Trung Quốc trước ngã ba đường

“Trung Quốc 2030”, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới và một số chuyên gia của Chính phủ Trung Quốc kết luận rằng: Trung Quốc sẽ khủng hoảng kinh tế nếu không có những giải pháp cải cách sâu rộng, bao gồm giảm bớt quy mô khu vực doanh nghiệp nhà nước, và bắt buộc các doanh nghiệp này hoạt động theo những thông lệ thương mại thông thường.

Báo cáo “Trung Quốc 2030” chỉ ra một số trong những vấn đề kinh tế có tính nhạy cảm chính trị cao nhất. Báo cáo này được xây dựng nhằm tác động tới thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc, những người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình trong năm nay. Nội dung của nó thách thức mô hình kinh tế được hình thành trong nửa thập kỷ gần đây dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mà trong đó vai trò nhà nước đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục được mở rộng.  

Báo cáo cảnh cáo rằng tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ suy giảm nhanh chóng một cách đột ngột. Đây là điều đã xảy ra với những nước đang phát triển từng thành công ngoạn mục khác, như Brazil hay Mexico, khi những nước này vấp phải “bẫy thu nhập trung bình” sau khi đạt một ngưỡng thu nhập nhất định. Suy thoái nhanh chóng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của khu vực ngân hàng Trung Quốc và các khu vực khác, báo cáo cảnh báo, và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng. 

Khuyến nghị của báo cáo là các công ty nhà nước phải có sự theo dõi của các công ty quản lý tài sản, và Chính phủ cần kiểm soát kỹ tình hình tài chính các chính quyền địa phương, khuyến khích cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tư nhân.



Các doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu đa số đang nắm giữ một phần lớn GDP, sản lượng công nghiệp, cũng như nhân công ở Trung Quốc.

“Các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường”, nhận định từ Fred Hu, giám đốc điều hành Primavera Capital Group, một công ty đầu tư ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc phải quyết định “liệu họ muốn nền kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước sẽ bị chi phối bởi những tập đoàn nhà nước khổng lồ hay là những doanh nghiệp tư nhân của thị trường tự do”. 

Cải cách để phát triển

Không rõ báo cáo sẽ tác động tới đường lối chính sách kinh tế của Trung Quốc tới mức độ nào. Theo các chuyên gia thì từ trước khi công bố, báo cáo đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các quan chức quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người dự kiến sắp trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, chưa hé lộ nhiều về chủ trương chính sách kinh tế của mình. Các nhà phân tích hi vọng tính nghiêm túc cao của báo cáo sẽ thuyết phục được ông Tập và các đồng minh cân nhắc bàn thảo những điều chỉnh cho mô hình kinh tế theo định hướng nhà nước, vốn đã kiềm tỏa các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và tạo căng thẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại, bao gồm cả Mỹ.

Các tác giả báo cáo cho rằng sự đồng thuận quan điểm từ cả Ngân hàng Thế giới lẫn Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC) – cơ quan tư vấn cho ban lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ Trung Quốc – sẽ làm tăng trọng lượng cho báo cáo. Ngân hàng Thế giới lâu nay đã được sự tôn trọng khá rộng rãi từ các quan chức Chính phủ Trung Quốc, cụ thể là qua những tư vấn hữu ích giúp định hình tiến trình cải cách thị trường trước đây cho Trung Quốc. 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, trong thông điệp thông báo về báo cáo đã khẳng định “báo cáo đưa ra những khuyến nghị cho một lộ trình phát triển trong khoảng trung hạn, giúp Trung Quốc chuyển tiếp lên một xã hội có thu nhập ở mức cao”. 



Một số nước nghèo trước đây đã tích cực tăng trưởng trong 40 năm qua để dần bắt kịp các nước phát triển. Bảng GDP trên đầu người các nước được điều chỉnh theo sức mua (PPP) tính theo % so với Mỹ (màu xanh: trung bình từ 1950-1969; màu cam: trung bình 2007-2009). 

Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang chi phối lớn tới nền kinh tế Trung Quốc trên các lĩnh vực năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, viễn thông, và hạ tầng. Bên cạnh những đặc quyền khác, họ được tận dụng nguồn vay ưu đãi từ các ngân hàng của nhà nước.

Trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner và các quan chức phương Tây lâu nay chỉ trích rằng những hỗ trợ cho các doanh nghiệp này làm bóp méo cạnh tranh quốc tế. Trong nước, các nhà phê bình phàn nàn rằng những công ty này bóp nghẹt cạnh tranh nội địa, sử dụng đa phần lợi nhuận độc quyền vào việc bành trướng kinh doanh, mở ra các công ty mới, và chỉ trả cho nhà nước phần lợi tức ít ỏi. Một quan chức Ngân khố Mỹ hôm 22/2 khẳng định rằng nước Mỹ ủng hộ những cải cách của Trung Quốc giúp tăng cường khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước.
 
Doanh nghiệp nhà nước thao túng

Những người thực hiện báo cáo khẳng định rằng quan điểm của Ngân hàng Thế giới và DRC là các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc phải được sự giám sát của những công ty quản lý tài sản. Những nhà quản lý tài sản này sẽ giám sát để đảm bảo rằng các doanh nghiệp vận hành theo các tiêu chuẩn kinh doanh thông thường, thay vì chạy theo mục tiêu chính trị. Họ sẽ bán bớt những doanh nghiệp bị coi là không cần thiết, giúp các doanh nghiệp tư nhân dễ cạnh tranh hơn. 

“Trung Quốc cần hạn chế vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, phá vỡ thế độc quyền, đa dạng hóa sở hữu, và giảm rào cản với các doanh nghiệp tư nhân”, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Zoellick khẳng định trong một cuộc tọa đàm với các nhà kinh tế ở Chicago hồi tháng một.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước có những công ty con kinh doanh bất động sản. Điều này làm gia tăng giá đất, góp phần tạo bong bóng nhà đất mà lâu nay Chính phủ Trung Quốc vẫn tìm cách làm xẹp xuống.

Các nhà soạn thảo cho biết báo cáo cũng khuyến nghị rằng các doanh nghiệp nhà nước cần tăng mạnh phần lợi tức trả cho chủ sở hữu – tức Chính phủ Trung Quốc. Điều này sẽ làm tăng doanh thu cho Chính phủ và giúp chi trả cho những chương trình lợi ích xã hội mới.

“Đây là một đề xuất có tính cải tiến”, nhận xét từ Yiping Huang, một chuyên gia kinh tế của Barclays Capital. Tuy nhiên, cả Ngân hàng Thế giới và DRC đều không khuyến nghị tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, có thể vì điều này vẫn chưa được giới chính trị chấp nhận.

Các nhà kinh tế Trung Quốc và Mỹ cho rằng tiền lợi tức từ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi thường bị san sẻ sang những doanh nghiệp không có lãi dưới sự điều phối của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước (SASAC), cơ quan có vai trò quản lý các doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo các công ty đều có lãi.

SASAC và ban tổ chức của Đảng Cộng sản có quyền bổ nhiệm hoặc thay thế các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Điều này khiến Chính phủ có thể can thiệp sâu sắc vào các quyết định của doanh nghiệp. Lâu nay SASAC luôn muốn duy trì quyền lực của mình, và phê phán gay gắt mọi đề xuất về thay đổi cách thức tổ chức như hiện nay.

Trong khi đó, lại thêm một tín hiệu cho thấy những thách thức lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối diện: chỉ số đo lường mức hoạt động sản xuất toàn quốc cho thấy dù có một chút chuyển biến tích cực trong tháng 2, nhưng khối lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn đang tiếp tục suy giảm. Chỉ số sơ bộ China Manufacturing Purchasing Managers Index của HSBC trong tháng 2 đạt mức 49,7, cao hơn mức 48,8 của tháng 1, theo công bố của HSBC Holdings PLC hôm 22/2 (chỉ số dưới 50 cho thấy khối lượng kinh doanh sản xuất vẫn đang giảm so với tháng trước).

Trung Quốc dễ bị tổn thương bởi một cuộc suy thoái lao dốc, theo nhận định từ Jun Ma, một chuyên gia kinh tế của Deustche Bank Trung Quốc. Ma cho rằng Trung Quốc quá lệ thuộc vào những ngành công nghiệp sao chép công nghệ nước ngoài trong khi chưa đủ sức tự mình tạo ra đột phá. Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh sau khi đạt mức thu nhập 5000 USD trên đầu người – cao hơn mức của Trung Quốc hiện nay – vì những nỗ lực cải tiến công nghệ. Nhưng Trung Quốc thua kém khá xa so với Hàn Quốc về số lượng bằng sáng chế trên đầu người, ông nói.

Các chính quyền địa phương Trung Quốc thường thu được nhiều ngân sách từ tiền bán đất hơn là thu thuế. Báo cáo cho rằng chi tiêu cho xã hội của chính quyền cần dựa nhiều hơn vào lợi tức của doanh nghiệp nhà nước, và từ thuế tài sản, thuế doanh nghiệp, và những nguồn thuế khác. “Chúng tôi khuyến nghị rằng mọi nguồn thu phải được đưa về ngân sách”, ông Zoellick nói trong cuộc tọa đàm ở Chicago. “Cần phải có tính minh bạch và có tính chịu trách nhiệm trong tài chính công”.

Những dự báo hiện nay của Conference Board, một hội đồng tư vấn Mỹ, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2012, và sẽ giảm xuống trung bình còn 6,6% từ 2013 tới 2016. Các nhà kinh tế Barry Eichengreen của trường University of California at Berkeley, Donghyun Park của Ngân hàng Phát triển châu Á, và Kwanho Shin của trường Korea University, sau khi nghiên cứu lịch sử những nước thành công về tăng trưởng kinh tế trong quá khứ, cho rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bắt đầu sụt giảm tối thiểu 2% từ khoảng năm 2015.
Mức độ sụt giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế thế giới. Trong khi châu Âu và Nhật Bản đang phải chống suy thoái và Mỹ mới hồi phục một cách yếu ớt, Trung Quốc đang là động lực đáng kể nhất cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà sản xuất hàng hóa ở châu Mỹ Latin, châu Á, Bắc Mỹ, và Trung Đông, cũng như các nhà sản xuất máy móc thiết bị, nông sản, và các hãng thời trang Mỹ, châu Âu, tất thảy đều đang trông cậy vào sự tăng trưởng của Trung Quốc.

THANH XUÂN Lược dịch theo bài viết của Bob Davis đăng trên Wall Street Journal.
http://online.wsj.com/article/SB10001424052970204778604577238901231511224.html?mod=WSJAsia_hpp_LEFTTopStories

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)