Trung Quốc: Lớp học ĐMST cho trẻ nhỏ

“Đổi mới sáng tạo” không phải là một từ thường được dùng để miêu tả Trung Quốc, nhưng doanh nhân Joanna Wei đang cố gắng góp phần thay đổi hình ảnh về một quốc gia đầy rẫy những sản phẩm “ăn liền” rẻ tiền.

Bà Wei là nhà đồng sáng lập Creatica, một công ty giáo dục ở Bắc Kinh chuyên cung cấp những lớp học sáng tạo mang tính thực hành cho trẻ nhỏ. Công ty thành lập năm ngoái tại Bắc Kinh Makerspace, nơi các nhà sáng tạo gặp gỡ và biến ý tưởng thành công việc kinh doanh. Bà Wei cho biết, công ty hướng tới một cuộc cách mạng giáo dục thông qua việc tạo điều kiện cho các em nhỏ tiếp cận các công nghệ tiên tiến, giúp thúc đẩy những cách suy nghĩ mới.

Xu hướng tự tạo ra sản phẩm

Một trong những lớp học phổ biến nhất của Creatica là Brushbot – lớp học dạy học viên làm ra robot từ những cây bàn chải đánh răng bằng cách nối chúng với những động cơ rung.

Một lớp học khác, Talking Buddies, dạy học viên thiết kế ra một nhân vật từ bìa các-tông và khiến nó nói chuyện được bằng cách kết nối với một thiết bị ghi âm nhỏ.

Bà Wei đã không thể ngờ xu hướng tự tạo ra sản phẩm công nghệ lại có thể phát triển lớn đến vậy khi nó bắt đầu nhen nhóm ở Trung Quốc vào năm 2011.

Creatica ra đời từ xu hướng này, khi bà Wei nhận ra rằng chưa có gì để định hướng cho những trẻ am hiểu công nghệ. Bà cho rằng sẽ là quá muộn để ươm mầm sáng tạo vào đầu óc của những người 20 tuổi, bởi vậy nếu muốn phổ biến rộng rãi một nền văn hóa đổi mới sáng tạo thì cần bắt đầu sớm hơn với trẻ em thông qua giáo dục.

Ngành kinh doanh ít tốn kém

Không như những công ty khởi nghiệp khác, Creatica thu được lợi nhuận rất nhanh. Hiện tại công ty đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm gia đình, hầu hết là những nhà khá giả ở những thành phố lớn ở Trung Quốc.

Bà Wei cho biết, giáo dục là một ngành kinh doanh ít tốn kém. Công ty chỉ phải chi trả tiền thuê địa điểm và sử dụng luôn những nhà sáng tạo khác ở Bắc Kinh Makerspace làm người hướng dẫn. Họ có kiến thức công nghệ, và Creatica có nhiệm vụ kết nối họ với những người trẻ muốn học hỏi.

Giờ đây, các lớp học đã được tổ chức thường xuyên hơn so với khi mới mở – thường là hàng tuần hoặc hai tuần một lần. Họ cũng tổ chức các trại hè và trại đông với quy mô học viên lớn. Học phí được quy định sẵn: lớp học nửa ngày có học phí 550 nhân dân tệ (90 đô la Mỹ), và lớp học cả ngày là 1100 tệ. Thỉnh thoảng, họ cũng mời cả các phụ huynh cùng tham gia lớp học với con mình.

Tuy vậy, trong thị trường giáo dục lợi nhuận cao của Trung Quốc, Creatica cũng phải cạnh tranh với một số lượng quá tải các lớp học khác như piano, violin, và các lớp luyện thi chứng chỉ như TOEFL hay SAT.

Bà Wei cho biết đây thực sự là một thử thách lớn, bởi vì tuy giáo dục công nghệ được lồng ghép đáng kể trong các trường ở phương Tây nhưng ở Trung Quốc nhiều phụ huynh còn không biết nó là gì.

Không có nhiều kinh phí cho việc quảng cáo, Creatica dựa phần lớn vào việc quảng bá truyền miệng. Nhiều phụ huynh cho con em mình học tại Creatica là nhân viên của những công ty công nghệ hàng đầu, bởi vậy họ có thể giúp quảng bá trong giới của mình. Nhờ đó mà Creatica không mất quá nhiều thời gian để phát triển.

Thành công của Creatica phần nào phản ánh nhu cầu thay đổi hệ thống giáo dục theo kiểu “nhồi vịt” của Trung Quốc, một hệ thống hầu như chỉ ép học sinh học để vượt qua được các kì thi.

Trong tương lai, bà Wei muốn đưa Creatica ra một cộng đồng rộng hơn chứ không chỉ dành cho con em nhà khá giả. Ước mong của bà là sẽ được chính phủ và các đoàn thể hỗ trợ để có thể đưa Creatica vào nhà trường phổ thông cho toàn thể trẻ em Trung Quốc.

“Mọi người cứ nghĩ rằng sẽ không thể có được một Steve Jobs của Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ vậy”, bà Wei nói, “Tôi tin rằng nếu những đứa trẻ này có thể tiếp tục được tư duy và tự làm ra các sản phẩm, một ngày chúng sẽ có thể sáng tạo ra một cái gì đó tương tự như Apple ở Trung Quốc.”

PV dịch từ http://www.bbc.com/news/business-29076933

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)