Trung Quốc đang tạo ra cuộc cách mạng mua sắm
520 triệu người tiêu dùng Trung Quốc (TQ) đang sử dụng ứng dụng mua hàng trực tuyến Alibaba-App. Giờ đây tập đoàn này còn muốn xóa nhòa ranh giới giữa thế giới trực tuyến và ngoại tuyến. Liệu điều này có thể trở thành mô hình cho cả thế giới?
Khách hàng muốn trả bằng tiền mặt? Cô thu ngân thuộc chuỗi siêu thị Hema lắc đầu quầy quậy, “dạ không được”. Người khách phải đi lòng vòng tới vài quầy ít ỏi trong siêu thị còn nhận tiền mặt. Có lẽ không có tập đoàn Internet nào ở TQ lại thay đổi cuộc sống của người dân nước này như Alibaba. Với nền tảng như Taobao, một dạng lai tạo giữa Ebay và Amazon, tập đoàn Alibaba đã tạo nên một hệ sinh thái hùng mạnh. Nền tảng cho hệ thống này là Alipay. 520 triệu người tiêu dùng TQ, trên một phần ba số dân, thanh toán bằng ứng dụng này.
Tuy nhiên dường như E-Commerce cũng chưa đủ làm Alibaba hài lòng. Doanh nghiệp này ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thương mại truyền thống. Alibaba muốn kết nối thế giới Online với thế giới Offline. Quá trình này đã tiến xa hơn nhiều so với phần lớn các nhà kinh doanh internet ở phương Tây.
Trường thử nghiệm của nhóm
Cách đây vài tuần Alibaba đã khai trương một Trung tâm mua sắm tại một quận thuộc thành phố Hàng Châu, trung tâm này nằm ngay cạnh đại bản doanh của Alibaba. Chính thức thì trung tâm mua sắm này nhằm phục vụ nhân viên Alibaba vào giờ nghỉ trưa và để họ mua sắm khi hết giờ làm việc vào buổi chiều tối. Thực chất trung tâm này là một thử nghiệm của tập đoàn.
Vào một buổi chiều tháng năm một phụ nữ trẻ đứng trước màn hình và để cho camera chụp phần đầu của mình. Khuôn mặt cô hiện trên màn hình, gắn trên một mô hình cơ thể. Giờ cô có thể quyết định chọn loại trang phục nào mà cô thích nhất? Về lý thuyết cô có thể đặt mua online bộ trang phục này. Tất nhiên mua tại Alibaba.
Dù sao cách quảng cáo này cũng hay, nhất là với “tấm gương ma thuật” tuy vậy điều thú vị hơn và mang tính định hướng lại diễn ra ở tầng dưới siêu thị Hema. Alibaba đã khai trương trong hai năm qua 43 chi nhánh ở 13 thành phố. Tại đây khách hàng có thể mua sắm hoàn toàn bình thường nhưng cũng có thể đặt hàng online, nếu khách hàng ở cách xa siêu thị không quá 3 km. Thời gian giao hàng không quá 30 phút, theo cam kết của siêu thị. Alibaba tận dụng các chi nhánh làm nơi bán hàng cũng như làm nhà kho phục vụ kinh doanh trực tuyến.
Tại Hàng Châu trong những ngày này, tại siêu thị có vài chục nhân viên mặc áo mầu xanh nhạt đi lại thoăn thoắt. Trên bắp tay mỗi người đều có một thiết bị như máy quét giống như các nhân viên đóng gói làm việc cho Zalando hay Amazon. Ở khu vực hàng tươi sống, một nữ nhân viên của Hema nhặt trứng và nấm trên giá mát và cho cả hai mặt hàng vào một cái túi mầu xanh. Sau đó để túi trên băng chuyền và từ đây đi lòng vòng qua các bộ phận. Cuối cùng các túi hàng được chuyển tới trung tâm phân phối và tại vị trí này những nhân viên chuyển hàng bằng xe máy sẽ đưa hàng tới tận tay người mua.
Ở Trung quốc việc dùng Smartphone để đặt hàng và trả tiền là chuyện hết sức bình thường. Không chỉ ở siêu thị Hema, không chỉ ở Hàng châu. Khi mua những hàng hóa thông dụng ngày nay hầu như người TQ không còn phải mở ví để lấy tiền. Tất cả đều diễn ra thông qua các ứng dụng trên điện thoại. Ngay cả những người bán hoa quả trên hè phố cũng xử dụng mã QR (QR code) để khách hàng quét bằng smartphone.
Ở TQ QR-Code có ở mọi nơi và và nó được dùng để kết nối với điện thoại thông minh. Tại Tây hồ, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Hàng châu khách du lịch có thể dùng mã QR để mua đồ lưu niệm tại quầy bán hàng tự động. Thậm chí bằng cách này bạn có thể mượn ô che mưa hay sạc điện di động. Ai không dùng Alipay hay WeChat có thể gặp phiền toái tựa như khách nước ngoài không có tài khoản ngân hàng nội địa vậy.
Trả tiền qua QR-Code tại một quầy bán rau quả ven đường
Thanh toán bằng Apps ở TQ được hưởng ứng do ba nguyên nhân:
- Thứ nhất ở TQ thẻ tín dụng hầu như không phổ biến.
- Thứ hai vì Alibaba và WeChat của tập đoàn mẹ Tencent hầu như không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường TQ.
- Thứ ba đại đa số người TQ hầu như không nghi ngờ gì đối với công nghệ mới này.
Khó có thể tưởng tượng những tập đoàn như Alibaba có thể thao túng khối dữ liệu khổng lồ này. Tuy nhiên phần lớn dân TQ lại không bận tâm về chuyện này, hầu như không mấy người quan tâm đến bảo vệ dữ liệu hay sự riêng tư của mình. Ngay cả trên đường phố đâu đâu cũng có camera, phần lớn người TQ coi đây là một biện pháp để bảo vệ họ chống lại bọn tội phạm chứ không mấy ai lo ngại đây là một hệ thống kiểm soát, theo dõi hoàn hảo với mọi người.
Hoài Trang dịch