Truy cập mở kim cương và cái đích của chuyển đổi số ngành xuất bản

Ngày 30/3/2021, Cơ quan về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phát hành bản thảo thứ hai của tài liệu Khuyến cáo Khoa học Mở, sau khi trải qua hàng loạt các thảo luận quốc tế kéo dài gần một năm (4/2020 – 1/2021) về bản đầu tiên1. Phiên bản tài liệu Khuyến cáo mới nhất này dự kiến tới tháng 8/2021 sẽ được chuyển tới các quốc gia thành viên UNESCO để lấy ý kiến phản hồi nhằm chuẩn bị cho phiên bản cuối cùng, dự kiến sẽ được phê chuẩn tại phiên họp toàn thể của UNESCO vào tháng 11/2021. Nội dung tài liệu đề cập một cách toàn diện tới nhiều vấn đề của Khoa học Mở, nhấn mạnh Truy cập Mở tới kiến thức khoa học là một trong những trụ cột chính của Khoa học Mở, được nêu như sau:

Trích dẫn

Truy cập mở tới kiến thức khoa học thường được hiểu là truy cập tới các ấn phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, phần mềm, mã nguồn và phần cứng được lưu trữ trên phạm vi công cộng (public domain) hoặc được phát hành có bản quyền dưới một giấy phép mở cho người dùng có thể có thể tái sử dụng, tùy mục đích, tùy ý thay đổi và phát hành lại. Ai cũng có thể tiếp cận kịp thời các tri thức này bất kể vị trí địa lý, quốc tịch, chủng tộc, tuổi tác, giới tính, thu nhập, điều kiện kinh tế xã hội, giai đoạn nghề nghiệp, ngành nghề, ngôn ngữ, tôn giáo, tình trạng khuyết tật, sắc tộc và di cư; miễn phí ở mức rộng nhất có thể. Do đó, người dùng có thể tiếp cận nhanh chóng, tự do với chi phí chấp nhận được tới các nguồn tài nguyên sau:    

Các ấn phẩm khoa học bao gồm các bài báo khoa học được bình duyệt, các báo cáo nghiên cứu, bài báo hội thảo, sách và những kết quả nghiên cứu khoa học khác tương tự (ví dụ như các kết quả nghiên cứu mới, dữ liệu nghiên cứu, phần mềm, mã nguồn, tài liệu gốc, quy trình và các giao thức làm việc, phiên bản số của tư liệu hình ảnh và đồ họa cùng những dữ liệu học thuật đa phương tiện), được cấp phép mở hoặc được lưu trữ trên phạm vi công cộng hoặc được ký gửi, trước khi xuất bản trên một kho dữ liệu mở online, theo các tiêu chuẩn kĩ thuật phù hợp được hỗ trợ và duy trì bởi một cơ quan nghiên cứu, hiệp hội khoa học hoặc cơ quan chính phủ hoặc một đơn vị uy tín không vì lợi nhuận có mục tiêu thúc đẩy khoa học mở, xuất bản không rào cản, có tính kết nối và lưu trữ dài hạn.

Dữ liệu nghiên cứu mở bao gồm dữ liệu số và cả các dữ liệu analogue (ví dụ như video, ảnh chụp, băng ghi âm…), gồm cả các dữ liệu thô lẫn dữ liệu đã được xử lý, đi kèm với metadata (thông tin kĩ thuật của dữ liệu đó), cũng như số liệu, các tư liệu chữ viết, hình ảnh, âm thanh, các giao thức và quy trình đều phải được mở để bất cứ ai biết đều có thể tự do sử dụng, sử dụng lại, lưu giữ và phát hành lại. Các dữ liệu nghiên cứu mở cần sẵn sàng để tiếp cận kịp thời, dễ sử dụng, người và máy đều đọc được và tương tác được, đồng thời cũng phù hợp với các nguyên tắc quản trị và tổ chức dữ liệu tốt như nguyên tắc FAIR (findable – dễ tìm, accessible – dễ tiếp cận, interoperable – tương hợp được và reusable là sử dụng lại được), và có thể bảo quản và duy trì bằng hệ thống thông thường.

Phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở bao gồm phần mềm mà mã nguồn được công khai, đúng lúc và dễ sử dụng, người và máy đều có thể đọc được và được lưu ở dưới dạng có thể biên tập được, dưới một giấy phép nguồn mở cho phép mọi người có quyền sử dụng, truy cập, chỉnh sửa, mở rộng, nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm phái sinh, chia sẻ phần mềm và mã nguồn, thiết kế. Mã nguồn phải đi kèm với phiên bản đang phát hành và phải công khai trên các kho truy cập mở và có thể truy cập được, giấy phép của mã nguồn phải cho phép chỉnh sửa, các sản phẩm phái sinh và chia sẻ dưới những điều khoản tương đương và tương thích với những chính sách mở.

Phần cứng mở bao gồm các bản vẽ chi tiết của một vật thể được cấp phép theo cách mà có thể nghiên cứu, điều chỉnh, chế tạo và phân phối bởi bất kì ai nhằm nhiều người nhất có thể có cơ hội để xây dựng, thay đổi, chia sẻ tri thức của họ về thiết kế và vận hành phần cứng. Trong trường hợp của cả phần mềm và phần cứng nguồn cử, cần thiết phải có một quy trình bắt nguồn từ cộng đồng cho việc đóng góp, ghi nguồn và quản trị để tạo điều kiện cho việc sử dụng lại, nâng cao tính bền vững của các phần cứng và phần mềm này đồng thời giảm thiểu việc lặp lại các nỗ lực chế tạo sản phẩm một cách không cần thiết.

Hết trích dẫn


Để đạt đến mô hình truy cập mở kim cương (OADJ), thế giới, và đặc biệt là châu Âu, đã trải qua 3 giai đoạn tiến hóa trong nhiều năm. Ảnh: Sciencemag.org

 

Truy cập mở với các yêu cầu để “Những người sử dụng vì thế có được sự truy cập kịp thời, tự do và với chi phí chấp nhận đượctới kiến thức khoa học được nêu ở trên rõ ràng là các thách thức vô cùng lớn đối với toàn bộ hệ thống truyền thông học thuật nói chung, các nhà xuất bản khoa học nói riêng. “Những người sử dụng” được nêu ở đây cũng bao gồm tất cả các nhà nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, cùng một lúc, họ vừa là các nhà nghiên cứu khoa học, vừa là những người sử dụng các kiến thức khoa học.

Một trong các mô hình xuất bản truy cập mở có thể đáp ứng được các yêu cầu đó là mô hình của các Tạp chí Truy cập Mở Kim cương – OADJ (Open Access Diamond Journals).

Bài viết này cố gắng trả lời cho vài câu hỏi: Truy cập Mở Kim cương – DOA (Diamond Open Access) là gì? Nó đã được phát triển trong thực tế ra sao? Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới xuất bản truy cập mở thế nào? Định kiến về các tạp chí truy cập mở săn mồi ra sao? Mô hình phát triển bền vững của các nhà xuất bản khoa học sẽ như thế nào với DOA?

 

Các tạp chí Truy cập Mở Kim cương (OADJ) là gì?2

 

Cho đến hiện nay, mô hình kinh doanh của nhiều nhà xuất bản vẫn là theo hình thức thuê bao, tức là người đọc phải trả một khoản phí lớn thường kì để đọc các tạp chí của các nhà xuất bản đó. Với xuất bản mở, hình thức ưa thích hiện nay là APC Gold OA.   

Trong khái niệm APC Gold OA, APC – Article processing charge nghĩa là khoản phí các tác giả đôi khi phải trả cho nhà xuất bản để tác phẩm có thể được truy cập mở. Các tạp chí Truy cập Mở Vàng – Gold OA (Gold Open Access) đảm bảo các công bố khoa học ngay lập tức được công khai theo chế độ truy cập mở ngay khi được xuất bản. Vì vậy APC Gold OA nghĩa là loại tạp chí sẽ yêu cầu tác giả và thư viện các trường đại học trả một khoản phí xử lý công bố của mình để nó có thể mở với người đọc tức thì. Hiện nay, mô hình đang được nhiều tạp chí truy cập mở và các tạp chí “lai” (loại tạp chí vừa sống dựa vào thuê bao vừa sống dựa vào APC) mời chào các trường đại học.   

Cũng còn một dạng truy cập mở thường hay được nói tới, là Truy cập Mở Xanh – Green OA (Green Open Access) hay còn được gọi là Tự lưu trữ (Self-archiving) đó là khi các tác giả ký gửi các bản thảo được bình duyệt của họ vào các kho lưu trữ mở (Open Archives), các bản thảo này sẽ trải qua một giai đoạn cấm vận (trong đó người đọc phải trả tiền) để cho phép các nhà xuất bản lấy lại các khoản đầu tư của họ trước khi sẵn sàng ở chế độ truy cập mở.

Các tạp chí Truy cập Mở Kim cương trái ngược với tất cả các hình thức xuất bản nói trên. Theo đó, các tạp chí này không lấy tiền của cả tác giả lẫn độc giả. Chi phí biên tập và xuất bản tạp chí hay sách khoa học sẽ do các nhà cấp kinh phí nghiên cứu, mà phần nhiều là từ ngân sách quốc gia, trả tiền.

 

Sự tiến hóa của các mô hình xuất bản truy cập mở

 

Để đạt đến mô hình truy cập mở kim cương (OADJ), nơi cả người sử dụng cũng như các tác giả đều không phải trả khoản phí xử lý bài báo (APC) hay phí xử lý sách – BPC (Book Processing Charge), thế giới, và đặc biệt là châu Âu, đã trải qua ba giai đoạn tiến hóa trong nhiều năm3, từ thí điểm truy cập mở đối với cả các xuất bản phẩm và/hoặc dữ liệu nghiên cứu cho vài lĩnh vực cho tới tất cả các lĩnh vực, với vài điểm nhấn như trong Bảng 1 với đỉnh điểm của nó là Kế hoạch S (Plan S) được một nhóm có tên là Liên minh S (cOAlition S) đưa ra vào tháng 9/2018; Kế hoạch S yêu cầu rằng, từ năm 2021, các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ Truy cập Mở. Liên minh S hiện có 26 nhà cấp vốn nghiên cứu quốc gia châu Âu, cũng như các tổ chức, các nhà cấp vốn nghiên cứu từ thiện và quốc tế, các bên đồng ý triển khai 10 nguyên tắc của Kế hoạch S theo cách thức có phối hợp, cùng với Ủy ban châu Âu4.

 

Các giai đoạn với các chương trình

Xuất bản phẩm

Dữ liệu

Thí điểm

Toàn bộ

Thí điểm

Toàn bộ

Giai đoạn 2007-2013 với FP7

X

 

Giai đoạn 2014-2020 với Horizon 2020

 

X

X

 

Giai đoạn 2021-2027 với Horizon Europe

 

X

 

X

Bảng 1. Độ phủ các đối tượng truy cập mở theo từng giai đoạn

Đi từ thí điểm tới mở rộng ra toàn bộ. Các đối tượng chính của truy cập mở là các xuất bản phẩm – chủ yếu là các bài báo nghiên cứu, và dữ liệu nghiên cứu đều trải qua giai đoạn thí điểm ban đầu, rồi mới mở rộng ra toàn bộ.

Về thanh toán APC. Trong hai giai đoạn trước Kế hoạch S, các nhà cấp vốn chấp nhận đền bù cho các nhà xuất bản APC phát sinh trong chương trình. Tuy nhiên, tới giai đoạn của Kế hoạch S, điều này đã không còn đúng nữa vì các tạp chí lai (vừa lấy tiền thuê bao tạp chí từ người sử dụng, vừa lấy khoản phí APC từ các tác giả) sẽ không còn nhận được tiền đền bù cho các APC nữa, ngoại trừ trường hợp có các thỏa thuận chuyển đổi quá độ với sự khẳng định của các nhà xuất bản về lộ trình chuyển đổi quá độ sang truy cập mở đầy đủ và tức thì.

Các con đường truy cập mở. Vì mục đích để ưu tiên lưu trữ lâu dài các kết quả nghiên cứu, việc tự lưu trữ – truy cập mở xanh, luôn được ưu tiên trước trong hai giai đoạn đầu. Với Kế hoạch S, “các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ các trợ cấp nghiên cứu được nhà nước cấp vốn do các hội đồng và các cơ quan cấp vốn nghiên cứu quốc gia và châu Âu cung cấp, phải được xuất bản trên các Tạp chí tuân thủ Truy cập Mở hoặc trên các Nền tảng tuân thủ Truy cập Mở”.

 

Ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19 tới xuất bản khoa học

 

Trong bối cảnh ngày nay, sẽ là không đầy đủ nếu không nói tới tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19 tới việc xuất bản khoa học, tới truy cập mở tới kiến thức khoa học. Về điều này, cũng trong bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở do UNESCO xuất bản ngày 30/3/2021 đã nêu:

Lưu ý là khủng hoảng y tế toàn cầu Covid-19 đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự cấp bách thúc đẩy truy cập bình đẳng tới thông tin khoa học, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, dữ liệu và thông tin khoa học, tăng cường cộng tác khoa học và việc ra quyết định dựa vào khoa học và tri thức để đáp lại những vấn đề khẩn cấp toàn cầu và nâng cao khả năng phục hồi của các xã hội”.


Khi Zhang Yong-Zhen tại Trung tâm lâm sàng Y tế công cộng Thượng Hải quyết định chia sẻ giải trình tự gene của virus Sars-Cov-2, thực hành khoa học mở trong công bố xuất bản liên quan đến Covid-19 bùng nổ. Ảnh: Time.com

Hội đồng Khoa học Quốc tế – ISC (International Science Council) trong một tài liệu xuất bản tháng 6/2020 của mình5, nêu:

“Như đại dịch Covid-19 đã chỉ ra, công chúng đặt nhiều niềm tin vào khoa học ở những thời điểm diễn ra các cuộc khủng hoảng. Nhưng niềm tin đó phụ thuộc vào sự chuẩn bị sẵn sàng của chính phủ cho các khuyến cáo khoa học phải được mở và công chúng có thể truy cập được. Còn không, tuyên bố của chính phủ tuyên bố các quyết định chính trị của mình là “tuân theo khoa học” chỉ là sự thoái thác trách nhiệm.

Có thể thấy, những bất thường, ví dụ như đại dịch Covid-19 đã chỉ ra cho nhân loại thấy tầm quan trọng sống còn của Khoa học Mở, mà một trong các trụ cột của nó, là truy cập mở đầy đủ và tức thì tới kiến thức khoa học là cần thiết hơn bao giờ hết, để phục vụ con người, để cứu sống vô số mạng người, chứ không vì bất kỳ lý do ngụy biện nào khác.

Lợi ích của Khoa học mở mang lại với Việt Nam có lẽ cũng thể hiện rõ nhất trong thời kì này khi các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp…có thể nắm bắt đặc điểm dịch tễ của virus Sars-CoV-2, đẩy nhanh tốc độ phát triển và sản xuất các sinh phẩm và thiết bị y tế và quy trình để xét nghiệm, phòng chống và điều trị bệnh. Không chỉ vậy, nhờ khoa học mở, chính Việt Nam cũng có những đóng góp ngược lại vào quá trình phát hiện và điều trị Covid-19 trên thế giới.    

 

Định kiến về các tạp chí truy cập mở săn mồi và bổn phận của các nhà khoa học khi nghiên cứu bằng tiền đóng thuế của người dân

 

Một số “nhà khoa học” có định kiến với các tạp chí xuất bản truy cập mở với lý do như thể tất cả chúng đều là các tạp chí truy cập mở săn mồi (Predatory Open Access Journal) để khước từ hoàn toàn việc xuất bản truy cập mở các kết quả nghiên cứu của họ. Điều này là không khác gì với số ít những người có định kiến rằng Internet toàn những điều xấu xa để khước từ hoàn toàn việc truy cập Internet vậy. Bám theo định kiến đó, những người khước từ truy cập Internet hầu như chắc chắn sẽ là những người vô dụng trong kỷ nguyên số, khi mà các kỹ năng số là yếu tố sống còn cho bất kỳ ai để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số, điều gắn liền với việc truy cập và sử dụng Internet. Có điều, thực tế cũng chỉ ra rằng đằng sau định kiến đó, nhiều khi có ẩn ý về sự sợ hãi cao độ của các “nhà khoa học” khi các kết quả nghiên cứu khoa học của họ bị/được phơi ra ánh sáng, bị/được các đồng nghiệp khắp trên thế giới bình duyệt, có thể sẽ phát hiện ra những hạt sạt và/hoặc thậm chí sự “đạo văn” của họ, một thực tế không hiếm thấy hiện nay ở Việt Nam.


Việc yêu cầu người đọc hay tác giả phải trả tiền là hình thức “double dipping” (trả tiền hai lần), không công bằng nhưng mô hình này vẫn tồn tại phổ biến và thao túng ngành xuất bản khoa học. Ảnh: Brendan Monroe/Nature

Bổ sung thêm rằng, một mặt, các nhà khoa học luôn mắc nợ các nhà cấp vốn cho họ để họ nghiên cứu khoa học, và một khi các nhà cấp vốn đó, như 26 tổ chức cấp vốn của Liên minh S, có yêu cầu tất cả các xuất bản phẩm khoa học là kết quả từ nghiên cứu được các trợ cấp nhà nước cấp vốn phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc các nền tảng tuân thủ truy cập mở đầy đủ và tức thì tại thời điểm xuất bản, thì họ có bổn phận phải tuân thủ các yêu cầu đó. Nói một cách khác, một khi bạn nhận tiền từ nhà nước để nghiên cứu khoa học, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn nhận tiền của người dân đóng thuế để nghiên cứu khoa học, và vì thế kết quả của nghiên cứu cần phải được truy cập tự do không mất tiền đối với tất cả những người dân đóng thuế đó, vì họ đã trả tiền cho nó rồi. Điều này là khó có thể bàn cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngoại trừ các nghiên cứu khoa học có liên quan tới an ninh quốc gia và quyền riêng tư của con người.

Mở rộng ý này, là không công bằng và không nên duy trì chế độ theo đó người sử dụng phải trả tiền hai lần (Double Dipping) cho các nhà xuất bản để có được quyền truy cập tới các bài báo là kết quả nghiên cứu được nhà nước cấp vốn và được đăng trên các tạp chí (thường được gọi là các tạp chí truy cập mở lai – Hybrid Open Access Journals): phí thứ nhất là phí thuê bao theo tháng/năm để có quyền truy cập tới các tạp chí, bài báo của nhà xuất bản đó, kể cả các bài báo do nhà khoa học thuộc cơ sở nghiên cứu đó đăng tải; phí thứ hai là phí xử lý bài báo nếu muốn một bài báo trở thành truy cập mở, cho phép tất cả mọi người trên thế giới có thể đọc và xem miễn phí, theo thỏa thuận riêng biệt của nhà khoa học với nhà xuất bản đó. Như vậy, với các bài báo truy cập mở, người sử dụng phải trả phí tới hai lần. Cũng cần được nêu ra ở đây là trên thực tế, đã có nghiên cứu chỉ ra, một cách sòng phẳng rằng, để có thể truy cập được tới các bài báo và dữ liệu là kết quả của một nghiên cứu, người sử dụng có thể phải trả phí không phải chỉ hai lần, mà tối đa có thể lên tới bốn lần, nếu tính thêm cả tiền bao cấp cho các trường đại học để trả lương cho các nhà nghiên cứu và tiền trợ cấp nghiên cứu trực tiếp trả cho nhà nghiên cứu và/hoặc cơ sở của nhà nghiên cứu, cũng đều đến từ tiền thuế của người dân, ngoài hai khoản phí được nêu ở trên6. Có lẽ, chỉ có mô hình Truy cập Mở Kim cương mới chắc chắn loại bỏ thực tế rất không công bằng này!

Mặt khác, ngay trong bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO ngày 30/3/2021 cũng vài lần nêu về việc ứng dụng và phát triển Khoa học Mở cùng lúc với việc đấu tranh chống lại hành vi săn mồi, cũng như các hành vi tiêu cực khác, bên cạnh việc thưởng xứng đáng cho những người đóng góp cho Khoa học Mở, ví dụ như trong Phần V. Thúc đẩy văn hóa Khoa học Mở và điều chỉnh các ưu đãi cho Khoa học Mở, có đoạn như sau:


Ảnh: Nature.com

“Đánh giá đóng góp khoa học và tiến bộ sự nghiệp bằng việc thưởng cho các thực hành tốt về Khoa học Mở là cần thiết để vận hành Khoa học Mở. Cũng nên chú ý tới việc ngăn ngừa và giảm thiểu việc phát sinh tiêu cực không mong đợi của các thực hành Khoa học Mở, như gia tăng các chi phí cho các nhà khoa học, các khoản phí xử lý bài báo – APC (Article Processing Charges) cao, hành vi săn mồi, chuyển đổi, khai thác và tư nhân hóa dữ liệu từ các quốc gia và các thực thể có công nghệ tiên tiến hơn, mất sở hữu trí tuệ và kiến thức”.

 

Những diễn biến mới nhất trong năm 2021 về Khoa học Mở và Truy cập Mở

 

Một nhóm gồm 10 tổ chức khoa học và giáo dục, gồm: (1) OPERAS; (2) SPARC Europe; (3) Thư viện Đại học Utrecht; (4) Đại học Bắc cực của Nauy UiT; (5) CSI; (6) OASPA; (7) DOAJ; (8) Redalyc/AmeliCA; (9) LIBER; (10) ENRESSH, đã nghiên cứu và xuất bản tài liệu về các tạp chí truy cập mở kim cương vào tháng 3/20217 (trùng với thời gian bản thảo Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO được phát hành ngày 30/3/2021). Tài liệu đưa ra:

20 khuyến cáo được chia thành năm nhóm chủ đề, gồm: (1) Hỗ trợ kỹ thuật với ba khuyến cáo, từ R1.1 tới R1.3; (2) Tuân thủ với năm khuyến cáo, từ R2.1 tới R2.5; (3) Xây dựng năng lực với ba khuyến cáo, từ R3.1 tới R3.3; (4) Tính hiệu quả với sáu khuyến cáo, từ R4.1 tới R4.6; (5) Tính bền vững với ba khuyến cáo, từ R5.1 tới R5.3.

Kế hoạch hành động gồm ba mục, theo trật tự tuần tự gồm: (1) Chuẩn bị hội thảo và hội nghị chuyên đề quốc tế (R3.3) trong vòng sáu tháng để khởi xướng hội thoại toàn cầu giữa các bên tham gia đóng góp khác nhau, đặc biệt các cơ sở và các hiệp hội, khai phá việc xây dựng Trung tâm Năng lực (R3.1) và triển khai các khuyến cáo về tính hiệu quả (R4); (2) Thiết lập Chiến lược Cấp vốn (R5.1) trong vòng một năm để triển khai các khuyến cáo cấp vốn khác (R5.2 và R5.3), phối hợp trong Liên minh S nhưng cũng với tới các bên cấp vốn khác khắp trên thế giới; (hai năm để hỗ trợ triển khai các khuyến cáo kỹ thuật khác (R1 và R2).

Vì mục đích của bài viết này, để trả lời cho câu hỏi: mô hình phát triển bền vững của các nhà xuất bản khoa học sẽ như thế nào với Xuất bản Truy cập Mở Kim cương? Tài liệu trên đã đưa ra những khuyến cáo để đảm bảo tính bền vững cho mô hình truy cập mở như sau:

– R5.1: Các nhà tài trợ nghiên cứu, các viện nghiên cứu và hiệp hội cần cộng tác trong chiến lược cấp vốn cho Truy cập Mở kim cương

– R5.2: Các nhà tài trợ nghiên cứu cần cấp vốn ổn định cho các hoạt động của các tạp chí Truy cập Mở kim cương

– R5.3: Các nhà tài trợ này cũng cần phải đầu tư vào tương lai của Truy cập Mở kim cương

bên cạnh đó là mục hai của Kế hoạch hành động, đó là cần:

– Thiết lập Chiến lược Cấp vốn (R5.1) trong vòng một năm để triển khai các khuyến cáo liên quan đến tài trợ khác (R5.2 và R5.3), sự phối hợp không chỉ trong Liên minh S mà còn hướng đến các bên tài trợ khoa học khác khắp trên thế giới.

 

Vài gợi ý cho các nhà xuất bản khoa học nói riêng, hệ thống truyền thông học thuật nói chung

 

Sơ bộ có vài gợi ý dưới đây không chỉ cho các nhà xuất bản khoa học nói riêng, mà cả cho hệ thống truyền thông học thuật của Việt Nam nói chung:   

Hãy chú ý tới xu thế không thể đảo ngược của Khoa học Mở khi Khuyến cáo Khoa học Mở, một cách chắc chắn, sẽ được gần 200 quốc gia thành viên UNESCO ký kết vào cuối năm nay, 2021; cùng với nó, là xu thế xuất bản truy cập mở mà mô hình cao nhất hiện nay của nó, xuất bản truy cập mở kim cương, đang hiện diện và phát triển, bất chấp các khó khăn, bao gồm cả những chống đối, thường thấy trong bất kỳ sự chuyển đổi lớn nào. Cần lưu ý là, trong khi thế giới đã có những bước đi ban đầu trên con đường của Khoa học Mở và Truy cập Mở ít nhất từ khoảng 15 năm trước, thì Việt Nam cho tới bây giờ, mới bắt đầu làm quen với các khái niệm đó.


Truy cập mở kim cương là xu hướng không thể đảo ngược của ngành học thuật quốc tế. Ảnh: Times Higher Education.

Nắm bắt xu thế không thể đảo ngược đó, các nhà xuất bản và tạp chí khoa học, cũng như các bên liên quan khác tới các lĩnh vực khoa học nói chung, hệ thống truyền thông học thuật nói riêng, nên nhanh chóng có những thay đổi hướng tới Khoa học Mở và Xuất bản Truy cập Mở tới kiến thức khoa học, như được nêu ở phần đầu bài viết, đặc biệt với kết quả của các nghiên cứu được nhà nước cấp vốn.

Các tạp chí khoa học nên từng bước thay đổi (các) mô hình kinh doanh8 lâu đời của mình cùng với việc đa dạng hóa các nguồn doanh thu và/hoặc cấp vốn, và suy ngẫm về con đường rất dài hướng tới cái đích là trở thành các tạp chí Truy cập Mở Kim cương, như những gì được 10 tổ chức khoa học và giáo dục được nêu ở trên, khuyến cáo và có kế hoạch hành động để hiện thực hóa nó.

Mô hình xuất bản Truy cập Mở Kim cương không phải là một mô hình xuất bản lãng mạn mà là một mô hình thực tế đã và đang được triển khai trên thế giới. Bản chất của nó, cũng như của truy cập mở nói chung, là để trả lại các quyền tự do hàn lâm, tự do xuất bản kết quả nghiên cứu khoa học cho chính các nhà nghiên cứu, để họ không bị phụ thuộc, không bị trói buộc vào các nhà xuất bản, những tác nhân không trực tiếp tạo ra các bài báo nghiên cứu. Điều này hoàn toàn khả thi làm được khi công nghệ thông tin và truyền thông phát triển, chứ không giống như trước kia, chỉ dựa vào công nghệ in ấn. Với internet và các phần mềm dựa trên nền tảng web cho phép rút ngắn và đơn giản hóa toàn bộ quy trình xuất bản.

Tính bền vững của mô hình truy cập mở kim cương còn là câu chuyện của tương lai. Nhưng đó vẫn là đích của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản khoa học của thế giới khi đi theo Khoa học Mở. Mà Khoa học Mở ở thời điểm tháng 5/2021 này, thì không phải là có thể, mà gần như chắc chắn 100% là xu thế toàn cầu (vì nếu tháng 11/2021, gần 200 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO, thì lúc đó ta sẽ khẳng định được 100% nó là xu thế của thế giới).

Trong tất cả các văn bản chính sách về khoa học ở Việt Nam, chưa hề có những khái niệm liên quan đến khoa học mở. Hiện nay, ta có thể bắt đầu từ việc xây dựng chính sách truy cập mở tầm quốc gia với sự tham gia của nhiều bên như các cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan tài trợ, các trường đại học, nhà xuất bản, các thư viện của trường đại học, viện nghiên cứu để làm sao để các nghiên cứu khoa học vừa tuân thủ các nguyên tắc mở nhưng vẫn tương đối hài hòa lợi ích của các bên.

Đi theo Khoa học Mở, Truy cập Mở và xuất bản Truy cập Mở Kim cương thật sự không dễ dàng, và chắc chắc sẽ gặp phải nhiều rủi ro xung đột với các chính sách và thực hành khoa học hiện hành ở Việt Nam, bao gồm cả của hệ thống truyền thông và xuất bản học thuật. Nhưng rủi ro lớn nhất là không làm gì cả!□

————

Các chú giải

1 Lê Trung Nghĩa, 2020: Khoa học Mở: Những gợi ý cho Việt Nam: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Khoa-hoc-Mo-Nhung-goi-y-cho-Viet-Nam-25552

2 Jeroen Bosman, Jan Erik Frantsvåg, Bianca Kramer, Pierre-Carl Langlais, Vanessa Proudman, March 2021: The OA Diamond Journals Study. Part 1: Findings. DOI: 10.5281/zenodo.4558704. CC BY 4.0.

3 Lê Trung Nghĩa, 2019: Hành trình đi tới Truy cập Mở đầy đủ và tức thì ở Liên minh châu Âu tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu – vài gợi ý cho Việt Nam. https://letrungnghia.mangvn.org/Author/hanh-trinh-di-toi-truy-cap-mo-day-du-va-tuc-thi-o-lien-minh-chau-au-toi-cac-xuat-ban-pham-va-du-lieu-nghien-cuu-vai-goi-y-cho-viet-nam-6232.html. CC BY 4.0.

4 cOAlition S: Plan S: https://www.coalition-s.org/

5 International Science Council (ISC), June 2020: Open Science for the 21st Century: Draft ISC Working Paper. Bản dịch sang tiếng Việt của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/e5xbxklwb3k0u1f/International-Science-Council_Open-Science-for-the-21st-Century_Working-Paper-2020_compressed_Vi-27032021.pdf?dl=0

6 Dan Weijers and Aaron Jarden, 2017: The International Journal of Wellbeing: An Open Access Success Story. In: Jhangiani, R S and Biswas-Diener, R. (eds.) Open: The Philosophy and Practices that are Revolutionizing Education and Science. Pp. 181–194. London: Ubiquity Press. DOI: https://doi.org/10.5334/bbc.n. License: CC-BY 4.0. Bản dịch của Lê Trung Nghĩa: https://www.dropbox.com/s/7w5yv3j8j6omcok/the-international-journal-of-wellbeing-an-open-acc_Vi-29012019.pdf?dl=0

7 Arianna Becerril, Lars Bjørnshauge, Jeroen Bosman, Jan Erik Frantsvåg, Bianca Kramer, Pierre-Carl Langlais, Pierre Mounier, Vanessa Proudman, Claire Redhead, Didier Torny, March 2021: The OA DIAMOND Journals Study: Exploring collaborative community-driven publishing models for Open Access. Part 2: Recommendation. DOI: 10.5281/zenodo.4562790. CC BY 4.0.

8 Lê Trung Nghĩa, 2019: Truy cập Mở và sự chuyển đổi các mô hình kinh doanh xuất bản. https://letrungnghia.mangvn.org/Author/truy-cap-mo-va-su-chuyen-doi-cac-mo-hinh-kinh-doanh-xuat-ban-6264.html. CC BY 4.0.

 

   Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế.

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)