Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CNC Hòa Lạc: Chưa phát huy hết tiềm năng
Sau 10 năm thành lập, mặc dù cũng đã hỗ trợ và ươm tạo thành công một số doanh nghiệp công nghệ cao (CNC) nhưng Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CNC Hòa Lạc (HBI) vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quảng bá hình ảnh đủ sức hấp dẫn các dự án khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư…
Các nhóm ươm tạo đang thực hiện thí nghiệm tại phòng thí nghiệm Công nghệ thông tin của HBI.
Ý tưởng nghiên cứu lên men ngũ cốc với các chủng nấm dược liệu quý nhằm tạo nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm bằng công nghệ lên men rắn thu sinh khối sợi nấm của nhóm Fermentech của Hoàng Ngọc Thanh được đánh giá là mới, đem lại năng suất cao hơn so với công nghệ lên men lỏng đang được sử dụng rộng rãi hiện nay và đã được trao giải quán quân cuộc thi Hành trình khởi nghiệp (Startup Journey 2016) do Bộ KH&CN tổ chức vào năm 2016. Tuy nhiên, trong bước đầu khởi nghiệp, anh Thanh đã phải đối mặt với một loạt vấn đề như tìm thuê nhà xưởng với giá cả “phải chăng”, chuyên gia tư vấn về sản phẩm, thị trường, doanh nghiệp, tài chính… Sau khi tìm hiểu về HBI ở Techfest 2016 và được mời đến tham quan thực tế ở trụ sở HBI, anh Thanh đăng ký ươm tạo tại đây thay vì lựa chọn một vườn ươm và thuê nhà xưởng ở trung tâm Hà Nội rất đắt đỏ.
Trung bình hằng năm HBI tiếp nhận khoảng 20 dự án đăng ký tham gia ươm tạo như Fermenteh (duyệt khoảng 4-5 dự án). HBI sẽ thành lập một Hội đồng tư vấn (gồm doanh nhân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về công nghệ, thị trường, hoặc nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp thành công) để đánh giá các khía cạnh khác nhau của dự án, đặc biệt là khả năng đột phá (start-up, scale-up). Các dự án đủ điều kiện, lọt qua vòng tuyển chọn sẽ tham gia vào các quy trình ươm tạo khác nhau như tiền ươm tạo (tối đa 6 tháng) và ươm tạo (từ 2-3 năm). Cho đến nay, Trung tâm đã ươm tạo được gần 40 nhóm khởi nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học – y dược.
Khởi nghiệp ở HBI có “lợi thế” về cơ sở hạ tầng với hơn 4ha đất, 6000m2 văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm. Điều kiện này đặc biệt hữu ích là đối với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học-y dược cần có hệ thống vườn ươm, nhà kính để hoàn thiện công nghệ và sản phẩm (rất khó tìm nếu triển khai dự án tại khu vực trung tâm Hà Nội vì chi phí thuê mướn đắt đỏ). Cụ thể, khi tham gia quy trình ươm tạo tại HBI, các nhóm khởi nghiệp được sử dụng miễn phí không gian làm việc chung (co-working space), sử dụng miễn phí hạ tầng cơ sở vật chất dùng chung (gồm phòng thí nghiệm, phòng họp, dịch vụ lễ tân, photocopy, wifi…), được giảm 50% giá thuê phòng riêng, xây dựng cơ sở thí nghiệm, xưởng sản xuất riêng. Nổi bật trong số đó, phòng thí nghiệm IoT (internet of things) Hòa Lạc (do HBI và các công ty công nghệ hàng đầu như Dell, Intel, DTT phối hợp đầu tư xây dựng) được đưa vào sử dụng từ nửa cuối năm 2016 là một trong những phòng thí nghiệm được kỳ vọng sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhóm khởi nghiệp về công nghệ thông tin, công nghệ tin-sinh học, khoa học sự sống. Với hiện trạng đó, HBI được đánh giá là “có cơ sở vật chất không đâu bằng”, theo ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc chia sẻ với Tia Sáng.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được HBI tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo sau đó mới mời chuyên gia khởi nghiệp xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp. “Phần lớn các nhóm khởi nghiệp ở HBI có kiến thức về công nghệ nhưng các kỹ năng xây dựng và quản trị doanh nghiệp, kỹ năng tài chính, thị trường, gọi vốn… còn rất ‘mơ hồ’ và ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó chúng tôi cần khảo sát nhu cầu cụ thể của từng nhóm khởi nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó giám đốc HBI cho biết.
Sau 10 năm thành lập, tỉ lệ doanh nghiệp được ươm tạo thành công ở HBI khá cao, trong số 40 nhóm khởi nghiệp được ươm tạo, đã có 20 nhóm khởi nghiệp tốt nghiệp và thành lập doanh nghiệp, ¾ trong số đó vẫn có mặt và hoạt động trên thị trường sau ba năm. Một nửa số doanh nghiệp tốt nghiệp đang phát triển tốt, khẳng định được thương hiệu, gọi được vốn đầu tư như AI, Isolar, Nasia, Vietsoftpro, Techbifarm, Fujidenki, Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm…
Đối với một số startup “xuất thân” từ nhà nghiên cứu, HBI mang lại giá trị lớn nhất là “tinh thần khởi nghiệp”. “Khi từ Nhật Bản về Việt Nam, tôi từng nghĩ chỉ tập trung ngồi nghiên cứu, còn quá trình đưa nghiên cứu đó thành sản phẩm ứng dụng là việc của những người khác. Nhưng khi trao đổi với anh Nguyễn Đức Long, giám đốc HBI thì tôi ‘bị nhiễm’ tinh thần startup và lao vào thử sức đầy mạo hiểm”, TS. Vũ Tất Thắng, giám đốc Isolar, một startup công nghệ đã từng được ươm tạo ở HBI từ năm 2010 tới 2012 và đang là đối tác của một số tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, FPT, Microsoft cho biết.
Chưa đủ sức hút
“Dù có nhiều doanh nghiệp tốt nghiệp ở HBI được đánh giá tốt, có danh tiếng, tỉ lệ ươm tạo thành công như vậy là cao so với mặt bằng chung các cơ sở hỗ trợ ươm tạo, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì chúng tôi vẫn tự đánh giá số lượng các startup được ươm tạo tại đây vẫn ít, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, trong đó nguyên nhân đầu tiên là HBI bị hạn chế về điều kiện tuyển chọn dự án đầu vào ươm tạo. Không giống với các vườn ươm khác có thể ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp từ nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ công nghệ khác nhau, HBI chỉ được phép ươm tạo dự án khởi nghiệp công nghệ cao, có khả năng phát triển thành các doanh nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai là thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ cho khởi nghiệp ở khu CNC Hòa Lạc đủ để “hút” giới khởi nghiệp, giới đầu tư. “Khu CNC Hòa Lạc dự kiến sẽ hình thành một hệ sinh thái công nghệ cao gồm có Viện nghiên cứu, trường đại học, các công ty công nghệ… nhưng thực trạng phát triển hiện nay cũng chưa được như kỳ vọng. Mà hoạt động ươm tạo cũng là chịu ảnh hưởng bởi bức tranh chung đó”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết.
Nguyên nhân thứ ba chính là khả năng tự quảng bá và hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp của HBI. HBI vẫn chưa thể ‘gãi trúng’ nhu cầu cần đầu tư khởi nghiệp, kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ của một số nhóm khởi nghiệp. “Bởi vì HBI chưa có được cơ chế, chức năng và tiềm lực để trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp được ươm tạo. Chính vì vậy HBI cũng rất khó lượng giá được chính xác tỉ lệ đóng góp của mình vào thành công của doanh nghiệp đã được ươm tạo tại đây để ‘quảng cáo bản thân’ ”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu chia sẻ.
HBI đang nỗ lực thúc đẩy liên kết với các vườn ươm tư nhân khác trên địa bàn Hà Nội để xây dựng được mạng lưới các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp công lập và tư nhân cùng phối hợp chia sẻ nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ chéo cho các nhóm khởi nghiệp. Nhiều đơn vị khác như Up, Hatch đã sẵn sàng nhận học viên của HBI tham gia các khóa đào tạo của họ hoặc các mentor ở đây sẵn sàng tới HBI giảng các khóa tăng tốc khởi nghiệp.
Tuy nhiên, “việc liên kết và thu hút các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài vào HBI vẫn còn nhiều khó khăn. Các vườn ươm tư nhân luôn dễ dàng thu hút quỹ đầu tư nước ngoài nhờ cơ chế hoạt động nhanh chóng, linh hoạt. Còn các đơn vị nhà nước bao giờ cũng vướng nhiều thủ tục hành chính. Và thực sự trong các vườn ươm nhà nước hiện nay, chưa có vườn ươm nào thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng”, ông Hiếu nói.