Trung Quốc công bố các kế hoạch tiết kiệm năng lượng
Thủ tướng quốc gia này cho rằng không thể tiếp tục hi sinh môi trường để đổi lấy sự phát triển không ổn định.
Phát biểu vào ngày chủ nhật trong cuộc đàm thoại trực tuyến với công dân nước mình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói: Trung Quốc đang hướng đến giảm cường độ năng lượng hay tiêu thụ năng lượng trên 1 đơn vị đầu ra kinh tế vào khoảng 16 đến 17% vào cuối năm 2015.
Ông cũng nói rằng, để đạt được mục tiêu này và chuyển đổi từ tập trung phát triển kinh tế theo số lượng sang tập trung cho chất lượng thì kế hoạch ngân sách cho 5 năm tới phải hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn khoảng 7%/năm. Trung Quốc phải dừng đánh đổi môi trường vào việc sử dụng năng lượng lãng phí và sự phát triển không ổn định.
Quyết định này cho thấy tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc hiện nay đang đe dọa những nỗ lực giảm cường độ năng lượng và khí thải gốc cacbon. Tuần trước, một tờ nhật báo Trung quốc đã trích dẫn lời nhận định tình hình của Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Nghiên cứu Nguồn năng lượng hàm lượng cacbon thấp, rằng Trung Quốc sẽ thải ra 10 tỉ tấn cacbon điôxít vào năm 2015 tức là tương đương với khối lượng của Mỹ và liên minh Châu Âu cộng lại.
Nhu cầu sử dụng than đá của Trung Quốc năm 2010 tăng 5.9% so với năm trước
Theo báo cáo chính thức về tình hình kế hoạch ngân sách 5 năm vừa qua do Cục thống kê nhà nước Trung Quốc phát hành vào ngày 28 tháng 2 thì cường độ năng lượng của quốc gia này giảm xuống 19.1% so với mức năm 2005, gần đạt mục tiêu 20% như đề ra 5 năm trước. Tuy nhiên mức tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng. Theo Cục Thống kê, Trung quốc đã dùng 3.25 tỉ tấn than đá vào năm 2010 tức là tăng 5.9% so với năm trước. Mức tiêu thụ khí gas tự nhiên, năng lượng điện, dầu thô và than đá lần lượt là 18.2%, 13.1%, 12.9% và 5.9%.
Tập trung cải thiện hiệu quả
Nhiều người cho rằng Trung quốc đã cải thiện được cường độ năng lượng bằng cách đóng cửa các xí nghiệp và nhà máy điện hoạt động không hiệu quả trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mặt.
Tuy nhiên, theo ông Qi Ye một nhà nghiên cứu về chính sách môi trường tại trường Đại học Tsinghua và giám đốc sáng kiến chính sách về khí hậu tại Bắc kinh thì các biện pháp của Chính phủ cũng đóng góp vào thành công này, ông nói: “Chính phủ trung ương xem xét vấn đề này hết sức nghiêm túc và chính điều này đã tạo áp lực lớn lên các cán bộ sở tại.”
Trung Quốc đầu tư mạnh tay trong việc bảo toàn năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính phủ trung ương thành lập ủy ban giám sát các vấn đề liên quan đến bảo toàn năng lượng và thay đổi khí hậu. Ủy ban này cũng có nhiệm vụ giám sát chính sách năng lượng trong chính quyền địa phương và các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng
Nỗi lo không đạt được mục tiêu đề ra đã dẫn đến việc một số tỉnh đã hạn chế sử dụng năng lượng vào nửa cuối năm 2010. Hầu hết sự hạn chế tập trung vào điện cho công nghiệp nhưng có một số nơi hạn chế cả điện cung cấp cho sinh hoạt của nhân dân. Một số nhà máy đã phải mua máy phát chạy bằng động cơ điêden để duy trì hoạt động và chính điều này gây ra tình trạng thiếu hụt dầu điêden.
Ông Qi nói rằng việc hạn chế này sẽ giúp cán bộ sở tại đạt được mục tiêu về cường độ năng lượng nhưng sẽ không phục vụ cho mục đích đẩy mạnh hiệu quả năng lượng trong thời gian lâu dài.
Cải tổ đang đúng hướng
Ông Knut Alfsen trưởng phòng nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế tại Oslo nói rằng mục tiêu mới về cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là đầy thách thức nhưng rất đúng đắn. Mục tiêu mới nằm trong khoảng 15%-17% mục tiêu đề xuất trong báo cáo năm 2009 của Hội đồng Hợp tác Quốc tế về Môi trường và Phát triển của Trung Quốc, một cơ quan liên kết giữa ban cố vấn quốc tế và trong nước cho Chính phủ.
Ông Alfsen – tác giả của báo cáo này cho biết mục tiêu đề xuất này căn cứ vào các nghiên cứu của an ninh năng lượng, thay đổi công nghiệp, bảo vệ môi trường và thay đổi khí hậu. Chính phủ Trung Quốc đã ủy quyền cho Trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế nghiên cứu cẩn thận từng ngành công nghiệp để tìm cách cải thiện hiệu quả năng lượng.
Liệu Trung Quốc có khả năng đạt được mục tiêu này hay không, điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Trung quốc có thoát ly khỏi kế hoạch hóa tập trung để tin tưởng hơn vào cơ cấu thị trường, ông Alfsen nói. “Nói chung giá năng lượng (của Trung Quốc) rất thấp và không đều. Xóa bỏ phụ cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp có thể giảm cường độ năng lượng một cách đáng kể. Ông Qi đồng ý rằng sự thúc ép mang tính hành chính từ trên xuống dưới có thể không đủ để cải thiện hiệu quả và đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Ông cho rằng việc làm quen với cơ chế thị trường hiệu quả và từ đó thúc đẩy một nền kinh tế tiêu thụ và thải ít cacbon chính là điểm mấu chốt.
Ngân quỹ và chính sách năng lượng của Trung Quốc cho 5 năm tới đang được đại hội Đảng thường niên và đại hội cố vấn chính phủ tính toán thân trọng và được mong đợi sẽ sớm có kết quả.
Trần Lê dịch (Jane Qiu, Nature News)