Trung Quốc tham vọng trở thành siêu cường quân sự

Trong những năm gần đây, ngoài mục tiêu trở thành siêu cường kinh tế, Trung Quốc đang dần bộc lộ ý đồ trở thành siêu cường trong lĩnh vực quân sự. Những tiến bộ trong việc làm chủ những công nghệ đột phá như điều khiển dàn máy bay không người lái, AI, điện toán lượng tử v.v.. là những bước tiến mới nhất của Trung quốc hướng tới thực hiện tham vọng này.

Khiến thế giới sửng sốt với màn trình diễn drone

Tháng 12/2017, Trung Quốc đã khiến thế giới sửng sốt khi lập kỷ lục thế giới với cuộc trình diễn của hơn 1000 máy bay không người lái thu nhỏ (drone) tại Diễn đàn Thịnh Vượng Toàn cầu được tổ chức tại Quảng Châu. Hơn 1000 chiếc drone đã phối hợp thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau để trình diễn trên nền nhạc của các loại nhạc cụ công nghệ cao.

Tuy nhiên, tương lai của những dàn drone cùng với tác động của chúng đối với lĩnh vực quân sự mới thực sự là chủ đề của những cuộc tranh luận diễn ra sau buổi trình diễn. Ý tưởng sử dụng drone số lượng lớn để công phá một mục tiêu, đạt được lợi thế chiến thuật, là một khái niệm phổ biến. Sự phối hợp hoạt động của dàn drone của Trung Quốc đã vượt xa việc phô diễn số lượng drone tham gia trình diễn và kỹ năng hoạt động của chúng ở khoảng cách gần nhau. Hiệu suất đạt được ở cuộc trình diễn năm 2017 đã chứng tỏ kỹ năng điều khiển hiệu quả các hệ thống dàn drone của Trung Quốc. Có thể điều khiển 1.108 chiếc drone bé nhỏ bay trong một đội hình đơn nhất đã chứng tỏ năng lực của Trung Quốc đối với lĩnh vực bay tự động cũng như mối quan tâm của nước này tới không chỉ những chiếc máy bay không người lái đơn giản mà còn là những dàn thiết bị bay không người lái thông minh, có khả năng thực hiện những nhiệm vụ phức tạp trong lĩnh vực quân sự.

Điều đó chứng tỏ năng lực làm chủ kỹ năng drone swarming (điều khiển máy bay không người lái theo đội hình), Trung Quốc đã đạt được những bước tiến xa trong lĩnh vực này. Những chiếc drone được lập trình cũng đã chứng minh có năng lực “tự học”. Trong các cuộc trình diễn bay, những chiếc drone thu nhỏ khi lạc ra khỏi đội hình của nhóm hoặc không đạt tới mục tiêu như dự định, sẽ tự hạ cánh.

Nếu những dàn máy bay không người lái được sử dụng để công phá hoặc làm nhiễu các hệ thống quân sự và an ninh quốc phòng, sẽ giúp cho các lực lượng quân đội dễ dàng xâm nhập vào một khu vực cụ thể. Thông thường, lực lượng quân đội sẽ phải có lợi thế về mặt chiến lược hoặc thậm chí gần như là chắc chắn thắng trước kẻ thù mới có thể làm chủ chiến trường. Có thể điều khiển các luồng máy bay không người lái sẽ có lợi thế rất lớn trong phòng thủ và tấn công. Những chiếc máy bay không người lái có thể được sử dụng với vai trò là một phương pháp phòng thủ trong trường hợp xảy ra tấn công hay bùng nổ cuộc chiến tranh lớn. Chúng sẽ được một chiếc máy bay điều khiển và được phóng vào không trung bằng những chiếc máy bay chiến đấu. Trong kịch bản tấn công, những dàn máy bay không người lái  thông minh có thể làm suy yếu các hệ thống phòng thủ của địch, vô hiệu hóa các yếu tố phòng thủ trên chiến trường và cho phép quân đội di chuyển dễ dàng và chủ động tấn công.

Trên thế giới, chương trình Công nghệ điều khiển phương tiện trên không không người lái giá rẻ (LOCUST) của Mỹ đã trình diễn một hệ thống có khả năng “phóng” nhanh những chiếc máy bay không người lái vào không trung từ một đường ống duy nhất, giống như một khẩu súng phòng không nã hàng trăm viên đạn trong vài giây. Trung Quốc đã sao chép thành công các hệ thống Predator và Reaper của Mỹ bằng việc tung ra các hệ thống tương tự giá thành rẻ mà không kém phần tinh xảo.

Với những cuộc trình diễn drone số lượng lớn, Trung Quốc chứng tỏ ở một số khía cạnh họ thậm chí còn vượt Mỹ trong lĩnh vực này. Ngoài ra, máy bay không người lái nhỏ thông minh của Trung Quốc cũng có khả năng tự sửa chữa, cho thấy chúng đạt tới khả năng tự trị thực sự, có thể mang lại vô số lợi ích trong tương lai. Kỹ năng phối hợp và hoạt động dựa trên mạng lưới hiện đang được nghiên cứu trong lĩnh vực máy bay không người lái. Tuy nhiên, nghiên cứu hoạt động và các mô hình phối hợp trong khi bay giữa các drone thường liên quan tới các ứng dụng quân sự. Ví dụ, một nhóm máy bay không người lái có thể hoạt động theo kiểu tiến hành tấn công vào một mục tiêu cụ thể, một chiếc tàu chiến hay một chiếc xe tăng. Nếu được hoàn thiện, dàn drone và các mô hình chuyến bay của chúng còn có thể được tinh chỉnh để có thể vận chuyển cả những tải trọng nhỏ. Có thể mang theo một vật trọng lượng nhẹ, một chiếc máy bay không người lái về cơ bản sẽ có thể hoạt động như một tên lửa.

Ngoài việc luyện tập các đàn bay không người lái trong không trung, gần mặt đất và trên mặt nước, Trung Quốc còn luyện tập năng lực điều khiển các dàn drone ở khoảng cách gần (khoảng 20 km so với mực nước biển). Năm 2017, Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công máy bay không người lái ở khoảng cách gần, với mục đích thu thập thông tin tình báo có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và an ninh, ví dụ như lập bản đồ địa hình và chiến trường. Cuộc diễn tập của Học viện Quang điện tử tại Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 2017 đã đạt kết quả là phóng thành công máy bay không người lái bằng phương tiện xung điện từ, bay tới mục tiêu mà không cần hướng dẫn của con người. Các máy bay không người lái này bay đạt tốc độ 100 km/giờ trong phạm vi một mét, có khả năng tự điều chỉnh quỹ đạo và độ cao trên đường đi.

Khả năng điều khiển thành thạo các dàn máy bay không người lái như một phương pháp tình báo và thu thập thông tin quan trọng trên mặt đất sẽ mang lại nhiều ứng dụng hứa hẹn vì ở một số khía cạnh có thể thay thế cho vệ tinh với chi phí rẻ hơn nhiều. Tuy vậy, với việc Trung Quốc thể hiện tham vọng trong lĩnh vực quân sự thông qua ứng dụng công nghệ như drone swarming có thể tác động đáng kể đến cán cân quyền lực giữa các quốc gia đồng thời gây nên những mối quan ngại về an ninh trong khu vực.

“Công nghệ của Trung Quốc đang bắt kịp, và có lẽ vượt qua cả Mỹ”

Đó chính là nhận định được đưa ra trong Báo cáo về Sự tiến bộ của Trung Quốc ở các công nghệ mới nổi được đệ trình trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện của Mỹ vào tháng 1 năm 2018. Quả thật, trình diễn drone quy mô lớn chỉ là một trong những năng lực tiềm năng mới đối với lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc còn thể hiện những khả năng khác như tấn công mạng, vũ khí chống vệ tinh, công cụ chiến tranh điện tử, vũ khí siêu nhân, trí thông minh nhân tạo và công nghệ lượng tử. Đó là những năng lực mới mà công nghệ đột phá mang lại, có khả năng cho phép Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) giành chiến thắng trong tương lai. Những công nghệ này có thể được chia thành hai nhóm: Các công nghệ phá vỡ và làm suy giảm khả năng quân sự của đối phương bằng cách khai thác lỗ hổng trong miền thông tin; và các công nghệ có khả năng quyết định cán cân giữa năng lực kinh tế và năng lực chiến lược toàn cầu trong tương lai. Theo bản báo cáo, PLA đã nhận ra điểm yếu của quân đội Mỹ đó là rất dễ bị tấn công phủ đầu ở “địa hạt thông tin”. Mỹ có thể có nhiều tàu sân bay, xe tăng và tên lửa tốt hơn nhiều so với PLA, nhưng nếu không truy cập vào dữ liệu và kết nối của những hệ thống này không hoạt động hiệu quả hoặc thậm chí không thể hoạt động, thì những thiết bị quân sự tối tân đó cũng trở nên vô dụng. Những nhà quân sự chiến lược của Trung Quốc mô tả gót chân Achilles của quân đội Mỹ đó là: “Không có vệ tinh, không thể chiến đấu”. Trong khi đó, Trung Quốc đã chứng tỏ có khả năng phá vỡ, làm suy yếu và thậm chí phá hủy cơ sở hạ tầng ICT của quân đội Mỹ. Bên cạnh đó, PLA đã thử nghiệm một loạt các vũ khí chống vệ tinh, bao gồm các loại phương tiện tiêu diệt cơ động trên mặt đất (ground-based kinetic vehicles), vũ khí năng lượng định hướng (directed energy weapon), năng lực gây nhiễu và giả mạo, và “vệ tinh tiêu diệt”, được thiết kế để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh khác trên quỹ đạo. Quân đội Trung Quốc còn mở rộng năng lực chiến tranh điện tử, thử nghiệm những năng lực phá rối các hệ thống radar và thông tin liên lạc cũng như các hệ thống GPS giả mạo. Quân đội Trung Quốc còn phát triển một số khả năng tấn công mạng tinh vi nhất trên thế giới. Họ cũng đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở công nghệ để có thể thống trị các công nghệ của tương lai. Đặc biệt, Trung Quốc coi trí tuệ nhân tạo (AI) và lượng tử là nền tảng cho cả năng lực cạnh tranh kinh tế và quân sự về lâu dài. Trung Quốc giờ đây không chỉ là một nước chuyên sao chép hay ứng dụng những công nghệ này mà còn là một nhà sáng tạo ra công nghệ. Bản báo cáo chỉ rõ, cạnh tranh trong lĩnh vực AI giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành cuộc so kè bất phân thắng bại. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện xuất bản nhiều bài báo về lĩnh vực AI hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, mặc dù các bài báo của Mỹ được trích dẫn nhiều hơn. Các công ty Trung Quốc dã đạt được những cú đột phá lớn trong lĩnh vực ứng dụng AI bao gồm xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thông dịch theo thời gian thực, phân tích hình ảnh, và lái xe tự động. Trong lĩnh vực lượng tử, Trung Quốc cũng đạt những bước tiến rất xa. Trung Quốc đã phóng một vệ tinh liên lạc lượng tử có tên là Micius; thiết lập một liên kết sợi lượng tử giữa Bắc Kinh và Thượng Hải; đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu về điện toán lượng tử và thậm chí tuyên bố đã thử nghiệm radar lượng tử có chức năng phát hiện máy bay tàng hình.

Mặc dù một số tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ lượng tử của Trung Quốc có thể bị thổi phồng, nhưng không thể phủ nhận được quân đội Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh nhờ những tiến bộ của các công nghệ đột phá. Sức mạnh này, như bản báo cáo của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ chỉ ra, chủ yếu là nhờ một chiến lược tài trợ mạnh mẽ và đúng hướng của chính phủ Trung Quốc.  

Phương Anh tổng hợp

 

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)