Tư duy công nghệ và giá trị sản phẩm

Các điển hình thành công về Công nghiệp hóa, Công nghệ cao (CNC) hay Hệ thống đổi mới Quốc gia (National Innovation System – NIS) luôn gắn với những hoàn cảnh, điều kiện nhất định và thường bị các nhà hoạch định chính sách ở các nước “đi sau” bỏ qua hoặc không chú ý tới. Những hoàn cảnh, điều kiện trên có khi do con người tạo ra, nhưng cũng có khi là sự hội tụ của những ngẫu nhiên. Việc tìm ra các bản chất, đề ra cách áp dụng hợp với điều kiện của mình không những tạo ra hiệu quả mà còn tránh được những lãng phí, thậm chí những thất bại cho nền kinh tế.

Năng suất lao động: gốc của vấn đề
Gốc của sự phát triển là tăng Năng suất lao động (Productivity, dưới đây viết tắt là NSLĐ). Một quốc gia muốn tăng nhanh và bền vững NSLĐ thì cần phải phát triển Khoa học-Công nghệ (KH-CN). Tăng NSLĐ bằng KH-CN thể hiện ở việc tăng Giá trị sản phẩm (GTSP). Có nhiều cách để tăng GTSP, trong đó có CNC, cách mà một số nước phát triển đang áp dụng thành công. CNC đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm để có hiệu quả nhưng việc gia tăng GTSP thì cần ít điều kiện hơn và có thể áp dụng ngay và ở tất cả mọi lĩnh vực. Nhiều chuyên gia (Alfred Watkins, Jefrey Waite của World Bank, Phillip Griffiths của Science Initiative Group, IDRC của Canada, EU, Kenichi Ohno của JICA, UNIDO…) cho rằng, ở nhiều nước, CNC không nhất thiết đem lại phát triển kinh tế.
Gia tăng GTSP được thực hiện không những bởi việc dùng các công nghệ tiên tiến, ví dụ: CNC, để sản xuất ra, mà còn thông qua các cải tiến, đưa thêm các công năng, chất lượng cho sản phẩm (mà không nhất thiết phải bằng CNC). Để làm được việc đó, người ta có thể áp dụng CNC hoặc có thể đầu tư suy nghĩ, tìm tòi, sáng chế…, để cải tiến sản phẩm. Vì vậy, có thể nói, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm đã được nâng cao. Việc này có thể thực hiện đối với các sản phẩm và công nghệ truyền thống.
Qua đó, các sản phẩm trở nên tinh tế hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường. Đặc biệt với các sản phẩm phi công nghiệp, sản xuất thủ công, không phải sản xuất hàng loạt, với sự thay đổi tương đối cao trong quy trình sản xuất và các sản phẩm đòi hỏi tính thẩm mỹ, tinh tế cao. Lắp ráp (assembling) máy tính xuất khẩu sẽ làm tăng xuất khẩu CNC nhưng là công việc lao động giản đơn, không yêu cầu kỹ năng cao và ít đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, áp dụng KH-CN (có khi chỉ là công nghệ truyền thống) vào chế biến nguyên liệu thô (khoáng sản, tài nguyên…), chế biến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp để xuất khẩu đem lại lượng giá trị gia tăng thường lớn hơn lượng GTGT vào CNC (trong trường hợp CNC còn chưa phát triển hoặc cần đầu tư ban đầu lớn). Điều này có tác dụng lớn vì được thực hiện rộng khắp cho mọi ngành sản xuất, mọi sản phẩm của nền kinh tế, đặc biệt các sản phẩm đơn lẻ, yêu cầu tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Ví dụ: sản phẩm may đo, cây cảnh, thủ công-mỹ nghệ… mà các hộ gia đình, các làng nghề ở Việt Nam đang sản xuất trên diện rộng. Việc áp dụng công nghệ để gia tăng giá trị các sản phẩm xuất xuất khẩu, đặc biệt là tài nguyên, khoáng sản là việc làm trong tầm tay và rất cần làm ngay. Việc gia tăng GTSP hay nâng cao ý thức công nghệ trong sản xuất, kinh doanh còn thể hiện ở những sáng chế, sáng kiến về công nghệ như máy chụp cắt lớp, máy bay cỡ nhỏ, kỹ năng di dời công trình xây dựng… Ngoài ra, công nghệ ở đây còn bao gồm cả quy trình sản xuất nói chung như theo quan niệm của ISO. Điều này đồng nhất với quá trình Tái-chế tạo (Re-engineering), tức là bao gồm cả các cải tiến về quy trình hoạt động.
So sánh giữa CNC và gia tăng GTSP           
Bảng dưới đây giúp so sánh hai khái niệm trên được dễ dàng hơn.

CNC:
– Đòi hỏi vốn đầu tư lớn về xây dựng hạ tầng, thiết bị, công nghệ…, nói chung là “phần cứng”, đặc biệt đối với các nước chưa có nền đại công nghiệp.
– Đòi hỏi các mối liên kết (nói chung là “phần mềm”) mới, ví dụ: các mối liên kết của thị trường KH-CN đã phát triển, các mối liên kết công ty-nghiên cứu-trường đại học ổn định, các chùm (cụm) công nghệ, các ngành công nghiệp hỗ trợ, tác dụng của luật sở hữu trí tuệ và các luật khác…
– Thiếu nguồn nhân lực thích hợp cho CNC.
– Cần mở ra thị trường mới cho CNC (trong nước và xuất khẩu).
– Thêm các cạnh tranh khốc liệt mới.
– Thiếu các cơ chế mới, đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương (ví dụ: về cấp đất, quản lý đầu tư…).
– Nếu hành động chậm sẽ bị thất bại trước các đối thủ hành động nhanh hơn (trong CNC, tốc độ quyết định chứ không phải cường độ).
– Ta chưa có các công nghệ “nền” quan trọng.
– Độ mạo hiểm (rủi ro) cao khi đầu tư.

 
                              R&D
                           
                           Nâng cấp
                           Công nghệ,
                        Chế tạo ngược 
                          Mua sắm &
                    Đồng hóa Công nghệ
                 
        Sử dụng & Vận hành Công nghệ
                
 – Điểm xuất phát cao so với năng lực và nhu cầu của các nước chậm phát triển

Gia Tăng GTSP:
– Cần ít vốn đầu tư vì chủ yếu tận dụng các cơ sở vật chất hiện có.
– Sử dụng các mối liên kết đang tồn tại (VD: sản xuất nhỏ, thị trường sơ khai, hệ thống công nghiệp cơ bản chưa phát triển, các mối liên kết dọc và ngang (vertical and horizontal linkages) chưa phát triển…
– Sử dụng và nâng cấp nguồn nhân lực hiện có.
– Sử dụng và mở rộng các thị trường cũ.
– Có thể khốc liệt hơn nhưng chủ yếu vẫn các dạng cạnh tranh cũ.
– Sử dụng và cải thiện các cơ chế hiện tại.
– Khả năng bắt vào nhịp của thế giới nhanh hơn.
– Người Việt Nam ham tìm tòi, có nhiều sáng tạo cải tiến nhỏ, có độ tinh tế, nhậy bén trong nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng.
– Độ mạo hiểm (rủi ro) thấp hơn.

                             R&D
                           
                          Nâng cấp
                         Công nghệ,
                        Chế tạo ngược 
                          Mua sắm &
                Đồng hóa Công nghệ
                 
        Sử dụng & Vận hành Công nghệ

– Điểm xuất phát phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của các nước chậm phát triển

                                                         
Một số đề xuất

Nền tảng quan trọng nhất là việc nâng cao Tư duy công nghệ (hay Ý thức công nghệ) trong mọi lĩnh vực, ở mọi cấp từ cấp cơ sở (tức nơi sử dụng công nghệ) theo cách tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up approach). Hoạt động này được triển khai diện rộng và chủ yếu do các ngành, địa phương (phi tập trung) bao gồm các lĩnh vực công nghệ với các nguồn vốn nhà nước, địa phương và tư nhân. Trong đó, vai trò của Nhà nước là tiến hành một cách tập trung việc: đánh giá hiện trạng công nghệ của các ngành, xác định một cách tổng quát công nghệ ngành đó trên thế giới (qua đó, thấy được ta đang ở vị trí nào trên “bậc thang” công nghệ ở ngành đó). Sau đó, việc lựa chọn công nghệ thích hợp tùy thuộc vào từng đơn vị, cá nhân.

Tại một số làng nghề, thí dụ như Vạn Phúc, cũng đã có một số thiết bị sản xuất nhưng vẫn mang tính truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ. ảnh: Thời Đại

Đối với CNC, Nhà nước cần tiến hành một cách tập trung (chủ yếu là R&D và công nghệ), trong đó, cần có hoạch định kỹ về lĩnh vực, cách tiến hành (top-down approach). Để tập trung đầu tư, các lĩnh vực CNC cần rất hạn chế và có sự ghi nhận phản hồi (feed-back) kịp thời để điều chỉnh nhanh chóng tránh lãng phí. Sản phẩm cuối của CNC (do Nhà nước tiến hành) nên dừng ở các bản quyền về công nghệ đủ để thương mại hóa.
Như vậy, tránh được đầu tư chung chung vào quãng giữa, tức là không thực sự phát triển được CNC mà cũng không nâng tầm công nghệ được trong diện rộng.
Bên cạnh đó, làm sao để vốn ngân sách cho phát triển công nghệ chỉ là vốn “mồi” cho thị trường công nghệ phát triển (chứ không phải để “nuôi” thị trường). Trong đó, chú trọng vào “kích cung” (demand driven) hơn là kích cầu như hiện nay.
Phát triển Tư duy công nghệ như nói ở trên, thực chất là bước đầu, là nền tảng của Hệ thống đổi mới Quốc gia (National Innovation System–NIS), một chương trình rộng khắp mà ta nhất định phải tiến hành để phát triển đất nước. NIS mang tính đa ngành rất cao và có hiệu ứng lan tỏa, tính công năng (synergy) lớn. Nó đòi hỏi vai trò điều phối lớn từ Nhà nước và sự phối hợp tốt giữa Nhà nước và các ngành, địa phương để bảo đảm tính đồng bộ.

NIS cần lấy khoa học-công nghệ làm nền tảng và điểm xuất phát.

 Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, bắt đầu tiến hành NIS từ việc dùng công nghệ để nâng cao GTSP.
—————
* Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)