Trung Quốc tiếp tục thế độc tôn về đất hiếm

Trung Quốc gần như độc diễn trong việc khai thác và cung cấp đất hiếm cho các nền công nghiệp cả thế giới - đây là một sự lệ thuộc không mấy dễ chịu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng này chỉ thay đổi một cách chậm chạp.

Cơ quan Liên bang về Khoa học địa chất và tài nguyên của Đức (Die Bundesanstalt für Geowissenschaften und Rohstoffe – BGR) vừa công bố những số liệu mới nhất về đất hiếm trên thị trường thế giới, cho thấy năm 2010, sản lượng của Trung Quốc chiếm 97,6% và năm vừa qua vẫn ở mức 92,1 %.

Các đối thủ cạnh tranh vẫn chưa rời khỏi điểm xuất phát mặc dù đều muốn tăng nhanh sản lượng để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc: sản lượng của Mỹ năm qua đạt 4,3 %, Nga 2,3 % và Malaysia là 1,3 %.

Trong năm 2013, cả thế giới sản xuất được 90.500 tấn đất hiếm, giảm khoảng một phần ba (tương đương 133.500 tấn) so với năm kỷ lục 2009. Nguyên nhân chủ yếu do giá giảm mạnh và do các quốc gia công nghiệp chuyển sang dùng những nguyên liệu thay thế để hạn chế sự lệ thuộc vào đất hiếm.

Theo các nhà địa chất, hiện thế giới có 440 mỏ đất hiếm. Trữ lượng đất hiếm đã biết với sản lượng khai thác như hiện nay đủ dùng trong 285 năm nữa, thậm chí có thể lâu hơn. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề: Giới chuyên môn phân đất hiếm thành hai nhóm, đất hiếm nhẹ (Cerium, Lanthanum, Praseodymium, Neodymium) và đất hiếm nặng (Dysprosium, Terbium, Europium…) mà theo các chuyên gia BGR, khả năng cung cấp của nhóm thứ nhất không có vấn đề gì, trong khi đó các khu mỏ như Mountain Pass (Mỹ), Mount Weld (Úc) hay khu mỏ Lovozero (Nga) gần như không có đất hiếm nặng – điều đó có nghĩa là ở mảng này Trung Quốc sẽ chiếm vị trí độc tôn.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại, thường chúng xuất hiện tại cùng một địa điểm và trong cùng một loại khoáng thạch. Đất hiếm tuy chỉ được sử dụng với khối lượng nhỏ nhưng lại không thể thiếu trong các lĩnh vực sản xuất máy tính, đầu DVD, các loại ắc quy công suất lớn, ô tô lai Hybrid, bán dẫn, điện thoại di động, một số thiết bị quân sự và tuốc-bin gió. Các nước có nền công nghệ phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, đều có nhu cầu lớn về đất hiếm.

Trung Quốc là nước sản xuất nhiều đất hiếm nhất thế giới, vượt xa các nước khác. Năm 2008, Trung Quốc đã khai thác 120.000 tấn, chiếm 97% sản lượng cả thế giới, và xuất khẩu trên 30.000 tấn.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)