Vestas của Đan Mạch hay Nordex và Repower của Đức đã tham gia xây dựng các nhà máy ở TQ. Nhưng cuối cùng các doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị của TQ chiếm được 80% đơn hàng. Giá sản phẩm của các hãng này rẻ hơn từ 20 đến 30% trong khi chất lượng sản phẩm của nhà chế tạo hàng đầu như Goldwind cũng tương đương tiêu chuẩn châu Âu. 

Goldwind là một ví dụ điển hình về chiến lược phát triển của các hãng chế tạo của TQ đối với các loại công nghệ tương lai. Cách đây tám năm hãng đã mua Lizenz của Repower và xây dựng ở Tân Cương (Xinjiang), Tây Bắc TQ, cơ sở sản xuất thiết bị điện gió đầu tiên. Hiện nay Goldwind có tám nhà máy ở TQ và cải thiện công suất quạt gió thông qua bộ phận nghiên cứu phát triển của mình và đã vươn lên trình độ hàng đầu thế giới. Năm ngoái Goldwind bán được trên 2.000 cơ sở, năm nay dự kiến sẽ bán ra 4.450 cơ sở. 

Với lợi thế sân nhà, một loạt hãng chế tạo của TQ như Sinovel, Dongfang hay United Power đang chuẩn bị một cách có hệ thống cho những bước tiếp theo để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Các chuyên gia của Investmentbank Goldman Sachs đánh giá, “Khoảng cách về chất lượng giữa các turbine của TQ và của nước ngoài đang dần thu hẹp lại.” Theo dự báo thì không lâu nữa TQ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.

Hãng Goldwind phấn đấu chậm nhất trong năm năm tới đưa doanh thu ở thị trường nước ngoài lên 30%, đồng thời thực hiện sản xuất tại nước ngoài. Việc vận chuyển các thiết bị nặng, cồng kềnh bằng đường biển rất tốn kém vì vậy nhà chế tạo TQ chủ trương xây dựng nhà máy của mình ngay trên đất Mỹ và châu Âu. Goldwind đã thực hiện bước đi đầu tiên. Cách đây hai năm, họ đã thôn tính hãng chế tạo Vensys ở Neunkirchen của Đức. Mới đây Goldwind đã xây cất xong nhà xưởng, chuẩn bị sản xuất turbine để tiêu thụ trên thị trường Đức. Các hãng TQ thực hiện chiến lược kép, một mặt thông qua mua bản quyền và liên doanh với các doanh nghiệp điện gió của phương Tây để thu hút chất xám, mặt khác Chính phủ TQ cung cấp tín dụng giá rẻ giúp các doanh nghiệp của họ bành trướng đồng thời chiếm lĩnh thị trường nội địa của mình. 

Mô hình bành trướng

Suntech Power là nhà chế tạo tấm pin Mặt trời lớn nhất của TQ và đứng hàng thứ hai thế giới sau First Solar của Mỹ. Để có thể cung cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu những sản phẩm hảo hạng. Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT Shi Zhengrong đặc biệt quan tâm đến việc mua chất xám của nước ngoài. Năm 2006, ông mua đối thủ cạnh tranh MSK của Nhật Bản với giá 200 triệu USD. Bên cạnh đó, Suntech nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất và liên tục cải tiến công nghệ. Tại trụ sở chính ở thành phố Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô, Suntech Power vận hành bốn nhà máy, ông Shi có một trung tâm nghiên cứu và phát triển rất đồ sộ, hằng năm hãng đầu tư 30 triệu USD cho công tác nghiên cứu. Nhờ đó năm ngoái mặt hàng Solarmodule đã đem lại cho Suntech 1,7 tỷ USD. Trên 95% doanh thu của doanh nghiệp thu được từ bên ngoài TQ, trong đó gần 40% tại thị trường Đức. 

Suntechs đang bành trướng mạnh mẽ. Hãng đã có văn phòng đại diện ở Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Giờ đây Chủ tịch HĐQT Shi đang có ý định khai phá thị trường Đông Âu và khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Các hãng chế tạo pin Mặt trời cỡ lớn của TQ như Yingli, Trina Solar hay LDK Solar cũng mở rộng thị trường theo mô hình này.

Xuân Hoài dịch Theo Wiwo (Tuần Kinh tế)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)