Từ chuyện con ong nghệ: Đổi mới đâu phải muốn là được

Bấy lâu, có người hay trách doanh nghiệp “làm nông” thì tư duy ít đổi mới, không mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tuy nhiên, cuộc kết nối với các doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp của Israel mới đây tại Trung tâm BSA đã cho thấy một khía cạnh khác: Đối tác có công nghệ tốt, doanh nghiệp Việt cần và thấy phù hợp, nhưng mãi không đến được với nhau. Chỉ vì chính sách chờ hoài vẫn chưa cho phép!

So sánh “thiệt” – “hơn”

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản tươi, ông Lê Văn Cường, Giám đốc công ty Đà Lạt Gap chia sẻ, muốn có những sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao thì rất cần kỹ thuật “dùng côn trùng trị côn trùng”. Hay nói cách khác là nhập khẩu những loài thiên địch. Tuy nhiên, hiện nay việc nhập những loại thiên địch vào Việt Nam sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp là hết sức khó khăn. Ông Cường cho biết, nhiều năm qua đã liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp, “tôi cố gắng tìm hiểu, làm các thủ tục để nhập loại thiên địch mà không có kết quả”, ông Cường nói.

Với khoảng 15ha diện tích đất canh tác được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại, việc thụ phấn cho các loại cây trồng như cà chua, dưa leo, dâu tây… là vấn đề còn nhiều khó khăn với Đà Lạt Gap. Ông Cường dẫn chứng, “chúng tôi trồng cà chua, dưa leo, dâu tây trong nhà kính nhưng phải dùng ong mật để thụ phấn cho cây, dù loài này không thích hợp. Hơn nữa, chi phí rất tốn kém. Mỗi tháng tốn gần 2 triệu mua một tổ ong mật, nhưng dùng khoảng hơn 1 tháng thì chúng bị chết vì không thích hợp sống trong nhà kính. Trong khi đó, giống ong nghệ làm việc rất cần mẫn và tồn tại lâu hơn, chi phi mua loài này cũng rẻ hơn”.

Dù đã áp dụng công nghệ cao trong các khâu, nhưng trong vấn đề bảo vệ thực vật, Đà Lạt Gap lại thiếu những biện pháp mang ý nghĩa “dùng sâu trị sâu, dùng bệnh trị bệnh”. Chính vì thế năng suất, chất lượng vẫn chưa được như mong đợi của người trồng rau. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm qua những thị trường khó tính ở châu Âu, Nhật Bản. Trong buổi gặp gỡ giữa hai bên, đại diện doanh nghiệp Bio Bee của Israel khẳng định: loài ong nghệ rất thích hợp cho việc thụ phấn mà nhiều loại ong khác không làm được. Sử dụng giống ong này sẽ giúp sản lượng tăng thêm 25%.

Theo ông Lê Văn Cường, hiện nay Đà Lạt Gap rất có nhu cầu nhập khẩu các loài như của Hà Lan, hay ong nghệ của Israel hoặc loại ong vàng diệt sâu bọ để dùng trong các nhà kính nhưng vẫn chờ mãi trong vô vọng. “Tôi thấy ong nghệ đã được các doanh nghiệp Israel xuất sang 30 nước, có Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Colombia… là những nước rất chặt chẽ trong nông nghiệp, tôi nghĩ nó không gây hại thì người ta mới nhập chứ. Việc này, nên chăng chúng ta phải nhìn trên thế giới mà tính?” ông Cường băn khoăn.

Cơ hội để thay đổi

Cho rằng đây là một cơ hội để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, ông Cường kiến nghị: “Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách để khảo nghiệm, khảo sát về những loài thiên địch có lợi cho cây trồng. Người trồng trọt rất cần những loài thiên địch để quản lý dịch bệnh. Đây là biện pháp có tính thân thiện với môi trường, an toàn cho người chăm sóc, người tiêu dùng”. Nông nghiệp sạch Việt Nam đang hướng tới vấn đề xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp quyết tâm đầu tư để khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Vì thế, những cơ chế chính sách cũng cần phù hợp để theo kịp sự phát triển trong ngành.

Được biết, để nhập những loại thiên địch hay ong nghệ, chi phí làm thí nghiệm rất tốn kém. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới cũng như tính hữu dụng của những loài trên, doanh nghiệp nông sản tươi sẵn sàng chấp nhận bỏ chi phí để cùng nhà nước và doanh nghiệp Israel làm thí nghiệm.  

“Mong rằng, nhà nước sớm cho những doanh nghiệp như chúng tôi nhập những sản phẩm có lợi trong sản xuất nông nghiệp. Hy vọng Bộ Nông nghiệp và Cục bảo vệ thực vật sớm có những khảo nghiệm nhanh để chứng minh độ an toàn của những loài trên”, ông Cường kỳ vọng.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)