Trung Quốc xây phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 đầu tiên ở lục địa

Một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán sắp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây là một phần của kế hoạch xây từ năm đến bảy phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) ở Trung Quốc lục địa đến năm 2025.


Những bộ quần áo phòng độc ở Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia ở Vũ Hán, phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên ở Trung Quốc lục địa.

Phòng thí nghiệm này được Tổ chức Công nhận Quốc gia Trung Quốc (CNAS) chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí của BSL-4 cách đây hơn một tháng. Đại diện của CNAS cho biết, tổ chức này đã kiểm tra cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy trình quản lý của phòng thí nghiệm, chuẩn bị cho việc cấp phép hoạt động của Bộ Y tế. Còn theo đại diện của Bộ Y tế, nếu việc đánh giá diễn ra thuận lợi thì phòng thí nghiệm sẽ được cấp phép vào cuối tháng Sáu.

Các cấp độ an toàn sinh học được xếp loại từ 1 đến 4, trong đó BSL-4 là cấp độ cao nhất. Tiêu chí của nó bao gồm lọc không khí, xử lí nước và rác trước khi thải ra khỏi phòng thí nghiệm, và quy định các nhà nghiên cứu phải thay quần áo và tắm trước và sau khi sử dụng các thiết bị của phòng thí nghiệm. Những phòng thí nghiệm như vậy thường gây tranh cãi. Phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên ở Nhật Bản được xây vào năm 1981, nhưng chỉ nghiên cứu các mầm bệnh có nguy cơ thấp hơn [khả năng nghiên cứu cho phép] cho mãi đến năm 2015, khi những lo ngại về an toàn cuối cùng đã được giải tỏa.

Việc mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm BSL-4 ở Mỹ và châu Âu suốt 15 năm qua – mỗi khu vực hiện có hơn 10 phòng thí nghiệm đang hoạt động hoặc được xây dựng– cũng vấp phải sự phản đối, trong đó có mối nghi ngờ liệu có cần phải xây nhiều phòng thí nghiệm cấp độ an toàn sinh học cao như vậy không.

“Virus không biết đến biên giới”

Phòng thí nghiệm Vũ Hán trị giá 300 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD), và để làm dịu đi những lo ngại về vấn đề an toàn, nó được xây cách xa vùng đồng bằng ngập lũ và có khả năng chống chịu những trận động đất 7 độ richter, mặc dù trong quá khứ, vùng này chưa từng xảy ra động đất mạnh. Nó sẽ tập trung vào kiểm soát các bệnh mới xuất hiện, lưu trữ virus tinh chế và hoạt động trong mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu của WHO.

Dự án đầu tiên của phòng thí nghiệm Vũ Hán là nghiên cứu các mầm bệnh an toàn sinh học cấp độ 3 gây ra bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trên toàn thế giới và có thể truyền sang người.

Trong tương lai, phòng thí nghiệm sẽ nghiên cứu mầm bệnh gây ra dịch SARS – loại mầm bệnh không cần đến phòng thí BSL-4, trước khi chuyển sang nghiên cứu virus Ebola và virus Lassa Tây Phi, là những loại mầm bệnh cần đến phòng thí nghiệm BSL-4. Khoảng một triệu người Trung Quốc đang làm việc ở châu Phi nên nước này cần phải sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào, giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán Yuan Zhiming nói. “Virus không biết đến biên giới.”

Xung quanh phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã xuất hiện những lo lắng. Virus SARS đã nhiều lần thoát ra khỏi những cơ sở nghiên cứu nghiêm ngặt ở Bắc Kinh, Richard Ebright, nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers, Piscataway, New Jersey, Mỹ, nói.

Trung Quốc đã có hai phòng thí nghiệm BSL-4, nhưng đều ở Đài Loan. Còn ở lục địa, sau phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, phòng thí nghiệm BSL-4 ở Cáp Nhĩ Tân cũng đang chờ được cấp phép, trong khi hai phòng thí nghiệm khác ở Bắc Kinh và Côn Minh đã được lên kế hoạch.

Nhàn Vũ dịch

Nguồn:
http://www.nature.com/news/inside-the-chinese-lab-poised-to-study-world-s-most-dangerous-pathogens-1.21487

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)