Trung Quốc: Nhà khoa học sống cùng nông dân

Các nhà khoa học nông nghiệp Trung Quốc đã giúp người nông dân tăng sản lượng một số loại cây trồng bằng cách về sống tại các làng quê để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Nhưng liệu sản lượng có phải là yếu tố quan trọng nhất? Hãy nghe ý kiến của các chuyên gia quốc tế về vấn đề này.


Fusuo Zhang, một đồng tác giả của nghiên cứu, trao đổi với nông dân về chế độ nước và dinh dưỡng tốt hơn cho mùa vụ của họ.

Năm 2009, chương trình hỗ trợ khoa học và kỹ thuật cho nông dân được khởi xướng, các giáo sư và sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (CAU) bắt đầu đến sống tại các làng ở huyện Cù Châu, tỉnh Hà Bắc, để giúp những hộ gia đình nhỏ cải thiện tập quán canh tác. Đây là vùng có sản lượng nông nghiệp thấp do đất bị nhiễm mặn.

Qua hơn năm năm, sản lượng bình quân của những cây trồng chủ lực trong toàn huyện như lúa mì và ngô đã tăng 79,6%, trong khi lẽ ra chỉ có khả năng tăng 62,8% – một nghiên cứu được công bố trên Nature gần đây cho biết.

Tiếp nối thành công của chương trình thí điểm này, hiện có 71 chương trình hỗ trợ khoa học và kỹ thuật đang được tiến hành ở 21/23 tỉnh của Trung Quốc.

“Thông thường, nhà khoa học đưa ra kĩ thuật và hi vọng người nông dân có thể áp dụng chúng nhưng họ không thực sự nghĩ người nông dân thực sự cần gì. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sống ở các làng và cùng làm với nông dân. Chúng tôi đề nghị họ đưa những kinh nghiệm và kiến thức của mình vào kĩ thuật, sau đó chúng tôi điều chỉnh lại cho phù hợp”, Giáo sư Weifeng Zhang thuộc CAU, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Thông qua thử nghiệm để so sánh cách làm của người nông dân với của chính mình, các nhà khoa học đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến chênh lệch về sản lượng và đưa ra 10 khuyến nghị để xử lí vấn đề. Sau khi đề nghị các nông dân cho ý kiến, bộ khuyến nghị lại được điều chỉnh một lần nữa và được 71 nông hộ hàng đầu thử nghiệm. Kết quả là sản lượng các loại cây trồng của họ đã tăng trung bình 97% trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2014, trong khi lẽ ra chỉ có khả năng tăng 67,9%.

Bộ khuyến nghị đã được phổ biến rộng rãi thông qua những buổi trình diễn thực tế, lớp tập huấn về nông nghiệp, cuộc thi về năng suất và áp-phích dọc đường lớn. Những hợp tác xã gồm 30 đến 40 hộ gia đình được lập ra để giúp các nông dân mua xỉ vật tư đầu vào hoặc phối hợp để cùng làm những công việc quy mô như thủy lợi hoặc bừa ruộng.

Giáo sư Zhang tin rằng, hệ thống này nên được nhân rộng ở các nước châu Á khác, khi nhiều nước phải đối mặt với những hạn chế tương tự chẳng hạn như cơ hội tốt để tiếp cận các nguồn vật tư đầu vào, bên cạnh nhu cầu về hệ thống chính trị và giáo dục ổn định.

Tuy nhiên, Maximo Torero, giám đốc Ban Thị trường, Thương mại và Thể chế tại Viện nghiên cứu Chính sách lương thực Quốc tế (IFPRI), cho rằng, mọi việc không đơn giản như vậy. “Mỗi vùng không chỉ có những đặc điểm riêng về điều kiện sinh thái nông nghiệp mà còn về trình độ phát triển thể chế”.

Việc chỉ tập trung vào sản lượng khiến người ta lờ đi liệu thực tế có nhu cầu phải tăng vụ hay không, ông nói thêm, và những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng để kết nối những nông hộ nhỏ với thị trường có thể còn quan trọng hơn.

Leah Samberg, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về nông nghiệp quy mô nhỏ tại Đại học Minnesota, nói rằng cách làm này không khác nhiều so với những chương trình “khuyến nông” giúp người nông dân ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học thông qua đào tạo.

Theo Samberg, cách làm trong Chương trình hỗ trợ khoa học và kỹ thuật cho nông dân ở Trung Quốc có điểm mạnh là nó tạo điều kiện cho nhiều thành phần tham gia và quy mô lâu dài, tuy nhiên sản lượng tăng như trong báo cáo mới diễn ra trong một thời gian ngắn và có thể không nhiều ý nghĩa đến vậy.

Samberg cũng đồng ý với Torero rằng việc chỉ thu  hẹp mối quan tâm vào sản lượng của những cây trồng cụ thể có thể phản tác dụng vì chính việc đa dạng hóa mới khiến người nông dân chống sốc tốt hơn. “Nếu người nông dân đầu tư quá đà các nguồn lực vào nâng cao sản lượng của một loại cây trồng thì họ sẽ gặp rắc rối lớn nếu mùa vụ đó thất bại”, bà lưu ý.

Nguồn:
http://www.scidev.net/asia-pacific/agriculture/news/transferring-innovation-universities-farms.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)