Truyền huyết tương có thể phục hồi các cơ quan và mô bị lão hóa
Các nhà nghiên cứu đã gấp rút sản xuất và thử nghiệm các liệu pháp dựa trên huyết tương sau khi nhiều thí nghiệm phát hiện ra rằng truyền huyết tương có thể phục hồi các cơ quan và mô bị lão hóa. Các nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích đối với loài gặm nhấm, nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy cách tiếp cận này sẽ có ích cho con người.
Các nhà khoa học tuyên bố đã phá kỷ lục tuổi thọ ở chuột, bằng cách kéo dài tuổi thọ của một con chuột thí nghiệm có tên là Sima.
Được đặt tên theo từ tiếng Hindi có nghĩa là “giới hạn” hoặc “ranh giới”, Sima là con chuột sống sót cuối cùng trong một nhóm chuột được truyền huyết tương lấy từ chuột con để xem phương pháp điều trị có kéo dài tuổi thọ hay không.
Các nhà nghiên cứu cho biết Sima, sinh ngày 28 tháng 2 năm 2019, đã sống được 47 tháng, vượt qua 45,5 tháng được cho là tuổi già nhất được ghi nhận trong tài liệu khoa học đối với một con chuột. Đến nay Sima đã sống lâu hơn 6 tháng so với các con trong cùng nhóm thử nghiệm huyết tương.
Tiến sĩ Harold Katcher, cựu giáo sư sinh học tại Đại học Maryland, hiện là giám đốc khoa học của Yuvan Research, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, cho biết: “Đây là con chuột già nhất còn sống”.
Các nhà nghiên cứu đã gấp rút sản xuất và thử nghiệm các liệu pháp dựa trên huyết tương sau khi nhiều thí nghiệm phát hiện ra rằng truyền huyết tương có thể phục hồi các cơ quan và mô bị lão hóa. Các nghiên cứu đã tìm thấy lợi ích đối với loài gặm nhấm, nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy cách tiếp cận này sẽ có ích cho con người.
Kết quả từ nghiên cứu mới nhất của Katcher sẽ được công bố chính thức khi Sima chết, nhưng dữ liệu sơ bộ cho đến nay cho thấy 8 con chuột được truyền nước muối giả dược sống được từ 34 đến 38 tháng, trong khi 8 con nhận được huyết tương cô đặc và tinh khiết, được gọi là E5, sống từ 38 đến 47 tháng. Chuột nhận huyết tương cũng có sức khỏe tốt hơn. Chuột thường có tuổi thọ từ 2 đến 3 năm.
Katcher nói: “Mục đích thực sự của thí nghiệm của chúng tôi không phải là kéo dài tuổi thọ, mà là kéo dài tuổi trẻ, trẻ hóa con người, giúp cho những năm về sau trong cuộc đời không phải là thời gian đau đớn và suy tàn. Nếu làm được điều này, có thể tuổi thọ cũng được kéo dài”.
Kết quả từ những nghiên cứu nhỏ như vậy không mang tính kết luận, nhưng một số nhà khoa học tin rằng hướng nghiên cứu này có tiềm năng. Một nghiên cứu sơ bộ, hợp tác giữa Katcher và các chuyên gia tại Đại học California ở Los Angeles, đã phát hiện ra rằng việc truyền huyết tương từ chuột trẻ làm quay ngược đồng hồ sinh học trên gan, máu, tim và một vùng não gọi là vùng dưới đồi ở chuột. Giáo sư David Sinclair, chuyên gia hàng đầu về lão hóa tại trường y Harvard, cho biết nếu phát hiện này là đúng, thì “việc trẻ hóa cơ thể có thể trở nên phổ biến trong thế hệ này”.
“Tôi nghĩ kết quả thật tuyệt vời. Một số người sẽ chỉ trích kết quả do kích thước mẫu thấp, nhưng tôi tin vào kết quả vì đã có một số nghiên cứu bổ sung”, Giáo sư Steve Horvath, nghiên cứu viên chính tại Altos Labs. Ông dự đoán các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả bằng huyết tương sẽ xuất hiện trong 20 năm tới.
Một bằng sáng chế về liệu pháp tiềm năng mô tả cách huyết tương được tinh chế và cô đặc trước khi sử dụng. Một số thành phần, chẳng hạn như tiểu cầu, bị loại bỏ, vì chúng có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Bằng sáng chế nêu tên lợn, bò, dê, cừu và con người là những nguồn huyết tương có thể sử dụng. Lượng huyết tương cần thiết để tạo ra một liều bằng lượng huyết tương mà người nhận có trong toàn bộ cơ thể của họ.
Giáo sư Joao Pedro de Magalhaes, nhà nghiên cứu sinh học phân tử tại Đại học Birmingham, cho biết huyết tương trẻ hóa là một “biện pháp can thiệp đầy hứa hẹn”, nhưng ông vẫn chưa bị thuyết phục rằng nó có thể làm trẻ hóa động vật già hoặc thậm chí trì hoãn quá trình lão hóa. “Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa những lợi ích ngắn hạn với sự trẻ hóa”, ông nói.
Ngọc Đỗ
(Visited 3 times, 1 visits today)