Trung Quốc có thể giải cứu Châu Âu?

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – những nước BRIC (1)  – có thể đang cân nhắc mua lại các khoản nợ của những nước Châu Âu đang gặp khó khăn. Nhưng liệu điều này có chấm dứt khủng hoảng ở khu vực này?

Cuối những năm 1980, những nước phát triển đã giúp giải cứu Mỹ Latin và những nền kinh tế mới nổi. Nhưng tình thế giờ đã thay đổi.

Khủng hoảng tín dụng và ngân hàng của Châu Âu ngày một nghiêm trọng, có một số nguồn tin cho rằng Brazil – cũng như Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – có thể đang cân nhắc mua một phần trái phiếu chính phủ từ những nước Châu Âu đang gặp khó khăn.

“Nguồn vốn đang chảy từ những nước kém phát triển hơn vào những nước có thu nhập đầu người cao hơn. Đây là hiện tượng mới mẻ với tất cả chúng ta, nhưng điều này xét ra có lí bởi vì sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.” Jeffrey Bergstrand, giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Mendoza của ĐH Notre Dame nói.

Nếu xảy ra việc giải cứu Châu Âu bởi những nền kinh tế đang lên thì đây quả là một bước ngoặt kịch tính ngoạn mục, cũng là một động thái khôn ngoan của lãnh đạo các nước đang phát triển.

“Đó là một bước ngoặt trớ trêu. Nhưng những quĩ đầu tư quốc gia của những nước đang lên có thể đầu tư vào Châu Âu – cũng đồng thời là những khách hàng quan trọng của các nền kinh tế mới nổi – để giúp họ không bị chìm xuồng. Nó có thể chặn đứng sự đóng băng của khối Châu Âu, và điều này sẽ giúp chính các nền kinh tế mới nổi khỏi một cơn suy thoái”, Robert Howe, Giám đốc điều hành của Geomatrix, một quĩ đầu cơ có trụ sở tại Hongkong, nhận định.

Khủng hoảng nợ Châu Âu: 5 điều cần biết

Sự tập hợp sức mạnh các nước BRIC là chưa đủ để giải cứu Châu Âu… Giải pháp cần thiết ở đây vẫn phải là Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và Đức nhắm mắt cho qua và đồng ý phát hành trái phiếu euro.

Nhưng Howe nói rằng trong khi đầu tư từ Brazil, Trung Quốc và những nước khác có thể giúp Châu Âu cầm cự, nó không phải là một giải pháp cơ bản.

“Sự tập hợp sức mạnh các nước BRIC là chưa đủ để giải cứu Châu Âu. Vấn đề này nằm ngoài khả năng của các quĩ đầu tư quốc gia Nga và Trung Quốc. Giải pháp cần thiết ở đây vẫn phải là Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và Đức nhắm mắt cho qua và đồng ý phát hành trái phiếu euro”, Howe cho biết.

Việc tạo ra trái phiếu euro, với tư cách là công cụ nợ chung của các nước Châu Âu – giống như euro ngày nay là đồng tiền thống nhất của các nước này – đã được đề cập bởi nhiều nhà kinh tế và chuyên gia tài chính như là một cách khả dĩ giúp chấm dứt khủng hoảng.

Trái phiếu euro, theo nguyên tắc, sẽ có lợi suất thấp hơn trái phiếu cho Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha – ba nước thành viên Châu Âu đang gặp nhiều khó khăn nhất.

Nếu những nước này có thể đảo những khoản nợ có lãi suất cao của họ bằng nguồn trái phiếu có lợi suất thấp hơn, thì tình hình sẽ trở nên bớt căng thẳng hơn. Nhưng những nước có nền kinh tế mạnh như Đức không hào hứng với ý tưởng trả lãi suất cao hơn cho những khoản nợ của họ(2) để trợ cấp cho những nước yếu nhất khu vực Châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ phương án phát hành trái phiếu euro. Trung Quốc và những nước khác có thể gây áp lực lên Châu Âu yêu cầu xử lý tình trạng thâm hụt ngân sách để làm điều kiện cho đầu tư.

Việc giữ cho những khách hàng mua hàng hóa và dịch vụ có được nguồn tài chính ổn định cần thiết không phải lí do duy nhất để các nước đang phát triển mua phần lớn trái phiếu các nước Châu Âu. Nó cũng mở đường cho các nền kinh tế đang lên đa dạng hóa việc nắm giữ các khoản nợ nước ngoài và dần từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ vốn có lãi suất thấp hơn. Trung Quốc đã lên tiếng bất bình về việc môi trường kinh tế bất định của Mỹ khiến đồng USD và Trái phiếu Kho bạc Mỹ bị mất giá.

Vào thời điểm tháng 7, Trung Quốc nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 1170 tỉ USD. Ba nước BRIC còn lại nắm giữ tổng cộng 356 tỉ. Lợi suất của trái phiếu có thời gian đáo hạn 10 năm chỉ có 2%. Nợ của Euro, trong khi nguy cơ rõ ràng cao hơn, có thể là cú giáng với đồng real, ruble, rupi và nhân dân tệ.

 “Việc các nền kinh tế đang lên muốn đa dạng hóa các khoản đầu tư bên ngoài Mỹ không còn là bí mật nữa. Nhưng vấn đề là họ muốn mua thứ gì và họ sẵn lòng trả giá thế nào”, Steven Huber, quản lý của T.Rowe Price Strategic Income Fund ở Baltimore, nhận định.

Nhưng có thật đơn giản thế không? Việc mua các khoản nợ của Hi Lạp và Ý, điều này có thực sự giúp ổn định Châu Âu và đẩy mạnh các khoản lợi nhuận tiềm năng trong danh mục đầu tư cố định của khối BRIC?

Câu trả lời của Bergstrand là “có”. Ông cho biết rằng điều khiến các thị trường phát triển cần lo lắng nhiều hơn là tổn thất từ những sự đổ vỡ tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự như vụ Lehman, và đó là lí do họ nhận thấy cần phải làm một điều gì đó. Việc bổ sung trái phiếu lợi suất cao có thể mang lại một số lợi ích nhưng nó không phải là một giải pháp mang tính cơ bản.

Bi kịch tiếp theo của Hi Lạp là vỡ nợ?

Việc giữ cho những khách hàng mua hàng hóa và dịch vụ có được nguồn tài chính ổn định cần thiết không phải lí do duy nhất để các nước đang phát triển mua phần lớn trái phiếu các nước Châu Âu. Nó cũng mở đường cho các nền kinh tế đang lên đa dạng hóa việc nắm giữ các khoản nợ nước ngoài và dần từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ vốn có lãi suất thấp hơn.

Nhưng Aaron Gurwitz, giám đốc đầu tư của Barclays Wealth ở New York, nói rằng ông không chắc liệu Trung Quốc hoặc các nền kinh tế mới nổi khác có thực sự muốn đánh cược vào việc mua một loại trái phiếu phát hành bởi toàn bộ Châu Âu hay không. Ông nói sẽ an toàn hơn nếu mua nhiều trái phiếu Đức, hơn là trái phiếu từ các nước PIIGS(3).

Gurwitz nói rằng nếu Trung Quốc thực sự chân thành trong việc muốn giúp đỡ Châu Âu, họ có thể làm theo một cách khác.

Họ có thể khiến đồng nhân dân tệ được thả nổi tự do hơn trên thị trường tài chính toàn cầu. Trung Quốc đã bị chỉ trích cố tình giữ đồng nhân dân tệ ở mức thấp khiến hàng Trung Quốc giá rẻ hơn.

“Điều tôi thực sự muốn Trung Quốc làm là dừng việc mua trái phiếu nước ngoài và để đồng tiền của họ tăng giá một chút. Nó sẽ cho phép Châu Âu và Mỹ xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, và sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu”, ông nói.

Đòi hỏi này sẽ không dễ được ưng thuận. Khoảng cách giữa các thị trường phát triển và đang phát triển đang ngày càng bị thu hẹp – và những thị trường đang lên đang đàm phán các vấn đề từ một vị thế cao hơn bao giờ hết.

* Một số ý kiến bình luận từ độc giả bài báo:

Douwe van Hoytema, 09/16/2011

Châu Âu cần tìm ra những giải pháp tốt hơn là dựa vào Trung Quốc, và chúng ta sẽ làm được. Lệ thuộc vào Trung Quốc cũng có nghĩa là chúng ta sẽ càng dễ phải chịu những sức ép về chính trị và kinh tế. Hãy cứ nhìn vào chính sách của Trung Quốc ở Trung Đông để rút ra bài học.

Châu Âu cần nghiêm túc tự dọn dẹp và xốc vác những vấn đề của mình. Điều này hoàn toàn khả thi. Châu Âu nợ nần ít hơn Mỹ và tỷ trọng nợ nước ngoài của Châu Âu thấp hơn so với Mỹ, chưa kể chúng ta không có vấn đề về thâm hụt thương mại mang tính cấu trúc cố hữu như Mỹ đang gặp phải.

Carl Johan Nilsson, 09/15/2011 06:32 AM

Có lẽ một giải pháp hiệu quả là chia ra thành 2 loại đồng tiền Euro, một đồng Euro phương Bắc, một đồng Euro phương Nam.

Đức, Vương quốc Anh, Hà Lan, các nước Scandinavi (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch) nên có đồng Euro của riêng họ.

Những nước này không gặp phải những vấn đề kinh tế như các nước phía Nam: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, …

Hai loại đồng Euro có giá trị khác nhau sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của các nước PIGS rẻ hơn, tính cạnh tranh tăng lên.

Hugo Meier, 09/15/2011 06:03 AM

Điều người Trung Quốc nói chưa chắc đã là thật. Từ nhiều tháng trước họ đã hứa hẹn mua trái phiếu của Bồ Đào Nha và Ireland, nhưng tới nay vẫn chưa làm gì. Tương lai họ cũng sẽ không mua trái phiếu Hy Lạp.

Tất cả đều chỉ là những chương trình mang tính tuyên truyền của Bắc Kinh. Điều họ thực sự muốn là mua lại các công ty công nghệ cao của Châu Âu, hút lấy các bí quyết công nghệ của những công ty này để cóp pi vào các sản phẩm Trung Quốc – điều vẫn thường xuyên xảy ra xưa nay.

nrcpg1, 09/15/2011 03:00 AM

Trung Quốc không nên mua nhiều trái phiếu Châu Âu vào lúc này. Cũng không nên bán nhiều trái phiếu Mỹ vì như vậy sẽ làm giảm giá trị đồng USD, tức là tự làm giảm giá trị dự trữ của Trung Quốc đang giữ dưới dạng trái triếu Mỹ.

Có chăng Trung Quốc sẽ chỉ mua một lượng nhỏ trái phiếu Châu Âu để tăng vị thế đôi ngoại, còn lợi ích kinh tế là không đáng kể. Hẳn người Trung Quốc vẫn nhớ họ đã chịu thiệt thế nào khi mua trái phiếu của Bồ Đào Nha.

                                                                                                              Thanh Hiền dịch

(1) BRICS: nhóm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Đây là những nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

(2) Khi hình thành trái phiếu đồng Euro chung cho cả khu vực thì lãi lợi suất của nó sẽ cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ của Đức hiện nay, do Đức vẫn đang có nền kinh tế và tài chính lành mạnh, được các nhà đầu tư tin tưởng hơn so với các nước Châu Âu khác.

(3) PIIGS: Nhóm các nước Bồ Đào Nha, Ý, Hi Lạp, Tây Ban Nha và Ireland. Đây là những nước có nền kinh tế suy thoái hơn cả trong khu vực Châu Âu từ sau khủng hoảng kinh tế.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)