Trung Quốc đầu tư cho năng lượng xanh nhiều nhất thế giới

Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất thế giới cho công nghệ tái tạo năng lượng trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Theo báo cáo mới đây của tạp chí Global Trends, đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo năm 2010 đã tăng 32%, đạt mức kỷ lục 211 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất thế giới trong công nghệ tái tạo năng lượng.

Tuy nhiên, nước này vẫn phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương mặc dù chính quyền đã rất nỗ lực trong việc hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than trong suốt 5 năm qua.

Theo ông Zhang Lijun – thứ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, lượng tiêu thụ than tại Trung Quốc đã tăng một triệu tấn từ năm 2006 đến 2010. “Và có thế sẽ tăng một tỷ tấn nữa trong 5 năm tiếp theo”, ông nói thêm.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang chi hàng chục tỷ đôla vào cái gọi là “dự án công nghệ sạch”, hay còn gọi là năng lượng xanh. “Đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn xu hướng quan tâm và đầu tư vào năng lượng sạch tại châu Á”, ông Vivek Tandon đến từ tập đoàn Aloe Private Equity nói, “Và một trong những lý do chính là nhu cầu an ninh năng lượng, đặc biệt là tại Trung Quốc”.

Ngành công nghiệp của Trung Quốc hiện phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng than đá của nước này. Với mức độ sản xuất hiện tại thì lượng than dự trữ có thể phục vụ cho nền công nghiệp nước này khoảng 40 năm nữa, tuy nhiên đa phần lại tập trung chủ yếu ở phía bắc và tây bắc Trung Quốc. Điều này đã khiến cho việc cung cấp điện tại các khu vực đông dân cư ven biển trở nên nan giải.

Năng lượng xanh là những loại năng lượng thu được từ thiên nhiên, và đặc biệt là không gây ô nhiễm thiệt hại cho môi trường sinh thái. Năng lượng xanh bao gồm năng lượng điện nhiệt, năng lượng gió, thủy điện quy mô nhỏ, năng lượng sinh học và năng lượng thu được từ nhiệt mặt trời và sức mạnh thủy triều, thậm chí thu được từ việc đốt rác thải. Năng lượng xanh thuộc về loại năng lượng sạch, bền vững và có thể tái tạo được…

Ngày nay, tốc độ tăng dân số đã vượt quá khả năng khai thác than, và tình trạng này càng xấu hơn khi Chính phủ Trung Quốc gia tăng việc đóng cửa các mỏ than đã quá lâu đời và cũ kỹ. Thêm vào đó là nạn ô nhiễm môi trường và sự suy giảm hệ sinh thái đã khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư và phát triển năng lượng tái sinh.

“Nếu một ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng sạch được tạo ra đồng nghĩa với việc tạo thêm rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động”, ông Tandon nói.

Bên cạnh sự đầu tư từ quốc gia, ngành công nghệ xanh cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhận thức được sự bấp bênh và sự trì trệ của quá trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Một ngành công nghiệp tiềm năng như năng lượng sạch cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những bấp bênh này.

Tại nhiều nước châu Á, Chính phủ cũng đã thể hiện sự quan tâm bằng cách đưa ra các chính sách trợ cấp đối với nhiều lĩnh vực của công nghệ xanh. “Trung Quốc có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất. Họ có những chương trình ưu đãi rất lớn ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch ngày càng lớn mạnh”, bà Johanna Klein đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á nói. Ấn Độ cũng cố gắng phát triển các ngành công nghiệp sạch, nhưng Trung Quốc có những chính sách hỗ trợ trực tiếp và mạnh tay hơn.

“Châu Á đã mất một thời gian dài trước khi nhận thức được tầm quan trọng cũng như có những động thái kịp thời nhằm hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp xanh, nhưng nó đã thực hiện một bước tiến nhảy vọt giống như năng lượng nguyên tử tại các nước phương Tây, điển hình là Mỹ”, bà nói, “châu Á có thể cho cả thế giới thấy họ không chỉ có tầm nhìn mà còn có khả năng biến chúng thành hiện thực”.

Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên hợp quốc UNEP cho biết: Trung Quốc đã đầu tư 48,9 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, tăng 28% so với năm trước, và trở thành nước đầu tư cho sự phát triển “xanh” lớn nhất trong năm 2010. Đầu tư cho năng lượng tái tạo ở khu vực Nam và Trung Mỹ tăng 39%, đạt 13,1 tỷ USD; của khu vực Trung Đông và châu Phi tăng 104%, đạt 5 tỷ USD; đầu tư của Ấn Độ tăng 25%, đạt 3,8 tỷ USD; đầu tư của các nước đang phát triển khác ở châu Á tăng 31%, đạt 4 tỷ USD. (nguồn: TTXVN/Vietnam+).

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)